Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tại Mỹ La-tinh: Những thách thức đối với chính quyền mới của Mỹ

TS. LÊ VIẾT DUYÊN - ĐỖ THU HIỀN
Đại sứ Việt Nam tại Vê-nê-xu-ê-la - Đại sứ quán Việt Nam tại Vê-nê-xu-ê-la
00:00, ngày 05-05-2021

TCCS - Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố ngày 3-3-2021(1) cho thấy, Mỹ mong muốn tiếp tục lãnh đạo hệ thống quốc tế và có các biện pháp ngăn cản các đối thủ của Mỹ thống trị các khu vực chủ đạo trên thế giới. Bên cạnh sự cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương, cuộc chiến thương mại, cạnh tranh lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc tại Mỹ La-tinh - khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ - cũng đang khiến chính quyền mới của Mỹ đặc biệt quan tâm.

Vai trò ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh

Về kinh tế, là một phần của chiến lược mở rộng hội nhập kinh tế và chính trị quốc tế, Trung Quốc bắt đầu nhắm đến khu vực Mỹ La-tinh từ những năm 2000 để thúc đẩy mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Từ chỗ gần như không có sự hiện diện đáng kể trong khu vực, Trung Quốc đã trở thành một đối tác lớn về thương mại và đầu tư của các nước Mỹ La-tinh. Thương mại tự do và sự đổ vỡ kinh tế theo mô hình chủ nghĩa tự do mới đã tạo ra cơ hội lớn đối với Trung Quốc trong việc mở rộng và củng cố chỗ đứng trong khu vực. Chính sách kinh tế cùng có lợi của Trung Quốc mang lại cho các nước trong khu vực cơ hội tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu. Khu vực Mỹ La-tinh trở thành một cấu phần quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Đến nay, quan hệ của Trung Quốc với các nước Mỹ La-tinh đã phát triển tới giai đoạn đa dạng và chặt chẽ hơn với sự thúc đẩy từ cả hai phía. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Mỹ La-tinh đã tạo ra nhiều thay đổi trong khu vực, nơi Mỹ và châu Âu từng giữ vai trò thống trị trong nhiều thập niên.

Kể từ khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới đối tác toàn cầu, trong đó có khu vực Mỹ La-tinh. Mục tiêu lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong khu vực lúc đó là bảo đảm nguồn cung khổng lồ đối với những lĩnh vực chiến lược, như năng lượng, nguyên liệu và lương thực với chi phí thấp để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước này. Trung Quốc cũng hướng tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu do dư thừa năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng cường cạnh tranh với Mỹ tại khu vực Tây Bán cầu nhằm tạo thế cạnh tranh chiến lược ngay tại khu vực “sân sau” của Mỹ, tạo đối trọng với việc Mỹ gia tăng ảnh hưởng và đẩy mạnh sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Sự can dự của Trung Quốc vào khu vực Mỹ La-tinh còn nhằm đáp ứng mục tiêu vươn lên đứng đầu chuỗi lương thực toàn cầu, bên cạnh việc phổ biến mô hình phát triển của mình trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm và hội đàm với Tổng thống Panama Juan Carlos Varela (phải) tại Panama City, ngày 3-12-2018_Ảnh: THX/ TTXVN

Để thúc đẩy những lợi ích chiến lược này, cùng với một loạt chuyến thăm cấp cao tới Mỹ La-tinh và sự phát triển mạnh mẽ về thương mại, tài chính và đầu tư, Trung Quốc triển khai chiến lược tổng thể trong quan hệ với Mỹ La-tinh từ năm 2008, được nâng cấp năm 2016, với phương châm “cùng tồn tại hòa bình”, “tôn trọng lẫn nhau”, “đoàn kết Nam - Nam” và “bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Chiến lược này của Trung Quốc hứa hẹn mối quan hệ “toàn diện và hợp tác bình đẳng”. Công thức “1 + 3 + 6” nhằm xây dựng các mối quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính chặt chẽ hơn nhấn mạnh đến các ưu tiên trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và công nghệ thông tin(2).

Chiến lược của Trung Quốc đề cao cơ hội hợp tác kinh tế “đôi bên cùng có lợi”, tạo cho Mỹ La-tinh một kênh quan trọng để mở rộng khả năng tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng kết cấu hạ tầng và các hệ thống năng lượng mới. Do muốn thoát khỏi những khó khăn kinh tế, chính phủ các nước trong khu vực ngày càng linh hoạt hơn trong hợp tác với Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc được triển khai cả song phương cũng như thông qua các tổ chức khu vực, như Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (CELAC) với nhiều sáng kiến, diễn đàn trao đổi về khoa học - công nghệ, nông nghiệp, quan hệ giữa các đảng phái, các tổ chức tư vấn và chuyên gia pháp lý... Kết quả là, nếu như năm 2000, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê mới chỉ là 12 tỷ USD thì kể từ năm 2018 (không tính Mê-hi-cô), trao đổi thương mại của Trung Quốc với khu vực đã vượt Mỹ, đạt gần 315 tỷ USD năm 2019(3) (so với Mỹ là 198 tỷ USD(4)). Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số 1 của Bra-xin, Chi-lê, Pê-ru, U-ru-goay và nhiều nước khác, vượt xa Mỹ về trao đổi thương mại với Ác-hen-ti-na. 

Thông qua thương mại và tài chính, ngoại giao kinh tế của Trung Quốc cũng mở ra nhiều cơ hội trong quan hệ giữa hai bên. Gần đây, các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Mỹ La-tinh đã phát triển theo hướng áp dụng nhiều biện pháp kết hợp các mối quan hệ, như sử dụng các chính sách thương mại, đầu tư, tín dụng kết hợp với các yêu cầu về chính trị, quyền sở hữu hoặc khai thác tại Mỹ La-tinh. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn của nhiều nước Mỹ La-tinh. Nếu như từ năm 2005, Trung Quốc cho các nước Mỹ La-tinh vay trên 140 tỷ USD(5) thì trong năm 2015, các khoản vay song phương từ các ngân hàng Trung Quốc đã vượt quá tổng số các cam kết cho vay của cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) cho khu vực. Hàng tỷ USD của Trung Quốc là nguồn vốn quan trọng cho các quốc gia đang có những khoản nợ khổng lồ và xu hướng này càng tăng thêm do tác động của đại dịch COVID-19. 

Mặc dù đã được đa dạng hóa, nhưng cốt lõi của mối quan hệ vẫn tiếp tục theo mô hình truyền thống của hầu hết các nước Mỹ La-tinh trong nhiều thập niên, đó là: Mỹ La-tinh bán nguyên liệu thô, như dầu mỏ, khoáng sản và thực phẩm sang Trung Quốc, trong khi Trung Quốc bán hàng hóa thành phẩm và các dịch vụ như kỹ thuật và công nghệ thông tin sang các nước Mỹ La-tinh. Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh trong các lĩnh vực dịch vụ, tín dụng và các ngành chiến lược, đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD chỉ trong năm 2019. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chuyển hướng từ việc chỉ đầu tư vào lĩnh vực khai thác sang các lĩnh vực khác, như cung cấp dịch vụ và xây dựng kết cấu hạ tầng, cũng như các dự án điện, in-tơ-nét, đường sắt và xây dựng cảng nhằm khắc phục thách thức về khoảng cách và hậu cần. Công ty vận tải hàng hải Trung Quốc đã đầu tư 2,3 tỷ USD xây dựng cảng vận chuyển tại Pê-ru; 3,9 tỷ USD xây dựng một đường cao tốc lớn và hiện đại hóa các tuyến đường sắt ở Ác-hen-ti-na. Trung Quốc cũng có một thỏa thuận trị giá 3,45 tỷ USD của Công ty Truyền tải điện Trung Quốc để mua cổ phần của công ty năng lượng lớn thứ ba của Bra-xin(6). Ngược lại, ngày càng nhiều quốc gia Mỹ La-tinh tham gia BRI của Trung Quốc, như Ê-cu-a-đo, Bô-li-vi-a, Bra-xin, Chi-lê, Pê-ru...

Khi mở rộng và chuyển hướng hoạt động kinh tế trong khu vực, Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm các đối tác mong muốn đa dạng hóa thương mại và thoát khỏi sự phụ thuộc tài chính vào Mỹ. Đó là các nước Mỹ La-tinh không đáp ứng được những điều kiện khó khăn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các ngân hàng đa phương, các tổ chức kinh tế và thương mại quốc tế do Mỹ đứng đầu. Trong bối cảnh đó, các quốc gia trong khu vực sẵn sàng quay sang tìm nguồn vốn từ Trung Quốc, thậm chí cả khi các điều khoản cho vay chặt chẽ hơn, nhất là đối với các quốc gia đang chìm trong các khoản nợ khi các khoản vay được trả bằng nguyên liệu thô như dầu mỏ.

Không chỉ có vậy, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc đã mang lại những tác động tích cực cho khu vực, như sự bùng nổ xuất khẩu  quặng sắt từ Bra-xin, đậu tương từ Ác-hen-ti-na, khoáng sản từ Chi-lê và những cây cầu, đường hầm và sân vận động mới từ Đô-mi-ni-ca cho đến Bô-li-vi-a. Trong nhiệm kỳ bốn năm qua của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, khu vực lại chứng kiến một nước Mỹ đề cao chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và chống người nhập cư. Trong những tháng đầu tiên cầm quyền, ngày 3-3-2021, Tổng thống G. Bai-đơn cũng đã ký gia hạn thêm một năm sắc lệnh tiếp tục coi Vê-nê-xu-ê-la là mối đe dọa bất thường và đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong bối cảnh đó, nhiều nước Mỹ La-tinh cho rằng, Trung Quốc quan tâm đến Mỹ La-tinh nhiều hơn so với Mỹ và nhìn nhận Trung Quốc như một đối tác tin cậy lâu dài.

Về chính trị, ưu thế trong hợp tác phát triển kinh tế đã củng cố vai trò chính trị của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh. Mặc dù các chiến dịch tranh cử tại Bra-xin, En Xan-va-đo và Ác-hen-ti-na đều sử dụng chủ nghĩa dân túy, cùng những cam kết về cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, song khi cầm quyền trên thực tế, do áp lực tăng trưởng kinh tế và nhu cầu xuất khẩu, chính phủ các nước này đều tìm cách tiếp cận phù hợp hơn với Trung Quốc. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng khiến hầu hết các chính phủ trong khu vực nhận thấy họ có nguy cơ đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia Mỹ La-tinh đã nhận được sự hỗ trợ y tế kịp thời từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng gắn kết chặt chẽ với khu vực thông qua việc đẩy mạnh quan hệ với các đảng cánh tả Mỹ La-tinh, hỗ trợ các nước đối tác cùng chia sẻ ý thức hệ, như Vê-nê-xu-ê-la, Cu-ba, Ni-ca-ra-goa... Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện BRI để phát huy ảnh hưởng trên thế giới, triển vọng kênh đào tại Ni-ca-ra-goa sẽ là một phần quan trọng trong cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Tây Bán cầu. Đây cũng là biểu hiện của sự mâu thuẫn về mô hình phát triển khi Mỹ cho rằng, vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ La-tinh không những thách thức về lợi ích và vị thế của Mỹ ở khu vực, mà còn đe dọa đến tính chính danh của các giá trị do Mỹ tạo dựng.

Thách thức và đối sách của Mỹ

Trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Mỹ La-tinh ngày càng tăng, vai trò của Mỹ với tư cách là cường quốc hàng đầu trong khu vực đang đứng trước nhiều thách thức. Quan hệ của Mỹ với Mỹ La-tinh bị suy giảm đáng kể. Mỹ đã phát động một chiến dịch cạnh tranh với Trung Quốc ở các khu vực khác nhau trên thế giới, nhất là ở Tây Bán cầu. Tổng thống Đ. Trăm liên tục đòi hỏi các nước Mỹ La-tinh không hợp tác với Trung Quốc nhưng yêu cầu này không được hưởng ứng. Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm bị một số quốc gia trong khu vực coi là không làm gì nhiều ngoài việc chỉ trích các đối tác Mỹ La-tinh xích lại quá gần Trung Quốc với các mối quan hệ tài chính hoặc công nghệ giá rẻ trong cuộc đua giành vị trí thống trị công nghệ 5G. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ M. Pôm-peo trong tháng 9-2020 đến Xu-ri-nam, Guy-a-na, Bra-xin và Cô-lôm-bi-a tập trung nhiều vào việc đưa ra các lựa chọn thay thế Trung Quốc để phát triển kinh tế trong khu vực. Trong khi đó, ngay sau chuyến thăm này của Mỹ, ngày 19-9-2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với người đồng cấp Bra-xin E. A-rô-giô và cho biết, Trung Quốc sẵn sàng mở rộng đầu tư vào năng lượng, kết cấu hạ tầng và công nghệ của Bra-xin, bao gồm cả công nghệ 5G. Trong một động thái khác, một tuần trước chuyến thăm của ông M. Pôm-peo đến khu vực, Trung Quốc đã chuyển chuyến hàng viện trợ thứ bảy tới Vê-nê-xu-ê-la với tổng cộng trên 700 tấn thuốc và thiết bị, vật tư y tế để hỗ trợ phòng, chống đại dịch COVID-19.

Trong nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Đ.  Trăm, ông Đ. Trăm đã đảo ngược một loạt chính sách đối với khu vực vốn được thiết lập trước đây, từ vấn đề thương mại, di cư đến biến đổi khí hậu và viện trợ phát triển. Chính quyền Mỹ lúc đó còn tái sử dụng, thậm chí mở rộng các chiến thuật và biện pháp trừng phạt cứng rắn chống các nước theo đường lối cánh tả, như Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a và Cu-ba, làm sống lại chủ nghĩa can thiệp theo Học thuyết Môn-rô từ hai thế kỷ trước. Hệ quả là Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ các chính sách cực đoan này. Đối mặt với sự quyết đoán trong ngoại giao quyền lực mềm và sức mạnh thương mại của Trung Quốc, những chính sách cứng rắn này của Mỹ càng có lợi cho Trung Quốc và gia tăng quan điểm chống Mỹ trong khu vực. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” và việc phê phán các hiệp định đa phương cũng tác động tiêu cực đến ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, đồng thời tạo ra khoảng trống mà Trung Quốc được cho là đã lấp đầy và càng khiến Trung Quốc trở thành một đối tác quan trọng hơn so với Mỹ. Việc Trung Quốc nhanh chóng cung cấp vật tư y tế, vắc-xin phòng, chống đại dịch COVID-19 cho các nước Mỹ La-tinh đã gia tăng phạm vi ảnh hưởng địa - chính trị và địa - chiến lược của Trung Quốc, làm giảm vai trò, uy tín của Mỹ. Có thể nói, dưới thời kỳ của Tổng thống Đ. Trăm, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về quyền lực và ảnh hưởng với hầu hết các nước Mỹ La-tinh. Trung Quốc đã củng cố được ảnh hưởng với vùng đất rộng lớn giàu tài nguyên này, đặt nhiệm kỳ của Tổng thống G. Bai-đơn trước nhiều thách thức.

Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, ông G. Bai-đơn cho rằng, sự vắng mặt của Mỹ tại Mỹ La-tinh là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Trong thời kỳ của chính quyền Tổng thống B.  Ô-ba-ma, ông G. Bai-đơn từng hiểu rõ việc thiết lập quan hệ bền chặt với Mỹ La-tinh sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ. Trong các cuộc vận động tranh cử, ông G. Bai-đơn tuyên bố, “sự lơ là của Tổng thống Đ.  Trăm ở Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê sẽ kết thúc” dưới thời chính quyền của ông. Trong thời gian tới, chính quyền của Tổng thống G. Bai-đơn có thể dành nhiều ưu tiên hơn cho Mỹ La-tinh kể cả trong bối cảnh phải khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 và định hình lại quan hệ ở các khu vực châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, thực hiện cam kết này không hề dễ dàng.

Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, Tổng thống Mỹ Joseph Biden cho rằng, sự vắng mặt của Mỹ tại Mỹ La-tinh là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ (Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Joseph Biden với Tổng thống Mexico  Andres Manuel Lopez Obrador tại cuộc gặp ở Mexico City)_Ảnh: REUTERS

Cuộc cạnh tranh nước lớn trên toàn cầu đã chạm ngưỡng và Mỹ đứng trước một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc hoặc phải có các chính sách mới để ràng buộc các quốc gia quan trọng nhất của khu vực với mô hình phát triển của mình, hoặc phải chấp nhận vai trò mới của Trung Quốc như một đối tác kinh tế quan trọng của các quốc gia Mỹ La-tinh và tìm kiếm các chính sách mới để giành lại ảnh hưởng. Trong khi đó, ở tầm khu vực, gần như không có sự phối hợp đáp ứng với các chính sách ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Trong thập niên qua, Mỹ La-tinh đã có sự phân tách giữa các nước theo các đường lối chính trị khác nhau mà không có một quốc gia nào đủ sức lãnh đạo khu vực để thống nhất lập trường. Bra-xin và Vê-nê-xu-ê-la từng đề cao vai trò này thông qua Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và Liên minh Bô-li-va cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA). Tuy nhiên, cả hai nước này đều không thành công trong việc tập hợp lực lượng hoặc đoàn kết nội khối. Liên minh Thái Bình Dương bao gồm bốn nước Mỹ La-tinh (Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Mê-hi-cô và Pê-ru) cam kết hội nhập dựa trên sự hợp tác cởi mở hơn và các quy tắc minh bạch cũng đưa ra một số lời hứa hạn chế trong việc đối trọng với mô hình kinh tế nhà nước của Trung Quốc nhưng không có ảnh hưởng gì đáng kể.

Tuy nhiên, các mối quan hệ mật thiết về địa lý tự nhiên, an ninh, văn hóa, giáo dục và lịch sử với các nước Mỹ La-tinh sẽ mang lại cho Mỹ lợi thế rõ rệt so với Trung Quốc(7). Mỹ có nhiều cơ hội khôi phục ảnh hưởng tại Mỹ La-tinh nếu có các chiến lược tổng thể phù hợp, cung cấp các lựa chọn thay thế tích cực cho mô hình kinh tế, chính trị lấy Trung Quốc làm trung tâm và không ép buộc các chính phủ Mỹ La-tinh phải “chọn phe” giữa Mỹ và Trung Quốc - một biện pháp vốn có thể khiến Mỹ thất bại ở một số nước quan trọng trong khu vực. Mặc dù vậy, Mỹ cũng sẽ phải mất nhiều năm đầu tư một cách bền vững, phối hợp nhiều chính sách cùng với các hoạt động ngoại giao khéo léo tùy thuộc vào từng quốc gia cụ thể để thay đổi quan hệ theo chiều hướng có lợi hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết sách về kinh tế và tâm lý của các nước trong khu vực. Trong tình hình kinh tế suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự hỗ trợ nhanh chóng sẽ giúp mang lại nhiều lợi thế cho Mỹ.

Để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, chính quyền mới của Tổng thống G. Bai-đân có khả năng sẽ khôi phục những chính sách có ảnh hưởng lớn nhất đến khu vực từ thời kỳ của Tổng thống B. Ô-ba-ma, như có biện pháp mềm mỏng hơn đối với người nhập cư và tị nạn, hỗ trợ năng lượng sạch, cải cách tư pháp, đối phó với những thách thức dịch bệnh trong khu vực. Nhiều khả năng ông G. Bai-đân sẽ tiếp tục cảnh báo các nước Mỹ La-tinh không nên xích lại gần Trung Quốc, nhưng sẽ đưa ra nhiều ưu đãi tài chính hơn và khôi phục viện trợ nhân đạo để “lấy lòng” các nước Mỹ La-tinh. Bên cạnh đó, chính quyền mới của Mỹ cũng sẽ tăng cường các biện pháp thương mại để giảm sự phụ thuộc của khu vực với thị trường hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Trong thời gian tranh cử, ông G. Bai-đơn cũng đã kêu gọi khôi phục các chính sách can dự mang tính xây dựng của Tổng thống B. Ô-ba-ma đối với Cu-ba và chấm dứt việc cố gắng thay đổi chế độ tại Vê-nê-xu-ê-la.

Ngoài ra, chính quyền mới của Mỹ cũng sẽ thúc đẩy việc cải thiện các chính sách kinh tế và thương mại, kết hợp với tăng cường quan hệ chính trị và ngoại giao, thúc đẩy phục hồi các mối quan hệ đối tác và đầu tư chiến lược trong khu vực “sân sau” của mình. Mặc dù chính quyền của Tổng thống G. Bai-đơn cũng quan tâm đến khía cạnh dân chủ và nhân quyền -  những vấn đề có thể gây căng thẳng trong quan hệ với Mỹ La-tinh - song với mong muốn tăng cường vị thế và ảnh hưởng tại Mỹ La-tinh cũng như nỗ lực nhằm cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ sẽ có xu hướng giảm nhẹ vấn đề nhân quyền trong quan hệ với khu vực và hy vọng quan hệ của Mỹ với khu vực, nhất là với Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba, sẽ được cải thiện hơn.

Mỹ coi việc Trung Quốc đang gặp khó khăn từ cuộc chiến thương mại và cạnh tranh chiến lược nước lớn trên toàn cầu hiện nay là cơ hội để Mỹ thách thức vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, kể cả cách tiếp cận thực dụng hơn của Tổng thống G. Bai-đơn cũng cho thấy, ngay cả các chính phủ thân Mỹ trong khu vực cũng đã trở nên phụ thuộc Trung Quốc hơn trong các hoạt động thương mại và đầu tư quan trọng. Mặc dù Mỹ có thể huy động sự hỗ trợ của khu vực tư nhân song cũng không thể theo kịp sự hợp tác và hỗ trợ của Trung Quốc đối với các nền kinh tế khu vực, nhất là sau ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Về phần mình, các nước Mỹ La-tinh cũng mong muốn không phải lựa chọn giữa hợp tác với Mỹ hay Trung Quốc, mà là hợp tác với tất cả các cường quốc có mặt trong khu vực. Trong nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19, các cường quốc sẽ tham gia vào một số hình thái cạnh tranh về đầu tư(8). Khu vực sẽ cần nhấn mạnh những lợi thế so sánh về kinh tế phù hợp nhất với từng quốc gia và cần tương tác với tất cả các nước lớn hiện diện trong khu vực. Ngay cả khi đang chịu sức ép lớn từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, Vê-nê-xu-ê-la cũng tuyên bố mong muốn cải thiện quan hệ với chính quyền mới của Mỹ để mang lại lợi ích không chỉ đối với người dân Vê-nê-xu-ê-la mà còn cả các công ty dầu mỏ và doanh nghiệp Mỹ, vốn đã thiệt hại hàng tỷ USD từ các lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Đ. Trăm.

Có thể thấy, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc vừa là trục chính chi phối chính trị quốc tế, vừa luôn vận động, biến đổi. Sự cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tại Mỹ La-tinh còn là vấn đề lâu dài, nhưng thực tế là cả hai đều không muốn đối đầu, cũng như mong muốn hợp tác trong những vấn đề có lợi ích đan xen. Kết quả là sự thỏa hiệp lợi ích có thể chấp nhận được của mỗi bên. Cuộc cạnh tranh này được dự báo sẽ làm biến đổi các mối quan hệ toàn cầu nói chung và tại Mỹ La-tinh nói riêng trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới./.

----------------------

(1) Joseph R. Biden: “Interim national security strategic guidance”, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf
(2) Trong đó: “1” là kế hoạch hợp tác Trung Quốc  - Mỹ La-tinh 2015 - 2019 với hướng dẫn cho các dự án hợp tác cụ thể; “3” xác định động lực hợp tác, bao gồm thương mại, đầu tư và tài chính; “6” là các ưu tiên hợp tác gồm: năng lượng và tài nguyên, xây dựng kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, chế tạo, khoa học và đổi mới sáng tạo, và công nghệ thông tin, http://www.xinhuanet.com/english/2018-01/23/c_136918217.htm
(3) Mark P. Sullivan, Thomas Lum: “China’s Engagement with Latin America and the Caribbean”, Congressional Research Service, https://fas.org/sgp/crs/row/IF10982.pdf
(4) Theo Comtrade, Liên hợp quốc
(5) The Dialogue: “China - Latin America Finance Database 2019”, Boston University Global Development Policy Center, https://www.thedialogue.org/map_list/
(6) The Heritage Foundation: “China Global Investment Tracker”, https://www.aei.org/china-global-investment-tracker/
(7) “2020 Candidates Answer 10 Questions on Latin America”, Americas Quarterly, https:// www.americasquarterly.org/article/updated-2020-candidates-answer-10-questions-on-latin-america/
(8) Sputnik: “Analista: Latinoamerica necesita encontrar un equilibrio entre cooperación con EEUU, China y Rusia”, https://mundo.sputniknews.com/america-latina/202011181093538180-analista-latinoamerica-necesita-encontrar-un-equilibrio-entre-cooperacion-con-eeuu-china-y-rusia/