TCCSĐT - Diễn đàn kinh tế quốc Xanh Pê-téc-bua (Nga) năm 2010 diễn ra từ ngày 17-6 đến 19-6-2010 với tinh thần “tạo dựng cơ sở cho tương lai”, đã bàn thảo về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển của nước Nga, các thị trường đang phát triển và cộng đồng quốc tế. Đây là diễn đàn quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều chính khách và giới doanh nhân các quốc gia trên thế giới.

Các chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua

Với hơn 2.000 đại biểu tham dự, Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua 2010 tập trung thảo luận các chủ đề xoay quanh ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tới hệ thống tài chính và kinh tế quốc tế; các vấn đề liên quan tới khu vực đồng tiền chung châu Âu; năng lượng tương lai; quá trình hiện đại hoá nền kinh tế Nga và nền kinh tế toàn cầu. Diễn đàn còn thảo luận những vấn đề có tính “truyền thống” như hạ tầng cơ sở tài chính; mối quan hệ giữa Mỹ, châu Âu và châu Á; năng lượng; cải cách hệ thống hưu trí và du lịch vũ trụ... Tiêu điểm của Diễn đàn lần này là những thay đổi của hệ thống tài chính quốc tế, quản lý nợ nhà nước, xây dựng ngành năng lượng cho tương lai và triển vọng thị trường khí đốt.
 
Nội dung các cuộc thảo luận tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua 2010 được chia thành ba nhóm: Nhóm 1 với chủ đề “Kinh tế thế giới: quản lý và hồi phục” tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới nền kinh tế châu Âu đang suy thoái do khủng hoảng nợ và thâm hụt ngân sách, dự báo sự phát triển kinh tế thị châu Âu; Nhóm 2 với chủ đề “Nước Nga: hôm nay và ngày mai”; Nhóm 3 với chủ đề “Tầm nhìn về tương lai” tập trung thảo luận về việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở Nga.

Nga đưa ra chương trình nghị sự mới - hiện đại hóa đất nước

Một trong những mục tiêu chính của Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua 2010 là xua tan những hoài nghi về nền kinh tế Nga, nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với quá trình hiện đại hoá nước Nga, đa dạng hoá và đa phương hoá các kênh hợp tác của Nga với các nước.

Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xac-cô-di - khách mời danh dự của Diễn đàn đọc tham luận với chủ đề “Tư duy lại về sự phát triển toàn cầu”, trong đó trình bày quan điểm về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế tới cấu trúc của nền kinh tế thế giới.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đep khẳng định, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay, thế giới mà chúng ta đang sống đã đổi khác, không còn như cách đây 5-10 năm về trước. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế đã làm sụp đổ nhiều mô hình kinh tế cũ. Lần đầu tiên trong nhiều năm, thế giới bắt đầu nói tới những khái niệm như cải cách cơ cấu không chỉ các nền kinh tế đang phát triển mà trước hết là các nền kinh tế phát triển cao. Chỉ mới gần đây thôi, không ai có thể tưởng tượng được rằng thâm hụt ngân sách và khủng hoảng nợ quốc gia lại có thể xảy ra ở các nền kinh tế phát triển. Còn hôm nay, khủng hoảng nợ công đã là một thực tế. Chính trong cái thực tế đó, đang diễn ra quá trình thay đổi các mô hình kinh tế, cấu trúc nền tài chính, công nghệ và các thiết chế xã hội. Các cụm từ “linh hoạt” và “thích nghi” đang trở thành những khái niệm để nói về sự phát triển ổn định và có tính dự báo. Tuy nhiên, trong sự thay đổi đó có một điều duy nhất có thể khẳng định là nước Nga sẽ không quay trở lại với các mô hình phát triển trước đây. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tuyên bố: “Chính phủ Nga chủ trương không chỉ thu hoạch táo mà còn tạo mọi điều kiện cho vườn táo ngày càng phát triển, đơm hoa kết trái”.

Mặc dù nhịp độ tăng trưởng kinh tế Nga trong thời gian tới chưa thật khả quan nhưng nền kinh tế Nga đang trên đà phục hồi. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2010 tăng 4%. Lạm phát đang tiếp tục giảm và dừng ở con số 6% hàng năm - mức thấp nhất trong 20 năm qua. Trong tình hình hiện nay, nước Nga vẫn làm chủ và kiểm soát được nợ của nhà nước và tiếp tục tăng dự trữ ngoại tệ. Chính phủ Nga chủ trương liên tục giảm thâm hụt ngân sách sao cho đến năm 2011, thâm hụt ngân sách của Nga không quá 4% GDP và đến năm 2012, con số đó sẽ là 3%; đồng thời, nhà nước Nga sẽ quan tâm thực hiện các cam kết đối với xã hội như giảm sự chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp lao động, cải thiện đời sống của người nghèo.

Để hiện đại hóa nền kinh tế, Nga đang có kế hoạch xây dựng các ý tưởng, chỉnh trang các ý tưởng đó và áp dụng vào sản xuất tại Scolkovo ở ngoại ô Mát-xcơ-va. Trong quá trình diễn ra Diễn đàn kinh tế thế giới Xanh Pê-téc-bua 2010, Hội đồng tư vấn của hãng quản lý “Scolkovo” khởi động các biện pháp thực tế để thành lập tổ hợp khoa học - công nghệ siêu hiện đại nhằm nghiên cứu phát triển và thương mại hoá các công nghệ mới, với sự tham gia của thống đốc các vùng đang có chủ trương đổi mới của Nga. Tổ hợp này được gọi bằng những cái tên khác nhau như “Thành phố khoa học - công nghệ”, “Thành phố đổi mới (Innograd)”, hoặc “Thung lũng Silicon” của nước Nga, tương tự như “Thung lũng Silicon” ở Mỹ.

Phát biểu tại cuộc thảo luận bàn tròn do Uỷ ban phụ trách hiện đại hoá nền kinh tế trực thuộc Tổng thống Nga tổ chức, ông Đ.Mét-vê-đep kêu gọi đẩy nhanh việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và thương mại hoá các công nghệ mới ở Scolkovo. Với tuyên bố Tổng thống Đ.Met-vê-đep là người đứng đầu của Hội đồng bảo trợ cho dự án này được đưa ra vào ngày 19-6-2010, ngày làm việc cuối cùng của Diễn đàn, ngay lập tức những tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có các hãng như Nokia, Siemens, Cisco đã đăng ký tham gia.

Nơi thuận lợi để ký kết các hợp đồng

Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua 2010, giới doanh nhân nhiều nước đã tiến hành ký kết các hợp đồng kinh tế lớn. Nhiều thành viên tham dự Diễn đàn cho rằng đây là nơi thuận lợi nhất để ký kết các hợp đồng và đưa ra các quyết định quan trọng. Tổng trị giá hợp đồng kinh tế được ký kết tại Diễn đàn lên tới 7 tỉ USD. Công ty nhà nước Nga “Rosnano” đã ký kết nhiều hợp đồng trong khuôn khổ các đề án cung cấp sản phẩm công nghệ na-nô theo đơn đặt hàng của nhà nước. Tập đoàn công nghiệp hàng không “Xukhôi” của Nga tiếp tục đàm phán với các đối tác nước ngoài, trước hết là các đối tác đến từ Pháp. Các công ty dược phẩm Ấn Độ cam kết sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất tân dược giá rẻ ở Nga. Các công ty điện ảnh nối tiếng thế giới đến từ Mỹ, Pháp, Đức và các nước cùng với các nhà làm phim Nga thảo luận về công nghệ 3D và ảnh hưởng của các kênh truyền hình số tới công nghiệp điện ảnh thế giới.

Tại Diễn đàn này, Pháp và Nga hoàn tất hợp đồng, theo đó, hãng “Electricite de France” (EdF) và “GDF Suez” của Pháp tham gia hai đề án năng lượng lớn nhất của Nga là “Dòng chảy Phương Nam” và “Dòng chảy Phương Bắc”. Hãng “Rosatom” của Nga ký kết hiệp định hợp tác với hãng “Electricite de France” của Pháp về năng lượng nguyên tử.

Nhìn chung, Diễn đàn kinh tế thế giới Xanh Pê-téc-bua 2010 đã để lại dấu ấn đáng ghi nhận trong tiến trình phát triển kinh tế thế giới, cũng như qúa trình cải cách, phát triển và hiện đại hoá nước Nga. Nhiều vấn đề được nêu lên tại Diễn đàn sẽ tiếp tục được bàn thảo trong chuyến công du Mỹ của Tổng thống Đ.Met-vê-đep./.