TCCSĐT - Từ ngày 9 đến ngày 13-7-2012, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên dưới sự chủ trì của Campuchia, nước đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên. Song lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng của Khối kết thúc mà không ra được Thông cáo chung.
1. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 không ra được Tuyên bố chung

 
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 đã kết thúc mà không ra được Tuyên bố chung

Từ ngày 9 đến ngày 13-7-2012, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên dưới sự chủ trì của Campuchia, nước đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên. Song lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng của Khối kết thúc mà không ra được Thông cáo chung. Bộ Ngoại giao Philippines ra Tuyên bố chỉ trích nước chủ nhà Campuchia vì đã “liên tục phản đối bất cứ sự đề cập nào đến bãi cạn Scarborough” và vì đã tuyên bố không thể ra Thông cáo chung. Theo Tuyên bố của Philippines, trong thời gian Hội nghị 5 ngày, Manila đã đưa ra vấn đề căng thẳng bùng phát từ tháng 4, khi xảy ra tranh chấp giữa tàu thuyền Trung Quốc và Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham nằm ngoài khơi phía tây bắc Philippines. Trong văn bản này nêu rằng, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario muốn Thông cáo chung của ASEAN phải đề cập đến vùng lãnh hải tranh chấp đó. Trong diễn biến liên quan, Trung Quốc phản đối các nỗ lực đưa tranh chấp Biển Đông ra thảo luận tại bất cứ diễn đàn quốc tế nào, với lập luận rằng, các xung đột phải được giải quyết song phương giữa Bắc Kinh và từng nước có tranh chấp vùng chồng lấn. Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong thì nói Chính phủ ông không ủng hộ bất cứ bên nào trong các tranh chấp. Ông H.Namhong cho rằng, việc không ra được Thông cáo chung không phải là lỗi của Campuchia mà là do các nước thành viên ASEAN.

2. Khai mạc Diễn đàn Thương mại ASEAN-Mỹ Latinh

Trong hai ngày 9 và 10-7-2012, tại thủ đô Jakarta (Indonesia) đã diễn ra Diễn đàn Thương mại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ Latinh. Tại diễn đàn, Tổng thống nước chủ nhà, Susilo Bambang Yudhoyono đã kêu gọi giới doanh nhân các nước ASEAN và Mỹ Latinh tăng cường đầu tư và kinh doanh song phương vì đây là hai thị trường mới nổi có nhiều cơ hội và tiềm năng phục vụ lợi ích của người dân. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nêu rõ, Đông Nam Á và Mỹ Latinh có tiềm năng kinh tế to lớn với sự gắn kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế thành viên. Dẫn thông báo của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về khu vực Mỹ Latinh và Caribe ông S.B.Yudhoyono cho biết, hai khu vực này có thể đạt mức tăng trưởng 4,1% trong năm nay. Đây sẽ là một thành tích đáng nể trong khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng giảm. Nhà lãnh đạo Indonesia cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ Latinh dự kiến đạt 6.870 tỉ USD, trong khi tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN ước tính đạt 7,2% với GDP ở mức 3.360 tỉ USD. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh với những con số ấn tượng này, giới doanh nghiệp ASEAN và Mỹ Latinh có thể yên tâm đầu tư và tăng cường kinh doanh với nhau.

3. Kết thúc vòng ba đối thoại chiến lược Trung Quốc và Liên minh châu Âu

 
Trung Quốc và Liên minh châu Âu tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Diễn ra trong hai ngày 9 và 10-7-2012, vòng ba Đối thoại Chiến lược cấp cao Trung Quốc-Liên minh châu Âu do Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại EU, bà Catherine Ashton đồng chủ tọa. Trong thông cáo báo chí chung đưa ra sau cuộc họp, Trung Quốc và Liên minh châu Âu nhất trí cần phát huy những ý tưởng mới để hợp tác hiệu quả, đồng thời duy trì cam kết trở thành một kiểu mẫu cho hợp tác quốc tế trong thế kỷ XXI. Cả hai bên cũng thể hiện quyết tâm tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau. Trung Quốc tái khẳng định ủng hộ quá trình hội nhập châu Âu, sự ổn định của Khu vực đồng euro cũng như những nỗ lực của châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực này. Trong khi đó, Liên minh châu Âu tái khẳng định ủng hộ sự phát triển hòa bình của Trung Quốc, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Hai bên nhất trí sẽ nỗ lực giải quyết các bất đồng và quan ngại theo cách thức mang tính xây dựng, tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế. Trung Quốc và Liên minh châu Âu sẽ đẩy mạnh đối thoại về các lĩnh vực mang tính khu vực và toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm các tham vấn thường xuyên ở tất cả các cấp về chính sách đối ngoại cũng như những liên lạc giữa các đặc phái viên.

4. Hội nghị thị trưởng châu Á-Thái Bình Dương về đô thị bền vững

Từ ngày 9 đến ngày 12-7-2012, Hội nghị “Các thị trưởng châu Á-Thái Bình Dương về thành phố bền vững” đã diễn ra tại thành phố cảng Surabaya thuộc tỉnh Đông Java của Indonesia. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hàng trăm đại biểu là thị trưởng, quan chức chính quyền phụ trách lĩnh vực môi trường và quy hoạch của các thành phố lớn ở châu Á-Thái Bình Dương. Giám đốc Sở Ngoại vụ Đông Java, ông Ifron Hadi Susanto cho biết, Hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố xanh, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực quy hoạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thành phố, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo cũng như các cơ quan trong mục tiêu xây dựng các thành phố xanh hơn và sạch hơn. Theo ông I.Susanto, Hội nghị được tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Citynet - mạng lưới nhà lãnh đạo các thành phố ở châu Á-Thái Bình Dương, và thành phố Surabaya vinh dự được chọn đăng cai tổ chức vì được đánh giá là một thành công điển hình về phát triển bền vững của Indonesia và khu vực.

5. Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường mối quan hệ đối tác công-tư

Ngày 10-7-2012, kết thúc kỳ họp cấp cao năm 2012, Hội đồng Kinh tế xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) đã thông qua Tuyên bố cấp bộ trưởng kêu gọi tăng cường quan hệ đối tác giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự. Tuyên bố này được đưa ra để giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng sống còn trong tiến trình tạo ra đầy đủ việc làm và việc làm có chất lượng trong nền kinh tế toàn cầu. Tuyên bố nêu rõ rằng, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước cần tăng cường phối hợp các nỗ lực để thúc đẩy các chiến lược phát triển quốc gia, tăng đầu tư vào tăng năng suất, giúp mở mới và tăng cường kinh doanh, cung cấp bảo vệ xã hội cho mọi thành viên trong xã hội, phát triển các chương trình tăng cường tuyển dụng phụ nữ và thanh niên, đặc biệt bảo đảm cho họ tiếp cận các cơ hội việc làm. Trong tuyên bố bế mạc, Chủ tịch ECOSOC, ông Miloš Koterec đã kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc cần tận dụng thành công của kỳ họp cấp cao năm nay để thúc đẩy các cải tổ và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy chia sẻ thông tin và tăng cường các đối tác. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế xã hội Sha Zukang nhấn mạnh: Tuyên bố cấp bộ trưởng của ECOSOC chứng tỏ quyết tâm tập thể của ECOSOC đưa vấn đề giải quyết việc làm lên tuyến đầu và vào trung tâm hoạch định chính sách.

6. Nga chính thức gia nhập WTO

 
Nga sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO)

Ngày 10-7-2012, với 238 phiếu thuận, 201 phiếu chống và một phiếu trắng, Duma Quốc gia (Hạ viện), Nga đã nhất trí thông qua Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), được ký kết ngày 16-12-2011 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài 18 năm đầy chông gai của Nga. Kết quả bỏ phiếu trên tại Hạ viện Nga đã đánh dấu việc Nga - quốc gia lớn nhất thế giới này chính thức gia nhập “sân chơi” thương mại lớn nhất hành tinh. Theo Nghị định thư này, Moscow buộc phải giảm thuế nhập khẩu và mở cửa các ngành mũi nhọn của nền kinh tế nước này cho giới đầu tư nước ngoài. Theo luật pháp Nga - nền kinh tế lớn thứ chín trên thế giới với trị giá 1.900 tỉ USD, nước này sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 156 của WTO sau 30 ngày, kể từ thời điểm Nghị định thư trên được Duma Quốc gia thông qua.

7. IMF cảnh báo hậu quả do bất bình đẳng về thu nhập


Ngày 12-7-2012, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo cảnh báo xu hướng bất bình đẳng thu nhập đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế - xã hội ở hầu hết các nước trên thế giới. Giới chuyên gia kinh tế khẳng định thực tế này cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu gần đây. Báo cáo của IMF cho rằng, chính sách thuế và chi tiêu công đã góp phần đẩy nhanh bất bình đẳng thu nhập ở các các nước phát triển và đang phát triển, cùng các nguyên nhân khác như toàn cầu hóa, cải tổ thị trường lao động, các tiến bộ công nghệ làm tăng nhanh thu nhập của người lao động trình độ cao. Để giải quyết tình trạng này, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã nhấn mạnh nhu cầu điều chỉnh tài chính, theo đó giảm nợ công xuống mức bền vững. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng chính sách điều chỉnh tài chính đã không phát huy được nhiều tác dụng kể từ giữa thập kỷ 1990 của thế kỷ trước. IMF nhấn mạnh chính việc giảm các phúc lợi xã hội, đặc biệt là trợ cấp xã hội và trợ cấp thất nghiệp cùng với tỷ lệ thuế thu nhập thấp, đặc biệt đối với các mức thu nhập cao, đã dần vô hiệu hóa khả năng điều chỉnh bất bình đẳng thu nhập của các chính sách tài chính.

8. Hội nghị Liên hợp quốc về hiệp ước buôn bán vũ khí


 
Liên hợp quốc: Cần tuân thủ nghiêm ngặt hiệp ước kiểm soát vũ khí

Ngày 13-7-2012, tại Hội nghị Liên hợp quốc thảo luận hiệp ước buôn bán vũ khí đang diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, nhiều nước đã lên tiếng cảnh báo chế độ kiểm soát buôn bán vũ khí hiện hành trên thế giới không mang lại hiệu quả. Tại hội nghị, các đại diện châu Phi nêu rõ những số liệu thiệt hại về người và của do các cuộc xung đột ở châu Phi hàng năm gây kinh hoàng cả thế giới. Các cuộc xung đột ở lục địa Đen đã tiêu tốn ít nhất 18 tỉ USD hằng năm. Các đại diện cho rằng, bảo vệ dân thường, cơ sở hạ tầng và xã hội dân sự, đặc biệt ở các nước nghèo, là trách nhiệm và nghĩa vụ của các chính phủ. Việc tuân thủ các quy chế buôn bán vũ khí thông thường trong một hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí phù hợp với lợi ích của tất cả các nước. Đại diện nhiều nước đang phát triển cũng nhấn mạnh hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí đã trở thành nhu cầu cấp thiết đòi hỏi tất cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu vũ khí thông thường phải tuân thủ nghiêm túc, đồng thời cần được thực hiện minh bạch và không ảnh hưởng đến an ninh chính đáng của các nước. Để hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí được thực hiện thành công, đại diện nhiều nước nhấn mạnh nhu cầu hợp tác và trợ giúp quốc tế, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, về chuẩn hóa các hoạt động quân sự, buôn bán vũ khí, xây dựng năng lực và trao đổi thông tin và công nghệ.

9. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hạ nguồn Mekong - Mỹ (LMI) lần thứ 5

Ngày 13-7-2012, tại Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hạ nguồn Mekong - Mỹ (LMI) lần thứ 5, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hạ nguồn Mê Công - Những người bạn (FLM) lần thứ 2. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hạ nguồn Mekong - Mỹ đã kiểm điểm tình hình thực hiện các chương trình hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Về định hướng hợp tác trong tương lại, Hội nghị thống nhất bổ sung trụ cột hợp tác về “Nông nghiệp và an ninh lương thực” do Myanmar chủ trì; thành lập trụ cột “Kết nối” trên cơ sở mở rộng nội dung hợp tác trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng để tăng tính bổ trợ và gắn kết giữa các hoạt động của LMI với Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN; tăng cường hợp tác với MRC và mở rộng các chương trình hợp tác về nước, tập trung vào quản lý và phát triển nguồn nước, quản lý lũ lụt và hạn hán, công tác dự báo, nước sạch và vệ sinh nước ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Theo đó, trụ cột “Môi trường” được đổi tên thành “Môi trường và Nước” do Việt Nam chủ trì. Các bộ trưởng đã thông qua Tài liệu khái niệm và Chương trình Hành động 5 năm mới phản ánh các điều chỉnh trong hợp tác của LMI và ra Tuyên bố chung của Hội nghị. Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, các bộ trưởng cũng đã ra Tuyên bố riêng về vấn đề này và nhất trí thành lập Nhóm công tác về giới của LMI. Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thông báo Chương trình LMI 2020; trong đó có gói hỗ trợ mới tổng trị giá 50 triệu USD cho các hoạt động của LMI trong ba năm tới, cũng như quyết định dành 2 triệu USD cho chương trình nghề cá và 1 triệu USD cho chương trình nghiên cứu của MRC về tác động của đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hạ nguồn Mekong - Những người bạn đã thảo luận về phương thức và cơ chế làm việc nhằm phát huy vai trò điều phối của FLM đối với các chương trình hợp tác khu vực Mekong.

10. Hội nghị liên minh châu Phi lần thứ 19

Ngày 15-7-2012, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh các nước châu Phi (AU) lần thứ 19 đã khai mạc tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia nhằm thảo luận tình hình các điểm nóng trong khu vực. An ninh là chủ đề thảo luận ưu tiên tại hội nghị lần này, đặc biệt là tình hình bất ổn tại Mali, bạo lực tái diễn tại Cộng hòa dân chủ Congo và khủng hoảng giữa Sudan và Nam Sudan. Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Phi (AUC) Jean Ping cho biết, AU đã sẵn sàng điều lực lượng an ninh đến khu vực miền Đông Cộng hòa dân chủ Congo nhằm duy trì nền hòa bình, cũng như chấm dứt các hoạt động bạo lực của các nhóm phiến quân. Bên cạnh đó, Chủ tịch J.Ping cũng bày tỏ quan ngại đối với các điểm nóng khác tại châu Phi, đặc biệt là cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn tại Mali. Bên cạnh những nội dung nghị sự chính, Hội nghị thượng đỉnh AU lần này cũng tập trung bầu ra chức Chủ tịch AUC trong bối cảnh Bộ trưởng Nội vụ Nam Phi, bà Dlamini Zuma, tiếp tục thách thức chiếc ghế Chủ tịch AU của ông J.Ping sau khi cả hai ứng cử viên này đều không giành được 2/3 số phiếu cần thiết trong cuộc bỏ phiếu bầu người lãnh đạo khối tại Hội nghị thượng đỉnh AU hồi đầu năm. Nếu chức Chủ tịch AUC không được quyết định trong Hội nghị lần này, ông J.Ping sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo đến khi Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 20 diễn ra, dự kiến vào tháng 1-2013./.