Xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay
I- Những yếu tố thúc đẩy sự hình thành xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế
“Chiến tranh lạnh” kết thúc, trật tự hai cực biểu hiện cuộc đối đầu Đông – Tây khốc liệt của thế giới đã đi đến điểm kết. Song, trật tự thế giới mới vẫn còn đang trong quá trình hình thành. Dựa vào thực lực kinh tế, chính trị và quân sự của mình, Mỹ không từ bỏ mục đích bá chủ thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của Nhật Bản, Tây Âu; sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc; những cuộc đấu tranh mạnh mẽ nhằm củng cố, bảo vệ độc lập, chủ quyền của các nước thuộc “thế giới thứ ba” dưới nhiều hình thức, biện pháp để chống lại sự can thiệp và ảnh hưởng của các nước lớn… đã tạo ra những tương quan lực lượng không nhỏ đối với Mỹ. Điều này cho thấy, thế giới hậu lưỡng cực đang hướng tới xác lập một trật tự mới với nhiều hướng khác nhau: đơn cực, đa cực, nhất siêu đa cường...
Sự kết thúc của “Chiến tranh lạnh” tuy không mở ra kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh vượng như nhân loại tiến bộ mong đợi vì những xung đột sắc tộc, mâu thuẫn tôn giáo và các cuộc chiến tranh cục bộ ở nhiều khu vực vẫn diễn ra triền miên, song đã tạo ra những điều kiện khiến cho xu thế hòa dịu, hòa hoãn trở nên chiếm ưu thế trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới; tạo những tiền đề cho đa cực hóa các mối quan hệ- một điều kiện quan trọng dẫn đến hình thành xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Vậy những điều kiện cụ thể nào đã thúc đẩy tiến trình phát triển đa cực hóa thế giới, từ đó mở ra xu thế đa dạng hóa trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay? Một điều dễ nhận thấy là khi nhắc đến tiến trình đa cực hóa, chúng ta không thể không đề cập đến hai nhân tố quan trọng: Thứ nhất, tương quan lực lượng, trong đó bao gồm thực lực kinh tế của các nước trên thế giới. Thứ hai, những chiến lược, chính sách có liên quan giữa các nước trên thế giới cùng với những nỗ lực và kết quả của việc thực thi chúng trên thực tế(1). Sau “chiến tranh lạnh”, cả hai nhân tố trên đều có những thay đổi lớn và đây chính là những điều kiện cơ bản để thúc đẩy việc xác lập trật tự thế giới mới theo hướng đa cực.
Những thay đổi trong so sánh lực lượng
Nhìn từ góc độ của nền kinh tế thế giới, sau “chiến tranh lạnh”, kinh tế thế giới có ba sự thay đổi cùng với những thay đổi trong so sánh lực lượng trên thế giới. Một là, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm và tăng trưởng tính theo đầu người của các nước đang phát triển có sự đột phá vượt bậc, nhất là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng cao 10,2 %/năm, khiến cả thế giới phải chú ý. Hai là, tốc độ nhất thể hóa nền kinh tế ở châu Âu được đẩy nhanh, dẫn đến việc xây dựng liên minh kinh tế, tiền tệ ở khu vực này có những thành công vượt trội. Ba là, mặc dù nền kinh tế Mỹ hiện nay vẫn đang chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế thế giới, nhưng gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu của sự phát triển không ổn định trong lưu thông hàng hóa, mậu dịch, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra hiện nay khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ giảm dần. Trong ba sự thay đổi trên, hai thay đổi đầu có tác dụng tích cực đối với việc hình thành trật tự thế giới đa cực, bởi vì trong một mức độ nhất định, những thay đổi này sẽ là cơ sở kinh tế cho sự phát triển đa cực hóa thế giới.
Cùng với sự suy thoái của kinh tế Mỹ, nền kinh tế thứ hai thế giới - Nhật Bản cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc cải thiện thị trường chứng khoán không lành mạnh và trong điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chính trị. Trong khi đó, tiến trình nhất thể hóa châu Âu ở khu vực Tây Âu lại diễn ra tương đối nhanh. Đặc biệt, sự ra đời và đứng vững của đồng ơ-rô đã có ý nghĩa vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế và những ảnh hưởng sâu sắc về mặt chính trị. Sự khẳng định vai trò của đồng ơ-rô so với đồng Đô-la Mỹ và đồng yên của Nhật trong quan hệ tiền tệ quốc tế những năm gần đây cho thấy, tương quan lực lượng giữa các nước phát triển đang có xu hướng giảm bớt khoảng cách về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Mỹ không còn chiếm vị trí độc tôn “bất khả cạnh tranh” về kinh tế nữa. Đây là cơ hội để các nước khác vươn lên cạnh tranh với Mỹ không chỉ về kinh tế mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Thực tế trên cho thấy, nền kinh tế Mỹ cho dù có phát triển thế nào chăng nữa cũng không thể duy trì vị trí độc tôn như trước. Sự phát triển kinh tế của các khu vực nhất định sẽ không đồng đều, sẽ xuất hiện những khu vực phát triển và kém phát triển hơn, song không có khu vực nào trong đó có thể giữ được vị trí độc tôn. Nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI sẽ phát triển đồng thời theo xu hướng toàn cầu hóa, đa nguyên hóa và đa dạng hóa. Điều này kéo theo những thay đổi trong so sánh lực lượng, tạo nên sự phát triển chung trong thế kỷ XXI không phải là thế kỷ của châu Á, châu Âu hay của Mỹ mà là thế kỷ của đa cực hóa, của các mối quan hệ đa phương và hợp tác, trong đó tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tồn tại, cùng cạnh tranh và hợp tác.
Những làn sóng phản đối tham vọng thiết lập thế giới đơn cực ngày càng cao
Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã khiến phong trào cộng sản quốc tế tạm thời rơi vào tình trạng thoái trào. Lợi dụng tương quan lực lượng trên thế giới có những thay đổi có lợi cho Mỹ và phương Tây và dựa vào sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của mình, Mỹ ngày càng thể hiện rõ mưu đồ bá chủ thế giới. Trên thực tế, Mỹ đã thi hành “chủ nghĩa bá quyền” và “nền chính trị dựa trên sức mạnh” ở khắp mọi nơi, như thông qua việc phát động một loạt các cuộc chiến (ở Cô-xô-vô, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc) và sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của các nước (núp dưới chiêu bài”dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, chống khủng bố…). Điều này gây ra sự phản kháng của dư luận khắp thế giới và làm cho các nước luôn phải cảnh giác trước những gì mà Nhà Trắng tuyên bố. Nhân dân thế giới nhận thức rõ rằng, sẽ không có hòa bình và phồn vinh trong một thế giới do Mỹ làm bá chủ; chiến lược bá chủ của Mỹ chỉ đi ngược lại xu thế hòa bình và phát triển của thế giới, vì thế làn sóng phản đối âm mưu thiết lập trật tự thế giới đơn cực dưới “cây gậy” chỉ huy của Mỹ ngày càng diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới.
Trong quan hệ quốc tế sau “chiến tranh lạnh”, đặc biệt là trên các vũ đài chính trị, ngoại giao quốc tế (Liên hợp quốc, các diễn đàn đa phương và song phương) người ta đã thấy rõ quyết tâm của nước Nga trong quá trình thúc đẩy việc thiết lập một trật tự thế giới đa cực. Đằng sau quyết tâm xây dựng một nước Nga lớn mạnh, thay thế vị trí Liên Xô trước đây trong các mối quan hệ quốc tế, chắc hẳn còn có cả mục tiêu của Nga nhằm ngăn chặn tham vọng bá chủ thế giới của các ông chủ Nhà Trắng luôn ấp ủ từ lâu. Các nhà lãnh đạo nước Đức cũng cho rằng, thế giới phát triển theo hướng đa dạng hóa chính là một trào lưu không thể đảo ngược của thời đại. Tại Pháp, dù chính kiến của những nhà lãnh đạo cao cấp nước này còn có điểm khác nhau, nhưng lại hoàn toàn thống nhất với nhau trong quan điểm về đa cực hóa. Điều đó được thể hiện rõ trong việc định hướng phương châm ngoại giao của nước này(3).
Làn sóng phản đối tham vọng của Mỹ muốn thiết lập trật tự thế giới đa cực không chỉ dừng ở khu vực các nước phát triển, mà lan rộng khắp các nước đang phát triển. Không chỉ biểu hiện thông qua các phong trào chính trị – xã hội mà còn được thông qua rõ nét trong đường lối phát triển đất nước của mỗi nước đang phát triển. Mục tiêu chung nóng bỏng và xuyên suốt của tất cả các nước đang phát triển hiện nay là củng cố độc lập về chính trị, giành quyền tự chủ về kinh tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng tầm vị thế đất nước trong các mối quan hệ quốc tế, tiến tới thiết lập một trật tự thế giới theo hướng đa dạng hóa các mối quan hệ, không phân biệt nước lớn – nhỏ, trình độ phát triển hay chế độ chính trị - xã hội, và phát triển bền vững trên toàn thế giới. Thực tế tại các nước đang phát triển thời gian qua cho thấy, nhiều hình thức hợp tác, nhiều tổ chức khu vực đã ra đời đáp ứng mục tiêu hợp tác để cùng nhau thúc đẩy tiến trình đa cực hóa, tiến tới xây dựng một thế giới an toàn hơn, công bằng hơn.
II- Việt Nam trước xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế
Có thể nhận thấy, xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay đã tạo ra những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam. Nắm bắt những cơ hội từ xu thế này, cùng với thực hiện đường lối đối ngoại nhất quán và phương châm chủ động, từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, chúng ta đã thu được những thành công quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội X của Đảng (tháng 4-2006) tiếp tục khẳng định quan điểm chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay của Đảng và Nhà nước ta: “ Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác khu vực và quốc tế”.(4)
Quan điểm chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đã được Đảng, Nhà nước ta đưa ra từ rất sớm. Năm 1945, ngay sau khi vừa thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất những định hướng rõ ràng cho đất nước về mở cửa và hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Quan điểm chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế được thể hiện trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (tháng 12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực… Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc”(5). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tác động, đặc biệt là do các mối quan hệ quốc tế khi đó đang bị chi phối bởi sự đối đầu Đông – Tây căng thẳng trong cuộc “chiến tranh lạnh” và Việt Nam là một “chiến trường nóng” của cuộc đối đầu đó (1954 - 1975), sau đó đất nước lại phải đối mặt với chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và các thế lực thù địch trong nhiều năm nên mong muốn của Bác, quan điểm, đường lối của Đảng chưa được triển khai một cách đầy đủ.
Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới được hình thành và dần hoàn chỉnh qua các kỳ Đại hội của Đảng, từ Đại hội VI, VII, VIII, IX và gần đây là Đại hội X. Trong các văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới luôn nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại của Việt Nam: đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, hội nhập khu vực và quốc tế một cách chủ động và tích cực.
Sau 20 năm thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới, từ nhận thức đúng về xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế, Đảng ta đã xác định rõ chủ trương hội nhập khu vực và quốc tế trên tinh thần chủ động và tích cực. Đặc biệt, Đại hội X của Đảng (năm 2006) không chỉ khẳng định “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” mà còn phân tích và chỉ rõ những cơ hội và thách thức; quan điểm đa phương, đa dạng các mối quan hệ, hội nhập khu vực và quốc tế trên tinh thần chủ động và tích cực; cũng như đề ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm chủ động đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của Việt Nam trong thời gian tới.
Trên cơ sở đa dạng hóa các mối quan hệ, Việt Nam khẳng định quan điểm: chủ động và tích cực trong hội nhập khu vực và quốc tế phù hợp với những điều kiện thực tế cụ thể của đất nước. Chủ động hội nhập trên cơ sở nắm vững quy luật cũng như tính tất yếu của sự vận động kinh tế toàn cầu, phát huy đầy đủ những năng lực nội sinh, xác định lộ trình hợp lý, nội dung, quy mô và các bước đi phù hợp; đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế. Sự chủ động đó phải được kết hợp với việc tích cực, khẩn trương trong công tác chuẩn bị, điều chỉnh, đổi mới từ bên trong; khẩn trương xây dựng lộ trình, kế hoạch, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, hoàn chỉnh hệ thống luật pháp(9)… sao cho phù hợp với những yêu cầu của quá trình hội nhập.
Đổi mới phương thức quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng trước áp lực của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu  (10/11/2008)
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (10/11/2008)
Quốc hội sẽ chất vấn theo 4 nhóm vấn đề  (10/11/2008)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 3-11 đến 9-11-2008)  (10/11/2008)
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009  (09/11/2008)
Thông cáo số 19 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (09/11/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên