Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là vấn đề lý luận và thực tiễn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà lý luận và hoạt động thực tiễn hơn một thế kỷ qua. Rất nhiều trí tuệ của nhân loại đã suy tư, trăn trở và đề xuất kiến giải, dự báo, thể nghiệm về vấn đề này.
Thế kỷ XX được xem là thế kỷ của cách mạng xã hội chủ nghĩa, của sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, chúng ta đã chứng kiến những thành công cũng như các thất bại của quá trình lịch sử cách mạng vĩ đại ấy. Nhất là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới ở những năm 90 của thế kỷ XX đặt ra những tìm tòi, kiến giải mới về lý luận và thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khái niệm thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được xác định khá rõ ràng. Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôtha, C. Mác có một câu nổi tiếng: Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội này sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản.
Từ các tác phẩm của các nhà kinh điển về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, ta thấy, các ông đã khẳng định, thời kỳ quá độ là: thời kỳ cải biến cách mạng toàn diện và triệt để về kinh tế - xã hội và chính trị; nhà nước của thời kỳ ấy là nhà nước chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân; thời kỳ ấy bao hàm nhiều giai đoạn liên tục kế tiếp nhau và biến đổi không ngừng. Đặc điểm bao trùm của thời kỳ quá độ là xã hội quá độ với sự hiện diện của những yếu tố của xã hội cũ tư bản chủ nghĩa và các nhân tố mới của xã hội chủ nghĩa… ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Qua các tác phẩm của C. Mác, Ph. Ănghen, V.I. Lê-nin ta thấy, các ông chỉ rõ 2 hai con đường của sự quá độ. Con đường thứ nhất là quá độ trực tiếp từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; và con đường thứ hai là quá độ gián tiếp từ các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội. Như thế có thể hiểu, con đường thứ hai nghĩa là không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa với tư cách là một hình thái kinh tế - xã hội.
Thực ra, cả hai con đường lên chủ nghĩa xã hội đều tuân thủ nghiêm ngặt và biện chứng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, xem xét lịch sử nhân loại là một quá trình lịch sử tự nhiên, bao hàm trong đó sự vận động, biến đổi, với toàn vẹn tính liên tục, đứt đoạn và nhảy vọt. Từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là tuân thủ tính lên tục. Từ xã hội tiền tư bản lên chủ nghĩa xã hội là tuân thủ sự đứt đoạn và nhảy vọt. Liên tục hay đứt đoạn, tuần tự hay nhảy vọt đều là quy luật vận động biện chứng phổ biến của lịch sử nhân loại.
Dĩ nhiên, từ lý luận chủ nghĩa xã hội đến thực tiễn xã hội chủ nghĩa, từ lý thuyết xã hội chủ nghĩa đến chủ nghĩa xã hội hiện thực là một quá trình lịch sử với không ít chân lý và sai lầm. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu và sự thoái trào của phong trào xã hội chủ nghĩa thời gian qua, đòi hỏi chúng ta cần phải đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội; cần phải có sự nghiên cứu sâu sắc, hệ thống hơn quan điểm của các nhà kinh điển về thời kỳ quá độ, về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nhằm thiết thực trả lời những vấn đề lý luận đang đặt ra trong quá trình phát triển của nước ta hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Liên quan trực tiếp đến những vấn lý luận và thực tiễn này là sự khẳng định hay phủ nhận tính tất yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay. Để khẳng định thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, rõ ràng cần nghiên cứu sâu sắc một loạt vấn đề như: đặc điểm, đặc trưng của thời đại ngày nay; tình hình, đặc điểm của thế giới trong giai đoạn hiện nay; xu hướng phát triển hay tương lai, triển vọng của chủ nghĩa xã hội, của phong trào xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XXI; đặc điểm, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản hiện đại; những tiền đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của chủ nghĩa xã hội trong lòng xã hội tư bản hiện đại; khả năng, triển vọng tiến lên chủ nghĩa xã hội của các nước đang phát triển,... Đặc biệt, cần nghiên cứu để thấy được những khuyết tật cố hữu của chủ nghĩa tư bản, những mâu thuẫn xã hội gay gắt không thể dung hòa của chủ nghĩa tư bản vẫn sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy và quyết định xu hướng phát triển tất yếu của thời đại ngày nay - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, cần chỉ ra rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở cuối thế kỷ XX chỉ là sự thoái trào tạm thời của phong trào xã hội chủ nghĩa, là bước lùi biện chứng, tất nhiên trên con đường phát triển, không mang ý nghĩa quyết định đến xu hướng phát triển tất yếu của thời đại ngày nay.
Đối với chúng ta, vấn đề quan trọng là phải sớm làm rõ vấn đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định cách mạng Việt Nam muốn đi đến thành công phải gắn liền với cách mạng vô sản thế giới, trước hết là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ, rồi sau sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Từ đó đến nay, Đảng ta luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn. Nhận thức, quan điểm của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cũng như về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta ngày càng sáng rõ, có những bước phát triển mới phù hợp với thời đại.
Thành tựu nhận thức quan trọng nhất được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Những đặc trưng này là những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà khi kết thúc thời kỳ quá độ, chúng ta phải đạt được. Đảng ta cho rằng để đạt các mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ cơ bản sau: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, những đặc trưng mà Đảng ta đã xác định nói trên không phải là đã hoàn toàn đầy đủ, chính xác tuyệt đối, mà vẫn cần được tiếp tục bổ sung, chọn lựa cho phù hợp với thực tiễn luôn vận động, biến đổi của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Điều đó còn phụ thuộc vào tính tiên phong của lý luận, của sự tích cực đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội trong Đảng cũng như trong giới nghiên cứu lý luận. Vả lại, những đặc trưng đó cũng cần được cụ thể hóa, được luận chứng, giải thích một cách khoa học. Mặt khác, những phương hướng, nhiệm vụ cơ bản phải được thực hiện tốt trong thời kỳ quá độ cũng cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và được cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo.
Cũng cần lưu ý rằng, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là sự quá độ chưa từng có nước nào trải qua. Đó là sự quá độ từ nước thuộc địa nửa phong kiến đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc thù này quy định quá trình xây dựng xã hội mới phải đặc biệt chú trọng việc nghiên cứu, tổng kết, góp phần tạo lập cơ sở khoa học của việc xây dựng đường lối cho những bước phát triển tiếp theo.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện chủ nghĩa xã hội không còn là một hệ thống; xu thế toàn cầu hóa đang gia tăng mạnh mẽ tác động đến mọi quốc gia, làm cho quan hệ giữa các quốc gia thay đổi, lợi ích đan xen, ràng buộc, tùy thuộc lẫn nhau; sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và thông tin làm thế giới “gần nhau” hơn... Do vậy, bối cảnh, điều kiện cho việc thực hiện sự quá độ độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa cũng mang nhiều đặc điểm mới, cần phải được nghiên cứu, làm rõ, bởi điều đó cũng sẽ tác động, quy định hình thức, bước đi trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa không có nghĩa là sự phủ định sạch trơn, mà có thể chỉ là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và đương nhiên cả thượng tầng kiến trúc tư bản chủ nghĩa. Bởi vậy, phải vận dụng và tiếp thu những thành tựu khoa học và công nghệ, cũng như kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất, xã hội,... của chủ nghĩa tư bản để phát triển nhanh, rút ngắn và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với ý nghĩa và để đáp ứng yêu cầu nêu trên, khi triển khai đề tài “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”, thuộc chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước KX.04.06/11-15, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào 5 nội dung chính: 1. Cơ sở lý luận, phương pháp luận nghiên cứu về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; 2. Kinh nghiệm các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; 3. Bối cảnh mới của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay; 4. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam: Nhận thức, thực tiễn và những vấn đề đặt ra; 5. Quan điểm, giải pháp lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Với 5 nội dung quan trọng này, đề tài được thực hiện bởi nhiều nội dung cụ thể khác nhau với 99 chuyên đề khoa học và một cuộc điều tra xã hội học với 1.800 phiếu tại 6 tỉnh đại diện cho các vùng trong cả nước.
Nhiều nội dung nêu trên đã được bàn thảo tại hai cuộc hội thảo khoa học và 3 cuộc tọa đàm khoa học do nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học, các công tác viên thực hiện trong 2 năm qua. Trong cuộc Hội thảo hôm nay, tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài kính đề nghị các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý và hoạt động thực tiễn tiếp tục thảo luận những vấn đề căn bản, cốt lõi của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề khoa học và thực tiễn chủ yếu sau:
1) Nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về tính chất, đặc điểm, nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa từ năm 1930 đến nay;
2) Một số vấn đề đang đặt ra về lý luận và thực tiễn trong thời kỳ quá độ ở nước ta hiện nay;
3) Thời kỳ quá độ và vấn đề phát triển rút ngắn trong quá trình lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta hiện nay;
4) Xác định những hình thức, bước đi trung gian quá độ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội trong thời kỳ quá độ;
5) Vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa;
6) Vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa;
7) Vấn đề lý luận và thực tiễn đổi mới hệ thống chính trị, Đảng cầm quyền, cải cách hành chính trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa;
8) Các phương hướng, quan điểm tổng quát nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa;
9) Các phương châm và nguyên tắc chỉ đạo (trước mắt và lâu dài) nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa;
10) Hệ thống các giải pháp lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa;
Đây là những nội dung rất căn bản, có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai thực hiện thành công đề tài. Thực tế là, trong thời gian qua, về các vấn đề này, cũng đã có nhiều cuộc trao đổi, thảo luận sôi nổi và cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tổ chức cuộc Hội thảo khoa học này, Ban chủ nhiệm đề tài hy vọng sẽ được nghe những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, mới mẻ và toàn diện của các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đã có nhiều suy tư, nghiền ngẫm sâu sắc về các vấn đề này.
Ban tổ chức Hội thảo rất mong, các quý vị đại biểu trao đổi một cách khoa học, khách quan, thẳng thắn và cởi mở. Những ý kiến phát biểu của các quý vị chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện thành công đề tài khoa học thuộc chương trình khoa học cấp Nhà nước vừa khó khăn, vừa phức tạp này./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Belarus Lukashenko  (26/11/2014)
Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động chống tài trợ khủng bố  (26/11/2014)
Quốc hội thông qua nhiều đạo luật quan trọng  (26/11/2014)
Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân  (26/11/2014)
Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân  (26/11/2014)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu thăm chính thức Belarus  (26/11/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên