Để nông nghiệp phát triển bền vững, cần rất nhiều giải pháp. Nhất là làm gì và làm thế nào để tạo ra sự phát triển có tính đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn luôn là một câu hỏi lớn. Khuyến nông là một trong những phương pháp cần được nhân rộng trong điều kiện đưa nông dân Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế hiện nay.

Thách thức lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam thời kỳ hậu WTO chính là khả năng cạnh tranh. So với các nước trong khu vực, ta có hai bất lợi chính trong cạnh tranh: quy mô sản xuất nhỏ của kinh tế nông hộ và trình độ thấp của công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Hệ quả của những bất lợi này sẽ là nguy cơ phá sản của nông dân sản xuất nhỏ và không thể nâng cao thu nhập cho nông dân vì sản xuất với giá thành cao và chất lượng sản phẩm thấp, không đáp ứng được yêu cầu thị trường thế giới. Chính nông dân sẽ là người quyết định lựa chọn quy mô sản xuất và lựa chọn công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, để thực hiện điều này lại phụ thuộc rất lớn vào trình độ kiến thức nông nghiệp của họ.

Có công nghệ sản xuất nông nghiệp mới chưa phải là điều kiện đủ trong việc nâng cao năng suất nếu có một khoảng cách giữa công nghệ mới với việc người nông dân vận dụng nó vào thực tế. Dịch vụ thông tin kỹ thuật nông nghiệp cần được hình thành trên nền tảng có sự đầu tư của Nhà nước nhằm tạo kết nối giữa nơi cung cấp công nghệ mới với người ứng dụng. Người nông dân không sẵn lòng áp dụng kỹ thuật mới vào thực tế bởi: không biết hoặc không hiểu về kỹ thuật mới, không có đủ năng lực để thực hiện, không được chấp nhận về mặt tâm lý, văn hóa và xã hội, không được thích nghi, không khả thi về kinh tế và không sẵn có điều kiện để áp dụng.

Để người nông dân áp dụng kỹ thuật mới, phải bằng mọi cách giúp cho chính bản thân họ thấy được rủi ro nếu không áp dụng kỹ thuật mới hiểu rõ những lợi ích có được từ việc áp dụng kỹ thuật mới trong nông nghiệp. Như vậy, hệ thống khuyến nông nhà nước ra đời là cần thiết, và với những phương pháp đa dạng, thích hợp sẽ tác động làm thay đổi cách nhìn của nông dân, khuyến khích, trợ giúp họ đương đầu với những khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao thu nhập và phát triển bền vững nông nghiệp.

Có hai cách tiếp cận chủ yếu để chuyển giao công nghệ mới đến nông dân: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua cán bộ khuyến nông ở cơ sở. Đặc biệt là, thông qua cánbộ khuyến nông ở cơ sở sẽ tạo tác động lan truyền từ những hộ nông dân là cộng tác viên khuyến nông đến những hộ nông dân láng giềng.

Khảo sát tại một số tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ trong năm 2007 cho thấy:

- Kiến thức nông nghiệp mà nông dân có được hiện nay chủ yếu do tác động của hệ thống khuyến nông, thông qua hai dạng chính: trực tiếp từ cán bộ khuyến nông ở cơ sở, các điểm trình diễn kỹ thuật mới và công ty kinh doanh nông nghiệp (49%); gián tiếp được thực hiện thông qua các tài liệu, tờ bướm, hộ nông dân là cộng tác viên khuyến nông, phương tiện truyền thông đại chúng (51%).

- Phần lớn nông dân ứng dụng công nghệ của khuyến nông, chỉ có từ 3% - 8% số hộ nông dân không ứng dụng công nghệ do khuyến nông chuyển giao, trên 83% nông dân trả lời họ nhận được lợi ích đem lại trong việc ứng dụng công nghệ do khuyến nông chuyển giao.

- Trình độ kiến thức nông nghiệp và hộ nông dân được hướng dẫn trực tiếp bởi cán bộ khuyến nông có tương quan với thu nhập và lợi nhuận của nông dân. Hệ số tương quan của trình độ kiến thức là 0,44 và 0,3 đối với tác động khuyến nông.

Thực tiễn cho thấy, khuyến nông giữ vai trò quan trọng đối với nâng cao trình độ kiến thức nông nghiệp, thu nhập và hiệu quả sản xuất của nông dân. Điều này thực sự là cần thiết và hữu ích.

Những bài học kinh nghiệm của việc phát triển công tác khuyến nông

Thứ nhất, đầu tư hơn nữa cho khuyến nông quốc gia

Vai trò của hệ thống khuyến nông ngày càng được khẳng định không thể thiếu trong việc nhanh chóng nâng cao trình độ kiến thức nông nghiệp cho nông dân. Trong thời gian qua, nông nghiệp đóng góp đáng kể cho quá trình tích lũy vốn phục vụ công nghiệp hóa. Vì vậy, đầu tư tốt vào khuyến nông vừa thể hiện "đền ơn đáp nghĩa" với nông dân, vừa tăng tích lũy tư bản để góp phần hiện đại hóa đất nước. Ba vấn đề trọng tâm mà hệ thống khuyến nông cần được ưu tiên hàng đầu: nhận sự tài trợ của Chính phủ về kinh phí hoạt động; lực lượng, chất lượng cán bộ khuyến nông cơ sở; sử dụng các phương tiện thông tin quốc gia trong việc truyền bá, chuyển giao kiến thức cho nông dân.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa khuyến nông

Theo mô hình truyền thống (1) trên thế giới, hệ thống khuyến nông quốc gia là cầu nối giữa nguồn cung cấp công nghệ mới và nông dân. Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã khẳng định vai trò hiệu quả của khuyến nông nhà nước trong việc chuyển giao công nghệ mới cho nông dân. Hoạt động của khuyến nông nhà nước chủ yếu dựa trên nguồn kinh phí của Chính phủ. Trong điều kiện hiện nay, nguồn kinh phí lại có hạn, do đó xã hội hóa khuyến nông (2) là cần thiết nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ cho chuyển giao công nghệ mới đến nông dân để nâng cao trình độ kiến thức nông nghiệp cho nông dân.

Qua thực tiễn mô hình doanh nghiệp tham gia khuyến nông trong thời gian gần đây, có thể đúc kết được những thành quả (3 nâng, 2 nhanh) như sau:

 - Nâng cao khả năng bền vững của mô hình 4 nhà trong việc đẩy nhanh chuyển giao công nghệ mới cho nông dân. Mô hình chỉ bền vững khi lợi ích 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) được bảo đảm. Lợi ích của nhà nông: nâng cao trình độ kiến thức nông nghiệp, có điều kiện vật chất tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới, nâng cao thu nhập trên cơ sở giảm giá thành, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, sử dụng đúng vật tư trong khi thị trường chưa quản lý được nguồn vật tư bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Lợi ích của nhà khoa học: tạo ra những công nghệ mới từ áp lực cầu thực tiễn của nông dân, có điều kiện vật chất kịp thời để thực hiện những nghiên cứu mới của mình cũng như sớm đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Lợi ích của nhà doanh nghiệp: tăng uy tín thương hiệu của sản phẩm cung cấp cho nông dân, tăng lợi nhuận do chia sẻ "lợi nhuận và rủi ro" với nông dân. Nông dân không thành công, phá sản, doanh nghiệp cũng không phát triển. Lợi ích của Nhà nước: thực hiện được các chương trình phát triển theo mục tiêu bền vững nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong mô hình 4 nhà, nhà doanh nghiệp giữ vai trò kết dính vì không có doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện vật chất thực hiện liên kết giữa các nhà khoa học và nhà nông.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của nông dân trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Trong điều kiện mới, cung nông sản không chỉ đáp ứng cầu trong nước mà còn đáp ứng cho thị trường thế giới. Theo lộ trình WTO, sẽ có xâm nhập của nông sản trên thế giới vào Việt Nam. Nếu thiếu năng lực cạnh tranh, nông dân sẽ phá sản. Thông qua mô hình cùng nông dân ra đồng, nông dân có điều kiện sản xuất với chi phí sản xuất thấp, năng suất cao, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và như vậy sẽ giúp nông dân nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.

- Nâng cao tính cộng đồng và quen thuộc hóa rủi ro cho nông dân. Thông qua mô hình 4 nhà, để áp dụng các công nghệ mới cho nông dân trong một dự án phải tuân thủ đúng, thống nhất một quy trình công nghệ và cùng thời gian. Qua đó, nông dân trong cùng một dự án trở nên gắn bó, chia sẻ lợi ích và tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt. Hơn nữa, việc bảo đảm điều kiện vật chất của doanh nghiệp (chẳng hạn như: ứng trước vật tư, hỗ trợ 30% chi phí và hoàn trả cuối vụ), nông dân sẽ mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới. Điều này tạo sự dịch chuyển từ ngần ngại với rủi ro sang mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, như vậy dễ được nông dân chấp nhận hơn.

- Nhanh chóng nâng cao trình độ kiến thức nông nghiệp và ứng dụng công nghệ mới cho nông dân. Với lực lượng cán bộ khuyến nông ở cơ sở của doanh nghiệp được phân công "cùng ăn, cùng ở, cùng nông dân ra đồng", hộ nông dân thành viên được học hỏikiến thức mới về nông nghiệp. Những hộ nông dân láng giềng cũng được học hỏithông qua các hộ nông dân thành viên và sẽ được nhân rộng.

- Nhanh chóng dập tắt thiên tai, dịch bệnh. Bài học kinh nghiệm của việc xuất hiện dịch rầy nâu cho thấy, nếu không nhanh chóng và kịp thời dập tắt sẽ không đương đầu nổi với rầynâu, sẽ tổn thất nghiêm trọngnguồn lực đầu tư của nông dân. Với tiềm năng của doanh nghiệp về vốn, vật tư và vai trò kết dính của doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện nhanh chóng ra đời công nghệ mới, thích hợp dập tắt được dịch bệnh.

Để mô hình xã hội hóa khuyến nông được hoạt động rộng khắp và hiệu quả, cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Một là, cần có các công trình nghiên cứu khoa học mang tính hệ thống ở tầm quốc gia, bộ, tỉnh và các viện, trường đại học nhằm đúc kết những hiệu quả kinh tế - xãhội - môi trường của mô hình doanh nghiệp tham gia khuyến nông.

Hai là, nên có chính sách đặc biệt khuyến khích phương thức chuyển giao công nghệ mới của doanh nghiệp cho nông dân. Các chính sách về thuế thích hợp đối với chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển, tài trợ thêm tín dụng với hình thức tín chấp, tài trợ kinh phíhuấn luyện cho các công ty kinh doanh tiến hành phương thức trên.

Ba là, cần có liên kết thích hợp nhằm khai thác thế mạnh của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và khuyến nông doanh nghiệp nhất là đào tạo cho lực lượng khuyến nông cơ sở của các doanh nghiệp.