TCCSĐT - Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2012), ngày 28-11-2012, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp Nhà nước: "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam".

Dự Hội thảo có đồng chí Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo; đồng chí Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; đồng chí Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân; đồng chí Trương Minh Tuấn, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Hội thảo còn có mặt các cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử, cùng nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo đồng thời là nhân chứng lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung khẳng định: Với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cuộc kháng chiến của ta. Cùng với thời gian, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Mai Quang Phấn cho biết: Nhằm nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trở lại bàn đàm phán, chấp nhận các yêu sách của Mỹ, với mưu đồ tính toán từ trước, Chính quyền Ních-xơn huy động gần 200 máy bay B.52, 30 máy bay F.111 và hơn 1.000 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay và 50 máy bay tiếp dầu KC.135... mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trên miền Bắc, với mật danh “Lai-nơ Bếch-cơ II”. Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã tập trung trên 1.000 lần chiếc (trong đó có khoảng 500 lần chiếc B.52), trút 40.000 tấn bom xuống nhiều địa điểm, trong đó có các khu dân cư, làm gần 2.400 người chết, 1.355 người khác bị thương.

Nắm bắt chính xác âm mưu, thủ đoạn và thời điểm không kích của địch, quân và dân Thủ đô đã chủ động thiết lập một thế trận phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp, chủ động vào trận với hào khí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu (18-12 đến 29-12-1972), quân và dân Thủ đô cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ. 

Lý giải về chiến thắng này, đồng chí Trung tướng Phương Minh Hòa, nhận định: Một trong những bất ngờ lớn nhất đối với Mỹ trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta là lực lượng không quân trẻ tuổi của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, có cách đánh độc đáo, táo bạo, thiện chiến, hiệu quả và trở thành lực lượng đột kích mạnh trên không, gây cho không quân Mỹ nỗi ám ảnh, kinh hoàng và thiệt hại đau đớn mỗi khi bay vào vùng trời miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, ông đúc kết, để có đ¬ược chiến thắng vĩ đại đó, phải nói đến tầm nhìn xa trông rộng và sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy cảm, tài tình; tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu xây dựng kế hoạch, tìm cách đánh của bộ đội phòng không - không quân; trí thông minh, tài thao lược, bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm chiến đấu rất cao của bộ đội phòng không - không quân nói riêng và quân, dân miền Bắc nói chung.

Làm rõ hơn nguyên nhân dẫn đến chiến thắng trên, đồng chí Trương Minh Tuấn chia sẻ: Các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ xuyên suốt lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc, trong đó có sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đều là các cuộc chiến tranh chính nghĩa. Trong thời đại Hồ Chí Minh, tính chất chính nghĩa, nhân đạo đó trở thành điểm tựa tinh thần cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân. Bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ là cuộc chiến tranh nhân dân phát triển cao trong điều kiện mới - chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn có sự đóng góp của nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nhân dân Mỹ tiến bộ cũng đứng bên cạnh Việt Nam, đấu tranh mạnh mẽ ngăn chặn những hành động phiêu lưu độc ác của nhà cầm quyền Mỹ. Cuộc “đụng đầu lịch sử ” đã để lại cho nhân loại yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức niềm tin chiến thắng của sức mạnh chính nghĩa, của con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Truyền thống anh hùng, khát vọng hòa bình, tư thế ngẩng cao đầu của dân tộc Việt Nam trong lịch sử đã được nhân lên, tạo nên khí phách một Việt Nam trong thời đại mới.

Hơn 50 tham luận tham dự Hội thảo đã tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ thêm một số vấn đề quan trọng sau:

- Bối cảnh chung trong nước, quốc tế và tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ trước khi ký Hiệp định Pa-ri.

- Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

- Tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sự linh hoạt, sáng tạo của bộ đội phòng không - không quân, của quân và dân miền Bắc, trực tiếp là quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn khác đã làm nên chiến thắng lịch sử, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của quân đội, của nhân dân Việt Nam anh hùng. 

- Đánh giá tầm vóc, ý nghĩa, nhân tố thắng lợi, đúc rút những kinh nghiệm đồng thời phát huy những bài học lịch sử của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hội thảo là hoạt động thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi và truyền thống đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc đổi mới nhằm tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.