Châu Phi - lục địa tiềm năng của thế giới
“Điện châu Phi”
Phát biểu với những người đứng đầu các cơ quan luật pháp của 12 nước châu Phi ngày 27-6 tại Thủ đô Đa-ca (Xê-nê-gan), Tổng thống B. Ô-ba-ma đánh giá cao tiến triển mà hầu hết các nước châu Phi đã đạt được nhằm mở rộng sự gia nhập chính trị cũng như tăng cường công tác quản lý. Ông B. Ô-ba-ma cam kết Oa-sinh-tơn sẽ vẫn là một đối tác tin cậy nhằm giúp các nước châu Phi củng cố tiến trình bầu cử, bảo đảm sự minh bạch và an ninh. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 292 triệu USD cho các nỗ lực này, đặc biệt là hỗ trợ xã hội dân sự, các cuộc bầu cử nhằm tăng cường khả năng của các ủy ban bầu cử tại châu Phi. Bên cạnh đó, Tổng thống B. Ô-ba-ma còn công bố khởi động chương trình đào tạo chống tham nhũng, kéo dài 2 năm, cho các nước khu vực Tây Phi. Chương trình này được xây dựng nhằm thành lập các cơ quan và đào tạo các thẩm phán có nhiệm vụ đối phó với tội phạm có tổ chức và các băng nhóm buôn bán ma túy.
Trước đó, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Mác-ki Xôn (Macky Sall), trong đó tập trung thảo luận về tình trạng thiếu lương thực, nghiện ma túy tại Xê-nê-gan, cũng như mối quan hệ hợp tác tích cực với Mỹ trong vấn đề gìn giữ hòa bình, chống khủng bố. Phát biểu với báo giới sau hội đàm với Tổng thống M. Xôn, Tổng thống B. Ô-ba-ma đánh giá cao nền dân chủ tại Xê-nê-gan, cho rằng nước này đang dẫn đầu trong xu thế quản lý nhà nước hiệu quả ở châu Phi, khẳng định Xê-nê-gan là một trong số các đối tác mạnh nhất của Mỹ tại châu lục này. Theo ông B. Ô-ba-ma, bất chấp tình hình rối ren ở nhiều quốc gia trên thế giới, tại Xê-nê-gan chưa từng xảy ra đảo chính, các cuộc bầu cử luôn diễn ra tự do, công bằng và chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Tại Tan-da-ni-a, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có cuộc hội ngộ người tiền nhiệm, ông Gi. Bu-sơ khi cả hai cùng dự lễ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Tan-da-ni-a năm 1998 khiến 11 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương. Đài tưởng niệm trên được đặt tại trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ ở Đa Ét-xa-lam.
Lễ tưởng niệm ngắn ngủi các nạn nhân xấu số trong vụ đánh bom trên là lời nhắc nhở về thách thức mà từ 15 năm trước cho đến nay, Mỹ và các đồng minh vẫn đang phải đối mặt, đó là sự nổi dậy của lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Đông Phi. Tại Xô-ma-li, nhóm phiến quân An Sa-bát (al-Shabab) có liên hệ với tổ chức khủng bố An Kê-đa vẫn tiếp tục chống lại lực lượng quân đội của Liên minh châu Phi (AU) và Chính phủ Xô-ma-li được Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên, trọng tâm của chương trình nghị sự trong chuyến công du 6 ngày của ông B. Ô-ba-ma lại hoàn toàn không phải là vấn đề an ninh hay các vấn đề từng đề cập trong quá khứ, mà lại là chủ đề kinh tế.
Năm 2009, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống B. Ô-ba-ma tại Nhà trắng, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại “Lục địa đen”; riêng với Tan-da-ni-a, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác than, quặng sắt và kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, trao đổi thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Nam Phi đạt 59,9 tỷ USD vào năm 2012, gần bằng 1/3 tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với châu Phi.
Vì vậy, mặc dù tại Thủ đô Prê-tô-ri-a của Nam Phi ngày 29-6, ông B. Ô-ba-ma khẳng định Mỹ và Trung Quốc không hề cạnh tranh trong sự hiện diện tại châu Phi; việc Trung Quốc tăng cường đầu tư tại châu Phi là việc làm “có lợi cho tất cả các bên” và Oa-sinh-tơn không cảm thấy đó là một mối đe dọa, giới quan sát vẫn cho rằng chuyến công du 3 nước châu Phi, trong đó có Nam Phi và Tan-da-ni-a cũng là nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm hồi tháng 3 vừa qua, là một dấu hiệu cạnh tranh trong các cơ hội kinh doanh và ảnh hưởng chính trị tại “Lục địa đen”. Ngay cả thông điệp gửi tới lục địa giàu tiềm năng này của ông B. Ô-ba-ma cũng tập trung vào vấn đề kinh tế với lời kêu gọi các doanh nghiệp châu Phi “cùng làm kinh doanh”.
Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng là dịp để ông B. Ô-ba-ma thông báo một chương trình có tên gọi “Điện châu Phi” với mục đích nâng cấp mạng lưới điện của lục địa này. Trong bài phát biểu trước sinh viên của Đại học Kếp Thao (Nam Phi) ngày 30-6, ông B. Ô-ba-ma cam kết viện trợ 7 tỷ USD để mang “ánh sáng đến nơi nào hiện đang còn tăm tối”. Đây là nỗ lực nhằm giảm bớt tình trạng cắt điện và mất điện khiến giới đầu tư quan ngại khi muốn “dốc tiền” vào châu Phi.
Theo một thông cáo của Nhà Trắng, kế hoạch trên sẽ được triển khai trong vòng 5 năm nhằm tăng gấp đôi việc tiếp cận nguồn điện tại các nước thuộc vùng hạ Xa-ha-ra, nơi có hơn 75% dân số không có điện sinh hoạt. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các nước thuộc khu vực hạ Xa-ha-ra cần khoản đầu tư lên tới 300 tỷ USD để đạt được mục tiêu tiếp cận nguồn điện toàn diện vào năm 2030. Cũng theo thông cáo trên, sáng kiến “Điện châu Phi” sẽ dựa vào tiềm năng điện khổng lồ của “Lục địa đen”, trong đó gồm cả việc phát hiện các nguồn dự trữ dầu khí dồi dào mới, và tiềm năng phát triển địa nhiệt điện, thủy điện, phong điện và điện năng lượng mặt trời. Các nước tham gia dự án trên gồm Ê-ti-ô-pi, Ga-na, Kê-ni-a, Li-bê-ri-a, Ni-giê-ri-a và Tan-da-ni-a.
Chương trình “Điện châu Phi” được xem là đại diện cho mối quan hệ công - tư mà Mỹ muốn nhân rộng ra khắp châu Phi. Theo ông B. Ô-ba-ma, đây cũng là dự án “đôi bên cùng có lợi” cho cả châu Phi và Mỹ. Với châu Phi, các gia đình sẽ có điện sinh hoạt, các doanh nghiệp sẽ có điện để sản xuất kinh doanh và tất cả những điều này sẽ kích thích kinh tế của “Lục địa đen” tăng trưởng. Với Mỹ, những kế hoạch đầu tư năng lượng sạch tại đây đồng nghĩa với việc nhiều sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang Mỹ và nhiều việc làm sẽ được tạo ra tại Mỹ.
Điểm sáng duy nhất
Tổng thống B. Ô-ba-ma cho rằng châu Phi là “câu chuyện về sự thành công lớn tiếp theo trong lĩnh vực kinh tế trên thế giới” |
Nhận định của ông B. Ô-ba-ma hoàn toàn có căn cứ. Theo Báo cáo Đầu tư toàn cầu của Liên hợp quốc công bố ngày 26-6 tại Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), năm 2012, lượng FDI đổ vào Lục địa đen tăng 5,5%, đạt mức 50 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng này sụt giảm đáng kể so với mức tăng 9% của năm 2011 song châu Phi vẫn là điểm sáng duy nhất trong bối cảnh đầu tư nước ngoài toàn thế giới đồng loạt giảm. FDI toàn cầu năm 2012 chỉ đạt 1.350 tỷ USD, giảm mạnh 18% so với mức 1.650 tỷ USD của năm trước đó, phản ánh lo ngại của giới đầu tư trước tiến trình phục hồi còn bấp bênh của nền kinh tế thế giới. Trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 4-2013, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng đặt kỳ vọng nền kinh tế châu Phi sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh ở mức 5,6% trong năm 2013, nhờ vào sức bật của những nền kinh tế đầu tàu như Ni-giê-ri-a và Mô-dăm-bích.
Chưa kể châu Phi còn sở hữu nguồn lao động dồi dào. Những nghiên cứu mới đây của Liên hợp quốc về dân số thế giới cho thấy dân số châu Phi trong độ tuổi lao động từ 25 đến 59 tuổi ước tính sẽ đạt đến 1 tỷ người vào năm 2050. Chỉ trong 35 năm nữa, phần đáng kể số dân trong độ tuổi lao động của toàn thế giới sẽ thuộc về châu Phi, và con số này có thể tăng lên gấp đôi, chiếm ¼ lực lượng lao động tiềm năng của toàn thế giới.
Cũng theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện có 18% thanh thiếu niên trên thế giới đang sống tại châu Phi, ước tính sẽ tăng lên 33% năm 2050 và 45% năm 2100. Mức tăng dân số của lục địa này được đánh giá là không thể tin được, chiếm hơn ½ tỷ lệ tăng dân số toàn thế giới từ nay đến năm 2050, tương đương tăng từ 1,1 tỷ người hiện nay lên 2,4 tỷ người. Đến năm 2100, số dân châu Phi có thể đạt mốc hơn 4 tỷ người.
Rõ ràng, với tiềm năng về kinh tế và lực lượng lao động, châu Phi được coi là “mảnh đất màu mỡ” để phát triển kinh tế, song muốn tăng cường đầu tư vào đây, “nhà kinh tế trưởng” Mỹ không thể không cạnh tranh với nhiều “đối thủ nặng ký” khác, trong đó có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc./.
Mỹ và Trung Quốc tăng cường quan hệ quân sự  (13/07/2013)
UNESCO cảnh báo tác động của chiến tranh đối với trẻ em  (13/07/2013)
Canada hỗ trợ đào tạo phi công thủy phi cơ Việt Nam  (13/07/2013)
Nam Mỹ tăng cường hội nhập, đối phó khủng hoảng  (13/07/2013)
Hội đồng nhân dân các tỉnh bàn giải pháp phát triển kinh tế- xã hội những tháng cuối năm  (13/07/2013)
Thành phố Hồ Chí Minh tăng học phí từ năm học 2013 - 2014  (13/07/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên