Hướng tới Ngày sở hữu trí tuệ thế giới

Tin, ảnh: Đinh Giang
22:43, ngày 10-04-2015

TCCSĐT - Ngày 10-04-2015, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Tọa đàm về sở hữu trí tuệ dành cho phóng viên và phát động Tháng hành động “Sở hữu trí tuệ góp phần gia tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp” trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26-4).


Tham dự Tọa đàm có các đại biểu đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ban, ngành cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương...

Đây là hoạt động thường niên dành cho các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí chuyên viết hoặc có quan tâm đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ và khoa học - công nghệ. Tọa đàm là diễn đàn để Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp thông tin cũng như trao đổi các vấn đề chuyên môn, đặc biệt là các hoạt động xác lập, thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, giúp các phóng viên, biên tập viên có thể phát huy hơn sứ mệnh của mình trong việc đưa các thông tin, kiến thức về sở hữu trí tuệ đến với công chúng.

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu rõ mục đích của Tọa đàm là tập trung thảo luận về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; thực trạng hoạt động xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; vai trò của báo chí, truyền thông trong việc thúc đẩy phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ; giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ năm 2015 và những năm tiếp theo.

Hoạt động sở hữu trí tuệ được thể hiện với 3 nội dung chính: hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động bảo vệ (thực thi) quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động khai thác các tài sản trí tuệ. Thế kỷ mới được nhìn nhận là giai đoạn bùng nổ của sáng tạo trí tuệ, là thời điểm định hình và hoàn thiện nền kinh tế dựa trên tri thức, trong đó vấn đề sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Sở hữu trí tuệ thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế; khuyến khích các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu bởi mỗi khi một độc quyền công nghệ được thiết lập, tri thức công nghệ của xã hội được đổi mới một bước, xã hội có thể tiết kiệm được công sức, thời gian và chi phí cho việc tìm kiếm những công nghệ đã có. Và chính các cơ quan báo chí, truyền thông là những đơn vị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, góp phần làm cho hệ thống luật pháp về sở hữu trí tuệ thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng được hoàn thiện và sát nhu cầu thực tế hơn, nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ đã được nâng lên đáng kể, các đối tượng sở hữu công nghiệp của người Việt Nam được đăng ký ngày càng nhiều. Hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan chức năng và công chúng quan tâm cũng như chủ động phòng, chống đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là đối với hàng giả… Trong năm 2014, công tác tiếp nhận và xử lý đơn sở hữu công nghiệp được duy trì khá ổn định. Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 83.436 đơn các loại (tăng 8,8% so với năm 2013), trong đó có 46.347 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (tăng 7,8% so với năm 2013). Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã xử lý được 74.817 đơn các loại (tăng 17% so với năm 2013), trong đó có 38.745 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (tăng 7,2% so với năm 2013), chấp nhận bảo hộ cho 29.079 đối tượng sở hữu công nghiệp... Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại về xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hủy bỏ hiệu lực, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng thực hiện khá nghiêm túc.

Năm 2015, để hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26-4), Cục Sở hữu trí tuệ đã cùng các cơ quan từ trung ương đến địa phương phát động Tháng hành động “Sở hữu trí tuệ góp phần gia tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp” và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như Chương trình “Đỉnh cao thương hiệu” dành cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, Cuộc thi “Thương hiệu Việt” dành cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp” tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cuộc thi “Sở hữu trí tuệ - cầu nối sinh viên với doanh nghiệp” tại Hà Nội, Hội nghị khoa học “Sinh viên nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ,…

Tọa đàm đã nhận được các ý kiến của các đại biểu về thực trạng hoạt động xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay, như các đơn tồn đọng còn nhiều, việc xử lý đơn còn tốn nhiều thời gian, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này còn hạn chế về số lượng và chất lượng… Nhiều đại biểu đã khuyến nghị cần có tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ để giải quyết những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa các doanh nghiệp cũng như đề xuất giải pháp xử lý vấn đề tồn đọng đơn, cụ thể là: xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh đầu tư kỹ thuật và tài chính cho việc thực hiện hình thức nộp đơn trực tuyến để đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường hoạt động tuyên truyền và phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ.../.