Do đâu nước Mỹ bầu chọn Ba-rắc Ô-ba-ma làm Tổng thống?
Nước Mỹ đã có Tổng thống mới là ông Ba-rắc Ô-ba-ma. Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ: một người da màu trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Vì thế, dư luận thế giới vẫn tiếp tục lý giải về “hiện tượng Ba-rắc Ô-ba-ma” hiếm có trong lịch sử. Trong đó, có cách nhìn nhận của Ri-sac Hôn-bruc (Richard Holbrook), Cựu Đại sứ của Mỹ ở Liên hợp quốc, kiến trúc sư chủ chốt của Hiệp ước Đây-tơn nhằm lập lại hoà bình ở Bô-xnhi-a, người được lọt vào danh sách ứng viên Ngoại trưởng Mỹ trong nội các mới ở Nhà Trắng. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo bài bình luận của ông Ri-sac Hôn-bruc được đăng tải trên báo điện tử “Inosmi.ru” của Nga ngày 6-11-2008.
Ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua kế thừa hàng loạt khó khăn cả về kinh tế lẫn quan hệ quốc tế. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đương đầu với những khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với bất kỳ Tổng thống nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ, kể cả Tổng thống A-bram Lin-côn là người đã từng gây dựng nên hợp chủng quốc này. Thí dụ, gần đây nhất có thể so sánh với tình hình lúc này là Tổng thống Phran-clin Ru-dơ-ven nhậm chức vào năm 1933. Năm đó, Phran-clin Ru-dơ-ven đọc lời tuyên thệ nhậm chức với tư cách một nhà hùng biện đầy sức truyền cảm và là “người thử nghiệm có dũng khí” trong bối cảnh nước Mỹ phải đối mặt với sự sụp đổ kinh tế và khủng hoảng lòng tin trong xã hội.
Đối với tôi, việc bầu chọn ai làm tổng thống Mỹ lần này không mấy khó khăn không chỉ vì tôi, xét về bản chất và xuất thân, là người của Đảng Dân chủ. Chiến dịch vận động chính trị kéo dài và rầm rộ đã thể hiện sự khác biệt lớn về quan điểm, về phong cách và về các phẩm chất cá nhân của hai ứng cử viên. Vậy nên, với tôi, việc lựa chọn ai đã gần như là quá rõ ràng.
So sánh cách lập luận của hai ứng cử viên
Trong suốt những năm hoạt động chính trị của mình, ông Giôn Mác-kên thể hiện phong cách thiên về hành động mạo hiểm. Trong hồi ký của mình, ông Giôn Mác-kên tự hào gọi mình là một “tay chơi”. Việc chọn bà Xa-ra Pa-lin, một người đẹp nhưng chưa có trình độ chuyên nghiệp chính trị cao, làm ứng cử viên liên danh, là minh chứng rõ ràng nhất. Sự dũng cảm của Giôn Mác-kên trong chiến tranh nói lên sự quả cảm, tính cách cứng rắn và tình yêu nước của ông, nhưng trong cách lập luận của Giôn Mác-kên, mọi người nhận thấy dường như ông thiếu thời gian để tư duy cũng như ông đã từng rất thiếu thời gian trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình.
Ba-rắc Ô-ba-ma cũng mạnh mẽ nhưng lại mạnh mẽ theo một cách khác. Không thể không đánh giá hết những khó khăn mà Ba-rắc Ô-ba-ma phải vượt qua trên con đường đã chọn hướng tới cương vị tổng thống. Ông phải đương đầu với biết bao sự mâu thuẫn và khác biệt. Nhưng ở đâu mà Giôn Mác-kên tỏ ra quá hưng phấn và ào ạt thì ở đó Ba-rắc Ô-ba-ma luôn tỏ ra bình tĩnh và kiềm chế. Lập luận của Ba-rắc Ô-ba-ma luôn bình tĩnh và có phương pháp. Sự hưng phấn thái quá của Giôn Mác-kên lại chính là sự biện hộ cho Ba-rắc Ô-ba-ma. Công bằng mà nói, không nên ứng xử với lịch sử như trong cuộc chơi đỏ đen. Tôi đã từng nhìn thấy nhiều thủ lĩnh chính trị tỏ ra dao động trước áp lực và vì thế tôi đánh giá khả năng này hơn những phẩm chất khác. Ba-rắc Ô-ba-ma có được phẩm chất đó.
So sánh về các giải pháp kinh tế
Nhiệm vụ hàng đầu của tổng thống mới là giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Kể từ khi xảy ra khủng hoảnh tài chính, Ba-rắc Ô-ba-ma luôn giữ đựơc sự bình tĩnh và phẩm chất của một tổng thống. Ông tranh thủ ý kiến của đội ngũ chuyên gia giỏi nhất ở Mỹ, cẩn thận cân nhắc bất kỳ kế hoạch hành động nào và sau đó mới bình tĩnh đưa ra các tuyên bố cụ thể. Trong khi đó, Giôn Mác-kên thay đổi quan điểm của mình một cách kỳ lạ trong khi đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau, thậm chí ngừng chiến dịch vận động tranh cử với lý do cần phải tạm ngừng các cuộc tranh luận đầu tiên mặc dù cuộc tranh luận đó là hết sức cần thiết. Trong lần đó, Ba-rắc Ô-ba-ma đã giành được ưu thế.
Về chính sách đối ngoại
Quan điểm của hai ứng cử viên khác nhau xa và sâu sắc trong các vấn đề I-ran, I-rắc và Nga. Quan điểm của Giôn Mác-kên là né tránh vấn đề thay đổi khí hậu và cho rằng nên đi theo chính sách của Tổng thống G.Bu-sơ. Trong khi đó, Ba-rắc Ô-ba-ma đề xuất cách tiếp cận khác về chính sách đối ngoại. Bắt đầu từ việc cắt giảm quân số ở I-rắc, Ba-rắc Ô-ba-ma ngay lập tức thay đổi hình ảnh và chính sách của nước Mỹ. Bằng cách chủ trương đưa I-ran vào các cuộc đàm phán không chỉ về vấn đề hạt nhân mà cả các yếu tố trong vai trò gây mất ổn định của I-ran ở khu vực, Ba-rắc Ô-ba-ma có thể sẽ đạt được thoả thuận làm cho I-ran trở nên ít nguy hiểm hơn, hoặc huy động lực lượng để thành lập liên minh nhằm cô lập I-ran. Bất luận trong trường hợp nào, đối thoại với I-ran là một chính sách đúng, cho nên thật khó hiểu là vì sao G.Bu-sơ và Giôn Mác-kên vẫn chần chừ trong việc thay đổi một chính sách nhằm không tạo ra nguy cơ an ninh đối với Mỹ và I-xra-en.
Về quan hệ với Nga, ngay từ khi Nga tiến vào Gru-di-a, Ba-rắc Ô-ba-ma và ứng cử viên liên danh phó tổng thống là Giô Ba-đen - người đầu tiên trong Quốc hội Mỹ đến thăm Gru-di-a sau cuộc chiến - nhấn mạnh sự cần thiết phải viện trợ cho Gru-di-a để nước này khôi phục kinh tế và duy trì nền độc lập. Trong khi đó, Giôn Mác-kên muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga như khai từ Nga ra khỏi G-8. Rút cuộc, những biện pháp đó có thể là cần thiết, nhưng không thể không giúp đỡ Gru-di-a để họ tồn tại như một nền dân chủ độc lập. Ngoài ra, dù có bỏ mặc Gru-di-a đi nữa, thì Nga và Mỹ vẫn còn những vấn đề mà hai bên có lợi ích chung như năng lượng, thay đổi khí hậu và vấn đề I-ran mà cả Nga và phương Tây cần tiếp tục phối hợp hành động cùng nhau. Ngay cả trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” các bên vẫn phải hợp tác với nhau, còn hiện nay, sự hợp tác đó cấp thiết hơn nhiều. Nhưng dường như ông Giôn Mác-kên không muốn công nhận điều đó.
Về phẩm chất lãnh đạo
Rút cuộc, tất cả các cuộc bầu cử tổng thống đều dẫn đến các hoạt động phi vật chất của nhà lãnh đạo. Bỏ phiếu cho tổng thống giống như việc ký kết một bản hợp đồng cá nhân giữa cử tri với người mình chọn. Ai là người cử tri muốn nhìn thấy trong suốt bốn năm trên màn hình? Ai là người các cử tri sẵn sàng trao cho họ số phận của quốc gia? Lại một lần nữa sự khác biệt trong phong cách của Giôn Mác-kên và Ba-rắc Ô-ba-ma đưa cử tri tới sự lựa chọn giữa một người bình tĩnh và tự tin với một người rất dễ xúc cảm; giữa những thay đổi lớn trong lãnh đạo đất nước với phong cách chỉ mang tính kinh nghiệm không đáng kể và phần nào đầy tính chiến đấu.
Về hiệu quả chính sách
Sau một năm nữa, khi Đảng Dân chủ chiếm đa số trong cả hai Viện của Quốc hội Mỹ, chiến thắng của Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ đem lại cho những người dân chủ quyền kiểm soát hai nhánh quyền lực là lập pháp và hành pháp kể từ năm 1994 và do đó họ sẽ đạt được thành tựu trong lĩnh vực lập pháp sau nhiều năm rơi vào bế tắc. Sau nhiều năm bị phân cực trong chính sách đối nội và tính đơn phương trong chính sách đối ngoại, việc chọn Ba-rắc Ô-ba-ma làm Tổng thống Mỹ là điều quá rõ ràng./.
Hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu khoa học xã hội Nam Bộ, năm 2008  (10/11/2008)
1,35 tỉ đồng giúp người dân Hà Nội bị lụt  (10/11/2008)
Xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay  (10/11/2008)
Đổi mới phương thức quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng trước áp lực của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu  (10/11/2008)
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (10/11/2008)
Quốc hội sẽ chất vấn theo 4 nhóm vấn đề  (10/11/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên