Chủ quyền không gian mạng: Lý thuyết, thực tiễn trong quan hệ quốc tế và những vấn đề đặt ra hiện nay
TCCS - Năm 2013, chương trình giám sát diện rộng trên in-tơ-nét của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) liên quan đến việc tiếp cận thông tin về dân số và các bí mật của quốc gia khác được tiết lộ, đã khơi dậy các cuộc thảo luận sôi nổi trong quan hệ quốc tế về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đây cũng là vấn đề có nhiều khác biệt, thậm chí gây tranh cãi trong các diễn đàn đa phương quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Đối với Việt Nam, vấn đề chủ quyền không gian mạng đã được đưa ra bàn thảo ở nhiều cấp, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một nội hàm cụ thể cũng như quan điểm chính thức về vấn đề này. Do vậy, việc nghiên cứu, làm rõ nội dung chủ quyền không gian mạng trong quan hệ quốc tế góp phần xây dựng không gian mạng an toàn ở Việt Nam, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Về chủ quyền không gian mạng
Khái niệm về “chủ quyền” xuất hiện từ năm 1648 khi hệ thống Westphalia ra đời, theo đó cho rằng, các nhà nước có chủ quyền đối với các lãnh thổ và vấn đề nội bộ của quốc gia mình mà các quốc gia khác không có quyền can thiệp(1). Nguyên tắc chủ quyền gắn chặt với luật pháp quốc tế và có liên quan tới sự bình đẳng, do đó, mỗi quốc gia bình đẳng với nhau theo luật pháp quốc tế và không có quyền áp đặt lên bất kỳ quốc gia nào(2).
“Không gian mạng” là mạng lưới kết nối của kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng in-tơ-nét, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian(3).
Từ góc độ lý thuyết, từ năm 1994, một số học giả quốc tế đã đề cập đến mối quan hệ giữa “không gian mạng” và “chủ quyền quốc gia” hay sự liên quan trong việc áp dụng các lý thuyết trong quan hệ quốc tế đối với in-tơ-nét. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và in-tơ-nét đi kèm với sự nổi lên của các vấn đề an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, do thám mạng, nguy cơ xung đột, chiến tranh mạng giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế... Những vấn đề này đặt ra yêu cầu về quản lý, bảo vệ lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng hay còn được hiểu chung trong thuật ngữ “chủ quyền không gian mạng”. Có nhiều ý kiến cho rằng, chủ quyền quốc gia tồn tại trong không gian mạng vì có sự tồn tại của các kết cấu hạ tầng thiết yếu để không gian mạng hình thành và chủ quyền không gian mạng có thể được coi là sự nối dài về quy tắc lãnh thổ trong chủ quyền(4).
Thời gian qua, các học giả của Trung Quốc và Nga đã đưa ra nhiều quan điểm cụ thể về vấn đề chủ quyền không gian mạng. Đáng chú ý, giới học giả ở Trung Quốc cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sử văn minh thế giới, ý nghĩa của chủ quyền quốc gia đã thay đổi và ngày càng phong phú theo thời gian. Điều này được thể hiện qua sự phát triển về phạm vi áp dụng của chủ quyền quốc gia từ các cuộc cách mạng nông nghiệp (đất đai - toàn vẹn lãnh thổ), công nghiệp (mở rộng trên biển và bầu trời), thông tin (biên giới mới trong không gian mạng). Do vậy, chủ quyền quốc gia sẽ không đầy đủ nếu bỏ qua chủ quyền không gian mạng; không có chủ quyền không gian mạng, trật tự quốc tế không gian mạng sẽ bị đảo lộn và hỗn loạn; quyền và lợi ích của các bên tham gia trong không gian mạng sẽ không được bảo đảm(5). Các quốc gia có chủ quyền là những chủ thể chính trong việc thực hiện các hoạt động và duy trì trật tự trong không gian mạng. Theo các học giả Trung Quốc, để tạo điều kiện thuận lợi cho quản trị in-tơ-nét toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn cũng như xây dựng một cộng đồng chung trong không gian mạng vì lợi ích chung của nhân loại, cộng đồng quốc tế cần tuân thủ và thực hành khái niệm chủ quyền trong không gian mạng trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc tham vấn bình đẳng, gạt bỏ khác biệt và tìm kiếm điểm chung tối đa(6).
Song, cũng có quan điểm cho rằng, chủ quyền không gian mạng chỉ có thể đạt được bằng việc “hy sinh” hầu hết những gì khiến in-tơ-nét trở nên có giá trị và điều này không dễ thực hiện, bởi vì có những tên miền in-tơ-nét không có chủ quyền; các giao thức in-tơ-nét tạo ra một hàng hóa chung toàn cầu (mã nguồn mở - không duy nhất và không độc quyền) và một không gian ảo phi lãnh thổ; không có độc quyền về việc sử dụng vũ lực hợp pháp trong không gian mạng(7).
Ngoài ra, giới học giả cũng đề cập đến thuật ngữ “chủ quyền số” và “chủ quyền dữ liệu” trong thời gian gần đây. Theo đó, chủ quyền số là một sự sắp xếp mở, hoan nghênh các chủ thể khác tham gia sử dụng một khuôn khổ dựa trên các luật lệ. Hơn nữa, sự khác biệt cơ bản giữa chủ quyền không gian mạng và chủ quyền số là đối tượng điều chỉnh của chủ quyền không gian mạng là lợi ích quốc gia; đối tượng điều chỉnh của chủ quyền số là lợi ích kinh tế, kinh doanh và viễn thông(8). Chủ quyền dữ liệu là quản lý thông tin theo cách thống nhất với luật pháp, thực tiễn và tập quán của quốc gia, dân tộc - nơi dữ liệu được lưu trữ. Theo đó, dữ liệu có thể bị cấm chia sẻ ở quốc gia này theo luật pháp nước đó, nhưng lại hoàn toàn hợp pháp khi chia sẻ ở quốc gia khác(9).
Từ góc độ thực tiễn, ở cấp độ toàn cầu, Tuyên bố năm 2003 về các nguyên tắc của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin (WSIS) nêu rõ thẩm quyền chính sách đối với các vấn đề chính sách công liên quan đến in-tơ-nét là quyền chủ quyền của các quốc gia. Báo cáo của Nhóm chuyên gia chính phủ Liên hợp quốc (UNGGE)(10) năm 2013 và năm 2015 nhấn mạnh, chủ quyền của nhà nước và các chuẩn mực, luật lệ quốc tế bắt nguồn từ chủ quyền áp dụng cho việc nhà nước tiến hành các hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin - truyền thông; nguyên tắc chủ quyền là cơ sở để tăng cường bảo mật trong việc sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông của các quốc gia. Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) năm 2015 khẳng định luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, có thể áp dụng đối với hành vi của nhà nước trong việc sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông và cam kết với quan điểm rằng tất cả các quốc gia phải tuân thủ những chuẩn mực về hành vi của nhà nước có trách nhiệm trong sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Tuyên bố Goa của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) năm 2016 tiếp tục nhấn mạnh đến việc sử dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông thông qua hợp tác quốc tế và khu vực, trên cơ sở các chuẩn mực cũng như nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc về vấn đề độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và bình đẳng chủ quyền của các quốc gia... Báo cáo của UNGGE năm 2021 cũng xác nhận lại các kết luận trong Báo cáo của UNGGE năm 2015, rằng chủ quyền quốc gia và các chuẩn mực, nguyên tắc quốc tế xuất phát từ chủ quyền áp dụng cho hành vi của các quốc gia có hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin - truyền thông và quyền tài phán của họ đối với kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông trong lãnh thổ của họ, đồng thời khẳng định hiện có các quy định của luật pháp quốc tế được áp dụng cho những hoạt động liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông của các quốc gia. Về trách nhiệm hành xử của các quốc gia, Báo cáo của UNGGE năm 2021 tái khẳng định, các quốc gia không được sử dụng hình thức ủy nhiệm để thực hiện các hành vi trái pháp luật trên phạm vi quốc tế thông qua sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông; cần bảo đảm lãnh thổ quốc gia không bị các thế lực bên ngoài lợi dụng để thực hiện các hành vi đó(11). Tuy nhiên, Báo cáo chưa khẳng định rõ chủ quyền trong không gian mạng giống như một quy tắc ràng buộc.
Báo cáo của Nhóm công tác mở về an ninh mạng (OEWG) của Liên hợp quốc năm 2021 tuy không đề cập trực tiếp đến vấn đề chủ quyền không gian mạng, song bản báo cáo tóm tắt của Chủ tịch OEWG có nêu quan điểm của các nước đối với việc áp dụng một số nguyên tắc cụ thể của luật pháp quốc tế về chủ quyền quốc gia, bình đẳng chủ quyền đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy môi trường công nghệ thông tin - truyền thông hòa bình, dễ tiếp cận, an toàn, ổn định và mở rộng...(12). Bên cạnh đó, một số quốc gia trong thời gian qua cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ cách tiếp cận áp dụng chủ quyền trong luật quốc tế đối với các hoạt động mạng(13).
Ở cấp độ khu vực, Liên minh châu Âu (EU) tiếp cận vấn đề chủ quyền không gian mạng trên cơ sở đưa ra khái niệm “chủ quyền công nghệ/chủ quyền số”, trong đó nhấn mạnh cần tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền kiểm soát dữ liệu của công dân EU trên lãnh thổ các quốc gia EU, trong bối cảnh EU cho rằng vấn đề kiểm soát dữ liệu cá nhân của các công dân EU, cũng như việc các công ty công nghệ của EU và các quốc gia EU thực hiện nội luật của mình, đang bị đe đọa nghiêm trọng bởi các công ty công nghệ bên ngoài EU. Dịch bệnh COVID-19 được xem là một minh chứng rõ nét, đang đặt ra những quan ngại về việc EU phụ thuộc vào các công cụ phân tích dữ liệu được phát triển bên ngoài EU có thể được sử dụng để theo dõi người dân EU, đánh giá nguy cơ mắc vi-rút... Ngoài ra, hầu hết các nền tảng trực tuyến thuộc các công ty nước ngoài cũng được cho là đang xâm phạm chủ quyền các quốc gia thành viên EU trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu, thuế và giao thông, thương mại điện tử... Năm 2018, EU ban hành Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) và đề ra Chiến lược thúc đẩy các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu quốc tế. EU hiện cũng đưa các điều khoản trong GDPR vào nội luật và các thể chế đa phương đang cân nhắc việc lựa chọn GDPR làm tiêu chuẩn toàn cầu trong các hoạt động của mình(14). Trước đó, năm 2001, EU đã thông qua Công ước Bu-đa-pét về tội phạm mạng - điều ước quốc tế duy nhất có hiệu quả nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý chung cho công tác phòng, chống tội phạm mạng. Cao ủy châu Âu phụ trách về các vấn đề số từng khẳng định, chủ quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng cho chính sách số của châu Âu. Năm 2017, tài liệu “Hướng dẫn Tallinn 2.0” về luật pháp quốc tế áp dụng cho hoạt động không gian mạng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã đưa ra cách thức áp dụng luật pháp quốc tế cho các hoạt động mạng trong thời bình và trong các cuộc xung đột chiến tranh, cung cấp phân tích pháp lý về những sự cố mạng phổ biến mà các quốc gia phải đối mặt hằng ngày và những sự cố này rơi vào ngưỡng dưới của sử dụng vũ lực hoặc xung đột vũ trang. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện chưa có một điều ước quốc tế chính thức nào về an ninh mạng hay văn bản có đề cập đến chủ quyền không gian mạng ngoài khuôn khổ Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF)(15).
Ở cấp độ quốc gia, trong năm 2011 và 2015, Bộ Quy tắc ứng xử quốc tế về an ninh thông tin do Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác đưa ra đã tái khẳng định thẩm quyền chính sách đối với các vấn đề chính sách công liên quan đến in-tơ-nét là quyền chủ quyền của các quốc gia. Luật An ninh mạng năm 2016 của Trung Quốc tập trung vào các nội dung quan trọng, như bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ kết cấu hạ tầng thiết yếu, dữ liệu và bảo vệ thông tin cá nhân. Việc địa phương hóa dữ liệu được coi là thành tố quan trọng góp phần bảo vệ và gìn giữ chủ quyền không gian mạng của Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc chủ động tham gia và thúc đẩy vai trò lớn hơn trong quản trị in-tơ-nét toàn cầu, kêu gọi các quốc gia tôn trọng “chủ quyền không gian mạng” của Trung Quốc với ý tưởng các quốc gia nên tự do kiểm soát và kiểm duyệt hạ tầng in-tơ-nét của mình nếu thấy phù hợp(16). Đối với Nga, Học thuyết an ninh thông tin mới của Nga được Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin ban hành vào ngày 5-12-2016, nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền của Nga trong không gian thông tin thông qua chính sách độc lập nhằm theo đuổi các lợi ích quốc gia của Nga; bảo vệ chủ quyền an ninh thông tin của Nga trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng trên in-tơ-nét(17). Tháng 5-2019, Tổng thống V. Pu-tin ban hành Luật Chủ quyền in-tơ-nét (có hiệu lực kể từ ngày 1-11-2019), nhằm bảo đảm hệ thống in-tơ-nét nội bộ của Nga hoạt động ổn định cả trong trường hợp nước Nga bị ngắt kết nối với kết cấu hạ tầng in-tơ-nét toàn cầu do bị tấn công mạng. Mỹ mặc dù không ủng hộ về chủ quyền không gian mạng, tuy nhiên các nội dung trong các văn bản pháp lý như Luật An ninh mạng (năm 2015), Luật Yêu nước, các chiến lược an ninh quốc gia, chính sách của nước này đều đề cập đến nguy cơ/mối đe dọa đến an ninh quốc gia từ an ninh mạng. Đáng chú ý, Luật Yêu nước của Mỹ có những quy định về bảo vệ dữ liệu, yêu cầu truy cập dữ liệu ở trong và ngoài nước Mỹ - được đánh giá tương tự nội dung về chủ quyền dữ liệu. Một số các quốc gia khác, như Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ... cũng ban hành các văn bản đề cập đến chủ quyền số (Pháp), chủ quyền dữ liệu (Ấn Độ), hay coi không gian mạng là vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia khu vực, gắn bó chặt chẽ với các chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ (Nhật Bản).
Một số vấn đề đặt ra
Mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau, song có thể thấy vấn đề chủ quyền không gian mạng đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nước trên thế giới. Nội dung này được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức không chỉ đối với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế mà còn đối với các nguyên tắc chủ quyền quốc gia cũng như việc thiết lập trật tự quốc tế trên không gian mạng. Thời gian tới, thế giới được dự báo tiếp tục phải đối mặt với một số vấn đề đặt ra từ không gian mạng, an ninh mạng nói chung và chủ quyền không gian mạng nói riêng, cụ thể như:
Về chính trị - an ninh - pháp lý:
Thứ nhất, nguy cơ gia tăng bất đồng, tranh chấp và thậm chí là xung đột giữa các nước lớn trong áp dụng chủ quyền không gian mạng có thể dẫn đến sự thay đổi trật tự thế giới. Việc thiếu các cơ chế phù hợp để bổ trợ cho khái niệm chủ quyền không gian mạng ở tầm quốc tế đã khiến các quốc gia gia tăng chạy đua và đưa ra nhiều định nghĩa mở rộng về khái niệm này để lập luận cho các hành động về gián điệp mạng, quân sự mạng... Thực tế cho thấy, các nguy cơ từ chủ thể phi nhà nước chiếm quyền kiểm soát máy chủ của một quốc gia gây gián đoạn các trang điện tử quan trọng của quốc gia khác hay việc sử dụng “botnet”(19) tấn công mạng vào hệ thống kết cấu hạ tầng mạng quan trọng của các trang mạng lớn, như Twitter, Netflix... sẽ tác động không nhỏ đến mối quan hệ giữa các quốc gia, thậm chí có thể dẫn đến những cuộc tấn công mạng...
Bên cạnh đó là những nguy cơ đối với an ninh quốc gia xung quanh việc một số quốc gia triển khai chủ quyền dữ liệu(19) tại một số nơi trên thế giới, cũng như năng lực, trình độ của các quốc gia trong việc bảo đảm an ninh mạng và không gian mạng còn có sự chênh lệch. Nỗ lực của các quốc gia trong việc ứng phó, phòng, chống các cuộc tấn công mạng luôn gặp khó khăn do nhiều yếu tố: hạn chế về năng lực, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; quá trình ban hành các văn bản pháp luật quy định về biện pháp, chế tài thường mất khá nhiều thời gian, vì thế, khi các văn bản, chế tài được ban hành đã trở nên lạc hậu so với những thủ đoạn mới của tin tặc; thiếu chặt chẽ trong sự điều phối giữa các cơ quan chức năng có liên quan.
Thứ hai, các giới hạn và biên giới trong chủ quyền không gian mạng, các quy định, luật lệ về chủ quyền không gian mạng mà các quốc gia trên thế giới đưa ra trong thời gian qua cần có thêm thời gian kiểm chứng. Hơn nữa, cách tiếp cận và cách thức hợp tác trong không gian mạng chưa có sự thống nhất chung. Hiện nay, nhiều nước kêu gọi sự gia nhập rộng rãi hơn vào cơ chế của Công ước Bu-đa-pét, tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về Công ước này. Một số nước bày tỏ quan ngại do không được tham gia quá trình đàm phán Công ước nên lợi ích của quốc gia họ không được phản ánh rõ ràng trong Công ước, vì thế cần phải xây dựng một công ước mới mang tính phổ quát hơn.
Thứ ba, việc diễn giải và áp dụng luật pháp quốc tế trong không gian mạng còn thiếu sự đồng thuận. Các tổ chức quốc tế, bao gồm Liên hợp quốc và NATO, đã thông qua những văn kiện khuyến nghị về những nguyên tắc của luật pháp quốc tế áp dụng trong không gian mạng(20). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những văn bản đó mới chỉ đưa ra được những nguyên tắc chung, việc áp dụng cụ thể các nguyên tắc đó còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Về kinh tế - xã hội:
Thứ nhất, nguy cơ về sự “vỡ vụn” của in-tơ-nét khi các quốc gia thiết lập chủ quyền trong không gian mạng. Vấn đề quản trị in-tơ-nét sẽ gặp không ít thách thức liên quan đến phát sinh tranh cãi về tầng nấc quản trị in-tơ-nét khi ngày càng có sự tham gia của nhiều chủ thể lợi ích.
Thứ hai, thách thức liên quan đến việc làm rõ những khác biệt trong áp dụng chủ quyền không gian mạng và vi phạm các quyền con người, trong đó có quyền riêng tư(21). Bởi thực tế hiện nay, có không ít quan ngại về phạm vi, giới hạn, thậm chí là vi phạm trong việc áp dụng, vận dụng vào thực tế các nội dung liên quan đến chủ quyền không gian mạng đối với quyền được thể hiện quan điểm trên in-tơ-nét của người dân.
Thứ ba, các thách thức về công nghệ, kết cấu hạ tầng số, như tính không tương thích(22), trong hợp tác về các tiêu chuẩn công nghệ, quy định, quản lý và hợp tác quốc tế xuyên biên giới cũng như sự tương tác và kết nối của in-tơ-nét toàn cầu; tranh cãi liên quan đến những thiệt hại có thể có về kinh tế khi thực hiện kiểm soát công nghệ, kỹ thuật, dữ liệu...; làm sao để có thể giảm sự phụ thuộc vào các phần mềm, thiết bị viễn thông bên ngoài.
Chủ quyền không gian mạng ở Việt Nam
Ở góc độ lý luận, từ năm 2014, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản đề cập đến vấn đề “bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia” trên cơ sở nội dung về các nguy cơ, biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, bảo vệ bí mật quốc gia trong không gian mạng, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị, “Về Chiến lược an ninh mạng quốc gia”... Có thể thấy, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đều thống nhất quan điểm chỉ đạo về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Ở góc độ thực tiễn chính sách, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Quốc phòng năm 2018 đã từng bước thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng. Trước đó, các cuộc thảo luận về xây dựng những văn bản nêu trên cũng đề cập nhiều nội dung đa chiều xung quanh chủ đề này. Năm 2018, lần đầu tiên khái niệm “chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” được đưa vào Luật Quốc phòng năm 2018 và được đề cập trong sửa đổi bài phát biểu của Đại tướng Ngô Xuân Lịch trước Quốc hội. Trong mục 7 phần giải thích từ ngữ, có nêu chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là tất cả các quyền của Nhà nước đối với không gian mạng theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Trên cơ sở lý luận, thực tiễn nêu trên, để góp phần triển khai thực hiện hiệu quả việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng của Việt Nam trong thời gian tới, có thể cân nhắc tập trung một số nội dung từ khía cạnh chính trị, đối ngoại như sau:
Ở cấp độ toàn cầu: 1- Chủ động tham gia vào các quá trình thảo luận về vấn đề không gian mạng và an ninh mạng, trong đó có nội dung chủ quyền không gian mạng, tại các diễn đàn đa phương quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc; 2- Chủ động tham gia trao đổi, thảo luận tại các diễn đàn ở kênh học giả quốc tế về vấn đề này, tranh thủ chia sẻ quan điểm của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng, qua đó góp phần đóng góp vào quá trình nghiên cứu, xây dựng, củng cố nội hàm về chủ quyền không gian mạng của Việt Nam; 3- Trước mắt, tham gia tích cực vào việc xây dựng văn bản quốc tế về chống các hoạt động tội phạm mạng đe dọa an ninh, chủ quyền quốc gia; triển khai có hiệu quả, thiết thực các nghị định thư, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm mạng mà Việt Nam là thành viên.
Ở cấp độ khu vực: 1- Từng bước lồng ghép ở mức độ phù hợp về vấn đề chủ quyền không gian mạng vào vấn đề an ninh mạng, không gian mạng của các cơ chế hợp tác khu vực, nhất là ASEAN, thông qua các hoạt động thực tế, như tăng cường hợp tác, diễn tập quốc tế về phòng, chống tấn công mạng, cũng như điều tra, truy tìm nguồn gốc tấn công mạng; 2- Tranh thủ nguồn lực từ các cơ chế hợp tác khu vực mà Việt Nam tham gia để thúc đẩy việc đào tạo, nâng cao trình độ đối với nguồn nhân lực liên quan đến hoạt động ngoại giao, đối ngoại quốc phòng về không gian mạng, an ninh mạng và kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng; 3- Chủ động tham gia thúc đẩy nội dung chủ quyền không gian mạng trong các mạng lưới nghiên cứu có uy tín của ASEAN.
Ở cấp độ quốc gia: 1- Xem xét việc khẳng định chủ quyền trên không gian mạng là bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia; việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; 2- Tăng cường hợp tác quốc tế, tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm với các nước về cách tiếp cận trong xây dựng và triển khai chủ quyền không gian mạng ở Việt Nam. Đơn cử như, có thể cân nhắc sớm ban hành văn bản của Nhà nước về quản lý dữ liệu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm và hệ thống quy định của quốc tế và các nước, trong đó có nội dung về chủ quyền dữ liệu phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và các thỏa thuận, nghĩa vụ quốc tế... mà Việt Nam tham gia ký kết, làm cơ sở cho việc phát triển, mở rộng nội hàm về chủ quyền không gian mạng; 3- Bên cạnh việc tập trung nguồn lực “sức mạnh cứng” trong không gian mạng, cân nhắc có những điều chỉnh ưu tiên đối với nguồn lực “sức mạnh mềm”, nhất là lĩnh vực đối ngoại, như từng bước xây dựng “đội ngũ cán bộ đối ngoại số”(23); thúc đẩy nghiên cứu tác động của việc thực hiện chủ quyền số trong không gian mạng đối với an ninh, phát triển và vị thế của Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, cũng như đề xuất các hướng giải quyết; nghiên cứu, xây dựng nội hàm về chủ quyền không gian mạng của Việt Nam(24), từ đó có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời trong xây dựng và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần vào công cuộc phát triển nhanh, bền vững của đất nước cũng như bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bao gồm chủ quyền không gian mạng, an ninh của quốc gia trong tình hình mới./.
---------------------
(1) P.W. Franzese: Sovereignty in Cyberspace: Can it exist?, Air Force Law, Rev. 64, 2009, tr. 1, 42
(2) E.T. Jensen: Cyber Sovereignty: The way Ahead. Tex, Int. J. Law 50, 2015, tr. 276 - 304
(3) Xem: Nguyễn Văn Tỵ: “Nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, http://www.tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nang-cao-y-thuc-lam-chu-va-bao-ve-khong-gian-mang-cua-can-bo-dang-vien-va-nhan-dan-121151
(4) P.W. Franzese: Sovereignty in Cyberspace: Can it exist?, Sđd, tr. 1 - 42; C. Lotrionte: State Sovereignty and Self-Defense in Cyberspace: A Normative Framework for Balancing Legal Rights. Emory Int. Law, Rev. 26, 2013, tr. 825 - 919
(5) Lu Wei: “Persisting in Respect for the Principle of Cyber Sovereignty, Promoting the Construction of a Community of Common Destiny in Cyberspace”, ngày 2-3-2016, https://chinacopyrightandmedia.wordpress.com/2016/03/02/persisting-in-respect-for-the-principle-of-cyber-sovereignty-promoting-the-construction-of-a-community-of-common-destiny-in-cyberspace/
(6) “Sovereignty in Cyberspace Theory and Practice (Version 2.0)”, ngày 25-11-2020, https://www.wicwuzhen.cn/web20/information/release/202011/t20201125_21724588.shtml
(7) L. Muller Milton: “Against Sovereignty in Cyberspace”, International Studies Review, 2020,
tr. 779 – 801
(8) Aditi Agrawal: “Germany, France push for digital sovereignty to mitigate American dominance”, ngày 17-10-2020, https://www.medianama.com/2020/10/223-germany-france-digital-sovereignty-russia-cyber-sovereignty/
(9) C. Matthew Snipp: “What does data sovereignty imply: what does it look like?”, https://pdfs.semanticscholar.org/9067/b03172b66ca8022f92f46499b1d489d2aedb.pdf?_ga=2.176266912.401758737.1586625925-718318332.1586625925
(10) UNGGE là nhóm chuyên gia chính phủ của Liên hợp quốc do Mỹ đề xuất thành lập với sự tham gia của 25 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, được bầu theo nguyên tắc luân phiên, tập trung thảo luận các vấn đề về không gian mạng và an ninh mạng
(11) Michael Schmitt: “The Sixth United Nations GGE and International Law in Cyberspace”, ngày 10-6-2021, https://www.justsecurity.org/76864/the-sixth-united-nations-gge-and-international-law-in-cyberspace/
(12) United Nations General Assembly: “Chair’s Summary, Open-ended Working Group on Developments in the Field of Information and Telecommunications in the Context of International Security”, đoạn 11, 20 và 21, ngày 10-3-2021, https://front.un-arm.org/wp-content/uploads/2021/03/Chairs-Summary-A-AC.290-2021-CRP.3-technical-reissue.pdf
(13) Bô-li-vi-a, Phần Lan, Pháp, Đức, Goa-tê-ma-la, Guy-a-na, I-ran, Hà Lan, Niu Di-lân, Hàn Quốc và Thụy Sĩ. Xem: “United Nations General Assembly: Chair’s Summary, Open-ended Working Group on Developments in the Field of Information and Telecommunications in the Context of International Security”
(14) Tambiama Madiega: “Digital sovereignty for Europe”, European Parliamentary Research Service, PE PE 651.992 - July 2020
(15) Nguyễn Việt Lâm (chủ biên): Chính sách an ninh mạng trong quan hệ quốc tế hiện nay và đối sách của Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 190 – 194
(16) Phát biểu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thế giới về in-tơ-nét năm 2015, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjdt_665385/zyjh_665391/t1327570.shtml
(17) Xem: The Ministry of Foreign Affairs of the Russian Federation: “Doctrine of Information Security of the Russian Federation”, ngày 5-12-2016, https://www.mid.ru/en/foreign_policy/official_documents/-/asset_publisher/CptICkB6BZ29/content/id/2563163
(18) Các “botnet” độc hại về cơ bản được tạo thành từ một nhóm những máy bị nhiễm vi-rút, phát triển hoặc lây lan thông qua các lượt tải dữ liệu hoặc một loại phần mềm ác tính (trojan). Máy tính, điện thoại hay máy tính bảng đều dễ dàng bị tấn công bởi các “botnet”
(19) “INDIA’s comments on the Initial Pre-Draft of the report of the OEWG on developments in the field of information and telecommunications in the context of international security”, https://ccgdelhi.org/wp-content/uploads/2020/09/india-comments-on-oewg-2020-chair-pre-draft-final.pdf
(20) như Nghị quyết số 56/121 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đấu tranh chống hành vi sử dụng trái phép công nghệ thông tin; Nghị quyết số 58/199 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc xây dựng văn hóa toàn cầu về an ninh mạng và bảo vệ kết cấu hạ tầng dữ liệu thiết yếu; các Báo cáo số A/65/201 và A/68/98 của UNGGE trong bối cảnh an ninh thông tin...
(21) Các công ty công nghệ lớn của thế giới đang thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân và mô hình kinh tế được sử dụng bởi Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft - đôi khi được gọi là “GAFAM” - phần lớn dựa trên việc thu thập và khai thác dữ liệu của người dùng trực tuyến để tạo ra quảng cáo. Vụ bê bối thu thập dữ liệu người dùng Facebook từ Công ty tư nhân chuyên khai phá, phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (Anh) đã minh chứng cách các nền tảng trực tuyến cũng có thể trích xuất dữ liệu cá nhân vì các mục đích chính trị. Những xu hướng này được cho là sẽ dẫn đến việc công dân châu Âu dần mất kiểm soát đối với thông tin cá nhân và quyền riêng tư của họ
(22) Sự không tương thích liên quan đến các quy định trong Luật chủ quyền in-tơ-nét của Nga có thể làm suy yếu các mối quan hệ và sự phát triển kinh tế, chính trị - xã hội của Nga đối với Mỹ, Anh và EU, đẩy các công ty công nghệ cao của phương Tây ra xa. Xem: “Russian Cyber Sovereignty: One Step Ahead”, https://russiancouncil.ru/en/analytics-and-comments/analytics/russian-cyber-sovereignty-one-step-ahead/
(23) Bao gồm con người là chủ thể chính và các trợ lý số vận hành trên công nghệ AI
(24) Nội hàm về chủ quyền không gian mạng có thể bao gồm các nội dung chính, như: phạm vi mở rộng chủ quyền quốc gia trong không gian mạng, quyền độc lập trong việc lựa chọn con đường phát triển trong không gian mạng, phòng thủ không gian mạng và quyền bình đẳng trong tham gia quản trị toàn cầu không gian mạng, các nguyên tắc liên quan trong Hiến chương Liên hợp quốc áp dụng trong không gian mạng...
Bảo vệ an ninh Thủ đô trên không gian mạng trong bối cảnh mới hiện nay  (22/07/2021)
Quản trị an ninh các phương tiện truyền thông xã hội vì sự phát triển bền vững đất nước  (15/04/2021)
Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội  (15/10/2020)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay