TCCS - Châu Phi là một trong những khu vực giàu tài nguyên thiên thiên nhất thế giới nhưng lại đang "góp phần lớn" tạo ra hơn một tỷ người thiếu ăn và nghèo đói trên toàn cầu. Nguyên nhân sâu xa là trong nhiều thập kỷ, châu lục này chịu tác động và ảnh hưởng của quá trình thực dân hóa mà hậu quả là tài nguyên của "lục địa Đen" bị cạn kiệt, môi trường sinh thái xuống cấp nghiêm trọng, trình độ phát triển ngày càng tụt hậu. Hiện nay, châu Phi đang có chiến lược nông nghiệp mới, bước đầu tạo ra hy vọng giảm đói nghèo cho châu lục này.

Châu Phi đang trải qua cuộc khủng hoảng lương thực

Các chuyên gia nghiên cứu về châu Phi cho rằng, nền nông nghiệp châu Phi đang trải qua thời kỳ khủng hoảng, cần có hành động khẩn cấp để vực dậy. Như các châu lục khác trên thế giới, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa, tốc độ đô thị hóa cũng đang diễn ra sôi động ở châu Phi. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là nguồn sống chính cho khoảng 60% lực lượng lao động, đóng góp 17% GDP và 40% nguồn thu ngoại tệ của các nước trong khu vực.

Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2007, sản xuất ngũ cốc của khu vực châu Phi đang trong tình trạng trì trệ và khủng hoảng so với các khu vực khác trên thế giới. Năm 2003, trong khi các nước thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đạt sản lượng lúa gạo trung bình 4 - 5 tấn/ha, thì sản lượng lúa gạo ở khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha. Chỉ có một số nước ở khu vực Đông và Tây Phi đạt năng suất 2 tấn/ha trong những năm gần đây. Trong khi đó, quốc gia nông nghiệp như Mô-ri-xơ hầu như không sản xuất được tấn lúa gạo nào trong suốt những năm 1979 - 2004, buộc phải nhập khẩu gạo từ các nước láng giềng và các nước khác trên thế giới.

Những năm gần đây, sản lượng nông nghiệp của châu Phi gia tăng chủ yếu nhờ mở rộng diện tích gieo trồng. Tuy nhiên, do trình độ công nghệ còn thấp và phương thức canh tác chưa hiện đại nên mức tăng sản lượng nông nghiệp hiện không đáp ứng được yêu cầu tăng dân số quá nhanh. Đội quân thất nghiệp và nghèo đói ngày càng đông đảo, mặc dù các quốc gia ở châu lục này đã dùng ngoại tệ thu được nhờ xuất khẩu tài nguyên để nhập khẩu lương thực. Hằng năm, các nước châu Phi đã chi nhiều tỉ đô la để nhập nông sản. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do thời tiết bất thường, khô hạn kéo dài, đất đai ngày càng bạc màu nhanh; thị trường nội địa các nước châu Phi chưa phát triển; sản phẩm tài nguyên xuất khẩu của châu Phi trong tình trạng bất ổn định và mất giá; quy mô làm ăn nhỏ, manh mún, thiếu tổ chức, kết cấu hạ tầng yếu kém, đặc biệt chính phủ các nước châu Phi thiếu quan tâm đến phụ nữ nông thôn là nguồn lao động nông nghiệp chủ yếu. Ngoài ra, không thể không kể tới tác động của sự lây lan đại dịch HIV/AIDS ở châu lục này.

Một số chính phủ ở châu Phi cũng chưa có các biện pháp, chính sách nông nghiệp khuyến khích người nông dân, chưa đầu tư thích đáng cho nông nghiệp. Nhiều chính phủ châu Phi mới chỉ dành chưa đầy 1% ngân sách cho nông nghiệp. Viện trợ nước ngoài cho các nước châu Phi vốn dĩ đã ít ỏi lại không tập trung cho nông nghiệp mà dành cho các ngành khác như khai thác khoảng sản. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng trong nông nghiệp, tổng đầu tư vào nông nghiệp cần phải tăng nhanh, khoảng 251 tỉ từ nay đến năm 2015 (17,9 tỉ USD mỗi năm). Tuy nhiên, khoản đầu tư này vẫn nhỏ so với số tiền hằng năm châu Phi bỏ ra để nhập khẩu lương thực.

Từ đối tác mới vì sự phát triển châu Phi (NEPAD) đến Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện của châu Phi (CAADP)

Sau nhiều thập kỷ vật lộn với một nền kinh tế trì trệ, công nghệ lạc hậu, phương thức canh tác mang đậm dấu ấn nguyên thủy, không đủ sức xóa nạn đói triền miên cho hơn 200 triệu người, các nhà lãnh đạo châu Phi đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bền vững nhằm giải quyết vấn nạn nghèo đói. Gần đây, các nước châu Phi đã phối hợp nỗ lực xây dựng kế hoạch NEPAD, trong đó xác định nông nghiệp là động lực cho tăng trưởng. Ngay sau khi được công bố, Tổng thống Ni-giê-ri-a, ông Ô-lu-xê-gun Ô-ba-xa-ni-ô(Olusegun Obasanjo), đã đánh giá cao triển vọng của kế hoạch này.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, những người soạn thảo Kế hoạch NEPAD đã tổ chức hàng loạt cuộc họp với các bộ trưởng nông nghiệp và lãnh đạo các nhóm kinh tế khu vực tại châu Phi, Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi, cũng như các chuyên gia thuộc WB và đặc biệt là Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO). Thông qua những cuộc họp này, đã hình thành CAADP. Ngay từ đầu, CAADP khẳng định, sẽ không thể tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong tương lai cho châu Phi đã từng đề ra trong NEPAD, nếu như sản lượng nông nghiệp không tăng nhanh. Đối với đa số người dân châu Phi, cái ăn là nhu cầu thiết yếu đầu tiên. Do vậy, khi sản lượng lương thực tăng sẽ góp phần trực tiếp giảm số người nghèo đói và hạ chi phí nhập khẩu lương thực. Từ đó, sẽ tạo điều kiện đạt được những lợi ích kinh tế - xã hội khác, từ tăng thu nhập cho người dân cho đến cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp châu Phi. Vì thế, chương trình CAADP nhấn mạnh đầu tư cho nông nghiệp để giảm bớt số người nghèo đói là yêu cầu cấp bách mang tính nhân đạo, sau đó mới đề cập đến những lợi ích kinh tế - xã hội khác.

CAADP tập trung vào ba trọng tâm mang tính ngắn hạn bao gồm các nội dung: mở rộng diện tích đất canh tác dựa trên sự quản lý bền vững và hệ thống kiểm soát nguồn nước đáng tin cậy; tăng nguồn cung cấp lương thực và giảm số người nghèo đói; nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn và khả năng tiếp cận thị trường và xúc tiến các chương trình nghiên cứu về nông nghiệp và phổ biến công nghệ.

Trong một thế giới đang toàn cầu hóa và hội nhập mạnh mẽ, châu Phi đang có quan hệ với nhiều quốc gia ngoài châu lục. Do đó, CAADP kêu gọi các chính phủ châu Phi cần tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài, trước hết nhằm hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động và xây dựng hạ tầng cơ sở cho hàng trăm triệu người nông dân nghèo, sản xuất nhỏ ở châu Phi.

Bắt đầu từ mô hình thành công trên quy mô nhỏ

Gần đây, các chuyên gia kinh tế làm nhiệm vụ tư vấn và giúp đỡ các nước châu Phi đặc biệt chú ý đến một mô hình sản xuất nông nghiệp khá ở làng Tôn-ca, miền Bắc nước Cộng hòa Ma-li. Đây là một mô hình điển hình của những người nông dân châu Phi đang cố gắng vượt qua nghèo đói trong những điều kiện hết sức khó khăn, cực nhọc. Có khoảng 4.500 người nông dân trong làng cùng nhau hợp thành các hợp tác xã để góp sức thực hiện những công trình xây dựng kết cấu hạ tầng cần nhiều sức lao động mà không một cá thể nông dân nào có thể làm được như: đào đắp xây dựng hệ thống kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu và các công trình thủy lợi khác. Nhờ đó, sản lượng lương thực, thực phẩm như lúa, kê, khoai tây, sắn, đậu và các lương thực khác đều tăng rõ rệt. Có được lương thực thực phẩm dồi dào, chăn nuôi phát triển, các nghề dịch vụ cũng theo đó nảy nở. Chẳng mấy chốc, khu chợ của làng Tôn-ca trở nên tấp nập kẻ mua, người bán hàng nông sản và dịch vụ từ nhiều vùng khác nhau trong nước Ma-li tới, thậm chí từ các nước láng giềng như Mô-ri-ta-ni. Từ chỗ xóa đói cho nhân dân trong làng, mô hình hợp tác xã ở Tôn-ca đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Nhờ có của ăn của để, trong 4 năm qua, người dân Tôn-ca đã cùng nhau góp vốn đầu tư xây dựng 9 trường tiểu học, 4 bệnh viện, mạng lưới đường sá và cầu cống khang trang đã làm cho bộ mặt nông thôn của làng "thay da đổi sắc".

Từ những mô hình thành công như ở Tôn-ca trong việc thực hiện chương trình CAADP, đã gợi ý hướng phát triển nông thôn và nông nghiệp cho nhiều nhà lãnh đạo các nước châu Phi. Ngay lập tức, mô hình đó được nhân rộng ra các địa phương khác và sang các nước khác. Tại những nơi thành công, những sáng kiến mới và chương trình mới lại được khuyến khích phát triển. Từ những kinh nghiệm đó, người lập ra kế hoạch CAADP khẳng định, chương trình này chỉ có tính cương lĩnh và cần phải được áp dụng trong các trường hợp cụ thể của từng vùng và từng quốc gia, phù hợp với đặc điểm của các nơi đó.

Cho đến giải pháp tăng năng suất và phát triển công nghệ

Để có thể tăng năng suất nông nghiệp tại châu Phi, các chuyên gia cho rằng cần áp dụng các biện pháp đơn giản như cải tạo đất và sử dụng tốt hơn nguồn nước có sẵn tại lục địa này. Hiện tại, chỉ có 12,6 triệu héc-ta đất nông nghiệp ở châu Phi được tưới tiêu, còn phần lớn diện tích nông nghiệp châu Phi vẫn nằm tại các khu vực thời tiết không thuận lợi, thiếu mưa hoặc lụt lội gây xói mòn đất. Ngoài ra, các biện pháp canh tác thiếu kỹ thuật hiện nay của người nông dân châu Phi đã làm cho đất nông nghiệp nhanh chóng bị suy kiệt nguồn dinh dưỡng, gây thiệt hại 1 - 3 tỉ USD mỗi năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia CAADP, hiện chỉ có 7% đất trồng trọt tại châu Phi được tưới tiêu tốt (trong đó 40% nằm ở Bắc Phi). So với những khu vực khác thì tỷ lệ đó quá thấp. Thí dụ, Nam Mỹ là 10%, Đông và Đông Nam Á là 29%, Nam Á là 41%. Vì thế, CAADP đặc biệt chú trọng đến việc nâng cấp và cải tạo mạng lưới thủy lợi tưới tiêu có sẵn và phát triển các hệ thống tưới tiêu mới, đạt mục tiêu nâng tỷ lệ diện tích đất được tưới tiêu lên từ 12,6 triệu lên 20 triệu héc-ta vào năm 2015.

Theo trọng tâm phát triển dài hạn đề ra trong Chương trình CAADP, để thành công trong việc tăng sản lượng nông nghiệp, châu Phi phải tăng cường và đẩy nhanh quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ. Hiện chỉ có khoảng 20% đất nông nghiệp châu Phi được gieo trồng các loại ngũ cốc đã được biến đổi gien. Vì thế, nhiều giống ngô và lúa đang được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm nhằm tạo ra giống mới thích nghi với điều kiện môi trường châu Phi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các giống đã biến đổi gien thường đem lại năng suất rất cao. Nhưng do ngân sách của nhà nước chi cho nghiên cứu nông nghiệp còn hạn chế nên các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp ở châu Phi ngày càng lệ thuộc hơn vào các nguồn vốn tài trợ, từ 28% năm 1996 lên 40% hiện nay.

Như vậy, Chiến lược mới phát triển nông nghiệp NEPAD và CAADP đang thực sự góp phần mở ra triển vọng xóa đói giảm nghèo cho châu Phi, thổi một luồng sinh khí tốt lành vào châu lục này và đưa các cư dân tại đây từng bước hòa nhập vào thế giới đang đổi thay từng ngày./.