Việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vừa mang tính chất kinh tế vừa mang tính chất xã hội lớn, phức tạp. Nếu chỉ giải quyết được mặt kinh tế của vấn đề mà lại làm trầm trọng thêm mặt xã hội thì hiệu quả kinh tế sẽ rất hạn chế, nếu không muốn nói là không thành công. Không thể để tồn tại tình trạng doanh nghiệp ổn định sản xuất đã lâu còn lao động bị thu hồi đất đã tiêu hết tiền đền bù mà vẫn không tìm kiếm được việc làm. Vấn đề đặt ra là tái định cư ổn định và có phương án giải quyết được cơ bản việc làm cho người lao động, trước và ngay khi các doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động là ưu việt nhất.

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho người dân có đất bị thu hồi dưới nhiều hình thức như: giao đất sản xuất - kinh doanh - dịch vụ phi nông nghiệp (Vĩnh Phúc, Bắc Giang); dạy nghề miễn phí 100% cho những người thuộc hộ đã bàn giao từ 50% diện tích đất canh tác trở lên (Hải Dương); thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, cấp thẻ học nghề miễn phí, hỗ trợ chi phí học văn hóa, chi phí học nghề và cho vay vốn kinh doanh (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội); thực hiện điều chỉnh quy hoạch tái định cư gắn với tạo việc làm, đầu tư ngân sách cho dạy nghề, phát triển ngành nghề, mở rộng sản xuất, dịch vụ gắn với khu công nghiệp, khu kinh tế (Bình Dương, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam)...

Tính đến 31-12-2006 ở 14 tỉnh, thành phố bị thu hồi đất nhiều nhất đã giải quyết được việc làm cho 22,3 vạn lao động, bằng khoảng 28% tổng số lao động mất việc làm (Hà Nội: 25.000 người, Hà Tây: 21.756 người, Lao Cai: 15.770 người, Hà Tĩnh: 29.068 người, Quảng Nam: 21.517 người, Đồng Nai: 69.670 người...).

Để có thể tạo được việc làm phù hợp, biện pháp đầu tiên là phải phân loại tình trạng việc làm, độ tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp... của người bị thu hồi đất. Về tình trạng việc làm, kết quả khảo sát ở một tỉnh trọng điểm nông nghiệp thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa khá nhanh cho thấy, sau khi bị thu hồi đất chỉ còn 49,62% lao động vẫn đủ việc làm (trước khi thu hồi đất là 74,15%); 35,8% lao động thiếu việc làm với các mức độ khác nhau (trước khi thu hồi đất là 15,84%); 14,58% lao động không có việc làm (trước khi thu hồi đất là 10,01%). Về độ tuổi và trình độ văn hóa, nghề nghiệp, ở hầu hết các địa phương có đất bị thu hồi, hơn 50% số lao động là từ 35 tuổi trở lên (cái tuổi bắt đầu học việc thì quá muộn mà hưu trí nghỉ ngơi thì lại quá sớm); chỉ có 27,23% lao động bị thu hồi đất có trình độ văn hóa phổ thông; 14% lao động được đào tạo có chuyên môn, kỹ thuật từ sơ cấp trở lên. Theo Báo cáo của Chính phủ tháng 10-2007, chỉ có 6% số lao động bị thu hồi đất đã chuyển sang sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp; 9% chuyển sang làm dịch vụ..., còn tới 60% vẫn tiếp tục làm nông nghiệp.

Có mấy vấn đề cần phải được thống nhất trong chỉ đạo, điều hành là, trong nền kinh tế thị trường, lao động được tự do di chuyển theo pháp luật để tìm kiếm việc làm có sự quản lý của Nhà nước là một chính sách đúng đắn, phù hợp với tính quy luật của thị trường lao động. Nhưng do khả năng quản lý, điều hành còn rất hạn chế nên hiện nay các luồng lao động di chuyển tự do trong cả nước hết sức hỗn tạp, hầu như không kiểm soát được, cộng với nhiều lý do khác mà một chính sách khác cũng rất đúng đắn, hợp tình, hợp lý là ưu tiên thu hút lao động tại chỗ (nơi có khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất) hầu như không thực hiện được. Để thực hiện có hiệu quả chính sách này, cả ba phía đều phải có sự nỗ lực vượt bậc: Nhà nước phải thể hiện rõ "định hướng xã hội chủ nghĩa" trong việc này bằng nhiều biện pháp, kiên quyết điều chỉnh lao động theo vùng, miền, địa phương bằng cơ chế, chính sách; hỗ trợ đúng mức cho địa phương, trực tiếp cho người lao động trong việc chuyển đổi ngành nghề để họ có việc làm tại chỗ, có việc làm trên chính mảnh đất của mình mới bị thu hồi. Hiện nay, trong các khu công nghiệp tuyệt đại bộ phận là lao động từ nơi khác đến, lao động tại chỗ thì "đứng ngoài hàng rào khu công nghiệp". Thực tế này đã gây ra những xung đột bất lợi giữa lao động nhập cư và lao động tại chỗ. Đây là điều phải hết sức tránh.

Về phần mình, các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp phải ý thức được trách nhiệm, nghiêm túc giữ lời hứa với Nhà nước, với địa phương, với nông dân về việc thu hút lao động nơi doanh nghiệp được giao đất, thuê đất (không tái diễn tình trạng "lời hứa gió bay", để mau lấy được đất thì tha thiết "mời bà con vào làm cho doanh nghiệp", nhưng khi doanh nghiệp đi vào hoạt động thì lại nói, phải hạch toán kinh tế, chỉ sử dụng lao động có cấp bậc kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất).

Doanh nghiệp cùng với Nhà nước phải giúp cho lao động trẻ nơi bị thu hồi đất học nghề, chuyển nghề để có thể làm việc cho doanh nghiệp hoặc làm một nghề khác khi không còn ruộng đất. Về phía người lao động, họ phải hiểu được đây là một cuộc "cách mạng" của chính bản thân mình, muốn có việc làm mới, có thu nhập cao hơn làm ruộng thì phải "cách mạng" trong tác phong làm việc, ở đây không có "huyền thoại làm chơi ăn thật", muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, mà phải "lao tâm, khổ tứ", cần mẫn học hỏi nghề nghiệp mới, trau dồi tay nghề để có thể thực thụ là một lao động công nghiệp, lao động dịch vụ.

Xuất phát từ tính đa dạng của tình trạng việc làm; từ trình độ học vấn, tay nghề thấp nhưng lại rất khác nhau; từ cơ cấu tuổi tác mất cân đối của lao động bị thu hồi đất mà phải sử dụng tổng hợp các giải pháp cụ thể trong giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất. Một số giải pháp cụ thể bao gồm:

Một là, đối với lao động cao niên, có thể tổ chức cho họ làm dịch vụ bên ngoài tường rào khu công nghiệp, góp phần phục vụ công nhân lao động trong khu công nghiệp. Ví dụ, khi thu hồi đất trong khu công nghiệp, có thể đổi cho họ một diện tích đất ngoài khu công nghiệp để họ làm nhà cho công nhân thuê. Cũng có thể tổ chức cho họ phục vụ bữa ăn hằng ngày cho công nhân và nhiều công việc dịch vụ khác như sửa chữa xe đạp, xe máy, giày dép, dụng cụ gia đình... Dù là nhà máy, khu công nghiệp hay khu kinh tế thì xung quanh đó cũng là một "xã hội thu hẹp", có đầy đủ nhu cầu mọi mặt cho cuộc sống, vấn đề là phải biết tổ chức sao cho hợp lý nhất, vừa tạo việc làm tại chỗ cho người bị thu hồi đất, vừa phục vụ mọi nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của công nhân.

Hai là, đối với số lao động dưới 35 tuổi, nhất thiết phải đào tạo nghề cho họ. Có thể áp dụng các hình thức học nghề sau đây:

- Đào tạo ngắn ngày ngay tại doanh nghiệp. Sản xuất sản phẩm hiện nay được chuyên môn hóa rất cao. Ngưòi học nghề chỉ phải học một, hai công đoạn sản xuất tương đối thành thạo trong vài tuần lễ cho đến một tháng là có thể làm được việc. Trong quá trình làm việc, họ lại tiếp tục học các công đoạn khác. Ngày nay hình thức đào tạo này là khá phổ biến và dễ áp dụng đối với người có trình độ học vấn không cao, mau chóng đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp mới.

- Đào tạo theo hợp đồng giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, nhưng học viên học nghề là do các doanh nghiệp được cấp đất, thuê đất gửi học theo hợp đồng. Số học viên này được lựa chọn trước hết trong số 27,23% lao động bị thu hồi đất có trình độ văn hóa phổ thông và 14% lao động có tay nghề sơ cấp trở lên. Hình thức này thường được áp dụng đối với những sản phẩm có yêu cầu công nghệ cao, kết cấu sản phẩm phức tạp và có giá trị cao.

- Đào tạo theo nhu cầu tìm kiếm việc làm mới ở nơi khác của người bị thu hồi đất. Thực tế cho thấy, không phải tất cả lao động mất việc trong nông nghiệp đều mong muốn được làm việc phi nông nghiệp ở quê nhà, không ít người muốn tìm kiếm việc làm ở thành thị, ở các doanh nghiệp thuộc địa phương khác. Các doanh nghiệp và chính quyền nơi bị thu hồi đất có trách nhiệm tổ chức các lớp học nghề cho số lao động này. Một bộ phận trong số lao động này có thể đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Trong cơ cấu ngành nghề sau khi bị thu hồi đất, 60% lao động vẫn làm nông nghiệp, vì vậy phải tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch khai hoang, phục hóa, mở rộng quỹ đất nông nghiệp để tạo việc làm.

Dự kiến đến năm 2010 còn 3.371.300 ha, nghĩa là sẽ khai hoang đưa vào sử dụng 2.998.200 ha, trong đó có khoảng 473.000 ha được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp (15,8%); diện tích có thể trồng lúa nước là 49.190 ha (10,4% so với diện tích sử dụng cho sản xuất nông nghiệp).

Để phát huy hiệu lực của các giải pháp trên, Nhà nước và chính quyền địa phương nơi bị thu hồi đất cần phải thực hiện đồng thời các nhiệm vụ sau:

Trước hết, hướng dẫn các hộ sử dụng tiền đền bù khi giao lại đất cho Nhà nước sao cho có hiệu quả nhất. Hướng quan trọng nhất, cơ bản nhất là đầu tư tạo việc làm, sản xuất - kinh doanh, học nghề chuyển đổi việc làm, tiếp tục tạo ra của cải, tạo ra thu nhập mới cao hơn. (Vừa qua một số tỉnh như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương đã thực hiện tương đối có hiệu quả việc hướng dẫn các hộ sử dụng tiền đền bù khi giao lại đất cho Nhà nước. Tuy nhiên, ở các nơi này số tiền mà các hộ đầu tư cho học nghề, sản xuất - kinh doanh chỉ chiếm gần 48% số tiền được đền bù, số còn lại dùng cho việc mua sắm đồ dùng sinh hoạt, xây dựng, sửa chữa nhà cửa và chi dùng khác). Phương châm là đã có vốn thì phải làm cho vốn lớn hơn, đã mất việc làm thì phải tạo ra việc làm khác có giá trị hơn thông qua hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ.

Thứ hai, tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy cao độ bản tính cần cù, chịu khó, chủ động trong cuộc sống mới của mình. Nhà nước, chính quyền, đoàn thể giúp một thì cá nhân phải cố gắng hai, không chờ đợi, không ỷ lại, không "thách thức", gây "khó dễ" cho chính quyền, Nhà nước. Mặt khác, Nhà nước hoàn chỉnh các chế độ, chính sách một cách hợp tình, hợp lý nhất theo hướng các hộ bị thu hồi đất, tái định cư sẽ có cuộc sống tốt hơn. Chính quyền địa phương nơi có đất bị thu hồi thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, đúng đắn mọi chế độ, chính sách đối với các hộ bị thu hồi đất.

Thứ ba, nông dân nói chung, các hộ bị thu hồi đất nói riêng, sau những năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần đã được cải thiện một bước quan trọng, nhưng vẫn thấp hơn so với các tầng lớp khác. Các hộ bị thu hồi đất, nhất là những hộ bị thu hồi đến 50% trở lên thì cuộc sống bị xáo trộn lớn. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ vật chất thiết thực của Nhà nước, chính quyền địa phương. Trong việc hoàn thiện chế độ, chính sách (đã nói ở trên) cần chú ý:

- Giá quyền sử dụng đất (gọi tắt là giá đất) được đền bù phải hợp lý, ít nhất phải đủ kinh phí để tạo được phần việc làm đã mất; giá đất phải được tính toán để phù hợp với sự biến động của thị trường, nghĩa là phải tương đối ổn định trong những khoảng thời gian nhất định (có thể có hệ số trượt giá).

- Tạo điều kiện để việc làm mới được định hình và ổn định (vì việc làm mới thường phải trải qua giai đoạn thử nghiệm, bổ khuyết, rút kinh nghiệm dần dần mới thành công và ổn định), trong thời gian này vốn là yếu tố rất quan trọng. Nhà nước cần ưu tiên cho các hộ vay thêm vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn từ Chương trình xóa đói, giảm nghèo và các nguồn vốn tín dụng tương thích khác.

Chỉ đạo việc lồng ghép, phối hợp với các chương trình khác trên cùng địa bàn, tăng cường các nguồn vốn đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng bị thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, góp phần làm cho nơi đây trở thành vùng sản xuất và lưu thông hàng hóa sôi động.

Đây là công việc hệ trọng, đang ở thời đoạn bức xúc, nhạy cảm, nhưng lại là một việc cụ thể góp phần thực hiện đúng đắn, có hiệu quả một chính sách có tầm cỡ lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ bảy khóa X của Đảng. Vì vậy, nhất thiết phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy; sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể, sáng tạo của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở; phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong quá trình giải quyết công việc này./.