Một ngày lịch sử không thể nào quên

Trần Hữu Tiến
18:10, ngày 11-03-2009

Cách đây đúng 90 năm, với Đại hội lần thứ I diễn ra vào ngày 2-3-1919, Quốc tế Cộng sản - tổ chức quốc tế thứ ba (còn gọi là Quốc tế III) của giai cấp công nhân toàn thế giới chính thức được thành lập, do V.I. Lê-nin đứng đầu. Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã tạo bước chuyển căn bản trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như phong trào giải phóng dân tộc hiện đại.

Những đóng góp lịch sử

Quốc tế Cộng sản ra đời trong bối cảnh Cách mạng Tháng Mười thành công được hơn một năm, thời đại mới đã được mở ra trong lịch sử nhân loại. Cách mạng thế giới bước sang giai đoạn mới với những nhiệm vụ to lớn, phức tạp. Nhiều nước có tình thế cách mạng. Các cuộc cách mạng vô sản đã nổ ra ở Phần Lan, Đức, Hung-ga-ri... Phong trào cộng sản cần được thống nhất trong một tổ chức quốc tế mới trở thành đòi hỏi bức thiết của thực tiễn cách mạng. Từ khi Quốc tế Cộng sản ra đời, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển rất mạnh mẽ. Dưới sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản chỉ trong mấy năm, hơn 70 chính đảng của giai cấp công nhân, gồm hơn 4 triệu đảng viên đã được thành lập. Phong trào công nhân, phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa, phong trào hòa bình, dân chủ, phong trào giải phóng dân tộc, chống đế quốc, chống chiến tranh diễn ra sôi nổi dưới ảnh hưởng của Quốc tế cộng sản.

Sau gần một phần tư thế kỷ hoạt động thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới tiến lên, Quốc tế Cộng sản về căn bản đã hoàn thành nhiệm vụ có tính lịch sử của mình. Năm 1943, Quốc tế Cộng sản tuyên bố tự giải tán. Lý do căn bản là Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản nhận thấy các đảng cộng sản đã trưởng thành, hoàn toàn có khả năng hoạt động độc lập, hình thức tổ chức quốc tế theo kiểu Quốc tế Cộng sản, tức là theo mô hình một đảng cộng sản toàn thế giới với các chi bộ là các đảng cộng sản, không còn thích hợp nữa. Các đảng cộng sản và công nhân cần có hình thức mới phù hợp hơn trong việc phối hợp hoạt động, vừa để tăng cường đoàn kết, thống nhất, vừa bảo đảm phát huy tính chủ động, quyền và vai trò độc lập tự chủ, sáng tạo của mỗi đảng cộng sản. Lý do trực tiếp của việc Quốc tế Cộng sản tuyên bố tự giải tán là nhằm thúc đẩy Mỹ, Anh và các nước đồng minh phương Tây mở mặt trận thứ hai để giảm bớt gánh nặng cho lực lượng tiền phong chống phát-xít là Liên Xô, để nhân loại sớm kết thúc cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu.

Quốc tế Cộng sản không đồng nghĩa với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì Quốc tế cộng sản chỉ là tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân trong một thời kỳ lịch sử nhất định, để thực hiện những nhiệm vụ lịch sử nhất định. Cũng như các đảng cộng sản, trong thời gian hoạt động của mình, Quốc tế Cộng sản có cả ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm, trong đó - như lịch sử phong trào cộng sản quốc tế và cách mạng thế giới đã ghi nhận - thành tựu, cống hiến là mặt căn bản, khuyết điểm, hạn chế chỉ là thứ yếu và khó tránh khỏi. Không thể chỉ nhìn vào những hạn chế, khuyết điểm trong đường lối và hoạt động của Quốc tế Cộng sản để phủ nhận vai trò lịch sử, công lao to lớn của tổ chức này đối với phong trào cách mạng mỗi nước và phong trào cộng sản quốc tế cũng như đối với lịch sử nhân loại.

Nói riêng về lợi ích cách mạng của các dân tộc, vai trò rất tích cực của Quốc tế Cộng sản là không thể phủ nhận. Quốc tế Cộng sản là tấm gương về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, về tinh thần chiến đấu quả cảm, hy sinh vì chủ nghĩa cộng sản, vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức. Sự giúp đỡ chi viện của Quốc tế Cộng sản cho các đảng cộng sản và công nhân là vô cùng quan trọng. Đó là sự giúp đỡ quý báu đối với rất nhiều đảng cộng sản trong quá trình thành lập về xây dựng đường lối, cương lĩnh chính trị, về tổ chức, về đào tạo cán bộ, về kinh nghiệm hoạt động... Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; đập tan những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh vạch mặt bọn tay sai đế quốc, bọn phản bội chủ nghĩa Mác - Lê-nin; đề ra chiến lược và sách lược đúng đắn cho cuộc đấu tranh chung của giai cấp vô sản thế giới. Trung thành với đường lối của V.I. Lê-nin trong Những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Quốc tế Cộng sản đã ra sức ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, kiên quyết chống tư tưởng cơ hội coi thường cách mạng giải phóng dân tộc, đặc biệt là kiên quyết lên án bọn cơ hội và bọn phản bội, làm tay sai cho đế quốc phục vụ chính sách thuộc địa của chúng. Quốc tế Cộng sản thường xuyên vạch trần các âm mưu, kế hoạch chuẩn bị chiến tranh và gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát-xít; lên án "chính sách Muy-ních" của phương Tây vì nó đã khuyến khích hành động bành trướng xâm lược của nước Đức Hít-le. Trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Quốc tế Cộng sản đã vạch ra đường lối đúng đắn về đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống chủ nghĩa phát-xít, chống chiến tranh, chống xâm lược, phân hóa các lực lượng của chủ nghĩa tư bản, giữ vững và phát triển các phong trào cách mạng. Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi chống phát-xít, chống chiến tranh. Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Quốc tế Cộng sản, các đảng cộng sản, những chiến sĩ cộng sản là những người đứng ở tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống các lực lượng phát-xít. Trong thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát-xít của nhân dân thế giới có vai trò không nhỏ của Quốc tế Cộng sản.

Bên cạnh những ưu điểm, những cống hiến nói trên, trong hoạt động của mình, Quốc tế Cộng sản cũng đã vấp phải một số sai lầm, trong đó có những sai lầm không nhỏ. Chẳng hạn, không phải khi nào Ban lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản cũng giải quyết đúng đắn, theo tinh thần biện chứng, mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc. Không ít trường hợp, trong xử lý mối quan hệ này, Quốc tế Cộng sản đã tách rời giai cấp với dân tộc, tuyệt đối hóa nhân tố giai cấp, đánh giá chưa đúng mức nhân tố dân tộc. Có trường hợp, quan điểm đúng đắn kết hợp nhuần nhuyễn giai cấp và dân tộc bị phê phán là "chủ nghĩa dân tộc". Có lúc quan điểm về đấu tranh giai cấp của một số người lãnh đạo của tổ chức mang tính chất giáo điều, “tả khuynh”, không phù hợp với tình hình thực tế. Về vấn đề dân tộc và thuộc địa, vấn đề quan hệ giữa cách mạng vô sản ở phương Tây với cách mạng giải phóng dân tộc ở phương Đông, quan điểm của một số người lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đã có những sai lầm hoặc hạn chế. Ví dụ, chưa vượt thoát được quan điểm cho rằng: cách mạng ở thuộc địa phải lấy sự thành công của cách mạng vô sản ở “chính quốc” làm tiền đề, do đó phải chờ cơ hội do cách mạng vô sản ở "chính quốc" tạo ra. Về mặt tổ chức của Quốc tế Cộng sản cũng như về vấn đề quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo Quốc tế với các đảng cộng sản, cũng có những sai lầm, hạn chế có tính lịch sử. Như trên đã nói, việc tổ chức Quốc tế Cộng sản như một "Đảng Cộng sản thế giới" bao gồm sự tập trung cao độ các "chi bộ" là các đảng cộng sản đã có tác dụng tích cực trong điều kiện lịch sử nhất định, nhưng về lâu dài không phù hợp với quy luật phát triển của phong trào cộng sản vì nó hạn chế tính chủ động của các đảng cộng sản, vi phạm quyền độc lập tự chủ của mỗi đảng trong việc giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể của mỗi dân tộc. Mặc dầu có những hạn chế, khiếm khuyết không thể tránh khỏi, song những thiếu sót này không che mờ những công lao lịch sử của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng thế giới và cách mạng của mỗi dân tộc.

Mục đích, lý tưởng của Quốc tế Cộng sản là đấu tranh xóa bỏ chế độ người bóc lột người và các chiến sĩ của Quốc tế Cộng sản là những người đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh ấy. Đối tượng đấu tranh trước hết là các thế lực đế quốc, thực dân, phát-xít hiếu chiến, với tham vọng bá chủ thế giới, đã đẩy loài người và các dân tộc vào lò lửa chiến tranh mà hàng triệu người là vật hy sinh. Vì thế, trong thời gian tồn tại của mình, Quốc tế Cộng sản có không ít kẻ thù mà kẻ thù số một là chủ nghĩa phát-xít. Các thế lực bảo vệ lợi ích của tư bản độc quyền, kể cả những kẻ mang danh dân chủ, càng hoảng sợ trước phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức bao nhiêu, càng ra sức chống phá Quốc tế Cộng sản bấy nhiêu. Bọn họ không từ một thủ đoạn nào để xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của Quốc tế Cộng sản nói riêng, những chiến sĩ cộng sản nói chung. Nhưng họ đã thất bại. Vì qua những thử thách gay go ác liệt nhất của đời sống chính trị, xã hội như các cuộc kháng chiến chống phát-xít xâm lược, các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc..., quần chúng nhân dân đã thấy rõ những người trung thành với lý tưởng cộng sản cũng là những người trung thành nhất với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Quần chúng nhân dân hiểu Quốc tế Cộng sản qua những chiến sĩ, những người lãnh đạo ưu tú, tiêu biểu của Quốc tế như J. Phu-xích, E. Ten-lơ-man, G. Đi-mi-trốp, Trần Phú, Lê Hồng Phong... Đã 65 năm qua kể từ khi Quốc tế Cộng sản chấm dứt hoạt động, song lý tưởng của Quốc tế Cộng sản, những bài học kinh nghiệm quý báu, tấm gương đấu tranh anh dũng kiên cường của Quốc tế Cộng sản sống mãi trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và trong quần chúng nhân dân.

Quốc tế Cộng sản và cách mạng Việt Nam

Từ khi ra đời đến khi kết thúc, Quốc tế Cộng sản đã có quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp với cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả"(1). Người xem Quốc tế Cộng sản là người đồng chí rất thân thiết. Người đánh giá cao việc Quốc tế Cộng sản "đặt ra một bộ riêng chuyên nghiên cứu và giúp đỡ cho cách mệnh bên Á-đông" và đề ra "điều thứ 8" trong quy tắc 21 điều của Quốc tế nói rằng: "Các đảng cộng sản, nhất là Đảng Cộng sản Pháp... phải hết sức giúp dân thuộc địa làm cách mệnh"(2).

Nhân dân Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam ghi nhớ sâu sắc sự giúp đỡ chí tình của Quốc tế Cộng sản, nhất là sự ủng hộ của Quốc tế Cộng sản trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam, xem đó là một biểu tượng sinh động của chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Quốc tế Cộng sản công nhận là một thành viên chính thức của mình. Quốc tế Cộng sản đã giúp đỡ cách mạng Việt Nam bằng nhiều hình thức: theo dõi sát tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam, những diễn biến của cách mạng Việt Nam; tố cáo và lên án tội ác của chủ nghĩa đế quốc ở Đông Dương; kêu gọi quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam; giúp đỡ đào tạo cán bộ; đóng góp những ý kiến quý báu...

Đảng ta không những đã tiếp nhận sự giúp đỡ mà còn là một trong những thành viên tham gia tích cực vào hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Đích thân đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, tham gia Ban Chấp hành Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Đảng đã cử đồng chí Lê Hồng Phong ứng cử vào Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và đồng chí được bầu làm ủy viên chính thức. Đảng ta rất coi trọng những ý kiến và những bài học kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản, cả bài học thành công và bài học thất bại, và đã khéo kết hợp những bài học đó với những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Một trong những cống hiến lớn nhất của cách mạng Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới là bằng thực tiễn và tổng kết lý luận, cách mạng Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề con đường cách mạng ở một nước thuộc địa. Đó là con đường kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng và nhân dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, mặc dầu để hoàn thành nhiệm vụ đó, nhân dân ta phải trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ; đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hơn 20 năm tiến hành đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Ngày nay nhân dân ta đang tiếp tục tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhân dân ta luôn luôn ghi nhớ rằng: Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là nhờ nỗ lực tự thân của Đảng và nhân dân Việt Nam, nhưng trong mỗi thắng lợi đều có sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đồng chí quốc tế./.
 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HàNội, 2002, t 2, tr 301
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập: Sđd, t 2, tr 287