Thụy Điển với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam
TCCSĐT - Một trong những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bè bạn quốc tế, trong đó có sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển.
Phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam
Tại Thụy Điển, năm 1965 (1), hàng triệu người thuộc mọi đảng phái, tầng lớp xã hội khác nhau đã có những hành động phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, đặc biệt là việc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Kể từ thời điểm này cho đến khi kết thúc cuộc chiến, phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, đoàn kết ủng hộ Việt Nam với tên gọi “Phong trào Việt Nam” từng bước được hình thành, phát triển từ tự phát đến có tổ chức, từ một vài địa phương nhanh chóng lan ra khắp đất nước Thụy Điển.
Không chỉ dõi theo cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ gây ra đối với dân tộc Việt Nam, Chính phủ Thụy Điển còn bày tỏ sự quan ngại về khả năng mở rộng chiến tranh sẽ làm ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế. Do vậy, những nhà lãnh đạo Thụy Điển đã lên tiếng kêu gọi giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam thông qua đàm phán. Ngày 14-02-1966, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển T. Nin-xơn (Torsten Nilsson) nhấn mạnh: “Mối nguy hiểm ngày càng rõ ràng là hiện nay chiến tranh Việt Nam có thể mở rộng thành một cuộc xung đột quốc tế nghiêm trọng hơn nhiều. Đặc biệt là tình hình Việt Nam có thể châm ngòi cho một cuộc bùng nổ thế giới. Do vậy, Chính phủ Thụy Điển đã ủng hộ dư luận quốc tế kêu gọi đàm phán”(2). Theo thời gian, sự ủng hộ của Thụy Điển đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta ngày càng mạnh mẽ, từ chỗ kêu gọi hai bên Mỹ và Việt Nam giải quyết cuộc chiến thông qua đàm phán, từ năm 1967 trở đi, Thụy Điển chuyển sang ủng hộ Việt Nam bằng nhiều hành động tích cực.
Năm 1968, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, “phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi rút hết quân đội về nước của nhân dân dấy lên khắp nước Mỹ...” (3) đã lôi cuốn đông đảo nhân dân thế giới hưởng ứng. Ở Thụy Điển, phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã tác động sâu sắc tới mọi hoạt động chính trị, xã hội của nước này. Ủng hộ quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam, ngày 18-02-1968, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển T. Nin-xơn khẳng định, nhân dân Việt Nam phải có cơ hội quyết định công việc nội bộ của mình. Chúng ta cũng tán thành mục tiêu đó. Điều đó chỉ có thể đạt được nếu mọi lực lượng quân sự nước ngoài chấm dứt can thiệp. Cần phải tiếp tục nỗ lực để chấm dứt bộ máy chiến tranh, tiếp đến là làm cho bộ máy đó rút khỏi Việt Nam và cuối cùng để cho nhân dân Việt Nam có cơ hội xây dựng đất nước bị tàn phá của họ (4). Ngày 21-3-1968, đại diện Chính phủ Thụy Điển tuyên bố: “Đối với cuộc xung đột ở Việt Nam, Chính phủ đi theo quan điểm của đa số công chúng Thụy Điển...”(5).
Những tuyên bố trên không chỉ khẳng định lập trường, quan điểm và thái độ của Chính phủ Thụy Điển đối với vấn đề chiến tranh Việt Nam, mà còn hiện thực hóa đường lối đối ngoại của Thụy Điển được Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Thụy Điển nhấn mạnh ngày 19-11-1968: “Trong những năm qua, chính sách đối ngoại của Thụy Điển ngày càng coi trọng nguyên tắc đoàn kết với các dân tộc và coi đó là một trong những đường lối chỉ đạo. Chính sách đoàn kết với các dân tộc được dư luận Thụy Điển nhất trí ủng hộ”(6).
Quan điểm của Chính phủ Thụy Điển giai đoạn này đã tác động sâu sắc tới cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia Tây Âu, giúp họ nhận thấy cuộc chiến tranh chống Mỹ mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành là cuộc chiến đấu tiêu biểu cho chính nghĩa chống phi nghĩa. “Ủng hộ Việt Nam là ủng hộ những người chiến đấu bảo vệ những giá trị nhân văn của loài người, bảo vệ những tư tưởng tiến bộ của thời đại”(7). Vì lẽ đó, ở nhiều nước, hai tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh đã trở thành khẩu hiệu tập hợp nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau đoàn kết với Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo các nước có chế độ chính trị, xã hội khác với nước ta, nhiều lãnh tụ các tổ chức quốc gia, quốc tế, các tổ chức tôn giáo, xã hội, chính giới, nhân sĩ, trí thức có tên tuổi đã bằng những hình thức khác nhau tham gia đoàn kết với Việt Nam. Có thể nói, cùng với những thắng lợi về quân sự, chính trị, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới, trong đó có Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã góp phần làm thất bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở Việt Nam.
Đối với chính quyền Mỹ, mặc dù thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ, nhưng mục tiêu trước mắt và lâu dài đối với cách mạng Việt Nam của Nhà Trắng không hề thay đổi. Đầu năm 1969, ngay khi thắng cử, Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn đã đề ra Học thuyết Ních-xơn (8) và tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Với học thuyết này, R. Ních-xơn mưu toan khôi phục lại sức mạnh của Mỹ, giữ vai trò “sen đầm quốc tế”, lãnh đạo “thế giới tự do”, bảo đảm những lợi ích của chủ nghĩa đế quốc trên thế giới.
Trước chiến lược chiến tranh mới của kẻ thù, Đảng ta chủ trương tiếp tục lãnh đạo toàn quân đẩy mạnh tiến công địch trên chiến trường, đồng thời tăng cường hoạt động quốc tế, ra sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ ngày càng cao của các nước xã hội chủ nghĩa, các chính phủ và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nghị quyết số 188-NQTW, tháng 4-1969, một lần nữa khẳng định: “Tiến công ngoại giao là một mặt trận tiến công quan trọng và có ý nghĩa chiến lược lúc này. Nó có nhiệm vụ phát huy thế thắng và thế chủ động của ta, tiến công một kẻ địch đang thất bại, bị động về mọi mặt và phải xuống thang...”(9).
Thực hiện chủ trương này, phối hợp với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Pa-ri, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ra sức tăng cường các hoạt động quốc tế. Kết quả là, kể từ năm 1965 đến 1970, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 18 quốc gia. Đến năm 1970, số đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được mời thăm các nước trên thế giới lên tới gần 120 lượt; đã có hơn 100 ủy ban quốc tế đoàn kết với Việt Nam ở từng nước, hơn 20 ủy ban điều tra và tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam được thành lập. Cũng từ đây, “Việt Nam đã trở thành hiện thân của một sự nghiệp quốc tế mới... , và nó tượng trưng cho một phong trào thế giới rộng lớn và nhiều mặt với một lý tưởng trong sáng mà hàng triệu, hàng triệu không kể xiết nhân dân đã hưởng ứng và tập hợp quanh nó”(10).
Dấu mốc quan trọng
Để tiếp tục khẳng định sự ủng hộ toàn diện đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, tháng 6-1970, Chính phủ Thụy Điển lập Đại sứ quán ở Hà Nội. Tháng 7 cùng năm, Việt Nam lập Đại sứ quán ở Xtốc-khôm. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Thụy Điển, khẳng định tình đoàn kết không gì lay chuyển được của Chính phủ và nhân dân hai nước trong những năm kháng chiến gian khổ. Không những vậy, trong thời điểm cuộc đàm phán trên bàn Hội nghị Pa-ri đang diễn ra vô cùng cam go, phức tạp, Thụy Điển đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam. Tháng 02-1972, Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển đã nêu Tuyên bố chung của năm đảng tại Quốc hội, đòi Mỹ chấm dứt ném bom tại Việt Nam, ký kết Hiệp định Pa-ri. Bản tuyên bố đã nhận được 3,5 triệu chữ ký ủng hộ của nhân dân Thụy Điển (11).
Sau thắng lợi trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, được sự giúp đỡ tích cực của phía Thụy Điển, ngày 29-3-1973, tại Xtốc-khôm đã diễn ra Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành nghiêm chỉnh và triệt để Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Tiếp đó, ngày 19-01-1974, nhóm Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nhóm Triết học trẻ phối hợp với nhiều tổ chức khác ở Thụy Điển đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn với 500 người tham dự tại Xtốc-khôm nhân một năm ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Cuộc hội thảo thông qua Nghị quyết lên án chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Pa-ri; đòi phải trả tự do ngay lập tức cho 20 vạn tù chính trị đang bị giam giữ ở miền Nam Việt Nam, đòi Mỹ phải tôn trọng mọi điều khoản của Hiệp định Pa-ri, chấm dứt can thiệp vào miền Nam Việt Nam.
Vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm Thụy Điển. Trong buổi chiêu đãi chào mừng Đoàn tại Thủ đô Xtốc-khôm ngày 09-4-1974, Thủ tướng Thụy Điển Ô. Pan-mơ phát biểu: “Thụy Điển ủng hộ những đề nghị do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vừa đưa ra. Những đề nghị đó tạo ra một cơ sở vững chắc để thi hành các điều khoản của Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Thủ tướng Ô. Pan-mơ bày tỏ lòng khâm phục của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đối với nhân dân Việt Nam, “một dân tộc, bằng lòng dũng cảm và sự kiên cường của mình, đã dẫn dắt cả một thế giới tiến lên trên con đường của lương tâm chính trị”. Cảm tạ tấm lòng của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển dành cho nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: “Thay mặt nhân dân Việt Nam và thể theo lòng mong muốn cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã bày tỏ trong Di chúc của Người, tôi xin cảm ơn Chính phủ Hoàng gia Thụy Điển, các tổ chức chính trị, tôn giáo và quần chúng và cá nhân Ngài Thủ tướng. Cảm ơn về tất cả những gì mà các bạn đã làm để ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng tôi, cảm ơn tất cả những gì mà các bạn đang tiếp tục làm để ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi đòi thi hành triệt để Hiệp định Pa-ri và xây dựng lại đất nước chúng tôi. Chúng tôi đánh giá cao giá trị và toàn bộ ý nghĩa của sự ủng hộ quý báu này... Dư luận Việt Nam hoan nghênh với lòng biết ơn mọi quyết định của Thụy Điển nhằm giúp đỡ Việt Nam hàn gắn lại vết thương chiến tranh và góp phần phát triển nền kinh tế của mình”(12).
Sau chuyến thăm này, phong trào đấu tranh đòi chính quyền Mỹ nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam tiếp tục là chủ đề nóng bỏng trong mọi hoạt động của xã hội Thụy Điển. Ngày 14-12-1974, tại Xtốc-khôm, Thủ tướng Ô. Pan-mơ và những người lãnh đạo Đảng Cộng sản và một số đảng cánh tả khác đã ra Thông cáo chung tố cáo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phá hoại Hiệp định Pa-ri. Sau khi nhấn mạnh chế độ Sài Gòn và những người ủng hộ họ phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện nay ở miền Nam Việt Nam, Thông cáo yêu cầu chính quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri, lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhân dân miền Nam Việt Nam, và cho biết, Thụy Điển sẽ tổ chức một cuộc biểu tình quần chúng rộng lớn vào ngày 27-01-1975, nhân kỷ niệm hai năm ngày ký Hiệp định Pa-ri để ủng hộ nhân dân Việt Nam,... Tình cảm mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển dành cho nhân dân Việt Nam cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc là sự cổ vũ, động viên to lớn giúp nhân dân Việt Nam tiến lên hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
*
* *
Có thể nói, sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã để lại những trang đậm nét trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Chính tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến đã lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội Thụy Điển tham gia ủng hộ, đặc biệt là vai trò của Chính phủ do ông Ô. Pan-mơ làm Thủ tướng. Thành công này không chỉ minh chứng về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đó là “tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh của thời đại, và coi đó là một bộ phận hợp thành của đường lối chống Mỹ, cứu nước và đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có tầm quan trọng chiến lược, góp phần tạo nên sự vượt trội về thế và lực để nhân dân ta đánh thắng kẻ thù” (13), mà còn để lại bài học kinh nghiệm quý giá cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.
--------------------------------------------
(1) Năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ đối với chiến trường miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đối với miền Bắc.
(2) Văn kiện về Thụy Điển năm 1966, tr. 10
(3) Lê Mậu Hãn (Chủ biên): Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr. 221
(4) Văn kiện về Thụy Điển năm 1968, tr. 121
(5) Tuyên bố của Chính phủ Thụy Điển tại Ríc-xđa-gơ ngày 21-3-1968. Xem trong Gia-nét G. Han-kin, “Silence of Perception: A Case Study of Swedish Recognition of Political Science” (Xtốc-khôm, 1985).
(6) Văn kiện về Thụy Điển năm 1968, tr. 264
(7) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 256-257
(8) Học thuyết Ních-xơn được vận dụng cụ thể trong những chiến lược chiến tranh ở từng nước. Ở Việt Nam, đó là Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; ở Lào là “Lào hóa chiến tranh”; ở Cam-pu-chia là “Khơ-me hóa chiến tranh” và trên toàn Đông Dương là “Đông Dương hóa chiến tranh”
(9) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954- 1975), tập VI, Thắng Mỹ trên chiến trường ba nước Đông Dương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 196
(10) Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 288
(11) Ngày 27-1-1973, không còn con đường nào khác, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
(12) Báo Nhân dân các ngày 10, 11, 12-4-1974
(13) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 247- 248
IMF cảnh báo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong dài hạn  (10/04/2015)
Hội đàm lịch sử hai ngoại trưởng Mỹ - Cuba đạt được tiến triển  (10/04/2015)
Phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phấn đấu xây dựng xã Mỹ Bằng phát triển toàn diện, vững chắc  (10/04/2015)
V.I. Lê-nin về nghệ thuật lãnh đạo, quản lý cán bộ  (10/04/2015)
V.I. Lê-nin về nghệ thuật lãnh đạo, quản lý cán bộ  (10/04/2015)
V.I. Lê-nin về nghệ thuật lãnh đạo, quản lý cán bộ  (10/04/2015)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên