Sinh ra từ Quân đội, phát triển vì Quân đội
Góp phần tăng cường tiềm lực cho Quân đội
Tại Hội nghị Quân chính năm 2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh tiết lộ một con số khiến không ít người ngỡ ngàng: từ năm 2007 đến nay, Viettel đã đóng góp tới 1,5 ngàn tỷ đồng cho Quân đội, là đơn vị mang lại nguồn thu lớn nhất trong giai đoạn này, tương đương 75% tổng nộp ngân sách quốc phòng của các doanh nghiệp Quân đội.
Từ nguồn vốn ban đầu 2,3 tỷ đồng do Bộ Quốc phòng cấp, sau này, Chính phủ giao thêm 150 tỷ đồng, chỉ hơn 10 năm, Viettel đã làm con số này tăng lên 60.000 tỷ đồng. Như vậy, không những không để Nhà nước và Quân đội phải đầu tư thêm, Viettel còn đã đóng góp trực tiếp cho Quân đội hàng ngàn tỷ đồng. Riêng trong năm 2012, Viettel đã nộp ngân sách quốc phòng hơn 561 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần năm 2011, gấp 6 lần năm 2007.
Cùng với việc đóng góp vào ngân sách quốc phòng (hằng năm vẫn đang tiếp tục tăng lên tỷ lệ thuận với tốc độ tăng doanh thu, lợi nhuận), Viettel còn vừa tiến hành bàn giao hai đường trục, mỗi đường có dung lượng lên đến 400 GBPS cho Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Trong đó, có 1 đường trục được Viettel xây dựng từ chính 2 sợi quang do Bộ Quốc phòng và Chính phủ giao từ năm 1997.
Câu chuyện biến 2 sợi quang trở thành đường trục được lãnh đạo Viettel kể lại như là minh chứng cho phong cách làm việc đầy “chất lính” của mình, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và làm tới cùng với sự sáng tạo và chủ động. Thông thường, một đường trục cần phải có đủ 4 sợi quang, một sợi làm nhiệm vụ thu, một sợi vu hồi cho sợi thu, một sợi làm nhiệm vụ phát tín hiệu, một sợi dự phòng cho sợi phát. Thế nhưng, bối cảnh khi Viettel được giao 2 sợi quang khá éo le. Dù đây là đường trục cáp quang đầu tiên của Bộ Quốc phòng nhưng vào thời điểm năm 1997, cả Việt Nam khi ấy chỉ có 10 sợi quang, 5 sợi đã giao cho VNPT, 5 sợi giao cho EVN chạy trên đường dây 500kv. Mỗi bên đều đã dùng hết 4 sợi, chỉ còn lại 2 sợi quang, không thể làm nên một đường trục. Trong khi đó, để bảo đảm an ninh quốc phòng, Viettel được lệnh phải tự chủ động hoàn toàn từ thiết kế, lắp đặt thiết bị đến vận hành khai thác (phải nói lại rằng, vào thời điểm đó ở Việt Nam, để xây dựng một đường trục có đủ 4 sợi quang cũng phải thuê chuyên gia nước ngoài).
Sau nhiều thời gian trăn trở, nghiên cứu, thử nghiệm, sáng tạo, Viettel đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công công nghệ ghép bước sóng trên một sợi quang với cự ly xa đến 1.400 km, dung lượng đạt 2,5 GBPS. Nghĩa là, từ 2 sợi quang được cấp, Viettel sử dụng một sợi vừa thực hiện nhiệm vụ thu vừa thực hiện nhiệm vụ phát tín hiệu, sợi còn lại làm nhiệm vụ dự phòng. Đường trục thông tin quân sự hữu tuyến đầu tiên của Quân đội đã được thi công, lắp đặt trong gần 1 năm mà không cần có sự tham gia, dù chỉ là tư vấn, giúp đỡ từ các đối tác nước ngoài.
Từ thành công ban đầu, Viettel đã liên tiếp xây dựng 4 đường trục cáp quang dành cho riêng mình, trở thành đơn vị sở hữu mạng trục có dung lượng lớn nhất Đông Dương. Đường trục đầu tiên ngày ấy với tên gọi 1A được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Và bây giờ, đường trục ấy công suất đã lớn gấp 160 lần, sau đúng 16 năm. Một sức lớn như Phù Đổng. Ngoài ra, Viettel đã xây dựng cho Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc thêm đường trục QB (đường trục nhánh nối với đường trục 1A) có chiều dài gần 2.000 km, cũng có dung lượng lên tới 400GBPS.
Đó là những đóng góp trực tiếp của Viettel cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trên thực tế, còn có những đóng góp khác mà khi chưa có tình huống xẩy ra, khó có thể hình dung và đong đếm được vai trò và hiệu quả của nó. Ví dụ, Hệ thống trạm phát sóng biển đảo, phủ gần như toàn bộ vùng biển Việt Nam với bán kính cách bờ 100km. Cũng lại là lần đầu tiên, một doanh nghiệp viễn thông trên thế giới hiện thực hóa khả năng này của các trạm phát sóng (thông thường, người ta chỉ thiết kế cho trạm phát sóng phủ bán kính khoảng 35km). Với hệ thống hơn 1.400 trạm phát sóng dọc bờ biển, hệ thống này đang phục vụ cho hàng chục nghìn ngư dân, các chiến sỹ hải quân và cảnh sát biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngoài ra, Viettel còn xây dựng một hệ thống trạm phát sóng cho toàn bộ các đồn biên phòng và đang tiếp tục phủ sóng dọc theo đường tuần tra biên giới. Có thể, những trạm phát sóng này cũng góp phần đem lại nguồn thu trong kinh doanh cho Viettel. Nhưng khi biết rằng, kinh phí để xây dựng một trạm phát sóng ở những nơi đặc biệt khó khăn này có thể gấp từ 3 đến 5 lần kinh phí xây dựng một trạm trong điều kiện bình thường, kinh phí vận hành cho các trạm ở khu vực biển, đảo lên đến hàng chục tỷ đồng một năm mà chỉ có vài chục thuê bao hoạt động thường xuyên (đối với các trạm thông thường, con số này là khoảng 2.000 thuê bao) thì mới thấy rằng, đó chính là hệ thống mạng lưới viễn thông dành chủ yếu cho mục tiêu an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Hiện đại hóa Quân đội và khát vọng Viettel
Viettel là một Tập đoàn kinh tế nhưng có đặc thù là một doanh nghiệp Quân đội, bởi vậy, nhiệm vụ chính là kinh doanh, bảo toàn nguồn vốn được Bộ Quốc phòng và Chính phủ cấp. Một phần trách nhiệm khác là kết hợp thực hiện nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng. Trong suốt quá trình phát triển của mình, ở bất kỳ giai đoạn nào, định hướng chiến lược đầu tiên và quan trọng nhất của Viettel bao giờ cũng luôn luôn là gắn việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng.
Viettel đã luôn bám sát và thực hiện nhiệm vụ được giao ở mức tốt nhất. Không hài lòng với những gì đã làm được, lãnh đạo Viettel còn có khát vọng chinh phục những mục tiêu mới. Đó là sản xuất trang thiết bị phục vụ quân sự, quốc phòng. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, bởi những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực sản xuất thiết bị quân sự nhưng thành công chưa đáng kể. Ngay cả trên thế giới, có nhiều quốc gia tuyên bố sản xuất thiết bị quân sự nhưng cũng chỉ có một số nước thực hiện được. Viettel dám làm và bước đầu đã có những kết quả.
Đến thời điểm này, chúng ta đã làm chủ và sản xuất được toàn bộ trang thiết bị thông tin dành cho lục quân, đã sản xuất thành công hệ thống rada cảnh giới vùng trời, và đang tiếp tục nghiên cứu, sản xuất những thiết bị thông tin cho Không quân, Hải quân… Ngày 24-4-2013, Bộ Quốc phòng đã chính thức giao nhiệm vụ cho Viettel sản xuất trang bị thông tin cho toàn quân trong hai năm 2013 - 2014. Đây là một minh chứng thuyết phục cho việc làm chủ khoa học công nghệ và thành công bước đầu của Viettel.
Lợi ích trước mắt nhìn thấy rõ nhất là khả năng tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách nhà nước để bảo đảm cho quốc phòng. Một bộ rada mua của nước ngoài giá khoảng 9 triệu USD, nhưng với sản phẩm có tính năng tương tự mà Viettel sản xuất, giá chỉ có 2 triệu USD. Một bộ máy thông tin vô tuyến điện mua của nước ngoài có giá không dưới 100 triệu đồng, nhưng Viettel sản xuất giá chỉ có khoảng 70 triệu đồng. Tính đến nhu cầu về máy móc, thiết bị rất lớn của Quân đội thì con số tiết kiệm quả là không nhỏ.
Việc chủ động sản xuất thiết bị quân sự mới còn mang nhiều ý nghĩa. Các thiết bị này hoàn toàn do Viettel - người Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất nên tăng cường khả năng bảo đảm bí mật quân sự; khả năng tùy biến, điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu của từng giai đoạn, từng điều kiện cụ thể. Cũng vì thế mà vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị quân sự có bước chuyển biến mạnh mẽ. Câu chuyện với đối tác Ixrael là một ví dụ. Ixrael (một cường quốc về sản xuất thiết bị quân sự) đã từng chào hàng hệ thống quản lý vùng trời với giá 100 triệu USD. Khi Viettel đặt vấn đề muốn chuyển giao công nghệ thì đối tác không đồng ý. Ba tháng sau, đối tác quay lại, Viettel đã tiến được những bước rất đáng kể trong quá trình nghiên cứu về hệ thống này. Lập tức con số 100 triệu được giảm xuống 40%, chỉ còn 60 triệu USD. Nhưng, lúc này, phía không chấp nhận lại là Viettel. Đến nay, khi nhìn thấy những thành quả của người Việt Nam, phía Ixrael lại đề nghị giảm giá chuyển giao công nghệ xuống còn 20 triệu USD. Những ví dụ như vậy củng cố thêm sự tự tin cho Viettel, rằng đã đi đúng hướng, bắt kịp với xu thế của thế giới về sản xuất thiết bị thông tin quân sự.
Cũng tại Hội nghị Quân chính năm 2012 của Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh mong phóng viên các báo, đài của Quân đội, hãy tuyên truyền làm sao để xã hội nhìn nhận đúng về Viettel - một doanh nghiệp tự vươn lên trên chính đôi chân của mình. Còn lãnh đạo Viettel thì cho rằng, điều quý giá nhất mà Viettel được thừa hưởng từ Quân đội chính là phong cách điều hành, tính kỷ luật cao, là tinh thần đồng cam cộng khổ, ý chí quyết tâm, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ.
Có những bước trưởng thành như hôm nay, bên cạnh những nỗ lực chủ quan Viettel còn được nhân dân tin yêu, ủng hộ vì hai chữ “Quân đội” trong tên gọi của mình. Và vì vậy, khi trưởng thành, Viettel tự nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm đóng góp lại cho Quân đội, cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng và hoà bình của đất nước.
24 năm, một chặng đường chưa dài, lớn lên từ cái nôi Quân đội, với truyền thống của bộ đội Cụ Hồ, vì dân, vì nước, bộ đội Viettel đã và đang khẳng định vai trò cuả một doanh nghiệp Quân đội Việt Nam anh hùng./.
Trao tặng danh hiệu Anh hùng cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam  (15/08/2013)
Tiếp tục phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (15/08/2013)
Việt Nam là hình mẫu về phòng chống tội phạm, ma túy  (15/08/2013)
Hỗ trợ 10 địa phương khắc phục hậu quả bão, lốc  (15/08/2013)
Chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc  (15/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên