Chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo ở Đức
TCCS - Đức là một trong những quốc gia hàng đầu châu Âu chú trọng phát triển đổi mới sáng tạo, có những đóng góp thành công cho tăng trưởng kinh tế. Việc triển khai các chính sách hữu hiệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của quốc gia này là những kinh nghiệm tham khảo tốt đối với Việt Nam.
Khuôn khổ pháp lý và các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo
Để khuyến khích đổi mới sáng tạo của quốc gia, ngoài đạo luật cơ bản, Chính phủ Đức đã ban hành một số văn bản pháp lý như Đạo luật về lợi ích thuế cho nghiên cứu và phát triển, có hiệu lực từ năm 2020. Văn bản này giúp các doanh nghiệp có được khoản tài trợ 5,6 tỷ euro trong vòng 5 năm. Đạo luật cho phép như một luật thuế phụ trợ riêng biệt bổ sung cho Đạo luật thuế thu nhập và Đạo luật thuế công ty, có ý nghĩa đối với việc khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới ở khu vực tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng ban hành một loạt chính sách và biện pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Một là, ban hành chính sách công nghệ quốc gia.
Chính phủ Đức ban hành Chiến lược Công nghệ cao vào năm 2006. Đây là lần đầu tiên một chiến lược quốc gia được phát triển mở rộng ở tất cả các bộ, ngành ở Đức. Chiến lược tập trung vào việc thay đổi chính sách công nghệ theo bốn hướng chính sau: 1- Xác định các mục tiêu cho 17 lĩnh vực công nghệ có ảnh hưởng lớn nhất tới vấn đề việc làm và sự thịnh vượng của nền kinh tế Đức trong tương lai; 2- Đặt mục tiêu khai thác các khả năng đổi mới ở cả khu vực khoa học và tư nhân trong chiến lược công nghệ cao; 3- Đưa các kết quả nghiên cứu nhanh chóng ứng dụng vào các sản phẩm, dịch vụ và quy trình đổi mới sáng tạo; 4- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hai là, thành lập các tổ chức tư vấn và thực hiện nghiên cứu và đổi mới của nhà nước.
Hội đồng Khoa học (WR) là cơ quan tư vấn quan trọng nhất cho Chính phủ liên bang và các bang. WR đưa ra các tuyên bố và khuyến nghị cũng như chuẩn bị các báo cáo chủ yếu liên quan đến hai lĩnh vực chính của chính sách khoa học, đó là: sự phát triển của các tổ chức khoa học (đặc biệt là cấu trúc và hiệu quả hoạt động, phát triển và tài chính) và các vấn đề chung liên quan đến hệ thống giáo dục đại học (chẳng hạn như các khía cạnh cấu trúc của nghiên cứu và giảng dạy, hoạch định chiến lược và đánh giá các lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể). Các thành viên của Hội đồng khoa học do Tổng thống Đức bổ nhiệm, bao gồm các nhà khoa học, trong đó có cả đại diện của các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó là các hiệp hội khoa học và nghiên cứu. Những hiệp hội này đóng vai trò huy động kinh phí, đồng thời có mức độ độc lập cao để xây dựng và thực hiện các chính sách nghiên cứu của riêng mình, phân bổ ngân sách phù hợp với các ưu tiên. Theo đó, những hiệp hội này hoạt động một phần như “các nhà hoạch định chính sách trung gian”. Các hiệp hội này bao gồm: Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG) là quỹ lớn nhất tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản tại Đức, các dự án nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học làm việc tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh minh bạch.
Hiệp hội Max Planck (MPG) là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận và hoạt động độc lập. Nhiệm vụ của tổ chức này chủ yếu thúc đẩy và hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản tại các viện thuộc hệ thống. MPG hợp tác nghiên cứu với các trường đại học địa phương và với các đối tác khác (bao gồm nghiên cứu và phát triển của khu vực tư nhân), chuyển giao kiến thức và công nghệ.
Hiệp hội Helmholtz là tổ chức tài trợ của 15 trung tâm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và sinh học - y tế. Các trung tâm này được ủy quyền thay mặt cho nhà nước và xã hội trong việc tài trợ cho các nghiên cứu dài hạn. Hiệp hội tài trợ cho các nghiên cứu để ứng phó với những thách thức mà các ngành xã hội, khoa học và công nghiệp phải đối mặt, như: năng lượng, trái đất và môi trường, y tế, công nghệ nguồn, cấu trúc của vật chất, giao thông và không gian.
Ngoài ra còn phải kể đến một số hiệp hội khác, như: Hiệp hội Khoa học Gottfried Wilhelm Leibniz (WGL), tập trung vào các lĩnh vực nhân văn và giáo dục, khoa học kinh tế và xã hội, khoa học đời sống, khoa học vật lý và nghiên cứu môi trường; Hiệp hội Fraunhofer (FHG) thực hiện các nghiên cứu ứng dụng về tiện ích trực tiếp cho khu vực công và tư nhân, mang lại lợi ích rộng rãi cho xã hội.
Ba là, sáng kiến chung cho nghiên cứu và đổi mới.
Năm 2005, Chính phủ liên bang và 16 bang của Đức đã thông qua Sáng kiến chung cho nghiên cứu và đổi mới. Kết quả là từ năm 2006 đến nay, hầu hết các viện nghiên cứu lớn, như Hiệp hội Hermann von Helmholtz, Max Planck, Fraunhofer, Hiệp hội Khoa học Leibniz và Quỹ Nghiên cứu Đức đã nhận nhiều hỗ trợ tài chính từ Chính phủ. Điều này góp phần rất lớn vào việc tăng cường hiệu suất làm việc của các hiệp hội nghiên cứu, tạo điều kiện cho sự hợp tác mạnh mẽ và sâu rộng giữa các cơ sở nghiên cứu cũng như thúc đẩy sự phát triển của các nhà nghiên cứu trên toàn nước Đức. Ngoài ra, sáng kiến này còn có những điều khoản cho phép các dự án đổi mới sáng tạo có tính độc đáo nhận được các khoản tài trợ ở mức độ cao hơn.
Bốn là, thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D).
Nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, Chính phủ liên bang đầu tư thêm khoảng 6 tỷ euro cho các dự án R&D. Chương trình này tập trung vào việc cung cấp thêm tài chính vào các khu vực hứa hẹn mang lại hiệu quả cao nhất cho cả tăng trưởng kinh tế và việc làm. Do đó, bằng cách phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho các nghiên cứu dài hạn và các nghiên cứu có sự định hướng từ thị trường trong chương trình, Chính phủ liên bang có cơ sở dự báo được thị trường trong tương lai. Ngoài ra, một giải pháp bổ sung cho chương trình này là toàn bộ ngân sách dành cho nghiên cứu của Chính phủ liên bang sẽ được gộp chung lại nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn cho xã hội. Những lĩnh vực công nghệ được ưu tiên nghiên cứu trong chương trình đó là thông tin và truyền thông, năng lượng, an ninh, sinh học và công nghệ nano.
Năm là, đẩy mạnh tài trợ cho đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Phần lớn các nguồn tài trợ dành cho các hoạt động nghiên cứu cơ sở tại các trung tâm nghiên cứu nhà nước đến từ Chính phủ liên bang và các bang. Tuy nhiên, chi tiêu cho R&D phần nhiều đến từ khu vực tư nhân. Chính phủ liên bang thông qua nhiều sáng kiến nhằm khắc phục hạn chế này như thúc đẩy nghiên cứu thông qua Chiến lược Công nghệ cao. Sáng kiến này xác định các lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt do những đóng góp trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Sự hỗ trợ cũng được dành cho các công nghệ quan trọng đóng vai trò là động lực đổi mới.
Ngoài ra, để đẩy mạnh tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới trong nền kinh tế, Chính phủ Đức còn triển khai các chương trình tài trợ khác như:
Chương trình Đổi mới trung tâm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (ZIM)(1). Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp có thể nhận tài trợ mà không cần đề xuất trước. Mỗi năm, Chính phủ Đức thông qua Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang phân bổ hơn 550 triệu euro cho chương trình tài trợ vốn cho các dự án đổi mới đơn lẻ của các doanh nghiệp hoặc các dự án chung của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh việc tài trợ cho doanh nghiệp, chương trình còn tài trợ cho các dự án R&D của các viện nghiên cứu hoặc trường đại học. Ngoài ra, ZIM còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mua các dịch vụ liên quan đến R&D và chi phí quản lý đổi mới.
Chương trình Nghiên cứu tập thể công nghiệp (IGF)(2). Mục đích của IGF là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận các kết quả R&D, chương trình hỗ trợ việc hình thành các hiệp hội nghiên cứu. Hiện nay, Đức có khoảng 100 hiệp hội nghiên cứu với các lĩnh vực và công nghệ đa dạng.
Để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Start-up), Chính phủ Đức triển khai các chương trình tài trợ, như: Chương trình “EXIST”(3) nhằm giúp các nhà khoa học, sinh viên tốt nghiệp đại học xây dựng, phát triển các ý tưởng và kế hoạch kinh doanh để thành lập doanh nghiệp. Khoản tài trợ bao gồm chi phí sinh hoạt trong thời gian tối đa là 12 tháng. Ngoài ra, chi phí cho vật liệu, thiết bị và đào tạo cũng được tài trợ. Chương trình này được kết cấu thành hai loại: Một là, EXIST Startup Grant là một chương trình trên phạm vi rộng, cung cấp các khoản tài trợ trong vòng một năm cho sinh viên tốt nghiệp đại học và các nhà khoa học trước hoặc trong giai đoạn khởi nghiệp để thực hiện các kế hoạch kinh doanh của mình (khoảng 200 dự án mỗi năm). Số tiền trợ cấp được trao cho một cá nhân được đề cử phụ thuộc vào trình độ của cá nhân đó trong chương trình học của mình (sinh viên được cấp 1.000 euro/tháng; nhân viên kỹ thuật: 2.000 euro/ tháng; sinh viên tốt nghiệp: 2.500 euro/tháng; tiến sĩ: 3.000 euro/tháng). Ngoài ra, khoản tài trợ lên đến 30.000 euro có thể được đầu tư cho chi phí vật chất trong quá trình đào tạo và tài trợ tập huấn lên đến 5.000 euro. Hai là, EXIST Research Transfer để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp kỹ thuật đặc biệt khó khăn tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu (khoảng 40 dự án mỗi năm) bằng cách hỗ trợ phát triển sản phẩm của một tổ chức khoa học và sau đó là giai đoạn thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn phải kể đến một số chương trình khác, như: Chương trình “Venture Tech Growth Financing” do Chính phủ liên bang và Tập đoàn Ngân hàng KFW triển khai để thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển theo định hướng công nghệ(4). Chương trình tư vấn cho đổi mới sáng tạo hay còn gọi là chương trình “go-Inno”(5), nhằm thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực quản lý đổi mới và hiệu quả kinh doanh. Quỹ đầu tư mạo hiểm (HTGF)(6) là chương trình tài trợ giai đoạn đầu dành cho các doanh nghiệp có định hướng công nghệ và sáng tạo cao. Đây là quỹ đầu tư mạo hiểm theo hình thức hợp tác công - tư. Nguồn tài trợ tối thiểu là 500 nghìn euro và tối đa có thể đến 1 triệu euro (theo hình thức nắm giữ cổ phần hoặc cho vay với lãi suất thấp)(7).
Hiệu quả thực hiện chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo
Thứ nhất, năng lực đổi mới sáng tạo ở Đức ngày càng nâng cao. Điều này được thể hiện qua số lượng phát minh, sáng chế, bài báo khoa học, như: Năm 2019, kết quả đổi mới sáng tạo của Đức cao hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với 55 sáng chế/1 triệu dân, đứng thứ tư sau Thụy Sĩ, Nhật Bản và Thụy Điển. Năm 2020 có 20.056 đơn đăng ký bằng sáng chế của Đức đã được Văn phòng Sáng chế châu Âu chấp thuận, nhiều hơn gấp đôi so với Pháp(8). Năm 2018, Đức có 820 bài báo khoa học quốc tế/1 triệu dân, cao hơn so với mức trung bình OECD và có tỷ lệ các công bố khoa học chiếm 4% tổng số công bố khoa học của thế giới. Ngoài ra, trong bộ chỉ số đánh giá năng lực đổi mới toàn cầu (WIPO) năm 2021, Đức đạt 57,3 điểm, đứng vị trí thứ 10 trong tổng số 132 quốc gia được đánh giá(9).
Thứ hai, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2014 - 2019, 19% doanh nghiệp Đức đã tiến hành đổi mới sản phẩm thị trường và có tới 69% doanh nghiệp thực hiện đổi mới phi công nghệ. Năm 2019, chi tiêu cho đổi mới của các doanh nghiệp Đức đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 176,9 tỷ euro. So với năm 2018, tỷ trọng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đã tăng đáng kể, là 8%(10). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp tại Đức đang thể hiện sự kiên trì trong hoạt động đổi mới qua việc đầu tư vào công nghệ, sản phẩm và quy trình sản xuất.
Thứ ba, đổi mới sáng tạo góp phần vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nền kinh tế Đức không ngừng tăng trưởng kể từ năm 1984 tới nay. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 45.724 USD. Nền kinh tế tăng trưởng cao trong suốt cả thời gian dài giúp Đức duy trì vị thế là nền kinh tế số 1 của Liên minh châu Âu (EU) và thứ 4 thế giới(11). Đóng góp của đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế quốc gia thể hiện ở nhân lực chất lượng cao hàng đầu thế giới, xuất khẩu R&D đứng đầu EU, năng lực cạnh tranh R&D mạnh trên thị trường quốc tế, gia tăng xuất khẩu công nghệ và máy móc cho các nước EU ngày càng tăng.
Bên cạnh những thành công, việc thúc đẩy, khuyến khích đổi mới sáng tạo ở Đức trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế:
Sự trì trệ trong tinh thần kinh doanh. Đức không được xếp hạng trong số 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới hoặc thậm chí ở châu Âu trong Chỉ số Doanh nhân toàn cầu(12). Trong Chỉ số quốc gia doanh nghiệp gia đình của Viện Nghiên cứu Kinh tế ZEW có trụ sở tại thành phố Mannheim (Đức), Đức xếp hạng thứ 17 trong số 21 nền kinh tế tiên tiến vào năm 2020(13). Chỉ khoảng một nửa dân số Đức coi khởi nghiệp là một lựa chọn nghề nghiệp tốt, thấp hơn mức trung bình của OECD và thấp hơn nhiều so với mức 70% ở Mỹ và 80% ở Hà Lan(14). Theo quan điểm đổi mới, sự trì trệ trong tinh thần kinh doanh là điều đáng lo ngại vì nó tác động đến hiệu quả trong việc sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm đổi mới(15). Bên cạnh đó, chỉ số hoạt động khởi nghiệp, đo lường tỷ lệ gia nhập công ty mới tại Đức đã giảm 50% từ 120 xuống 60 trong giai đoạn 1990 - 2013. Hiện chỉ có 1% số lượng doanh nghiệp tại Đức lập kế hoạch cho đổi mới sáng tạo, trong khi đó tại Mỹ là 3,6%, 3,9% ở Trung Quốc và 5,7% ở Thụy Sĩ(16).
Hệ thống đổi mới của Đức đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc chỉ tạo ra những đổi mới chủ yếu mang tính gia tăng trong các ngành công nghiệp hiện có (truyền thống), thay vì đổi mới hoàn toàn và tạo ra các ngành công nghiệp và thị trường mới(17). Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là do vai trò rất lớn của các tầng lớp trung lưu (mittelstand)(18). Tuy nhiên, mittelstand có xu hướng tham gia phần lớn vào các đổi mới gia tăng. Chính vì vậy, hiện nay, Đức có năng lực cao trong một số lĩnh vực truyền thống, như sản xuất ô tô, các ngành cơ khí, song còn nhiều hạn chế trong các ngành là xu hướng của tương lai, như công nghệ sinh học, y tế, môi trường, dịch vụ.
Sự lan tỏa công nghệ chậm. Điều này có liên quan đến sự suy giảm tính năng động trong kinh doanh ở Đức. Bên cạnh đó là việc giảm số lượng các đổi mới đột phá và tinh thần kinh doanh ở Đức cũng như việc các doanh nghiệp tại Đức đang áp dụng các chiến lược kinh doanh “phòng thủ” đã dẫn đến sự phổ biến công nghệ chậm hơn thông qua việc giảm đầu tư vốn cố định.
Hệ thống giáo dục chậm đổi mới. Điều này phản ánh những điểm yếu ngày càng tăng trong hệ thống giáo dục truyền thống vốn được đánh giá tích cực, tuy nhiên thường xếp hạng tương đối thấp trong bảng xếp hạng kỹ năng toàn cầu. chẳng hạn như trong Chỉ số Cạnh tranh Nhân tài toàn cầu, Đức xếp hạng 15 trong giai đoạn 2015 - 2017, giảm xuống thứ 16 trong giai đoạn 2018 - 2020(19).
Một số bài học kinh nghiệm tham khảo
Từ những thành công và hạn chế trong chính sách phát triển đổi mới sáng tạo ở Đức, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, tập trung nguồn lực đầu tư vào các hiệp hội nghiên cứu mạnh, giúp thúc đẩy và lan tỏa việc đổi mới sáng tạo rộng khắp các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Một điểm đặc biệt của R&D ở Đức là phần lớn các viện, trung tâm nghiên cứu không nằm trong trường đại học hoặc doanh nghiệp mà đều quy tụ vào các hiệp hội nghiên cứu. Những nghiên cứu từ các hiệp hội này đã góp phần tạo những sản phẩm và dịch vụ mới cũng như thúc đẩy việc đổi mới sáng tạo cho các thành viên tham gia các hiệp hội, đồng thời lan tỏa tinh thần đổi mới ra toàn nền kinh tế, nhất là tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần tránh việc tập trung ngân sách nhà nước quá lớn cho các viện nghiên cứu mà quên việc tài trợ cho nghiên cứu tại các trường đại học. Kinh nghiệm ở Đức cho thấy, một trong những nguyên nhân sụt giảm năng lực đổi mới sáng tạo là do sự sụt giảm các dự án đổi mới sáng tạo tại các trường đại học. Cụ thể, ở Đức có 142 trường đại học nghiên cứu và 427 viện nghiên cứu, tạo thành một hệ thống “trụ cột kép” cho R&D và Chính phủ dành phần lớn nguồn tài trợ R&D cho các viện nghiên cứu, so với các trường đại học; do đó, tỷ lệ R&D của các trường đại học ngày càng giảm đi, dẫn tới việc suy giảm đổi mới ở Đức.
Thứ hai, tập trung nguồn lực cho thúc đẩy và khuyến khích đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế và cũng là nơi có tính năng động và chủ động trong đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, Đức đã triển khai nhiều chương trình để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, việc xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần phân chia rõ các lĩnh vực cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương; các chính sách trước khi ban hành cần có sự tham vấn của nhiều bên. Thực tiễn tại Đức cho thấy, hệ thống chính sách đổi mới sáng tạo có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng cũng như có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ của Chính phủ liên bang và chính quyền các bang.
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, Đức đã triển khai nhiều chính sách, biện pháp nhằm khuyến khích và phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp trong quá trình phát triển của quốc gia. Đây là những kinh nghiệm có ý nghĩa cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn trong việc xây dựng, triển khai các chính sách và biện pháp thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo mà Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ, đề cao yêu cầu đổi mới sáng tạo như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định là “chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao”(20), cũng như đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao(21)./.
---------------------------------
(1) Wirtschaftsmotor Mittelstand: “Financing start-ups and growth: Overview of funding instruments” (Tạm dịch: Hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và tăng trưởng: Tổng quan về các quỹ hỗ trợ), ngày 25-3-2022, https://www.bmwi.de/Redaktion/EN/Downloads/financing-start-ups-and-growth-overview-of-funding-instruments.pdf?__blob=publicationFile&v=9
(2) AiF: “Industrial Collective Research for SMEs: Continuous access to new knowledge” (Tạm dịch: Nghiên cứu công nghiệp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: Tiếp cận với kiến thức mới), ngày 1-4-2022, https://www.aif.de/english/collective-research/igf-industrial-collective-research.html
(3) Federal Ministry for Economic Affairs and Climate Action: “EXIST - University - Based business start-ups” (Tạm dịch: Chương trình khởi nghiệp ở các trường đại học), http://www.exist.de/englische_version/index.php
(4), (7) Federal Misnistry for Economic Affairs and Climate Action: “Financing for start-ups, company growth, and innovations” (Tạm dịch: Hỗ trợ cho khởi nghiệp, phát triển công ty đổi mới sáng tạo), ngày 5-3-2022, https://www.bmwi.de/Redaktion/EN/Dossier/financing-for-start-ups-company-growth-and-innovations.html
(5) Alexander Eickelpasch: “Innovation policy in Germany. Strategies and programmes at the federal and the regional level Report” (Tạm dịch: Chính sách đổi mới sáng tạo của Đức. Các chiến lược và chương trình ở cấp liên bang và khu vực), truy cập ngày 1-4-2022, www.signo-deutschland.de
(6) HTGF Family: “Seed investor for high-tech start-ups” (Tạm dịch: Nhà đầu tư hạt giống cho các công ty khởi nghiệp công nghệ cao), https://www.htgf.de/en/
(8) Gtai.de: “Innovation in Germany - Research and Development” (Tạm dịch: Đổi mới sáng tạo ở Đức - Nghiên cứu và phát triển), https://www.gtai.de/en/invest/business-location-germany/innovation-in-germany
(9) WIPO: “Global Innovation Index 2021” (Tạm dịch: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021), ngày 31-3-2022, https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo_pub_gii_2021.pdf
(10) ZEW: “German economy remains on course for innovation despite the pandemic” (Tạm dịch: Nền kinh tế Đức vẫn trên đà đổi mới bất chấp đại dịch), ngày 15-3-2022, http://www.zew.de/en/press/latest-press-releases/german-economy-remains-on-course-for-innovation-despite-the-pandemic
(11) Statista: “Germany: Gross domestic product (GDP) in current prices from 1986 to 2026” (Tạm dịch: Đức: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo giá hiện hành từ năm 1986 tới năm 2026), ngày 5-3-2022, https://www.statista.com/statistics/375206/gross-domestic-product-gdp-in-germany/
(12) Acs, Z., Szerb, L., & Lloyd, A.: “The Global Entrepreneurship Index, 2018” (Tạm dịch: Chỉ số doanh nhân toàn cầu năm 2018), The Global Entrepreneurship and Development Institute, Washington DC
(13) Stiftung Familienunternehmen: “Country Index for family businesses competitiveness ranking, 8th edition summary” (Tạm dịch: Xếp hạng chỉ số quốc gia về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gia đình, bản tóm tắt xuất bản lần thứ 8), 2021 https://www.familienunternehmen.de/media/public/pdf/publikationen-studien/studien/Country-Index-for-Family-Businesses_2021_Stiftung-Familienunternehmen.pdf
(14) Jones, R. & Jin, Y.: “Boosting Productivity for inclusive growth in Japan” (Tạm dịch: Thúc đẩy năng suất để tăng trưởng toàn diện ở Nhật Bản), OECD Economics Department Working Paper No. 1414, ngày 4-10-2017
(15) Bessen, J., Denk, E., Kim, J., & Righi, C.: “Declining Industrial Disruption” (Tạm dịch: Suy giảm gián đoạn trong công nghiệp), Boston University School of Law and Economics Series Paper No. 20-28, 2020
(16) Henrekson, M. & Sanandaji, T.: “Schumpeterian Entrepreneurship in Europe compared to other industrialized regions” (Tạm dịch: Tinh thần kinh doanh của Schumpeterian ở châu Âu so với các khu vực công nghiệp khác), IFN Working Paper No. 1170
(17) Breznitz, R.: “Why Germany dominates the U.S. in innovation” (Tạm dịch: Tại sao Đức vượt Mỹ về đổi mới sáng tạo), ngày 27-5-2014, Harvard Business Review
(18) Các doanh nghiệp gia đình tập trung vào một ngành duy nhất và có chuyên môn cao
(19) Adecco Group: “Global talent in the Age of artificial intelligence” (Tạm dịch: Nhân tài toàn cầu trong thời đại trí tuệ nhân tạo), ngày 5-3-2022, https://gtcistudy.com
(20) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 120
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. 1, tr. 36
Một số kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam trong thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh  (08/06/2022)
Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực của tỉnh Quảng Ninh - Thành công, hạn chế và những vấn đề đặt ra  (27/05/2022)
Vai trò của trường đại học trong hệ thống đổi mới sáng tạo: Thực tiễn trên thế giới và liên hệ với Việt Nam  (29/11/2021)
Quan điểm của Đảng về đổi mới sáng tạo qua các kỳ đại hội  (28/11/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam