TCCS - Để “không ai bị bỏ lại phía sau” thành phố Hà Nội huy động nguồn lực, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội, tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện và thẻ bảo hiểm y tế cho nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp người dân có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế,… hướng tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.

Chăm sóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội_Ảnh: TTXVN

Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 24-5-2018, của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” đặt mục tiêu tổng quát: “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”. Nghị quyết cũng đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng nhanh diện bao phủ chính sách, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Bảo hiểm xã hội là chính sách lớn trong hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia, tác động đến nhiều nhóm đối tượng trong mối quan hệ lao động. Ở Việt Nam, để điều chỉnh mối quan hệ này, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động và một số luật chuyên ngành, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội, gồm có hai loại hình là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với người lao động mà còn cả với doanh nghiệp. Ngoài việc giúp người lao động ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc, bảo hiểm xã hội còn trợ giúp người lao động khi không còn khả năng lao động thông qua thụ hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm hai chế độ thụ hưởng là hưu trí và tử tuất. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện đem lại nhiều lợi ích, giúp tất cả mọi người dân đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi hết tuổi lao động.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 6-7-2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND “Quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố có hiệu lực trong cả giai đoạn 2022 - 2025”, áp dụng từ ngày 1-8-2022. Theo đó, đối tượng được hưởng lợi gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1-1-2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1-1-2018 trở đi; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; xã viên không hưởng tiền lương; người tham gia khác. Cụ thể các mức hỗ trợ được quy định là: thêm 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; thêm 25% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; thêm 10% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1-8-2022 đến hết ngày 31-12-2025, kinh phí từ ngân sách quận, huyện, thị xã. Chính sách này nhằm giảm áp lực tài chính cho người dân, khuyến khích họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, mức sống, thu nhập đều giảm sút.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội còn kêu gọi công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm,… hỗ trợ kinh phí để tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô. Giai đoạn 2018 - 2021, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho gần 170.000 lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, kinh phí 60 tỷ đồng. Số người đóng tăng dần qua các năm, đạt hơn 63.300 vào năm 2021 (tăng 199% so với năm 2017). Thành phố Hà Nội hiện trích ngân sách khoảng 565 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ gần 93.000 người già từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng, mức 440.000 đồng mỗi người; mua thẻ bảo hiểm y tế mức 67.050 đồng mỗi tháng. Năm 2021, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tặng 150 sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện và 150 thẻ bảo hiểm y tế trị giá gần 250 triệu đồng cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của các xã Ba Vì và Khánh Thượng (Ba Vì), xã An Phú (Mỹ Đức). Từ ngày 23-11-2022 đến ngày 20-12-2022, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tặng 1.740 sổ bảo hiểm xã hội và 236 thẻ bảo hiểm y tế với tổng trị giá hơn 2,6 tỷ đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo thống kê, sau 13 năm thực hiện, số người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở thành phố Hà Nội mới đạt 1,3% lực lượng lao động. Trong khi chỉ tiêu tới năm 2030, tỷ lệ này phải trên 10% và 65% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng. Vì vậy, việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mua thẻ bảo hiểm y tế,… là cần thiết, nhằm giúp giảm gánh nặng cho ngân sách trong chi trả trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế hằng tháng cho người không có lương hưu.

Triển khai gói hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị định số 116/NQ-CP “Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”, với sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội nhanh chóng ban hành quy trình nhận hồ sơ, xét duyệt hồ sơ, chi trả, trong đó giảm 50% thời gian giải quyết hồ sơ và chi trả theo Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cán bộ, viên chức của văn phòng, các phòng nghiệp vụ đều được tăng cường vào công tác kiểm tra, xét duyệt hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, công tác chi trả bảo đảm kịp thời, an toàn, đúng đối tượng.

Hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tập trung đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên internet,… để người dân tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức, viên chức, người lao động tập trung đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đọng bảo hiểm ngay từ đầu năm; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử, kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tích cực vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh cần đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện khám, chữa bệnh; cải tiến quy trình đón tiếp, khám, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế cho người tham gia. Đây không chỉ là điều kiện góp phần bảo vệ, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân mà còn thúc đẩy ngày càng nhiều người dân lựa chọn tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.