46 tham luận tại Hội thảo khoa học "Nhà cách mạng Châu Văn Liêm 29-6-1902 – 4-6-1930” do Hội Sử học tỉnh An Giang tổ chức ngày 5-10 đã khẳng định thân thế, sự nghiệp, công lao, đóng góp xây dựng tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Bộ và nhân cách, đạo đức, tư tưởng cách mạng cũng như sự hy sinh dũng cảm của Châu Văn Liêm, một trong những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học từ các tỉnh, thành miền Trung và phía Nam đã nhấn mạnh: Châu Văn Liêm là một nhà trí thức yêu nước, trở thành Đảng viên Cộng sản đấu tranh kiên cường vì nhân dân từ tấm lòng yêu nước, yêu nhân dân, tiếp thu và vận dụng sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Ông còn thể hiện nhân cách, đạo đức sáng ngời của một nhà giáo, trí thức, nhà cách mạng. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, Nhà giáo, Nhà cách mạng, Liệt sĩ Châu Văn Liêm vẫn luôn tiên phong, mẫu mực, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Tấm gương của ông rất cần được tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ noi theo.

Châu Văn Liêm sinh trưởng trong một gia đình nông dân bậc trung ở ấp Rạch Tra, làng Thới Thạnh, huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Từ nhỏ ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Với tư chất thông minh, hiếu học, mới 22 tuổi ông đỗ tốt nghiệp sư phạm hạng ưu và về dạy học ở Long Xuyên, rồi Chợ Mới (tỉnh An Giang). Bên cạnh những bài học chính khóa, ông đã khéo léo tranh thủ tuyên truyền tư tưởng yêu nước, bài Pháp cho học sinh. Tháng 8-1926, ông cùng với 8 đồng chí thành lập “Đảng Việt Nam cách mạng phục quốc”. Đến năm 1927, ông được cử làm Bí thư chi bộ “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” đầu tiên của tỉnh Long Xuyên - Châu Đốc khi mới 25 tuổi.

Theo Tiến sĩ Đặng Phong Vũ, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang, sau 1 năm làm Bí thư, ông bị địch tình nghi nên chuyển về dạy học tại thị xã Sa-Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Tại đây, ông cùng với các đồng chí mở trường tư thục “Sa-Đéc học đường" để công khai, hợp pháp hoạt động cách mạng, làm nơi liên lạc. Ông không trực tiếp giảng dạy mà bí mật đi nhiều tỉnh thành để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê Nin; huấn luyện, đào tạo đội ngũ kế thừa; lãnh đạo nông dân biểu tình, đấu tranh đòi giảm thuế, phản đối làm xâu... nhưng hoạt động bị bại lộ. Tháng 2-1929, ông được tổ chức đưa vào Sài Gòn hoạt động, được bổ sung vào Ban Thường vụ của “Kỳ bộ thanh niên Nam kỳ”, cùng đồng chí Phạm Văn Đồng đi dự Đại hội Tổng bộ Việt Nam Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội tại Trung Quốc.

Ngày 4-5-1930, Châu Văn Liêm trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình với 5.000 nông dân quận Đức Hòa đòi giảm sưu thuế, chống áp bức nhân dân, ông bị tên cò Bardonèche bắn chết, để lại bao tiếc thương cho nhân dân.

Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh như Cần Thơ, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... đều xây dựng tượng đài, trường học và đường mang tên Châu Văn Liêm để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến ông./.