Li-bi: cuộc chiến chưa kết thúc

Minh Tâm
10:47, ngày 08-09-2011

TCCSĐT - Sau gần 6 tháng giao tranh dữ dội, hiện chưa thể khẳng định cuộc chiến tại Li-bi đã kết thúc, nhưng kết cục xem ra đã rõ. Có thể nói, NATO đã đạt được mục tiêu lật đổ chính quyền của ông Mu-a-mơ Ca-đa-phi (Muammar Gaddafi) trong chiến dịch quân sự ở nước này. Tuy nhiên, người dân Li-bi không khỏi không lo ngại về những hệ lụy của cuộc chiến có thể một tương lai bất ổn đang chờ đợi họ phía trước.

Cuộc chiến ở Li-bi chưa hoàn toàn kết thúc và Đại tá Mu-a-mơ Ca-đa-phi vẫn đang ẩn náu trong một hầm trú ẩn ở đâu đó tại Li-bi và vẫn còn khả năng kháng cự. Tuy nhiên, các công ty từ khắp nơi trên thế giới lại đang ráo riết chuẩn bị cho một kế hoạch “tái thiết Li-bi”. Và đằng sau sự “tái thiết” này là bắt đầu cuộc phân chia “vàng đen”.

Dầu mỏ - yếu tố phơi bày sự thật

Khi cuộc chiến chưa thực sự ngã ngũ, các nước đã “ngồi lại với nhau” để xem công ty dầu khí nào sẽ “đóng vai trò số 1” tại Li-bi trong tương lai, trong khi những di sản thế giới ở một khu vực được xem như là cái nôi của nền văn minh nhân loại đã bị bom đạn của NATO phá hủy thì lại không được đề cập tới. Điều đó phần nào cho thấy sự thật về cái gọi là “cuộc can thiệp nhân đạo” tại đây.

Li-bi là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 ở châu Phi và là thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tính đến tháng 1-2011, Li-bi là nước xuất khẩu dầu mỏ quan trọng sang nhiều nước trên thế giới, trong đó I-ta-li-a nhập khẩu trên 30% dầu mỏ của Li-bi; Đức nhập khẩu 13,4%; Pháp và Trung Quốc là 10%. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Li-bi trong năm 2010 chiếm hơn 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này và đem lại 75% nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ngay cả trước khi các phiến quân xông vào nơi cư trú của M. Ca-đa-phi tại Tri-pô-li, các kỹ thuật viên ENI đã bắt đầu chuẩn bị để khởi động lại dòng chảy của dầu. Cuối tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng I-ta-li-a Phran- Phrát-ti-ni (Franco Frattini) tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia rằng, Công ty Dầu khí ENI của nước này "sẽ có vị trí số 1 trong tương lai" ở Li-bi. Ngày 29-8-2011, ENI tuyên bố họ đã ký hợp đồng riêng với Hội đồng Chuyển quyền quốc gia (NTC), cơ quan lãnh đạo các lực lượng chống đối ở Li-bi, để tái khởi động việc sản xuất dầu và xây dựng một đường ống dẫn dầu chạy thẳng từ đây tới I-ta-li-a.

Cùng ngày 29-8-2011, tại thủ đô Pa-ri (Pháp) cũng diễn ra Hội nghị “Những người bạn của Li-bi”. Nhật báo Liberation của Pháp cho biết, nước này đã ký được hợp đồng dầu lửa rất lớn với chính quyền mới của Li-bi. Theo đó, hợp đồng cho phép Pháp được khai thác tới 1/3 trữ lượng dầu dự trữ của Li-bi, khoảng 41,5 tỉ thùng. Ngoại trưởng Pháp A-lanh Giuy-pê (Alain Juppe) sau đó nói rằng, ông không biết về một hợp đồng như vậy có tồn tại, nhưng lại khẳng định đây hoàn toàn là điều "logic" khi một nước như Pháp vốn tích cực giúp đỡ NTC lên nắm quyền, giờ hẳn sẽ được tham gia vào quá trình tái thiết!!!. 

Để ngăn chặn sự trả đũa từ các công ty Li-bi với sự miễn cưỡng tham gia của người Đức trong cuộc chiến chống ông M. Ca-đa-phi, Béc-lin đã hứa hỗ trợ NTC 100 triệu ơ-rô tín dụng và sẽ lập tức giải tỏa việc phong tỏa khoản tài sản của chế độ M. Ca-đa-phi trị giá 7,3 tỉ ơ-rô tại Đức nhằm ưu tiên cho việc tái thiết Li-bi. Không chịu là kẻ ngoài cuộc, Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Anh cũng dự kiến cử một phái đoàn tới Li-bi để xúc tiến việc “làm ăn” trong thời gian sớm nhất. Các công ty Mỹ như Marathon, Hess và ConocoPhillips cũng rục rịch có những động thái thảo luận ban đầu với đại diện chính quyền mới ở Li-bi về điều kiện xây dựng cơ sở khai thác dầu tại những nơi họ quan tâm. Như vậy, các công ty dầu lửa phương Tây đang rất quan tâm đến nguồn dầu mỏ Li-bi và chắc chắn họ sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chia “chiếc bánh dầu lửa Li-bi”.

Thực tế cho thấy, với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nếu được quản lý và quan tâm phát triển, kinh tế Li-bi chắc chắn sẽ phát triển. Tuy nhiên, điều này hẳn sẽ không dễ dàng vì việc khôi phục lại sản lượng dầu của Li-bi như trước đây, khoảng 2% sản lượng dầu toàn cầu với 1,6 triệu thùng mỗi ngày, dự kiến có thể mất hơn một năm.

Giờ đây, cuộc cạnh tranh để giành nguồn “vàng đen” ở Li-bi sau tái thiết đang diễn ra hết sức khốc liệt, nó cũng báo hiệu một tương lai không chắc chắn đối với Li-bi, khi có quá nhiều thế lực bên ngoài đang tìm mọi cách để có được ảnh hưởng tại quốc gia này. Ngay sau cuộc họp báo diễn ra sau Hội nghị: “Những người bạn của Li-bi”,  Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) cho rằng: "Tương lai của Li-bi phải do người dân Li-bi quyết định và chọn lựa".

Hiện Li-bi cũng đang nhận được mối quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế cũng như khu vực. Nhưng liệu những quốc gia đang quan tâm đến Li-bi có cùng dàn xếp được với nhau để đóng vai trò tích cực vào vấn đề Li-bi hay không, hay chỉ có những toan tính kinh tế của họ là trên hết. Hẳn là người dân Li-bi có lý do để lo ngại về điều này và họ cũng lo lắng về một tương lai bất ổn đang chờ đợi phía trước.

Còn nhiều thách thức

Li-bi đang bước vào thời kỳ quá độ với rất nhiều thách thức, khó khăn. Ngay tại Hội nghị “Những người bạn của Li-bi” vừa qua, các đại biểu cũng phải thừa nhận tình hình tại Li-bi vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khi các lực lượng trung thành với ông M. Ca-đa-phi tiếp tục kháng cự. Nếu ông M. Ca-đa-phi trụ tại Tri-pô-li thì quân nổi dậy có thể tập trung bao vây nơi ông ẩn náu một cách dễ dàng, nhưng khi ông M. Ca-đa-phi đến trú ẩn ở những vùng có các bộ tộc ủng hộ ông thì nguy cơ nội chiến sẽ kéo dài, do những người ủng hộ ông M. Ca-đa-phi có thể sẽ tổ chức chiến tranh du kích ở đó. Việc đánh bom sẽ không còn là một phương án lựa chọn với NATO nữa. Có thể họ sẽ cần triển khai binh lính trên thực địa dưới hình thức là một lực lượng quan sát viên của NATO, Liên hợp quốc hay Liên đoàn A-rập. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy tại Li-bi đã có dấu hiệu miễn cưỡng trong việc cho phép bất kỳ sự hiện diện thường trực nào của quân đội NATO ở đây, mặc dù vẫn chưa rõ có nước phương Tây nào muốn cắt cử quân tới Li-bi hay không?!.

EU cho biết sẵn sàng hỗ trợ chính quyền mới ở Li-bi trong nhiệm vụ đào tạo một lực lượng cảnh sát “hiệu quả và dân chủ”. Trong khi đó, theo yêu cầu của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Li-bi, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã đề nghị gửi một lực lượng của Liên hợp quốc tới để ổn định đất nước trong quá trình chuyển tiếp. Nhưng lực lượng này gồm bao nhiêu người, thành phần thuộc các quốc gia nào, ở lại Li-bi bao lâu... là những câu hỏi chưa có lời đáp.

Một thử thách khác đối với Li-bi thời kỳ hậu M. Ca-đa-phi là nhiệm vụ tái thiết đất nước. Trong bối cảnh nền kinh tế Li-bi rối loạn, truyền thông bị gián đoạn, các ngành dịch vụ công cộng bị tàn phá, thiếu điện, thiếu nước, thiếu năng lượng và các nhóm có vũ trang tự do tung hoành, đại diện các quốc gia tham dự Hội nghị “Những người bạn tại Li-bi” khẳng định sẽ giải ngân 15 tỉ USD tài sản của gia đình ông Ca-đa-phi ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, đây chỉ là một hình thức hỗ trợ tài chính tức thời, chưa đủ để giải quyết những vấn đề cơ bản lâu dài.

Thách thức lâu dài và quan trọng đối với Li-bi là việc xây dựng một chính quyền ổn định, tránh kịch bản của I-rắc hay Áp-ga-ni-xtan tái diễn. Mặc dù Li-bi không có sự chia rẽ bè phái như người Xăn-ni (Sunni) và người Si-ai (Shi'ite) ở I-rắc, song nước này lại có sự chia rẽ bộ tộc phức tạp, có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột tiếp theo. Bên cạnh đó, nếu NTC không bắt tay ngay vào việc cải thiện bầu không khí chính trị ngay trong nội bộ của mình thì khoảng trống quyền lực tại đây cũng sẽ xuất hiện. Điều quan trọng đối với NTC hiện nay là phải bảo đảm được sự đoàn kết hiện rất mong manh trong nội bộ lực lượng này và chứng tỏ rằng, họ không phải là những con rối của phương Tây.

Rõ ràng, sự kết thúc của chính quyền M. Ca-đa-phi không có nghĩa là kết thúc bạo loạn. Ngược lại, đây mới là sự khởi đầu của một cuộc tranh giành lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị mới. Một “Li-bi hậu Ca-đa-phi” có thể thành công, nhưng tất cả các bên trong cuộc xung đột này, bao gồm lực lượng nổi dậy, các quốc gia đang can dự tại đây và cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau với một thái độ tích cực và thiện chí. Có như vậy, việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi tại Li-bi mới thành công và tình hình Li-bi mới nhanh chóng ổn định lại./.