TCCS - Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang đi đầu trong việc thực hiện Nghị  quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt trong đó có chương trình bình ổn giá. Dù chiếm hơn 25% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của cả nước nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thành phố luôn thấp hơn chỉ số CPI cả nước. Năm 2010, CPI của Thành phố Hồ Chí Minh ở mức một con số với 9,58%, trong khi cả nước là 11,75%.

Hướng đi đúng, chỉ đạo quyết liệt, cách làm sáng tạo

Với truyền thống năng động sáng tạo, từ mười năm trước Thành phố đã sớm triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường giá các mặt hàng thiết yếu, vào dịp trước Tết năm 2002. Trên cơ sở tạo nguồn hàng nhằm cân đối cung cầu, phục vụ bình ổn thị trường thông qua phương thức ứng vốn cho doanh nghiệp, Thành phố chủ động thực hiện theo lộ trình hoạch định.

Trước sự biến động phức tạp của thị trường, Đảng bộ và chính quyền Thành phố, lãnh đạo Thành phố quyết tâm chỉ đạo chương trình bình ổn thị trường. Đây là một chủ trương sáng suốt và đúng đắn, trực tiếp ngăn chặn kịp thời những tiêu cực về thao túng giá cả, dự trữ găm hàng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Và, chính quyền chỉ đạo tạm ứng vốn ngân sách không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên địa bàn được chọn tham gia chương trình để tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa bảo đảm khối lượng, chất lượng, giá cả. Những doanh nghiệp này phải đăng ký giá và cam kết bán hàng thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5% đến 10%; khi điều chỉnh giá phải báo cáo cơ quan quản lý xem xét và hoàn trả vốn khi kết thúc thời gian bán hàng bình ổn.

Thành phố đã chỉ đạo các sở: Công thương, Tài chính, Y tế, Chi cục Quản lý thị trường và các sở, ban ngành khác thực hiện tốt các nhiệm vụ có liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm… Chính vì vậy, trong suốt hành trình kiên trì 9 năm thực hiện, chương trình bình ổn thị trường đã đạt được hiệu quả lớn cả về các chỉ số kinh tế, đồng thời có ý nghĩa lớn trong việc chăm lo đời sống nhân dân và an sinh xã hội. Từ 2 doanh nghiệp được chọn tham gia với vốn ứng của Thành phố là 45 tỉ đồng (năm 2002) đến nay có 22 doanh nghiệp và Tết Tân Mão 2011 với số vốn là 380,6 tỉ đồng; tới năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012 là 412 tỉ đồng (chưa tính 25 tỉ đồng bình ổn hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2011). Các doanh nghiệp tham gia đã đăng ký hơn 2.300 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó có hơn 800 điểm thuộc các chợ truyền thống, các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op, Vinatex, Maximax, các trung tâm thương mại… Ba nhóm hàng chủ yếu là: lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước và dụng cụ học sinh tập trung cho Chương trình bình ổn năm 2011 và được Thành phố điều chỉnh linh hoạt, tránh chênh lệch giá quá cao giữa hàng bình ổn và thị trường  (trường hợp chi phí đầu vào tăng hơn 15% thì doanh nghiệp có quyền đề xuất Sở Tài chính xem xét điều chỉnh giá). Khi giá thị trường giảm 5%, doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm tương ứng. Sở Tài chính có trách nhiệm giải quyết ngay những đề xuất điều chỉnh giá của doanh nghiệp trong thời gian chậm nhất là 3 ngày. 

Kết quả khả quan, sức lan tỏa lớn, các bên cùng có lợi

Trong một hội nghị gần đây, đánh giá về kết quả thực hiện chương trình bình ổn giá, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Nguyễn Thị Hồng, cho rằng, Chương trình đã thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu và thiết thực; thể hiện rõ được vai trò “dẫn dắt” giá cả các mặt hàng thiết yếu với số lượng dồi dào, chủng loại phong phú và giá cả hợp lý; đồng thời bảo đảm chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong sự biến đổi phức tạp của thị trường.

Những tác động tích cực đó đã giúp cho Thành phố hạn chế, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, hiện tượng tăng giá đột biến, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường, đặc biệt là trong thời gian trước, trong và sau tết. không chỉ dừng lại trên địa bàn Thành phố mà còn lan tỏa rộng khắp đến nhiều địa phương khác.

Đến nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước nhân rộng mô hình, kinh nghiệm của Thành phố để xây dựng chương trình bình ổn giá và bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Chương trình góp phần rất quan trọng nâng cao quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa Thành phố với các địa phương theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn; nâng cao nhận thức, tính chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc mở rộng hợp tác liên kết, thực hiện mục tiêu bình ổn giá, gắn kết giữa đầu tư, sản xuất với phân phối, tiêu thụ, bảo đảm giá cả sản phẩm hàng hóa ổn định cho người lao động. Chương trình cũng đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 2 năm qua, cổ vũ sản xuất trong nước.

Lợi ích mà người dân nhận được trong Chương trình rất là rõ ràng. Người đi chợ chọn mua hàng tại những quầy hàng bình ổn không chỉ rẻ hơn mà vệ sinh an toàn thực phẩm cũng bảo đảm tốt hơn. Không ít người dân vùng ngoại ô Thành phố cũng đã thổ lộ tâm tư, giữa lúc giá cả tăng liên tục mà người dân vẫn được mua hàng thiết yếu bảo đảm chất lượng, giá cả lại rẻ hơn ngoài thị trường là một nỗ lực hợp lòng dân của Thành phố. Họ rất mong các doanh nghiệp bán hàng bình ổn tiếp tục đưa hàng về nhiều hơn nữa.

Về phía các doanh nghiệp, không những họ được chỉ định tham gia mà các doanh nghiệp nằm ngoài Chương trình cũng nhận được những tác động tích cực từ Chương trình thông qua mối liên kết hợp tác, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với việc tham gia Chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ Chương trình đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa người sản xuất và nhà phân phối, thông qua việc sử dụng chính đồng vốn hỗ trợ của Thành phố.

Công ty TNHH Phú An Sinh là một thí dụ. Với số tiền hơn 29 tỉ đồng vay từ Chương trình bình ổn năm 2010 với lãi suất 0%, đã giúp Công ty mạnh dạn đầu tư chuyên sâu, tiến tới thực hiện khép kín mô hình chăn nuôi hiện đại. Và, cuối năm 2010, Phú An Sinh đưa vào hoạt động nhà máy chế biến tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 
12 tỉ đồng. Công ty TNHH Ba Huân cũng nhờ nguồn vốn vay của Thành phố đã có điều kiện thử nghiệm thành công và nhân rộng mô hình nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học. Công ty đã liên kết với các đối tác ở Bình Định để phát triển con giống, rút ngắn thời gian vịt đẻ trứng chỉ trong 30 ngày thay vì 60 hoặc 70 ngày. Hiện, mô hình này đã và đang được nhân rộng tại Long An.


Theo ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan thì, thông qua Chương trình, không chỉ người dân được hưởng lợi, mà chính doanh nghiệp cũng được mở rộng cả thị phần cho đến kiến thức, kinh nghiệm để phát triển doanh nghiệp ngày càng vững. Ông cũng tự nhận rằng, Vissan tham gia chương trình có 2 cái lợi: vừa thúc đẩy sản xuất chăn nuôi, vừa thúc đẩy tiêu dùng. Trong suốt năm 2011, Vissan đi theo mô hình mới là mở những điểm bán hàng hiện đại ngay trong các chợ truyền thống, tạo giá trị tăng thêm để người dân được hưởng lợi. Ý kiến của đại diện Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 nhận thấy có 3 điểm lợi chính: doanh số tăng 150%, số điểm bán hàng được mở rộng và quan trọng nhất là đời sống người lao động Công ty được nâng cao. 

Saigon Co.op là doanh nghiệp lớn đã tham gia chương trình bình ổn trong suốt 9 năm qua. Bà Nguyễn Thị Hạnh - Tổng Giám đốc, thổ lộ khát khao: làm thế nào mở rộng kênh phân phối bán hàng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, và tận khu dân cư của người lao động, nếu thực hiện được điều này, sự phát triển của doanh nghiệp sẽ rộng mở hơn. Mục tiêu đến hết năm 2015 Saigon Co.op sẽ phát triển hệ thống phân phối lên 100 siêu thị, 200 chợ truyền thống và điểm bán lẻ để phục vụ các mặt hàng thiết yếu đến tận tay người tiêu dùng. 

Bài học kinh nghiệm và hướng mở rộng tiến tới hoàn thiện Chương trình

Nhìn lại 9 năm thực hiện, bài học lớn nhất là, để bình ổn giá hàng hóa, chúng ta không thể thực hiện bằng mệnh lệnh suông, càng không thể bình ổn nếu không có đủ nguồn hàng trong tay và một hệ thống phân phối rộng khắp. Đó là bài học rất quý giá mà Ủy ban nhân dân Thành phố đã rút ra từ thực tiễn.

Ngoài việc ứng vốn hỗ trợ các doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh song song triển khai thực hiện các đề án chiến lược như phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng; xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố… Thực tế cho thấy cách làm đó đã thành công. Như vậy, Thành phố sẽ có được phương pháp điều tiết và kiềm chế giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là vào các dịp cao điểm mua sắm Tết. Với lượng hàng bình ổn chiếm khoảng từ 20% - 30%, Thành phố sẽ đủ sức chi phối thị trường. Đây cũng là cách làm rất thiết thực nhằm từng bước chăm lo bữa ăn cho người dân ngày càng tốt hơn và ổn định an sinh xã hội .

Về mục tiêu của Chương trình trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư tạo nguồn hàng, mở rộng mạng lưới phân phối, cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành… nhằm tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu có chất lượng, hợp vệ sinh, giá cả hợp lý, góp phần cùng Thành phố và cả nước thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Từ những mục tiêu đó, đối tượng của Chương trình trong những năm tới sẽ gồm 3 nhóm mặt hàng là lương thực, thực phẩm; thuốc chữa bệnh thông thường trong nước và dụng cụ giáo dục (phục vụ học sinh). Để thực hiện tốt những mục tiêu đã đề ra, Thành phố tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối, nhất là ở những khu chợ truyền thống; tăng tần suất đưa hàng hóa về các khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp; tập trung kiểm tra việc chuẩn bị nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa đưa vào thị trường… tăng cường liên kết, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế giữa Thành phố với các tỉnh, thành khác.

*

*    *

Ở thời điểm trước Tết, khi chúng tôi thực hiện bài viết này, tờ lịch cuối cùng của năm 2011 đã khép lại, Tết Nhâm Thìn đang đến gần, Chương trình bình ổn giá đã đưa ra được “đáp án” là:  Tất cả mặt hàng tham gia Chương trình đều được giữ ở mức giá thấp hơn từ 10,9% đến 25,7% so với giá bán cùng chủng loại hàng hóa trên thị trường.  Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố, báo tin vui: Lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết chiếm khoảng 30% - 40% nhu cầu thị trường. Cả thành phố có gần 3.000 điểm bán hàng, nguồn hàng tăng gấp 3 - 4 lần so với lượng Thành phố giao. Tổng lượng hàng dự trữ trị giá hơn 5.500 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá là gần 3.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp tham gia dự trữ các nhóm mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản với giá bán thấp hơn thị trường 10%.

Riêng hệ thống siêu thị Co.op Mart đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 4 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Hiện nay, tổng lượng hàng được dự trữ của hệ thống siêu thị Co.op là khoảng 24.000 tấn với tổng số vốn là 2.800 tỉ đồng. Trong đó, có 9.000 tấn lương thực, 7.000 tấn thịt gia súc gia cầm, 1.000 tấn thực phẩm chế biến và 7.000 tấn rau củ quả. Hiện đã có 22 siêu thị Co.op Mart và 26 cửa hàng Co.op Food tại Thành phố thực hiện Chương trình bình ổn giá.

Hệ thống siêu thị Big C có lượng hàng hóa phục vụ mùa Tết năm nay tăng gần 30% so với năm trước. Các gian hàng bánh, mứt, kẹo hàng Việt chiếm chủ đạo (trên 90%). Tết này Big C sẽ tăng cường giới thiệu các nhãn hàng thực phẩm đóng gói như 600 tấn thịt nguội, hơn 200 tấn bánh mứt, khoảng 700 tấn trái cây sấy…

Thật sôi động trong một chương trình vì lợi ích của dân, vì trách nhiệm của các cấp, các ngành. Ngẫm cho cùng, lợi ích của Chương trình này không những giải quyết được bài toán về kinh tế của Thành phố trong giai đoạn đầy khó khăn, mà quan trọng nhất chính là tạo sự đồng thuận của xã hội, tạo cho người dân có cái nhìn lạc quan hơn dưới sự điều hành của Đảng bộ và chính quyền Thành phố./.