Từ "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" năm 1848 đến thực trạng giai cấp công nhân ở Mỹ và Ca-na-đa những năm đầu thế kỷ XXI
Nghiên cứu thực trạng giai cấp công nhân và đời sống giai cấp công nhân ở Mỹ và Ca-na-đa - hai nước phát triển và giàu có hàng đầu thế giới vào những năm đầu của thế kỷ XXI càng khẳng định rằng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác - Ph.Ăng-ghen dù ra đời cách đây đã 160 năm nhưng những tư tưởng cơ bản của tác phẩm này về giai cấp công nhân, chủ nghĩa tư bản vẫn giữ nguyên giá trị.
Vượt qua mọi biến cố của lịch sử và thử thách của thời gian, những lý giải của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về các vấn đề cơ bản mà nhân loại quan tâm 160 năm trước cũng đồng thời là những vấn đề của ngày hôm nay như giải phóng giai cấp, xóa bỏ bóc lột, bất công, nghèo đói, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, công lý và văn minh. Bài viết sẽ tập trung vào một trong những vấn đề lý luận cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - lý luận về giai cấp vô sản, trên cơ sở phân tích thực trạng giai cấp công nhân hiện đại ở Mỹ và Ca-na-đa những năm đầu thế kỷ XXI.
Một số vấn đề lý luận.
Trong Chương thứ nhất của Tuyên ngôn với tựa đề “Tư sản và vô sản”, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra rằng, cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp, giai cấp vô sản ra đời và sớm bước lên vũ đài chính trị đấu tranh chống lại giai cấp tư sản. Giai cấp vô sản là sản phẩm của nền đại công nghiệp và lớn lên cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp. Đồng thời, sự phát triển của đại công nghiệp còn đẩy từng bộ phận trong giai cấp thống trị vào hàng ngũ giai cấp vô sản, bộ phận ấy cũng đem lại cho giai cấp vô sản những yếu tố tiến bộ. Bên cạnh đó, trong khi phân tích thực chất mối quan hệ giữa tư sản và vô sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra rằng giai cấp tư sản đã “không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối “tiền trao cháo múc” không tình nghĩa... Nó đã biến phẩm giá con người thành giá trị trao đổi; nó đã đem sự tự do buôn bán duy nhất và vô sỉ thay cho biết bao quyền tự do đã được ban cho và đã giành được một cách chính đáng. Như đã nhìn thấy trước, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản sẽ diễn ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, trong đó, lao động chất xám ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn, hai ông nhấn mạnh, “giai cấp tư sản đã tước hết vòng hào quang thần thánh của tất cả những hành động xưa nay vẫn được trọng vọng, tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả lương của nó”(1).
Những luận điểm nêu trên về giai cấp vô sản, cho đến nay, về cơ bản, vẫn giữ nguyên giá trị. Nghiên cứu cơ cấu và thực trạng giai cấp công nhân ở Mỹ và Ca-na-đa, hai trong số các nước tư bản phát triển nhất, trong những năm đầu thế kỷ XXI sẽ cho thấy giá trị tinh thần và sức sống mãnh liệt của những vấn đề lý luận mà C.Mác và Ph.Ăng ghen đã chỉ ra cách đây 160 năm.
Về cơ cấu giai cấp công nhân ở Mỹ và Ca-na-đa những năm đầu thế kỷ XXI
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, diễn ra từ giữa thế kỷ XX, đặc biệt là từ năm 1970 đến nay đã làm biến đổi sâu sắc và toàn diện nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, đến lượt nó, sự thay đổi kinh tế đã tác động đến các giai tầng xã hội, đặc biệt là giai cấp công nhân hiện đại. Nếu như giai cấp công nhân truyền thống, theo cách gọi của C.Mác là “vô sản công nghiệp”, những công nhân đứng máy trong các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp (factory workers) là hệ quả quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu từ cuối thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX, thì giai cấp công nhân hiện đại là hệ quả của cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại nửa sau thế kỉ XX. Giai cấp công nhân hiện đại ở Mỹ và Ca-na-đa có những đặc điểm mới về kinh tế - xã hội và chính trị so với giai cấp công nhân truyền thống.
Về kinh tế - xã hội, giai cấp công nhân hiện đại ở Mỹ và Ca-na-đa có trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cao, đồng thời có mức sống cao hơn so với trước đây. Do nhận thức được vai trò của nguồn lực ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, chính phủ các nước Mỹ và Ca na da đã quan tâm đến các yếu tố cấu thành của giá trị hàng hóa sức lao động bằng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của những người lao động. Cùng với những điều chỉnh quan trọng về sở hữu, quản lý và phân phối tài sản, ở Mỹ và Ca-na-đa đã diễn ra những biến đổi trong cơ cấu giai cấp công nhân hiện đại. Theo các nhà xã hội học Thom-son Uyn-li-am (Thomspon William) và Dô-dep Hac-ki (Joseph Hickey), giai cấp công nhân hiện đại ở Mỹ và Ca- na-da có thể xếp loại thành những giai tầng khác nhau như: “công nhân cổ trắng”, “công nhân cổ vàng”, “công nhân cổ xanh”, “công nhân cổ tím”... Tiêu chí để phân loại chủ yếu dựa trên những công việc cụ thể mà họ đảm nhận, trình độ học vấn, tính chuyên nghiệp và thu nhập hàng năm(2).
“Công nhân cổ trắng” (white-collar worker) là những người làm công ăn lương có trình độ học vấn trên đại học (một số người có trình độ đại học), có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tỷ lệ lao động trí óc và lao động sáng tạo cao, chủ yếu làm việc trong các văn phòng. Về vị trí xã hội, “công nhân cổ trắng” được xếp vào tầng lớp trung lưu (middle class) với mức thu nhập từ 60.000 USD đến 100.000 USD một năm và có sở hữu dưới dạng cổ phiếu. Theo thống kê năm 2006, số lượng “công nhân cổ trắng” ở Mỹ chiếm 16% lực lượng lao động, còn ở Ca-na-đa là 15%.
“Công nhân cổ vàng” (gold-collar worker) là những người làm công ăn lương có trình độ đại học, cao đẳng hoặc tốt nghiệp các trường dạy nghề, trường kỹ thuật... Theo các nhà nghiên cứu xã hội học Mỹ năm 2007: “công nhân cổ vàng” bao gồm các kỹ thuật viên, phi công, điều khiển viên, y sĩ, y tá...Nhìn chung, “công nhân cổ vàng” có thu nhập khoảng từ 32.500 USD đến 60.000 USD một năm và được xếp vào tầng lớp trung lưu bậc dưới (lower middle class). Theo thống kê năm 2006, số lượng “công nhân cổ vàng” chiếm khoảng 33% lực lượng lao động ở Mỹ, còn ở Ca-na-đa là 35%.
“Công nhân cổ xanh” (blue-collar worker) là những người lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường xây dựng...và được trả lương theo giờ (trong khi “công nhân cổ trắng” và “công nhân cổ vàng” được trả lương theo tháng). Phần lớn “công nhân cổ xanh” có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thấp hơn so với “công nhân cổ vàng”. Mức thu nhập hàng năm của “công nhân cổ xanh” là từ 20.000 USD đến 32.500 USD. Số lượng “công nhân cổ xanh” chiếm khoảng 30% lực lượng lao động ở Mỹ và 32% lực lượng lao động ở Ca-na-đa. Tuy vậy, trên thực tế số lượng “công nhân cổ xanh” ở Mỹ và Ca-na-đa đang giảm sút khá nhanh trong những năm đầu thế kỉ XXI. Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự sụt giảm này là xu hướng thuê mướn nhân công từ bên ngoài (outsourcing), chủ yếu từ các nước đang phát triển với giá nhân công rẻ, hiện đang trở nên phổ biến đối với Mỹ và Ca-na-đa cũng như các nước tư bản phát triển phương Tây nói chung.
“Công nhân cổ tím” (pink-collar worker) là những người lao động chân tay, lao động giản đơn, chủ yếu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, quét dọn, những công việc mà theo quan niệm truyền thống thường dành cho phụ nữ. Theo cách xếp loại của các nhà xã hội học Mỹ “công nhân cổ tím” bao gồm: những người quét dọn, bồi bàn, người trông trẻ, người giúp việc, hộ lý... Nhìn chung, “công nhân cổ tím”được xếp vào tầng lớp dưới đáy của xã hội tư bản (lower class) với thu nhập hàng năm dưới 20.000 USD. So với mức tiêu dùng trong xã hội Mỹ những năm đầu thế kỷ 21, một hộ gia đình 4 người có thu nhập hàng năm từ 19.307 USD trở xuống được coi là sống dưới mức nghèo(3). Theo các số liệu chính thức của Viện nghiên cứu Pha-sơ (Fraser) (Ca-na-đa) thì chuẩn nghèo của một gia đình 4 người là có thu nhập hàng năm dưới mức 22.852 đô la Ca-na-đa(4).
Như vậy, có thể thấy sự phát triển lực lượng sản xuất, sự chuyển đổi từ văn minh công nghiệp sang văn minh tin học đã dẫn tới những thay đổi cơ bản về cơ cấu kinh tế, và theo đó là sự phân hóa thành phần giai cấp công nhân ở Mỹ và Ca-na-đa. Số lượng công nhân có tri thức: “công nhân cổ trắng”, “công nhân cổ vàng” tăng, trong khi số lượng công nhân lao động giản đơn, lao động chân tay:”công nhân cổ xanh”,”công nhân cổ tím” ngày càng sụt giảm. Điều này càng khẳng định giá trị của học thuyết Mác về vai trò của khoa học công nghệ, của tri thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù là sản phẩm của sự điều chỉnh và phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại, nhưng xét về phương diện chính trị- xã hội, giai cấp công nhân hiện đại ở Mỹ và Ca-na-đa vẫn tiếp tục giữ vai trò là lực lượng chính trị - xã hội chủ yếu trong các cuộc đấu tranh chính trị. Tuy nhiên, nếu so sánh với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản truyền thống trước đây, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản hiện đại ở Mỹ và Ca-na-đa mang tính chất kinh tế - xã hội nhiều hơn tính chất chính trị. Cùng với mục tiêu đấu tranh kinh tế, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân hiện đại tập trung vào các mục tiêu như bảo vệ dân chủ, nhân quyền, chống phân biệt chủng tộc, bảo vệ môi trường, chống lại mặt trái của toàn cầu hóa...Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân hiện đại cũng mang tính toàn cầu, thể hiện trong các mục tiêu đấu tranh chống các tập đoàn xuyên quốc gia, các tổ chức và thể chế quốc tế, vì lợi ích chung của những người lao động trên toàn thế giới.
Những vấn đề đặt ra đối với người lao động nghèo ở Mỹ và Ca-na-đa
Là những nước được xếp vào loại giàu nhất thế giới nhưng vấn đề nghèo đói, thất nghiệp và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn... lại là những vấn đề nan giải nhất đối với chính phủ Mỹ và Ca-na-đa. Theo báo cáo chính thức của Cục điều tra dân số Mỹ, số người dưới mức nghèo ở Mỹ liên tục tăng và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ gần đây. Nếu như năm 2000 số người dưới mức nghèo khổ (personal below poverty level) ở Mỹ là 31,6 triệu người thì con số này liên tục tăng trong những năm tiếp theo: 34,6 triệu (2002), 35,9 triệu(2003), 37,0 triệu (2005), chiếm 12,6% dân số (1). Báo cáo phân tích số liệu của Cục điều tra dân số Mỹ do Công ty truyền thông Mac Klat-si (Mc Clatchy) công bố ngày 22 tháng 2 năm 2007 cho biết, đây là tỷ lệ người nghèo cao nhất ở Mỹ kể từ năm 1975 đến nay, mặc dù nền kinh tế Mỹ được phục hồi trong thời gian từ năm 2000 đến 2005. Trong số 37 triệu người sống dưới mức nghèo ở Mỹ, gần 2/3 là phụ nữ. Trong đó, các hộ gia đình nghèo khổ nhất là các hộ gia đình mà người chủ là phụ nữ. Số người cực nghèo không chỉ tăng lên ở các đô thị lớn mà còn tăng lên ở các vùng ngoại ô và nông thôn. Khu vực biên giới Mỹ - Mê-hi-cô và miền Nam nước Mỹ là nơi tập trung số người nghèo nhiều nhất cả nước, với số lượng khoảng 6,5 triệu người. Điều đáng ngạc nhiên là số người sống dưới mức nghèo ở Oa-sinh-tơn (Washington D.C) chiếm tới 10,8% dân số thành phố, cao hơn tỷ lệ người nghèo ở các bang Mit-xi-xi-phi (Missisipi) và Lut-xi-a-na (Lussiana), những bang bị tàn phá nặng nề sau cơn bão Ka-tri-na.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những số liệu trên đây mới chỉ là bức tranh sơ lược về thực trạng nghèo khổ ở Mỹ, trên thực tế những con số này chưa phản ánh đúng thực chất sự suy giảm chất lượng cuộc sống của những người lao động. Bởi lẽ, trong vòng gần 50 năm qua, chuẩn nghèo ở Mỹ được tính toán chủ yếu trên cơ sở mức dinh dưỡng tối thiểu cho một gia đình, với chi tiêu khoảng 1/3 thu nhập cho bữa ăn. Cách tính toán này chưa tính đến những thay đổi lớn trong bối cảnh lạm phát gia tăng và sự xuống giá của đồng đô la Mỹ. Trên thực tế, các chi phí cho cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như chi phí chăm sóc trẻ em, giá thuê nhà, gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe, y tế... của những người Mỹ nghèo khổ không có bảo hiểm y tế đều tăng lên nhanh chóng. Xem xét thực trạng cuộc sống của những người lao động Mỹ, các nhà nghiên cứu Mi-sen Lau-ren (Mishel Lawrence), Gia-ret Bem-xtanh (Jared Bemstein) và Sin-vi-a (Sylvia) trong công trình nghiên cứu Nước Mỹ của những người lao động 2006-2007 đã chỉ ra rằng “Mặc dù nền kinh tế đã phục hồi kể từ năm 2001 nhưng thu nhập thực tế của gia đình người lao động Mỹ trên thực tế đã giảm đi hàng năm. Trong những năm đầu thế kỷ XXI (2000- 2005), thu nhập thực tế của một gia đình Mỹ trung bình giảm 23%, tức là giảm đi khoảng 1.300 USD”(5). Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến những “sản phẩm phụ” của sự nghèo khổ như tỷ lệ tội phạm và bạo lực gia tăng, tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng kém cùng những hậu quả về giáo dục.
Sự gia tăng liên tục số người sống dưới mức nghèo khổ tỷ lệ thuận với mức tăng của tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ. Theo số liệu chính thức của Cục điều tra dân số Mỹ, số người thất nghiệp ở Mỹ năm 2000 là 5,7 triệu người chiếm 4,0% dân số, con số này liên tục tăng trong các năm tiếp theo: 8,4 triệu người chiếm 5,8% năm 2002; 8,8 triệu người chiếm 6% năm 2003. Từ năm 2004, do sự phục hồi của nền kinh tế, số lượng người thất nghiệp có chiều hướng giảm xuống, cụ thể là: 8,1 triệu người chiếm 5,5% năm 2004; 7,6 triệu người chiếm 5,1% năm 2005; 6,8 triệu người chiếm 4,4% năm 2006, nhưng lại tăng lên 7,7 triệu người chiếm 5,0% dân số tính đến tháng 12-2007(1).
Trên thực tế, chỉ có một thiểu số những người giàu được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế, còn lại đại bộ phận người lao động Mỹ, những người có thu nhập trung bình và thấp phải gánh chịu sự suy giảm chất lượng cuộc sống. Khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn mặc dù Chính phủ Mỹ đã thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội như Chương trình trợ cấp tạm thời cho các gia đình nghèo (TANF). Các số liệu cho thấy, những năm đầu thế kỉ XXI khoảng 5% những người giàu ở Mỹ sở hữu giá trị tài sản nhiều hơn 95% số người còn lại. Các kết quả điều tra chỉ ra rằng, mặc dù nước Mỹ đã trở nên giàu có hơn trong vòng 50 năm qua nhưng người lao động vẫn không cảm thấy hạnh phúc hơn. Năm 1972, kết quả điều tra xã hội học cho thấy có khoảng 31% người Mỹ cho rằng mình rất hạnh phúc, đến năm 2004, tức là sau hơn nửa thế kỉ, tỷ lệ này cũng chỉ đạt mức 33%(3). Những rủi ro trong công việc và sức khỏe luôn luôn rình rập những người lao động, chỉ cần một tháng không lương hay phải đối mặt với một vấn đề sức khỏe có thể trở thành lý do để hàng triệu người lao động và gia đình của họ lâm vào cảnh hoạn nạn. Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản đã tối đa hóa lợi nhuận chỉ cho những người giàu có.
Theo các số liệu chính thức của Tổng cục thống kê quốc gia Ca-na-đa, số lượng người dưới mức nghèo ở Ca-na-đa có chiều hướng giảm trong những năm đầu thế kỉ XXI. Nếu như năm 2000, tỷ lệ người dưới mức nghèo chiếm 5,7% dân số, thì trong các năm tiếp theo, tỷ lệ này là 5,6% (2002), 4,9% (2004), 5% (2005), 4,9% (2006). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở Ca-na-đa. Sự bất bình đẳng về thu nhập ở Ca-na-đa mặc dù thấp hơn so với Mỹ, nhưng lớn hơn so với các nước tư bản ở châu Âu. Theo các số liệu được công bố, khoảng 10% số người giàu nhất ở Ca-na-đa sở hữu giá trị tài sản nhiều hơn 90% số người còn lại. Mức tăng thu nhập của 10% những người giàu nhất cao hơn nhiều lần mức tăng thu nhập của 10% những người nghèo nhất ở Ca-na-đa. Vào năm 2005, các số liệu thống kê cho thấy: nếu như 10% những người nghèo nhất kiếm được 1 đô la, thì 10% những người giàu nhất kiếm được 12,57 đô la(6). Chính vì vậy, khoảng cách thu nhập ngày một tăng bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thông qua các chương trình hỗ trợ những người có thu nhập thấp. Phần lớn những người nghèo ở Ca-na-đa là những người nhập cư, những gia đình phụ nữ là chủ, những người thổ dân, người thất nghiệp.
Một trong những vấn đề xã hội nan giải đối với Chính phủ Ca-na-đa là trong số những hộ gia đình sống dưới mức nghèo, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi khá cao. Báo cáo về trẻ em và gia đình nghèo ở Ca-na-đa năm 2007 của Hiệp hội trợ giúp gia đình Tô-rôn-tô (Ca-na-đa) cho thấy 11,7% trẻ em, tức là 788.000 trẻ em sống dưới mức nghèo ở Ca-na-đa, một trong những nước giàu nhất thế giới (8,1). Điều đáng nói ở đây là, tỷ lệ này không thay đổi so với năm 1989. Như vậy, sau 18 năm (1989-2007), mặc dù nền kinh tế tăng trưởng tổng cộng đến 50%, tỷ lệ thất nghiệp giảm, đồng đô la Ca-na-đa tăng giá so với đồng đô la Mỹ, nhưng tỷ lệ trẻ em sống dưới mức nghèo vẫn không giảm đi. Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi (từ 45 đến 64 tuổi) có thu nhập thấp lại tăng lên nhanh chóng. Theo các số liệu thống kê, trong vòng 25 năm (1980-2005), số người trong độ tuổi nêu trên có thu nhập thấp tăng gấp đôi, từ 530.000 người (1980) tăng lên 1,18 triệu người vào năm 2005 (7). Trong khi tài sản của những người giàu tăng vọt thì những người nghèo rất khó có thể thay đổi được thân phận của mình. Điều này cho thấy một thực tế là chủ nghĩa tư bản chủ yếu làm giàu cho những người có của bởi chính thiết chế của nó.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân  (20/03/2008)
Cần giải pháp thống nhất cho nền kinh tế  (20/03/2008)
Hội thảo công bố kết quả đánh giá 3 năm chương trình HIV/AIDS  (20/03/2008)
Xây dựng và phát triển công đoàn ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh của tỉnh Quảng Nam  (20/03/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên