APEC 23: tăng trưởng bao trùm thông qua cộng đồng tự cường và bền vững
TCCSĐT - Với thông điệp xây dựng các nền kinh tế tăng trưởng bền vững, công bằng, gắn kết và thịnh vượng, Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 diễn ra tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin) vào trung tuần tháng 11-2015 một lần nữa khẳng định quyết tâm của APEC trong việc đóng góp vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Nắm bắt thuận lợi
Hội nghị APEC 23 diễn ra khi mà tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động. Tại nhiều khu vực, hòa bình, ổn định tiếp tục bị thách thức, kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều rủi ro, các thách thức an ninh phi truyền thống như tình trạng đói nghèo, khoảng cách phát triển gia tăng, biến đổi khí hậu và thiên tai, già hóa dân số,... tiếp tục nổi cộm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những mặt thuận lợi vẫn là cơ bản: hợp tác, liên kết quốc tế phát triển mạnh mẽ với việc Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, hoàn tất việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Không chỉ có vậy, châu Á - Thái Bình Dương đang trong thời điểm mang tính bước ngoặt, việc khẳng định một cộng đồng hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng đang ngày càng định hình. Nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đang hình thành, tạo thêm những động lực tăng trưởng mới để khu vực tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu về tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang đi tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng cân bằng, bao trùm, bền vững, sáng tạo và an toàn từ năm 2010 và đang cùng nỗ lực thúc đẩy Chiến lược tăng cường tăng trưởng chất lượng.
Trong bối cảnh đó, APEC tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, hợp tác ngày càng sâu rộng và đóng góp mạnh mẽ nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm ở khu vực và trên thế giới. Có thể nói, để hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020, hướng tới hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), góp phần củng cố vị thế khu vực, các yếu tố như tăng trưởng, liên kết khu vực và toàn cầu được coi là những động lực chủ yếu. Theo đó, các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục khẳng định ủng hộ củng cố hệ thống thương mại đa phương. APEC 23 nhất trí thông qua các biện pháp cụ thể về tăng trưởng chất lượng, hợp tác dịch vụ, cải cách cơ cấu, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vào thị trường toàn cầu nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Tăng trưởng bao trùm
Ngay từ năm 2010, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới sau khủng hoảng kinh tế thế giới, APEC đã sớm định hình chiến lược tăng trưởng mới, phù hợp với tình hình kinh tế đang có nhiều đổi thay, ứng phó với các thách thức mới, góp phần vào việc bảo đảm tăng trưởng và liên kết kinh tế tại khu vực theo hướng bền vững, phục vụ lợi ích của mọi người dân.
Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí cùng nhau xây dựng “Chiến lược tăng trưởng của APEC” với 5 nội hàm cơ bản, đó là: cân bằng, bao trùm, bền vững, sáng tạo, an toàn. Châu Á - Thái Bình Dương đã đi tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao gồm các biện pháp thúc đẩy hợp tác về cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực và doanh nghiệp, tăng trưởng xanh, kinh tế tri thức và an ninh con người. Vấn đề then chốt của chiến lược tăng trưởng mới là phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó, lấy con người làm chủ thể và trọng tâm.
Lần đầu tiên kể từ khi triển khai Chiến lược tăng trưởng năm 2010, APEC 23 đề ra chiến lược dài hạn nhấn mạnh tới “chất lượng” tăng trưởng, gắn với xây dựng thể chế, gắn kết xã hội và bảo vệ môi trường. Đây cũng là lần đầu tiên APEC thông qua Khuôn khổ hợp tác dịch vụ, coi đây là nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường gắn kết các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Để châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng bền vững, bao trùm, APEC hướng tới đạt các mục tiêu sau: Một là, nỗ lực xóa nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế, thực hiện hiệu quả an sinh xã hội bền vững, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương; hai là, nâng cao năng lực người dân thông qua xây dựng nền giáo dục chất lượng, nền khoa học tiên tiến và nền nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh cải cách thể chế và cơ cấu; ba là, thúc đẩy các mối quan hệ đối tác hiệu quả từ tầng nấc toàn cầu, liên khu vực, khu vực và tiểu vùng, trong đó có việc hỗ trợ các dự án kết cấu hạ tầng và kết nối của các thành viên, như Tầm nhìn ASEAN 2025, tiểu vùng Mê Kông,... Các nhà lãnh đạo cũng nêu bật tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy bình đẳng giới trong việc nâng cao tính tự cường, bền vững. Theo các nhà lãnh đạo APEC, cộng đồng bền vững, tự cường là nền tảng để bảo đảm tăng trưởng bao trùm ở khu vực trong một thế giới ngày càng gắn kết và còn có những bất định của các cộng đồng. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao ý nghĩa của Khuôn khổ Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015 - 2030 và nỗ lực chung, hướng tới thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 sắp diễn ra, nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác, đóng góp đối với các nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, nỗ lực chung của châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu nhằm bảo đảm tăng trưởng bao trùm đang gặp phải một thách thức nghiêm trọng, đó là biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong bối cảnh đó, các thành viên APEC có nhu cầu cấp bách tăng cường phối hợp chính sách, hành động mạnh mẽ giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các thành viên APEC cần tiếp tục đề cao nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, gắn các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực với ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và nguồn nước, thúc đẩy nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng công nghệ mới. Các thành viên APEC đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực trong triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, thỏa thuận mới toàn cầu về biến đổi khí hậu cũng như các nỗ lực chung của APEC. APEC 23 thông qua “Khuôn khổ về giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và “Kế hoạch hành động nhằm tăng khả năng tự cường về an ninh lương thực”. Đây là những đóng góp cần thiết và kịp thời góp phần triển khai Khuôn khổ Sendai.
Ngoài ra, các nền kinh tế thành viên đã thông qua hai Tuyên bố cấp cao về “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: Tầm nhìn về Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương” và “Tuyên bố về việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10”, cùng hai văn kiện kèm theo “Chiến lược APEC về tăng cường tăng trưởng chất lượng” và “Khuôn khổ hợp tác APEC về dịch vụ”. Và một Tuyên bố Bộ trưởng cùng các văn kiện kèm theo, với mục tiêu xuyên suốt là tăng trưởng bền vững, bao trùm.
APEC 23 là bước chuyển mới, nâng tầm hiệu quả hợp tác Diễn đàn APEC, mở rộng sang các lĩnh vực mới, gắn với mục tiêu phát triển. Các thành viên APEC cũng thông qua Chương trình nghị sự hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia thị trường quốc tế và khu vực, đáp ứng kịp thời quan tâm của doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, 97% doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp 60% tổng GDP khu vực.
Như vậy, có thể thấy rõ, APEC 23 đã chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các thành viên xây dựng các nền kinh tế tăng trưởng bền vững, bao trùm, vì một châu Á - Thái Bình Dương ổn định, công bằng, gắn kết và thịnh vượng, đồng thời góp phần nâng tầm APEC thành một diễn đàn “vì sự phát triển”.
Những đóng góp của Việt Nam
Kể từ khi tham gia APEC vào năm 1998 đến nay, Việt Nam đã tận dụng được những cơ chế hợp tác trong khu vực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây chính là cơ sở để đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2015 đề xuất các sáng kiến, đóng góp vào những nội dung quan trọng của hội nghị và chuẩn bị cho APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Là một thành viên APEC, Việt Nam tham gia Tuần lễ cấp cao APEC lần này với một vai trò, vị thế và hình ảnh mới: Thứ nhất, Việt Nam là nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao ở khu vực; thứ hai, Việt Nam là một tâm điểm của liên kết kinh tế khu vực và quốc tế với việc vừa hoàn tất bốn hiệp định thương mại thế hệ mới với các đối tác quan trọng trong năm 2015; thứ ba, Việt Nam đang cùng các thành viên ASEAN nỗ lực hoàn tất xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm 650 triệu dân với GDP khoảng 2.500 tỷ USD.
Tham gia APEC 23, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực vào thành công của Tuần lễ cấp cao 2015, cụ thể:
Một là, trong Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và Phiên thảo luận thứ nhất về “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế”, lãnh đạo của Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực để phát triển; nhấn mạnh APEC cần ưu tiên phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách, an ninh lương thực, quản lý nước, phát triển nông nghiệp, ứng phó thiên tai... Đây cũng là những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam 2010 - 2020.
Hai là, thúc đẩy phối hợp với Pê-ru, nước chủ nhà APEC 2016 và Niu Ghi-nê, nước chủ nhà APEC 2018, nhằm bảo đảm các hội nghị cấp cao sắp tới, đặc biệt là năm APEC Việt Nam 2017, thành công. Với việc đăng cai APEC 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm.
Ba là, chuyển thông điệp mạnh mẽ tới các tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và toàn cầu, về một đất nước Việt Nam tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng với việc hoàn tất đàm phán hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP có sự tham gia của 12/21 nền kinh tế thành viên APEC.
Thành công của APEC 23 có ý nghĩa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời, tạo cơ sở tốt cho Việt Nam đóng góp hiệu quả vào tiến trình phát triển của APEC với tư cách là chủ nhà của Năm APEC 2017. Với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam hướng tới tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế, tiến hành cải cách thể chế mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng,… khẳng định tinh thần đoàn kết cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy liên kết kinh tế vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng./.
Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản  (09/12/2015)
Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới  (09/12/2015)
Kỳ họp 20 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh  (08/12/2015)
Thành phố Hồ Chí Minh và Saint Petersburg thúc đẩy hợp tác  (08/12/2015)
Luật An ninh mạng đầu tiên áp dụng cho toàn Liên minh châu Âu  (08/12/2015)
Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm tàu khu trục tàng hình thế hệ mới  (08/12/2015)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm