Phát triển “Du lịch xanh” góp phần xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long
TCCSĐT - Xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây nhưng đến nay loại hình “du lịch xanh” đã mang lại sự đổi mới trong lĩnh vực du lịch nói riêng và trong đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của nhân dân nói chung. Thực tế cho thấy “du lịch xanh” thực sự phù hợp với điều kiện hiện hữu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, “du lịch xanh” đã và đang góp phần tạo lập nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng nông thôn mới.
Tiềm năng lớn để phát triển “Du lịch xanh”
“Du lịch xanh” là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Trong những năm qua, ở các địa phương có hoạt động du lịch, loại hình “du lịch xanh” đã tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân, nhất là người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa - nơi có các khu bảo tồn tự nhiên, các di tích, danh lam và các cảnh quan tự nhiên độc đáo, hấp dẫn. Ngoài ra, “du lịch xanh” còn góp phần vào việc nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hóa lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, “du lịch xanh” còn được xem là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình làm giảm sức ép phải khai thác nguồn lợi tự nhiên (có khi khai thác đến mức cạn kiệt, tận diệt) trong hoạt động du lịch.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long, một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông, gồm 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích tự nhiên chiếm 12,2% diện tích cả nước; dân số toàn vùng chiếm 19,6% dân số cả nước, trong đó 75% sống ở khu vực nông thôn. Nằm liền kề vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Nam và Đông Nam là Biển Đông, vùng này còn có các đảo, quần đảo xa bờ của Việt Nam như Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Khoai… Đặc điểm nổi bật của đồng bằng sông Cửu Long là có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, đan xen, rất thuận lợi cung cấp nước ngọt quanh năm. Các vùng đất ngập nước theo mùa hoặc thường xuyên cũng chiếm một diện tích lớn và có chức năng kinh tế, sinh thái quan trọng đối với toàn vùng. Các vùng đất ngập nước đã tạo ra ba hệ sinh thái tự nhiên phong phú cho đồng bằng sông Cửu Long: Một là, hệ sinh thái rừng ngập mặn nằm ở vùng rìa ven biển trên các bãi lầy mặn. Các rừng này đã từng bao phủ hầu hết vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long nhưng nay đang giảm dần diện tích. Trong số các rừng ngập mặn còn lại, trên 80% (khoảng 77.000 ha) tập trung ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Hai là, hệ sinh thái đầm nội địa (rừng tràm). Trước đây, rừng tràm từng bao phủ một nửa diện tích đất phèn. Hiện nay, rừng tràm chỉ còn lại trong khu vực đất than bùn U Minh và một số nơi trong vùng đất phèn ở Đồng Tháp Mười, Hà Tiên. Rừng tràm rất quan trọng đối với việc ổn định đất, thủy văn, thích hợp cho việc cải tạo các vùng đất hoang và những vùng đất không phù hợp đối với sản xuất nông nghiệp như vùng đầm lầy than bùn và đất phèn nặng. Ba là, hệ sinh thái cửa sông, nơi nước ngọt từ sông chảy ra gặp biển. Cửa sông duy trì những quá trình quan trọng như vận chuyển chất dinh dưỡng và phù du sinh vật, du đẩy các ấu trùng tôm cá, xác bồi động vật, thực vật và nó quyết định các dạng trầm tích ven biển. Hệ sinh thái cửa sông nằm trong số các hệ sinh thái phong phú và năng động nhất trên thế giới.
Hệ động vật ở đồng bằng sông Cửu Long gồm 23 loài có vú, 386 loài và bộ chim, 6 loài lưỡng cư và 260 loài cá. Số lượng và tính đa dạng của hệ động vật thường lớn nhất trong các khu rừng tràm và rừng ngập mặn còn lại. Đây là một vùng trú đông quan trọng đối với các loài chim di trú. Trong những năm gần đây, 7 khu vực sinh sản lớn của các loài diệc, cò vằn, cò trắng và vạc đã được phát hiện trong các khu rừng tràm; loài sếu mỏ đỏ Phương Đông đã được phát hiện ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp Mười. Trong khu bảo tồn Tràm Chim có 92 loài chim đã được xác định. Trong vùng rừng U Minh có 81 loài chim đã được ghi nhận. Theo Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long còn có trên 250 loài cá nước ngọt, trong đó khoảng 50 loài có giá trị kinh tế cao và khoảng gần 20 loài cá quý hiếm.
Bên cạnh lợi thế về địa lý - tự nhiên, các tiềm năng nhân văn cho phát triển “du lịch xanh” ở đồng bằng sông Cửu Long cũng rất đa dạng và phong phú. Cộng đồng dân cư ở đây có nền văn hóa phong phú, đa dạng bản sắc của nhiều dân tộc anh em, trong đó có 4 dân tộc chiếm đa số là Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Quá trình hình thành và phát triển đã để lại cho đồng bằng sông Cửu Long nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia; nhiều khu sinh thái tự nhiên có giá trị mang tầm quốc gia và quốc tế (có 2/6 khu Ramsar trên cả nước thuộc đồng bằng sông Cửu Long là Vườn quốc gia Tràm Chim và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau). Bên cạnh các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có nhiều nghề thủ công truyền thống (gạch, gốm, rèn, xay xát, nông ngư cụ,…) với kỹ năng độc đáo; nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của cộng đồng các dân tộc (1.234 lễ hội, trong đó có 856 lễ hội dân gian, 262 lễ hội tôn giáo, 107 lễ hội lịch sử cách mạng và 9 lễ hội khác). Ngoài ra, những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực cũng đã tạo nên nét đặc trưng về văn hóa vô cùng hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long.
Dấu ấn còn mờ nhạt
Khai thác những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch nhằm tạo ra một nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới là một cách làm mà nhiều xã trong vùng đã triển khai. Cụ thể như: tỉnh Long An với xã Tân Lập (Mộc Hóa) có Làng nổi Tân Lập; xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại (Tân Hưng) có vùng Đất ngập nước Láng Sen; xã Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa) có Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười. Tỉnh Trà Vinh với xã Trường Long Hòa (Duyên Hải) có bãi biển Ba Động; xã Đại An (Trà Cú) có Chùa Nôdol; xã Lương Hòa (Châu Thành) có Ao Bà Om và Chùa Âng. Tỉnh Bến Tre với xã Tân Mỹ (Ba Tri) có Sân chim Vàm Hồ; xã Tân Thạnh, Quới Sơn (Châu Thành) có Cồn Quy; xã Tân Thạnh (Châu Thành) có Cồn Phụng. Tỉnh An Giang với xã Văn Giáo (Tịnh Biên) có Rừng Tràm Trà sư. Tỉnh Kiên Giang với xã Bình An (Kiên Lương) có Hang Moso; xã Mỹ Đức (Hà Tiên) có Thạch Động, Núi Đá Dựng. Tỉnh Đồng Tháp với xã Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim (Tam Nông) có Vườn Quốc gia Tràm Chim, vườn Cò Tháp Mười, Làng hoa cảnh Tân Quy Đông. Tỉnh Hậu Giang với xã Phương Bình (Phụng Hiệp) có Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; xã Vĩnh Tường (Vị Thủy) có Khu sinh thái rừng Tràm Vị Thủy. Tỉnh Sóc Trăng với xã Long Bình (thị xã Ngã Năm) có Vườn Cò Tân Long; xã Nhơn Mỹ (Kế Sách) có Cồn Mỹ Phước; xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) có Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Tỉnh Bạc Liêu có Vườn Chim Bạc Liêu, khu di tích Đồng Nọc Nạng, khu di tích Ninh Thạnh Lợi. Tỉnh Cà Mau có di tích lịch sử Hòn Đá Bạc, Hòn Khoai và Đền thờ Bác Hồ ở xã Trí Phải, Viên An và thị trấn Cái Nước. Thành phố Cần Thơ có khu di tích Giàn Gừa, Vườn Cò Bằng Lăng, khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh. Tỉnh Tiền Giang có Cù lao Thới Sơn (Châu Thành) và các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn ở huyện Cái Bè. Tỉnh Vĩnh Long có khu du lịch Vinh Sang ở Cù lao An Bình và các hình thức du lịch sinh thái vườn trái cây…
Thực tế phát triển du lịch cả nước thời gian qua cho thấy, số lượng du khách tham gia loại hình du lịch sinh thái, “du lịch xanh” ở Việt Nam còn rất hạn chế. Phần lớn khách du lịch quốc tế đến các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên là từ các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Ốt-xtrây-lia; còn khách nội địa chủ yếu là sinh viên, học sinh, cán bộ nghiên cứu. Trong số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hàng năm chỉ có khoảng 5 - 8% tham gia vào các tua du lịch sinh thái - tự nhiên và khoảng 40 - 45% tham gia vào các tua du lịch tham quan sinh thái - nhân văn. Đối với khách du lịch trong nước, tỷ lệ tham gia vào loại hình “du lịch xanh” còn rất thấp. Do vậy, nhiều xã xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long tuy có tiềm năng và ưu thế về “du lịch xanh” nhưng mức độ thu hút du khách đến hiện vẫn còn rất thấp.
Có thể khẳng định, mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, song “du lịch xanh” ở đồng bằng sông Cửu Long mới ở giai đoạn khởi đầu. Đây vẫn còn là loại hình du lịch mới cả về nội dung lẫn cách thức tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên. Hiện nay, công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển “du lịch xanh” ở các xã đang xây dựng nông thôn mới vốn có tiềm năng và lợi thế về loại hình du lịch này vẫn còn mang tính tự phát, cục bộ. Tuy đã có nhiều địa phương, nhiều công ty du lịch cố gắng xây dựng một số chương trình, tuyến du lịch mang sắc thái của “du lịch xanh”, song quy mô và hình thức còn đơn điệu, mờ nhạt, sản phẩm và đối tượng thị trường còn chưa rõ. Vì thế, khả năng thu hút du khách còn hạn chế. Mặt khác, việc đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều hành, quản lý, hướng dẫn viên “du lịch xanh” chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trong khi đó, để thực sự hiệu quả trong khai thác loại hình “du lịch xanh” rất cần đến sự tham gia của chính các cư dân nông thôn ở địa phương.
Nhận thức rõ vai trò của “du lịch xanh” đối với sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và bảo vệ tài nguyên, môi trường bảo đảm cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, tháng 9-1999, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và Ủy ban kinh tế - xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức Hội nghị quốc tế về xây dựng khung chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như đẩy mạnh hợp tác phát triển hoạt động du lịch sinh thái của Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: “Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”.
Phát triển “du lịch xanh” góp phần xây dựng nông thôn mới
Từ thực tế và định hướng phát triển nêu trên, vấn đề đặt ra là các xã đã và đang xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng, lợi thế phát triển “du lịch xanh” cần quan tâm ngay từ bây giờ đến các yếu tố cần thiết, từ nhận thức đến hành động một cách quyết liệt để trực tiếp giải bài toán “phát triển du lịch xanh”, đáp ứng yêu cầu căn bản, sâu xa là phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.
Để phát triển được loại hình “du lịch xanh”, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới, thiết nghĩ, các cấp, ngành và người dân đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm thực hiện tốt mấy vấn đề sau:
Một là, các tỉnh, thành cần quan tâm tới đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Trong phát triển du lịch nói chung, “du lịch xanh” nói riêng, phát triển sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Để đáp ứng yêu cầu này, cần có kế hoạch cụ thể để xây dựng hệ thống sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao; đồng thời, ưu tiên phát triển sản phẩm “du lịch xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Trong quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, các địa phương phải dựa vào thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử vốn có tại địa phương; trong đó cần tập trung ưu tiên khai thác và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương sao cho phù hợp, như: sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - khám phá biển, đảo, rừng, danh thắng tự nhiên (Đồng Tháp, Kiên Giang…); sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử (Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang…); sản phẩm du lịch sinh thái tự nhiên (Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ…). Tránh tổ chức dàn trải, tràn lan, chồng chéo, trùng lặp, tỉnh nào cũng có nhưng cứ “nhàn nhạt” như nhau, thiếu điểm nhấn nổi bật, dễ dẫn đến tình trạng du khách đi một tỉnh rồi thì không muốn đi đến tỉnh thứ hai. Nếu làm tốt điều này sẽ tạo điều kiện để từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch có tính chất vừa khác biệt vừa bổ sung cho nhau giữa các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và tạo thành một tua “du lịch xanh” đặc sắc của vùng, từ đó kết nối với các vùng, miền khác của đất nước.
Hai là, quan tâm nhiều hơn đến phát triển hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho dịch vụ “du lịch xanh”.
Trước hết, cần đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, quy hoạch không gian công cộng để du khách đến du lịch thực sự có cảm giác gần gũi, ấm áp, thư giãn và thích thú với cảnh sắc, không gian văn hóa - lịch sử - sinh thái của địa phương. Tránh bê tông hóa, cốt thép hóa các danh thắng, di tích văn hóa - lịch sử - sinh thái. Các tỉnh, thành cũng cần xây dựng mạng lưới thông tin, truyền thông bảo đảm nhu cầu thông tin cần thiết cho du khách, nhất là khách quốc tế; đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống các hạng mục dịch vụ du lịch thiết yếu bảo đảm đủ điều kiện và tiện nghi phục vụ du khách, nhất là hệ thống các khu, điểm điều phối du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, thông tin, tư vấn và các dịch vụ phục vụ du lịch khác ... Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, phát triển nhân lực về chất lượng và số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn trình độ, đạo đức và tác phong để phát triển “du lịch xanh”. Đặc biệt, cần chú ý đến phát triển nguồn nhân lực là người địa phương, người dân tộc thiểu số cho phù hợp với đặc thù địa phương.
Ba là, đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh, tạo thị trường, quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh, xây dựng thương hiệu du lịch xanh.
Điều cần kíp nhất hiện nay là các tỉnh, thành phải tập trung tìm giải pháp để thu hút khách du lịch quốc tế đến đồng bằng sông Cửu Long. Để làm được điều này, một số địa phương có lợi thế về di tích, danh thắng tự nhiên (núi, biển, đảo, rừng) cần nghiên cứu mở thêm các tua giúp du khách khám phá, thám hiểm, thưởng ngoạn những thắng cảnh tự nhiên. Ở đây, cần quan tâm phân loại nhu cầu khách du lịch để phục vụ phù hợp, như: khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần, nghỉ cuối năm và mua sắm… Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến, giới thiệu sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhắm vào thị trường mục tiêu, trọng điểm của địa phương, lấy sản phẩm “du lịch xanh” và thương hiệu “du lịch xanh” là trọng tâm. Xúc tiến du lịch phải gắn kết với xúc tiến thương mại, đầu tư và đối ngoại, văn hóa, vừa bảo đảm quảng bá lịch sử, văn hóa đặc sắc của con người địa phương, vừa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường “du lịch xanh” bền vững./.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Trung ương Đoàn lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành công tốt đẹp  (14/08/2015)
Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ VI  (14/08/2015)
Công an Hà Nội phát huy truyền thống, giữ vững trật tự, an toàn xã hội  (14/08/2015)
Bộ Chính trị làm việc với Thường vụ Quân ủy Trung ương  (12/08/2015)
Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao  (12/08/2015)
Ngoại giao Việt Nam 70 năm vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (12/08/2015)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên