Quan hệ giữa cá nhân người đứng đầu cấp ủy và cá nhân người đứng đầu chính quyền
Trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền
Việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu là một nội dung quan trọng, cấp bách, bởi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, vai trò của các đoàn thể đều thông qua những cán bộ, đảng viên cụ thể do Đảng và nhân dân cử ra. Họ đại diện cho Đảng trực tiếp đảm đương công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành ở đơn vị, tổ chức, địa phương trong phạm vi nhất định. Chất lượng công tác của người đứng đầu thể hiện chất lượng lãnh đạo cụ thể của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở đơn vị mà người đứng đầu đại diện. Nó bộc lộ toàn bộ khả năng, phẩm chất của người cán bộ; đồng thời, cũng thể hiện chất lượng lãnh đạo cụ thể của Đảng ở lĩnh vực mà cá nhân người đứng đầu được Đảng trao quyền đại diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ là gốc của mọi công việc. Do đó, người đứng đầu lại càng là “gốc” quyết định sự thành, bại của đơn vị, địa phương, đoàn thể cụ thể.
Người đứng đầu cấp ủy có vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cấp ủy có tác dụng thúc đẩy và tạo lực cho những bước phát triển mạnh mẽ, hoặc ngược lại. Là nhân vật chủ chốt nhất, người đứng đầu cấp ủy không chỉ giữ vai trò quan trọng về đối nội mà cả về đối ngoại, nhằm mở rộng mối quan hệ giao lưu, giao tiếp với các đối tác, các mối liên hệ trong cộng đồng và xã hội, tạo điều kiện cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ; là đầu mối tổ chức triển khai mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị theo nghị quyết của các cấp ủy. Khi có hiện tượng tiêu cực, hoặc xảy ra các vụ việc liên quan đến quản lý tài sản, tài chính, chính sách đối với cán bộ, nhân viên, người lao động,... người đứng đầu cấp ủy luôn luôn phải “đứng mũi, chịu sào”, chịu trách nhiệm chính. Phát hiện, xử lý nhanh hay chậm, bỏ qua hay kịp thời khắc phục những mặt yếu kém, những vấn đề nảy sinh, đều do người đứng đầu cấp ủy. Cho nên, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy rất lớn, có ý nghĩa quyết định mọi thành, bại trong quá trình hoạt động, phát triển của cơ quan, đơn vị; giữ vai trò tạo đà, thế, cơ hội cho sự phát huy những thế mạnh; khắc phục những mặt yếu kém của cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu chính quyền là thủ trưởng giữ vai trò quyết định liên quan đến hoạt động và phát triển của cơ quan, địa phương, đơn vị. Điều 7 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP, ngày 27-10-2007, của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ, nhiệm vụ và ghi rõ 10 nội dung trách nhiệm đối với người đứng đầu, trong đó nội dung đầu tiên là: “Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý”. Trong mọi trường hợp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ, trực tiếp trước cấp trên và trước cán bộ, nhân viên thuộc quyền, không những chỉ là liên đới trách nhiệm, mà còn là trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, đôn đốc. Do đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trọng trách lớn trước mọi thành công hay thất bại trong mọi hoạt động lãnh đạo tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn; phải chịu trách nhiệm chính trong việc ra các quyết định, chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Việc tự mình biết tạo ra khả năng quán xuyến, khả năng tổng hợp, khái quát, đòi hỏi người đứng đầu có năng lực nghe, nhìn, phân tích mọi hiện tượng, sự việc trong cơ quan, đơn vị. Nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan và chính xác những cán bộ, nhân viên thuộc quyền có ý nghĩa rất quan trọng đối với người đứng đầu trong sử dụng, bố trí, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhân viên. Và, nếu xảy ra các sai phạm, thì người đứng đầu trước hết phải chịu kỷ luật của Đảng, sau đó là trách nhiệm trước pháp luật, chính quyền và nhân dân.
Tóm lại, trách nhiệm của người đứng đầu (kể cả đứng đầu cấp ủy và đứng đầu chính quyền) thể hiện ở những điểm chính sau đây: Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tính tiền phong gương mẫu, liêm chính, nói đi đôi với làm; tính dân chủ, tinh thần tập thể trong công tác và văn hóa ứng xử các mối quan hệ của người lãnh đạo; trình độ, năng lực, phẩm chất, phong cách của người lãnh đạo, có quan điểm, phương pháp làm việc khách quan, toàn diện và cụ thể.
Do vậy, người đứng đầu có vị trí, vai trò hết sức quan trọng và chính họ góp phần trực tiếp vào những thành quả cách mạng. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm cá nhân và vai trò như “đầu tàu”, quyết định tốc lực, chất lượng và hiệu quả vận hành của toàn cơ quan, đơn vị; đầu tàu có khỏe, đoàn tàu chạy mới nhanh và an toàn.
Thực trạng vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền hiện nay
Trong Điều lệ Đảng hiện hành không có điểm nào thừa nhận hoặc hàm ý thừa nhận vai trò người đứng đầu cấp ủy (bí thư - thậm chí hầu như không có ý nào đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chức danh này). Nhưng trong thực tế, không ít bí thư cấp ủy địa phương được coi như người đứng đầu cao nhất, không chỉ trong quan hệ với cấp ủy và tổ chức đảng, mà cả đối với cơ quan chính quyền, tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội... và toàn thể địa phương nói chung, không ít bí thư hành xử với tư cách đó trong hoạt động của mình. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong địa phương dường như cũng mặc nhiên thừa nhận điều này.
Như vậy, trên thực tế, bí thư đã trở thành một “dạng người đứng đầu đặc biệt”. Đó là tư cách đứng đầu không được xác lập cả trong luật pháp và Điều lệ Đảng, nhưng lại có thể làm “người đứng đầu của những người đứng đầu”; có quyền hạn rộng, vượt ra ngoài phạm vi tổ chức đảng, có quyền nhưng lại không chịu trách nhiệm về pháp lý. Điều này không phù hợp với luật pháp, Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng, nhưng vẫn tồn tại trong thực tế. Thậm chí có người còn cho rằng, đó chính là thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng! Như vậy, bí thư không phải là người đứng đầu đảng bộ. Đảng bộ chỉ có một tập thể đứng đầu là đại hội đảng và ban chấp hành đảng bộ (giữa hai kỳ đại hội). Vì vậy, bí thư không có thẩm quyền ra “chỉ thị”, “quyết định” cho đảng bộ cấp dưới, cho cán bộ, đảng viên nói chung, lại càng không được vi phạm quyền của tổ chức đảng cấp dưới quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của nó, trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là vấn đề mấu chốt để phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong lãnh đạo, quản lý. Khi công tác lãnh đạo, quản lý lỏng lẻo, không kiểm tra chặt chẽ, giám sát thường xuyên, thực hiện không đúng chế độ, chính sách và các quy định của pháp luật, để xảy ra tham nhũng, lãng phí, thất thoát, sử dụng tài sản công kém hiệu quả, sử dụng sai các nguồn tài chính, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất, không thể được “bình thân” ngoài vòng pháp luật, tránh các hình thức kỷ luật đảng, chính quyền.
Một thực trạng tồn tại từ nhiều năm qua là có những người đứng đầu không đề cao và phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thực sự là “đầu tàu”, gương mẫu về phẩm chất, lối sống, tác phong công tác và tác phong sinh hoạt, không thể hiện rõ năng lực trong lãnh đạo, chỉ huy, điều hành. Thậm chí có những người đứng đầu khi đã yên vị thì xao nhãng nhiệm vụ, buông lỏng vai trò, không làm tròn chức trách, “khoán trắng” mọi việc cho cấp phó hoặc cấp dưới thuộc quyền; “khoán trắng” cho bộ máy chuyên môn, cán bộ chuyên trách, từ đó sinh ra quan liêu, không hiểu rõ tình hình, thực tế của cơ quan, đơn vị. Tình trạng đó thường dẫn tới hiện tượng nắm công việc chung chung, không cụ thể, bị cấp dưới “điều khiển ngược” và khi có vụ việc tiêu cực phải chịu trách nhiệm chính, lúc đó mới hiểu ra thì việc đã muộn. Nhiều trường hợp, người đứng đầu xem nhẹ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì không nghiêm việc thực hiện Điều lệ Đảng, chế độ sinh hoạt đảng, xem nhẹ đấu tranh tự phê bình và phê bình. Thậm chí né tránh, vì hầu như những vấn đề cần đưa ra phê bình đều có liên quan đến bản thân. Do nhiều lần bỏ qua, né tránh như vậy, chính người đứng đầu đã tự làm mất vũ khí đấu tranh tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng, mất niềm tin với quần chúng trong cơ quan, đơn vị. Chính vì thế, việc thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đã bao hàm giá trị và giải quyết mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy và tập thể cấp ủy, giữa người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tuy nhiên, điểm đáng nói là thời gian qua, việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ở một số nơi đã không được thực hiện nghiêm. Vai trò cá nhân của người đứng đầu bị hiểu một cách sai lệch và có nơi tuyệt đối hóa vai trò của người đứng đầu, trái với nguyên tắc tập trung dân chủ.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nói trên có nhiều, nhưng nguyên nhân trước hết và trực tiếp nhất vẫn là do người đứng đầu ở không ít cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm và tinh thần gương mẫu của mình trong công tác.
Quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền
1 - Đối với một tổ chức mà người đứng đầu cấp ủy đồng thời cũng là người đứng đầu chính quyền
Trong một tổ chức, nếu người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền thì người đứng đầu “kép” này nắm trong tay một quyền hạn rất lớn. Nếu là người có đức độ, đầy đủ ý thức trách nhiệm trước nhân dân trước Đảng, tự giác tôn trọng nguyên tắc tổ chức, có văn hóa lãnh đạo thì ít phát sinh tiêu cực, mọi việc được giải quyết rất nhanh chóng, cơ quan, đơn vị phát triển mạnh. Ngược lại, nếu người đứng đầu thiếu ý thức trách nhiệm, không tôn trọng nguyên tắc tổ chức, chuyên quyền, độc đoán thì sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực, thao túng tổ chức vì lợi ích và địa vị cá nhân. Quyền lực không bị kiểm soát chặt chẽ thì sớm muộn cũng sẽ bị tha hóa, nảy sinh tiêu cực.
Điều đáng bàn nhất ở đây là sự tha hóa về quyền lực chứ không phải là sai lầm của cá nhân phụ trách. Quyền lực càng tuyệt đối thì sự tha hóa càng tuyệt đối! Từ đó, người ta sử dụng, biến quyền lực của tổ chức thành quyền lực của cá nhân và tự cho mình quyền ban phát quyền lực đó cho người khác, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ. Và, có thể khẳng định rằng, tình trạng quyền lực tập trung quá mức vào một cá nhân, dù mang danh nghĩa nào cũng không có gì chung với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, dễ làm biến dạng và suy yếu vai trò lãnh đạo, đặt toàn bộ thể chế và xã hội vào tình thế không an toàn.
Có ý kiến đề nghị bí thư cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền địa phương cùng cấp. Nhưng nếu chỉ “kết nối” các chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước một cách hành chính như cách làm trong các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, thì không thể mong chờ kết quả tốt hơn cái họ đã có. Vấn đề chủ yếu là ở chỗ xây dựng và thực hiện được một cơ chế dân chủ có thể huy động sức mạnh của các chủ thể trong bộ máy đảng, chính quyền, trong xã hội và trong nhân dân, để định ra con người đảm nhận chức danh đó.
2 - Đối với tổ chức mà người đứng đầu cấp ủy không phải là người đứng đầu chính quyền
Trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, phổ biến là, người đứng đầu cấp ủy không đồng thời là người đứng đầu chính quyền, do vậy mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền là mối quan hệ biện chứng giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý, điều hành. Mối quan hệ này được thể hiện ở các phương diện sau:
Một là, quan hệ trên cơ sở cùng chung mục tiêu lý tưởng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đứng đầu (Đảng, chính quyền) cũng phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp trên; nên việc tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn. Thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy là lãnh đạo, là cùng với tập thể cấp ủy thực hiện sự lãnh đạo chính trị của Đảng theo đường lối, chủ trương, nghị quyết, quyết sách của Đảng. Sự lãnh đạo chính trị là toàn diện trên các lĩnh vực, bảo đảm đúng quan điểm, nguyên tắc, phương hướng chính trị, tăng cường lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết, gắn với kiểm tra, giám sát, với giáo dục, tuyên truyền vận động. Trong khi đó, thẩm quyền của người đứng đầu chính quyền là thể chế hóa để đường lối, nghị quyết của Đảng được thực hiện trong cuộc sống, là quản lý bằng pháp luật, cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu phát triển mà nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Hai là, quan hệ trên cơ sở phục tùng nguyên tắc Đảng. Nếu nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện đúng thì bảo đảm sự lãnh đạo rất chặt chẽ, nhưng nếu không đúng thì xảy ra hai hiện tượng: hoặc tập trung vô giới hạn, dẫn đến mất dân chủ, việc gì cũng để người đứng đầu quyết định, xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, trái với nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc dân chủ nhưng phân tán, nhiều ý kiến, nhưng cuối cùng tập thể quyết định; đến khi xảy ra sai phạm thì không ai chịu trách nhiệm, kể cả người đứng đầu; bởi, ai cũng nói, làm theo quyết định của tập thể. Thông thường, người đứng đầu cơ quan chính quyền cũng là người ở trong tập thể cấp ủy. Do vậy, người đứng đầu chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm chung, không được đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Quy chế làm việc của mỗi cấp ủy là sự cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành các nguyên tắc, chế độ quy định hoạt động của tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp ủy và từng cấp ủy viên, cũng như quy định các mối quan hệ giữa cấp ủy với các tổ chức chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội. Những điều khoản quy định trong quy chế buộc tất cả mọi thành viên trong cấp ủy phải chấp hành và thực hiện một cách nghiêm túc, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng trong mọi lĩnh vực công tác. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy là việc làm quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm vai trò lãnh đạo tập thể của cấp ủy, phát huy tốt trách nhiệm cá nhân cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu và giải quyết tốt các mối quan hệ công tác.
Ba là, quan hệ trên cơ sở phân công rõ trách nhiệm được giao. Cần nhận thức rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền và trách nhiệm trong mỗi cương vị, ở mỗi người, với nhiệm vụ được giao phó, đảm trách cũng như phân biệt thẩm quyền, trách nhiệm giữa người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền trong quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Điều này là mấu chốt của sự phân định đặc trưng lãnh đạo của Đảng và tổ chức đảng với đặc trưng quản lý của Nhà nước và cơ quan nhà nước.
Thẩm quyền gắn liền với trách nhiệm (nghĩa vụ, bổn phận), nếu tách rời giữa thẩm quyền với trách nhiệm cũng như lẫn lộn, chồng chéo giữa thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, giữa cá nhân và tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị thì sẽ tự tạo ra cản trở việc thực hiện đúng thẩm quyền, sẽ dẫn tới làm sai, làm trái thẩm quyền và tình trạng thoái thác trách nhiệm, không xử lý khuyết điểm, thiếu sót, sai lầm theo đúng chế độ trách nhiệm. Hậu quả là làm suy yếu tổ chức và làm hỏng cán bộ. Bởi, quyền nào thì trách nhiệm ấy và phải tương thích với nhau; thẩm quyền càng cao, trách nhiệm phải càng lớn. Do đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải là người thực sự “đứng mũi chịu sào”, phải có và nhận trách nhiệm cao nhất về việc thực hiện thẩm quyền, phải chịu trách nhiệm cao nhất về những gì xảy ra trong tổ chức, ở cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách.
Bốn là, quan hệ trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, đoàn kết “hiệp đồng tác chiến” trong việc lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Giữa người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền phải thường xuyên có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong công tác cán bộ.
Năm là, quan hệ trên cơ sở trung thực, chân tình, thẳng thắn. Mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền là tấm gương để toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong tổ chức noi theo; là động lực để mọi người hoàn toàn tự nguyện, tự giác, nỗ lực cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Mối quan hệ này liên quan không chỉ tới nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, quan hệ giữa cá nhân với cá nhân có tính lý luận và lý trí, mà còn liên quan tới đạo đức, phẩm giá trong động cơ, trong hành động, trong cách ứng xử của mỗi người. Mối quan hệ này phải dựa trên cơ sở tự phê bình và phê bình, bởi đây là một nguyên tắc của Đảng, cùng với các nguyên tắc khác được ghi rõ trong Điều lệ Đảng với vai trò và ý nghĩa của một đạo luật của Đảng, do vậy mọi tổ chức đảng, mọi đảng viên đều phải thực hiện, phải chấp hành, không có bất cứ ngoại lệ nào. Nguyên tắc này không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý chính trị đối với Đảng, đối với người đứng đầu và cán bộ đảng viên mà còn thể hiện tính tự giác, văn hóa, đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, bảo đảm cho Đảng có sức sống, có sức chiến đấu, phải vận dụng thực hành thường xuyên trong sự tu dưỡng của mỗi người, trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh của từng tổ chức đảng./.
Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của kiểm toán nhà nước  (28/11/2012)
Thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam - Bru-nây  (28/11/2012)
Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Bỉ  (28/11/2012)
Phụ nữ nghèo bị tổn thương sâu sắc từ suy thoái kinh tế toàn cầu  (28/11/2012)
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí  (28/11/2012)
Cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII  (28/11/2012)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên