Ngày 6-4-2013, tại Ninh Thuận, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học về "Tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn". Tham dự Hội thảo có các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Quảng Ngãi, Ninh Thuận; các chuyên gia đến từ Bộ Nội vụ, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các nhà tài trợ Oxfam Vương quốc Anh...

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo diễn đàn khoa học để các thành viên Ban biên tập, các Đại biểu Quốc hội, đại diện chính quyền đia phương một số tỉnh và các chuyên gia trao đổi, thảo luận những nội dung liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam, liên quan đến vai trò của Hội đồng nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương phục vụ quá trinh xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan.

Tại Hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu đã trình bày về mô hình các tổ chức chính quyền địa phương các nước trên thế giới; thực trạng phân cấp, phân quyền và vấn đề tự quản địa phương ở Việt Nam; mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam; các vấn đề cơ bản của chương Chính quyền địa phương; khuyến nghị các giải pháp cho việc sửa đổi chương Chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2012.

Trình bày về mô hình chính quyền địa phương các nước trên thế giới Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: Mô hình chính quyền địa phương các nước trên thế giới rất đa dạng vì vấn đề này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện lịch sử, văn hóa xã hội, tự nhiên cũng như những quan điểm nhận thức của chính quyền nhà nước cấp trên; mỗi cách thức đều có những ưu điểm và những hạn chế nhất định, không tồn tại một mô hình tổ chức chính quyền địa phương tuyệt đối lý tưởng.

Hiện nay, các nước đều coi cải cách hành chính, trong đó có việc cải cách hệ thống chính quyền địa phương là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong bối cảnh sửa đổi hiến pháp hiện nay và sắp tới sẽ ban hành Luật về chính quyền địa phương, việc nghiên cứu, tham khảo các mô hình để xác lập cơ sở hiến định và pháp lý đủ để tạo bước đột phá trong nền quản trị của địa phương là rất có ý nghĩa.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước - Bộ Nội vụ trình bày một số vấn đề lý luận về phân cấp, phân quyền và tự quản địa phương tại Việt Nam; đề xuất, kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tự quản địa phương, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Chính phủ theo hướng điều chỉnh chức năng của Chính phủ đúng với vai trò của cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quản hành chính nhà nước cao nhất; sửa đổi, bổ sung qui định của Hiến pháp năm 2012 tạo cơ sở pháp lý xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo nguyên tắc phân biệt chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quyết định và tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật trong phạm vi được phân cấp phân quyền...

Hội thảo đã dành nhiều thời gian trao đổi thảo luận phân tích các thuận lợi khó khăn trong việc thực thi chức năng nhiệm vụ Hội đồng nhân dân; đề xuất các vấn đề có liên quan đến việc nâng cao hiệu quả của hoạt động của chính quyền địa phương, vai trò của Hội đồng nhân dân; góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về các vấn đề có liên quan đến "Chính quyền địa phương"./.