TCCS - Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 24-11-2021, ngày 16-11-2021, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc Triển lãm với chủ đề: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Tham dự triển lãm có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, một số tỉnh, thành phố, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.
Với 320 hình ảnh, hơn 123 tài liệu, hiện vật quý, triển lãm tập trung làm nổi bật các chủ đề: Văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.
Ở chủ đề “Văn hóa Việt Nam trước năm 1930”, triển lãm giới thiệu lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua một số hình ảnh tiêu biểu từ thời vua Hùng dựng nước Văn Lang đến các triều đại phong kiến sau này. Quá trình đó đã bồi đắp nên những giá trị văn hóa gắn liền với nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo..., được giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ, tạo dựng nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Qua các tài liệu, hiện vật được trưng bày, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân ta một lần nữa được khẳng định, tôn vinh, là nền tảng văn hóa mang yếu tố quyết định trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tạo nên những trang sử vẻ vang.
Với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam”, triển lãm lựa chọn, trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam để làm nổi bật những tư tưởng của Người về văn hóa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm, thư gửi các hội nghị về văn hóa, như Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ văn hóa, ngày 28-2-1957; sách “Con người xã hội chủ nghĩa”…, trong đó, Người không chỉ nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hóa mà còn đề ra nhiều chiến lược, nhiệm vụ quan trọng; đồng thời đề cao vai trò của văn nghệ sĩ (“Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”), văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị...
Bên cạnh đó, thông qua các hình ảnh Bác tới thăm các di sản, di tích lịch sử, như Đền Hùng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… được trưng bày tại triển lãm, người xem thấy được sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với di sản văn hóa dân tộc. Bác cũng thường nhắc nhở mọi người cần biết trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc… Triển lãm cũng giới thiệu một số hiện vật quý liên quan đến phong cách và lối sống giản dị của Bác; sự giản dị, thanh cao của Bác toát lên từ những việc nhỏ nhất, trở thành bài học quý cho mỗi chúng ta học tập, noi theo. Đó là bộ quần áo lụa nâu Bác mặc từ năm 1954 - 1964; đôi guốc mộc Bác thường sử dụng; gậy mây; thực đơn, bộ đồ dùng trong bữa ăn hằng ngày của Bác; đũa nhạc trưởng Bác chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc “Kết đoàn” tại buổi dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9-1960)…
Ở chủ đề “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước với sự nghiệp phát triển văn hóa”, triển lãm giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ đại hội Đảng, trong đó Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7-1998) với việc ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”. Triển lãm cũng giới thiệu một số hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội qua các thời kỳ thăm và làm việc với các đơn vị, tỉnh, thành phố về lĩnh vực văn hóa.
Ở chủ đề “Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, triển lãm giới thiệu theo các giai đoạn:
- Vai trò của văn hóa trong giai đoạn 1930 - 1945: Giới thiệu các hình ảnh về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, Đảng lãnh đạo các phong trào đấu tranh giành độc lập, như phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, các cuộc khởi nghĩa khắp Bắc - Trung - Nam… Triển lãm giới thiệu “Đề cương văn hóa” đăng trên Tạp chí Tiền phong, cơ quan vận động văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản ra ngày 10-11-1945. Bản “Đề cương văn hóa” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, lần đầu tiên Đảng công bố quan điểm của mình về văn hóa, về vị trí của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc, về sự tất yếu phải tiến hành cách mạng tư tưởng văn hóa và định hướng nội dung xây dựng nền văn hóa mới trên cơ sở thấm nhuần 3 nguyên tắc: dân tộc, đại chúng, khoa học.
- Vai trò của văn hóa trong giai đoạn 1945 - 1954: Trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật làm nổi bật những đóng góp của văn hóa, nghệ thuật phục vụ cách mạng trong giai đoạn này với các hình thức khác nhau, như triển lãm, sinh hoạt văn nghệ, xuất bản sách, báo… Đông đảo các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ và nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia kháng chiến với tất cả trí tuệ, tài năng, họ đã thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Đây là giai đoạn kháng chiến chống Pháp với khẩu hiệu: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân như: phong trào “Bình dân học vụ” tập trung xóa nạn mù chữ; xây dựng hệ thống giáo dục mới, cử cán bộ, sinh viên đi học tập tại nước ngoài để đào tạo nguồn tri thức tiến bộ tái kiến thiết nước nhà.
- Vai trò của văn hóa trong giai đoạn 1954 - 1975: Giai đoạn miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn hóa đã phát triển toàn diện, đi sâu vào hoạt động theo chuyên ngành: nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ra đời, phim ảnh và các hình thức nghệ thuật khác ngày càng phong phú. Các phong trào văn hóa lan tỏa sâu, rộng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện chiến trường miền Nam. Các hình ảnh, hiện vật đã nêu bật tinh thần yêu nước của nhân dân ta, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Giai đoạn này có nhiều phong trào nổi bật, tạo nên động lực lớn góp phần vào thắng lợi cách mạng, như “Tiếng hát át tiếng bom”, “Đọc sách có hướng dẫn”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Gió Đại phong”… Phần trưng bày giai đoạn này giới thiệu nhóm hiện vật máy quay phim đầu tiên của Bắc Bộ từ năm 1950; máy quay phim 16 ly của điện ảnh Nam Bộ dùng ghi lại chiến công đánh Mỹ của quân ta; máy chiếu phim đầu tiên của Xưởng cơ khí điện ảnh Bộ Văn hóa, sản xuất năm 1959…
Ở chủ đề “Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước”, triển lãm làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể thao, những truyền thống văn hóa quý giá của dân tộc đã và đang tiếp tục được phát huy, như tinh thần đại đoàn kết dân tộc là hạt nhân của văn hóa Việt Nam; đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”… Nhiều phong trào thi đua được phát động và thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, như phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thông mới, đô thị văn minh”; phong trào văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Triển lãm cũng làm nổi bật những kết quả của hoạt động văn hóa đối ngoại thông qua các hình ảnh triển lãm, hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; Việt Nam tham dự Olympic, liên hoan phim quốc tế, các sự kiện thể thao; các chương trình hợp tác, nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước…; qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới.
Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày các di sản, khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu được UNESCO ghi danh và các di sản, danh thắng tiêu biểu của các vùng, miền trong cả nước; trưng bày hình ảnh, tư liệu và số liệu về hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong thời gian qua…
Triển lãm diễn ra từ ngày 16 đến 27-11-2021 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam và ngày 24-11-2021 tại tầng 1 nhà Quốc hội; triển lãm online trên website: http://trienlamvhnt.vn từ ngày 16-11 đến 31-12-2021./.
Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay  (23/10/2021)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc  (19/10/2021)
Vấn đề di cư của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc  (13/10/2021)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay