1. Ðại hội lần thứ X Công đoàn Việt Nam
 
Ngày 3-11-2008, Ðại hội lần thứ X Công đoàn Việt Nam chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã đến dự và phát biểu ý kiến, chỉ đạo Ðại hội. Dự Ðại hội còn có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta. Dự Ðại hội, còn có 16 đoàn đại biểu công đoàn quốc tế và công đoàn các nước, Ðoàn Ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội. Ðại hội lần thứ X Công đoàn Việt Nam diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa quan trọng, tình hình đất nước có những thuận lợi cơ bản tác động trực tiếp đến công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LÐ) và tổ chức công đoàn. Ðại hội lần thứ X Công đoàn Việt Nam là một sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn, đồng thời là nguồn động viên, cổ vũ đối với nhân dân cả nước. Với khẩu hiệu hành động "Ðổi mới, sáng tạo, vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước", Ðại hội lần thứ X Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu, phương hướng hoạt động Công đoàn trong 5 năm (2008-2013).

2. Các doanh nghiệp EU đến Việt Nam

Từ ngày 4-11-2008, một đoàn hơn 150 doanh nghiệp I-ta-li-a từ nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, ngân hàng đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để tìm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chuyến thăm do Viện Ngoại thương, Liên đoàn giới chủ Công nghiệp và Hiệp hội ngân hàng I-ta-li-a đồng tổ chức với sự cộng tác của Bộ Phát triển kinh tế, Câu lạc bộ 15 tập hợp các tập đoàn kinh tế lớn của I-ta-li-a. Các doanh nghiệp I-ta-li- có 1.500 cuộc gặp gỡ với khoảng 600 doanh nghiệp Việt Nam. Nhân dịp này, hãng Piaggio khai trương cơ sở sản xuất lắp ráp xe máy tại Việt Nam và cũng là dự án đầu tư lớn nhất của I-ta-li-a tại Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng vẫn còn ít được biết đến. Với 84 triệu dân, tỷ lệ tăng trưởng cao và đã thông qua một chương trình cải cách quan trọng, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp I-ta-li-a.

3. Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Sen thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và
Thủ tướng Hun Sen

Ngày 4-11-2008, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Sen thăm chính thức Việt Nam. Cùng đi với Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Sen có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Cam-pu-chia. Chiều 4-11-2008, tại trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã tiếp và nói chuyện thân mật với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chi-a Hun Sen. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen là sự kiện quan trọng, góp phần củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Cam-pu-chi-a, là dấu mốc quan trọng góp phần đưa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Cam-pu-chi-a ngày càng phát triển. Nhân dịp này, Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã có sự hy sinh to lớn, giúp nhân dân Cam-pu-chi-a thoát khỏi thảm họa diệt chủng, để đất nước Cam-pu-chi-a phát triển như ngày nay.

4. Đoàn Hạ viện Cộng hoà Séc thăm Việt Nam

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh 
và Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hoà Séc,
Chủ tịch Ðảng Cộng sản Séc - Mô-ra-va
Vôi-têch Phi-lip

Ngày 6-11-2008, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã tiếp và trao đổi ý kiến thân mật với Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hoà Séc, Chủ tịch Ðảng Cộng sản Séc - Mô-ra-va Vôi-têch Phi-lip (Vojtech Filip), đang ở thăm Việt Nam. Phó Chủ tịch Hạ viện Vôi-têch Phi-lip bày tỏ vui mừng sang thăm lại Việt Nam, được tận mắt chứng kiến những đổi thay to lớn của Việt Nam trong công cuộc đổi mới; đánh giá cao những thành tựu và kinh nghiệm của Việt Nam, uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Phó Chủ tịch Hạ viện Vôi-têch Phi-lip thông báo với Tổng Bí thư một số nét lớn về tình hình Cộng hoà Séc gần đây; về kết quả tốt đẹp của các cuộc hội đàm; hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam; nhấn mạnh Cộng hoà Séc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống với Việt Nam và sẽ nỗ lực không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại; chúc nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới nhằm xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Ðoàn đại biểu Hạ viện Cộng hoà Séc sang thăm Việt Nam là biểu hiện tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước; Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà nhân dân Tiệp Khắc trước đây, trong đó có Cộng hoà Séc đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

5. Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009

Ngày 6-11-2008, với tỷ lệ 87,63% đại biểu tán thành, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII đã thông qua toàn văn Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát năm 2009 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Theo Nghị quyết, một số chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội thông qua là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm ngư nghiệp tăng 2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,4%, khu vực dịch vụ tăng 7,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 39,5% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%. Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ chính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

6. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kiểm tra việc khắc phục tình trạng úng ngập tại Hà Nội

Ngày 6-11-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi kiểm tra việc giải quyết tình trạng úng ngập trên địa bàn Hà Nội, đến thăm nhân dân ở khu vực úng ngập thuộc phường Ðịnh Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Cùng đi với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, lãnh đạo các ngành chức năng của Hà Nội. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết biểu dương tinh thần làm việc không quản ngày đêm của các cán bộ, công nhân đang vận hành Trạm bơm Yên Sở để nhanh chóng giảm thiểu thiệt hại do úng ngập. Các lực lượng bộ đội, công an và nhân dân đã tích cực tham gia công tác bảo vệ Trạm bơm Yên Sở không bị ngập, bảo đảm việc tiêu nước nhanh ra sông Hồng, chống úng ngập cho thành phố. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao nỗ lực của các cấp lãnh đạo Hà Nội trong việc chỉ đạo công tác khắc phục úng ngập. Từ thực tế đợt mưa lớn vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị thành phố Hà Nội xem xét lại quy hoạch thoát úng ngập trên địa bàn, các ngành, các cấp của Hà Nội cần triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực úng ngập, không để xảy ra dịch bệnh. Các ngành chức năng cần nỗ lực hơn nữa để sớm ổn định cuộc sống của nhân dân, nhất là những nơi còn úng ngập, và đề phòng có mưa lớn tiếp tục trong những ngày tới.

7. Đối thoại chiến lược Việt - Nga lần thứ nhất

Ngày 6-11-2008, tại Hà Nội diễn ra Đối thoại chiến lược lần thứ nhất giữa Việt Nam và Liên bang Nga, được hình thành theo thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 9-2007. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dẫn đầu. Đoàn Nga do Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga A. I.Đê-nhi-xốp dẫn đầu. Tại cuộc đối thoại, hai bên đã trao đổi sâu rộng về tình hình quốc tế và các khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các thách thức đối với an ninh và phát triển trên thế giới cũng như đối với Việt Nam và Liên bang Nga, trong đó có an ninh kinh tế. Hai bên cũng thảo luận các biện pháp tăng cường phối hợp hành động trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, góp phần củng cố hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung.

8. Hội nghị cấp cao các nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV)

Ngày 6-11-2008, kết thúc tốt đẹp Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 4 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với sự tham dự của Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Xen, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bua-xỏn Búp-phả-vanh, Thủ tướng Liên ban Mi-an-ma Thên Xên và Phó Tổng Thư ký ASEAN Xô-ung Rát-cha-vi. Thủ tướng (CLMV) đã nhất trí thông qua Danh mục dự án Hợp tác CLMV gồm 58 dự án và giao cho các quan chức cao cấp cụ thể hóa và thống nhất các dự án ưu tiên kêu gọi tài trợ. Thủ tướng các nước hoan nghênh và đánh giá cao chương trình học bổng CLMV do Việt Nam đề xuất dành cho sinh viên, học sinh các nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma. Thủ tướng các nước hài lòng nhận thấy hợp tác CLMV trong thời gian qua đã có những bước phát triển đáng khích lệ, định hình được cơ chế hợp tác và chuyển sang giai đoạn triển khai các chương trình và dự án hợp tác cụ thể. Thủ tướng các nước đã ký Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao CLMV 4, khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị tăng cường hợp tác CLMV, đồng thời đưa ra những định hướng và giải pháp lớn để thúc đẩy một cách hiệu quả hợp tác CLMV. Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại Cam-pu-chia vào năm 2010.

9. Kỷ niệm 91 năm Cách mạng Tháng Mười Nga

 

Ngày 7-11-2008, Kỷ niệm 91 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2008), Ðoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, dẫn đầu, đến đặt hoa tưởng niệm tại Tượng đài V.I.Lê-nin.
 
Cùng ngày, Ðoàn đại biểu quận Ba Ðình, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội và các đơn vị cũng đã đến đặt hoa tưởng niệm tại Tượng đài V.I.Lê-nin./.