Đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp ở Cần Thơ

Nguyễn Thanh Sơn Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ
20:11, ngày 01-03-2012
TCCS - Sau 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, một trong những thành tựu đáng ghi nhận là chính quyền các cấp ngày càng gần dân hơn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm trong phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Trong giai đoạn 2011 - 2020, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính với mục tiêu “Hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì người dân, doanh nghiệp và xã hội”.
Chính quyền gần hơn với người dân và doanh nghiệp

Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (CCHC), thành phố xác định trọng tâm hàng đầu là cải cách thể chế, trong đó việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu nhằm cụ thể hóa các văn bản của Trung ương phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Trong ban hành thể chế, thành phố chú trọng hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường tại địa phương, đáp ứng yêu cầu vận động của kinh tế thị trường, đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực: thu hút đầu tư, xây dựng khu công nghiệp, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, phân cấp, ủy quyền cho các sở và cấp quận, huyện trên nhiều lĩnh vực... Với nhận thức thủ tục hành chính (TTHC) là phương tiện đưa luật vào thực tiễn cuộc sống, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, từ năm 2006, trước khi có đề án đơn giản hóa TTHC theo Quyết định số 30/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ đã tiến hành liệt kê thủ tục, mẫu hóa các hồ sơ tại hầu hết các sở, ngành. Tuy quy mô, cách làm chưa đạt yêu cầu đề ra, nhưng việc làm này đã góp phần đơn giản hóa TTHC, giúp cho cơ quan nhà nước và nhân dân có sự thống nhất chung trong thực hiện TTHC.

Khi thực hiện Quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã thống kê, rà soát, công bố các bộ TTHC cấp sở, cấp huyện, cấp xã bước đầu bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của TTHC được áp dụng thống nhất trong toàn thành phố, đáp ứng mục tiêu quản lý của các cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). Việc làm này đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí cho xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp vào chính quyền.
 
Thực hiện Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 4-9-2003 và Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trên địa bàn thành phố luôn được duy trì và đạt hiệu quả tốt. 

Thực hiện cơ chế “một cửa”

Đến đầu năm 2006, tất cả các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đều thực hiện cơ chế “một cửa”. Các đơn vị được trang bị đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn phòng; sắp xếp nơi phục vụ người dân đến liên hệ công việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ngoài ra, thành phố còn chỉ đạo thực hiện thí điểm CCHC tại một số đơn vị sự nghiệp, như cải cách TTHC trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Bệnh viện đa khoa quận Ô Môn và Bệnh viện Tai - Mũi - Họng thành phố Cần Thơ.

Thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”

Từ cuối năm 2006, trước khi có Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHĐT-BTC-BCA ngày 29-07-2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an về việc xây dựng cơ chế “một cửa liên thông” trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã có chủ trương thực hiện mô hình “một cửa liên thông” trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở liên thông giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố và Cục thuế Cần Thơ. Mô hình này đánh dấu sự nỗ lực phối hợp của 3 ngành là: cán bộ của ba ngành cùng làm việc tại một nơi để giải quyết công việc. Điều đó đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết, giảm số lần doanh nghiệp phải đến liên hệ công việc. 

Một kết quả khảo sát, đánh giá độc lập cho thấy, mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi thực hiện mô hình này đạt trên 95%. Theo đó, một số đơn vị khác cũng chủ động xây dựng quy chế phối hợp liên thông nhằm giải quyết tốt yêu cầu của tổ chức, công dân như: Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Ban Quản lý khu đô thị Nam Cần Thơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ở cấp huyện, mô hình “một cửa liên thông” trên nhiều lĩnh vực tại phường Châu Văn Liêm, (quận Ô Môn) được thực hiện từ đầu năm 2008. Đến cuối năm 2008, mô hình này được nhân rộng ra các phường trong quận Ô Môn và các quận, huyện khác. Mô hình “một cửa liên thông xã - huyện” trong lĩnh vực đất đai (người dân được lựa chọn nơi thực hiện nghĩa vụ tài chính tại UBND cấp xã hoặc kho bạc nhà nước cấp huyện) cũng đã được thực hiện tại UBND các xã thuộc các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.

Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC được xem là nhân tố quyết định thành công của công tác CCHC. Trong đó, phân cấp quản lý CBCC, viên chức luôn được lãnh đạo thành phố chú trọng để tăng cường năng lực giải quyết công việc cho cấp dưới; giảm khối lượng công việc cho các cơ quan chuyên môn của thành phố. Việc phân cấp cũng nhằm giao quyền chủ động, chịu trách nhiệm cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc, như sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, đơn vị, điều động, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng viên chức theo yêu cầu, nâng lương, giải quyết chính sách cho viên chức kịp thời.

Thời gian qua, công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn được thực hiện trên nguyên tắc “lựa chọn cán bộ đủ năng lực vào vị trí lãnh đạo, đúng trình tự, thủ tục quy định”. Trong các kỳ thi tuyển công chức, thành phố luôn đặt trọng tâm tuyển dụng CBCC đạt trình độ chuyên môn theo yêu cầu của chức danh, vị trí công tác tại các cơ quan, đơn vị. Kết quả có 1.261 thí sính trong tổng số 1.893 thí sinh tham dự được tuyển dụng và bố trí công tác tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với CBCC, viên chức; gắn việc củng cố, kiện toàn đội ngũ CBCC, viên chức có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn với việc thực hiện chế độ đãi ngộ hợp lý và công bằng. Ngày 28-12-2007, UBND thành phố ban hành Quyết định số 50/2007/QĐ-UBND quy định thực hiện Chính sách khuyến khích, hỗ trợ nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ (giai đoạn 2007 - 2011). Sau hai năm thực hiện, thành phố đã chi thưởng cho 82 trường hợp (6 tiến sĩ, 76 thạc sĩ), xét tuyển và có chính sách hỗ trợ 69 trường hợp có trình độ đại học về cơ sở; tăng cường 19 bác sĩ về cấp xã. Lực lượng này đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC ở quận, huyện và cơ sở.

Ngoài công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC theo kế hoạch hằng năm, những năm gần đây, UBND thành phố đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện Đề án Đào tạo ở nước ngoài nguồn nhân lực có trình độ sau đại học giai đoạn 2005 - 2011 (gọi tắt là Đề án Cần Thơ 150). Từ năm 2005 đến nay, thành phố đã cử 180 trường hợp đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, trong đó Đề án Cần Thơ 150 có 93 trường hợp. Đây được xem là giải pháp đột phá, tạo nguồn CBCC có trình độ sau đại học, nhằm góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, nâng cao hiệu quả CCHC trên địa bàn thành phố. 

Từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước 

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-8-2007 , UBND thành phố ban hành Đề án số 04/ĐA-UBND về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2000 cho các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Cần Thơ giai đoạn 2007 - 2010. Các quy trình của hệ thống quản lý chất lượng này được xây dựng gắn liền với yêu cầu thực hiện cơ chế “một cửa”. Việc thực hiện tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2000 giúp cho việc xử lý hồ sơ bảo đảm tính công khai, minh bạch, rõ ràng; giúp người dân hiểu rõ được quá trình giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định khi đến liên hệ. Về phía cơ quan nhà nước, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn này giúp người lãnh đạo quản lý giám sát và kiểm soát quy trình giải quyết, trách nhiệm của từng bộ phận phòng, ban và từng CBCC tham gia giải quyết TTHC.

Qua gần 10 năm triển khai thực hiện tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, đến nay, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố ngày càng phát triển. Cụ thể là mạng diện rộng của thành phố kết nối đến mạng nội bộ của tất cả các sở, ban ngành, UBND quận, huyện. Trung tâm tích hợp dữ liệu của thành phố vận hành ổn định. Phần lớn các cơ quan hành chính đều sử dụng các phần mềm ứng dụng vào hoạt động tác nghiệp của cơ quan, như quản lý văn bản hồ sơ công việc, trang tin điện tử, các phần mềm chuyên ngành...; tỷ lệ gửi và nhận thư điện tử trong giải quyết công việc thông qua mạng tại các sở, ngành đạt 100% đơn vị; đến nay, 73/85 xã, phường, thị trấn đã kết nối in-tơ-nét băng thông rộng (ADSL); tỷ lệ bình quân máy tính trên CBCC toàn thành phố là 74,63%; tỷ lệ bình quân CBCC thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc của thành phố đạt 65%. Ngoài Cổng thông tin điện tử thành phố Cần Thơ, thành phố còn xây dựng một số trang điện tử của sở, ngành, UBND quận, huyện. Riêng lĩnh vực CCHC, thành phố đã thiết lập trang điện tử cung cấp các hồ sơ, TTHC của các cơ quan và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về CCHC.

Một số thành tựu và hạn chế 

Nhìn chung, sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực sau đây:

- Đội ngũ CBCC chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tính năng động, tác phong, đạo đức, năng lực, hiệu quả làm việc; khắc phục dần các biểu hiện thờ ơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; kiến thức, kỹ năng hành chính được nâng lên, tham mưu tốt hơn cho lãnh đạo trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Trình tự thực hiện các TTHC ngày càng được quy định cụ thể, rõ ràng; địa điểm tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ được đầu tư khang trang, lịch sự, thể hiện sự trân trọng của cơ quan hành chính nhà nước đối với nhân dân. Thủ tục hành chính được niêm yết công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát các hoạt động giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước và hoạt động của CBCC.

- Cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” cùng với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 (nay là TCVN ISO 9001-2008) đã giảm được phiền hà, giảm thời gian và công sức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong các quan hệ giao dịch hành chính; giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn, đúng hạn, đúng luật và được người dân đồng tình ủng hộ.

Tuy vậy, công tác CCHC trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là: 

- Một số thể chế vẫn chưa đồng bộ, nhất quán, TTHC chưa được đơn giản hóa một cách triệt để, vẫn còn nhiều thủ tục phức tạp gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi, hoặc bổ sung, điều chỉnh, văn bản hướng dẫn thực hiện của cấp trên đôi lúc chưa kịp thời làm cho địa phương lúng túng trong thực hiện.

- Trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCC chưa đồng đều, cơ sở vật chất được đầu tư chưa đồng bộ trong thực thi công vụ.

- Trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng vẫn còn tình trạng cục bộ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Một bộ phận CBCC còn thiếu trách nhiệm, chưa tận tình hướng dẫn khi giải quyết công việc cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp.

- Chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị còn chồng chéo gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như trong giải quyết các yêu cầu của người dân.

Hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì người dân, doanh nghiệp và xã hội

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả CCHC, UBND thành phố đã xây dựng Chương trình CCHC thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2020. 

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là: “Đến năm 2020, xây dựng được một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội”.

Chương trình gồm một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Nghiên cứu, có ý kiến đề xuất, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, cấp huyện cho phù hợp với yêu cầu; cụ thể hóa các thể chế về công chức, viên chức, về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.

Hai là, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Minh bạch hóa, xác định rõ và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã; rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước và chủ động đề xuất chuyển giao những công việc không nhất thiết do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cho xã hội, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội đảm nhận; tiếp tục thực hiện phân cấp hợp lý giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm các điều kiện cần thiết để chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả thẩm quyền được phân cấp; nâng cao chất lượng trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính nhà nước; tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch tất cả các TTHC. Thực hiện thống nhất cách tính chi phí mà cá nhân, tổ chức phải trả khi giải quyết các TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước.

Bốn là, cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức.

Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống vị trí chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ CBCC, viên chức, kể cả cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; thực hiện Đề án Đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của thành phố; hoàn thiện chế độ tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức, viên chức trúng tuyển; thực hiện thí điểm chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào một số vị trí lãnh đạo, quản lý; thực hiện đánh giá CBCC, viên chức trên cơ sở kết quả công việc; thực hiện tốt các chủ trương về cải cách tiền lương do Chính phủ ban hành, đồng thời có những cơ chế thực hiện chế độ tiền thưởng đối với CBCC, viên chức hoàn thành xuất sắc công vụ; nâng cao trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCC, viên chức.

Năm là, tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan hành chính.

Ứng dụng CNTT trong xử lý quy trình công việc trong nội bộ cơ quan hành chính, trong giao dịch với các cơ quan hành chính khác và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân; xây dựng và sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử trong giao dịch giữa cơ quan hành chính, tổ chức và cá nhân đáp ứng yêu cầu đơn giản, minh bạch và thuận tiện; công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm các điều kiện và xây dựng lộ trình thích hợp để thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên môi trường mạng./.