TCCSĐT - Sáng 17-01-2015, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu khoa học, lý luận chính trị giai đoạn 2011 - 2015”, mã số KX.04/11-15, tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng hoạt động năm 2015 của Chương trình.
Trong Báo cáo tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Chương trình KX.04/11-15, năm 2014 được xác định là năm quyết định trong công tác nghiên cứu của Chương trình. Kết quả đạt được của Chương trình trong năm 2014 là yếu tố quyết định để Chương trình hoàn thành tốt toàn bộ nhiệm vụ nghiên cứu của mình vào tháng 10-2015. Vì thế, trong năm 2014, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/11-15 đã bám sát chương trình của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới và Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng, hướng cho các đề tài tập trung nghiên cứu theo nội dung của 5 nhóm tổng kết về: hệ thống chính trị; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng Đảng; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; văn hóa - xã hội.

Ban Chủ nhiệm Chương trình cũng định hướng để 31 đề tài thuộc Chương trình triển khai nghiên cứu sâu, cụ thể hơn 10 vấn đề theo yêu cầu của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đó là: Cục diện thế giới và khu vực - những biến động gần đây và tác động đến Việt Nam, dự báo tình hình sắp tới; Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; Giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới; Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (gắn với an ninh, quốc phòng, đối ngoại); Hội nhập quốc tế, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; Đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; Về nhận thức và giải quyết 08 mối quan hệ lớn.

Các báo cáo định kỳ của các đề tài cho thấy, kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình đã nêu lên nhiều điểm mới, như phân tích tác động thuận và không thuận khi dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực và tác động đến Việt Nam; Đề xuất và tiếp tục hoàn thiện nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề xuất hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2015 - 2020, tầm nhìn 2030); Đề xuất giải pháp phát huy vai trò của văn hóa giữ nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Đề xuất giải pháp thực hiện quyền con người; Đề xuất vấn đề quản lý phát triển xã hội; Đề xuất các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xây dựng và phát triển bền vững nền quốc phòng toàn dân; Đề xuất những định hướng lớn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đề xuất giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Đề xuất, bổ sung mối quan hệ “giữa Nhà nước và thị trường”;…

Có thể thấy, những kết quả nghiên cứu của các đề tài trong Chương trình KX.04/11-15 đạt chất lượng tốt, có những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn. Sản phẩm của đề tài đã thực sự đóng góp cho việc hình thành các cơ sở lý luận, quan điểm, chủ trương và các giải pháp trong các nghị quyết của Đảng về văn hóa, giáo dục, hội nhập quốc tế, các chiến lược lớn về tập đoàn kinh tế, về tái cơ cấu nền kinh tế; đặc biệt là đóng góp vào xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới và Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng.

Về tiến độ triển khai, cho đến nay, 100% đề tài thực hiện đúng mục tiêu, nội dung đã được ký kết. Trên 95% các đề tài đã hoàn thành công tác khảo sát thực tế, điều tra xã hội học. Cả Chương trình đã tham gia đào tạo 184 thạc sỹ và 22 nghiên cứu sinh.

Tại Hội nghị tổng kết, các chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình đều phát biểu sẽ nỗ lực hoàn thành việc nghiên cứu đề tài đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng tốt, đồng thời mong muốn sẽ có sự trao đổi, chia sẻ thông tin kịp thời về kết quả nghiên cứu giữa các đề tài, có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học để trao đổi về những vấn đề học thuật mới được đặt ra trong quá trình nghiên cứu, cũng như những vấn đề đã đặt ra nhưng chưa thống nhất, còn nhiều quan điểm khác nhau,…

Năm 2015, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/11-15 tập trung thúc đẩy tiến độ chung của 31 đề tài; phối hợp với Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình kế hoạch để tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở và cấp Nhà nước. Các đề tài chuẩn bị báo cáo kết quả nghiên cứu của mình để Ban Chủ nhiệm Chương trình tổng hợp, chắt lọc đưa vào báo cáo tổng quan chung của Chương trình cũng như báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào tháng 6-2015. Nội dung báo cáo của các đề tài tập trung vào 03 vấn đề: Những nghiên cứu mới về lý luận - thực tiễn mà đề tài đã thực hiện; Những kiến nghị của Đề tài đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng và Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020); Đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu trong giai đoạn 2016 - 2020./.