Chính sách Trung Đông của Nga: Sự trở lại của một cường quốc có trách nhiệm

PGS, TS. Hà Mỹ Hương - PGS, TS. Đoàn Văn Khái*
* Trường Đại học Ngoại thương
00:27, ngày 12-05-2020

TCCS - Do giữ vị thế địa - chiến lược quan trọng nên khu vực Trung Đông luôn thu hút sự quan tâm của Liên Xô trước đây cũng như của nước Nga hiện nay. Từ đầu thế kỷ XXI, chính sách của Nga đối với khu vực Trung Đông được thể hiện trong những văn bản đối ngoại quan trọng nhất, như Học thuyết chính sách đối ngoại. Thực tế trong những năm gần đây, chính sách Trung Đông của Nga đã đạt được những thành công, giúp gia tăng vai trò, vị thế của Nga tại khu vực địa - chính trị xung yếu này.

Quốc kỳ Nga và Syria tung bay trong buổi diễu hành của người dân tại thành phố Homs (Syria), ngày 21-5-2015_Ảnh: Reuters

Trung Đông trong chính sách đối ngoại của Nga

Trong hệ thống thế giới đối đầu hai cực trước đây, Trung Đông là khu vực quan trọng, được coi là “mạng sườn” trong chiến lược toàn cầu của Liên Xô. Ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông khá nổi bật trên hầu như tất cả các lĩnh vực. Một số nước Trung Đông chịu ảnh hưởng của Liên Xô, nên lựa chọn thể chế chính trị theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Ở khu vực này có một số đảng hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó những đảng có ảnh hưởng mạnh nhất và rộng rãi nhất là Đảng Xã hội phục hưng A-rập (Ba’ath) và Đảng Công nhân Cuốc (PKK). Đảng Ba’ath được thành lập ở Xy-ri ngày 7-4-1947 với Cương lĩnh “Vì chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc A-rập”. Đảng Ba’ath sau đó đã nhanh chóng thành lập được các cơ sở ở các nước A-rập khác. Từ năm 1963, Đảng Ba’ath nắm quyền lãnh đạo Xy-ri cho đến nay. Đảng Ba’ath cũng nắm quyền lực ở I-rắc trong nhiều năm. Còn Đảng PKK được thành lập năm 1978, là một đảng cánh tả vũ trang, có căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ (và sau này cả ở Khu tự trị Cuốc-đi-xtan, I-rắc). Đảng PKK hoạt động tại 4 nước Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, I-rắc, Xy-ri (là những nước có người Cuốc sống tập trung), nên có thể nói, đây là tổ chức mạnh nhất của người Cuốc ở Trung Đông. Đảng Ba’ath, Đảng PKK, Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO), cũng như trào lưu chủ nghĩa xã hội ở Trung Đông nói chung đều có quan hệ mật thiết với Liên Xô, nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của Liên Xô.

Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, vị trí của Trung Đông trong chính sách đối ngoại của Nga vẫn còn mờ nhạt. Đến đầu thế kỷ XXI, dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Nga V. Pu-tin, chính sách đối với Trung Đông mới được khởi động trở lại thông qua các văn bản đối ngoại. Văn bản đối ngoại hoàn chỉnh đầu tiên của nước Nga là “Học thuyết chính sách đối ngoại của Nga” được Tổng thống V. Pu-tin phê chuẩn ngày 28-6-2000 (sau đây gọi tắt là Học thuyết năm 2000). Học thuyết năm 2000 gồm 5 mục lớn, đó là: 1- Các luận điểm chung; 2- Thế giới hiện nay và chính sách đối ngoại của Nga; 3- Những ưu tiên của Nga trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; 4- Những ưu tiên khu vực; 5- Việc hình thành và thực thi chính sách đối ngoại của Nga.

Trong văn bản này, lần đầu tiên chính sách của Nga đối với khu vực Trung Đông được nhắc tới. Cụ thể là trong Mục IV về những ưu tiên khu vực, Học thuyết năm 2000 xác định, “sử dụng quy chế là nước đồng bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông, Nga sẽ tích cực tham gia giải quyết khủng hoảng, sẽ cố gắng làm ổn định tình hình ở Trung Đông, kể cả vùng Vịnh”, “nhiệm vụ ưu tiên của Nga sẽ là khôi phục và củng cố vị thế của mình, đặc biệt là về kinh tế ở khu vực rất quan trọng đối với lợi ích của Nga”. Văn bản cũng nêu rõ, “Nga coi trọng việc tiếp tục phát triển các mối quan hệ với I-ran”(1). Có thể thấy, đây chỉ là chính sách khởi đầu cho sự trở lại Trung Đông của Nga, song với việc coi nhiệm vụ ưu tiên là khôi phục và củng cố vị thế của Nga ở Trung Đông, nhất là về kinh tế, Nga đã xác định rõ đường hướng đối ngoại của Nga ở khu vực này, với khá nhiều khác biệt so với thời kỳ Liên Xô. Đường hướng này nhìn chung được tuân thủ trong suốt hai nhiệm kỳ (2000 - 2008) của Tổng thống V. Pu-tin.

Đến thời Tổng thống Đ. Mét-vê-đép (2008 - 2012), chính sách Trung Đông của Nga về cơ bản kế thừa đường hướng được vạch ra năm 2000, song được cụ thể hóa hơn. Đặc biệt, nếu trong Học thuyết năm 2000, Trung Đông được coi là “khu vực rất quan trọng đối với lợi ích của Nga” thì trong văn bản đối ngoại được Tổng thống Đ. Mét-vê-đép ký phê chuẩn ngày 12-7-2008 mang tên Những định hướng cơ bản chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, Nga đã nhấn mạnh rằng, Trung Đông là “khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với lợi ích quốc gia Nga”(2). Trong văn bản này, ngoài việc nêu rõ những quan điểm mang tính nguyên tắc trong xử lý các vấn đề của Trung Đông, đã đề cập đến cách giải quyết xung đột giữa I-xra-en và các nước A-rập cũng như giải quyết tình hình chính trị tại I-rắc, chương trình hạt nhân của I-ran; việc tiếp tục phát triển các mối quan hệ không chỉ với I-ran mà còn với Thổ Nhĩ Kỳ, A-rập Xê-út, Xy-ri trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương; việc ưu tiên phát triển hợp tác kinh tế cùng có lợi, trong đó có lĩnh vực năng lượng với các quốc gia ở khu vực này...(3)

Năm 2012, Tổng thống Nga V. Pu-tin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba và ban hành một loạt sắc lệnh chiến lược, trong đó có Sắc lệnh số 605 “Về các biện pháp thực thi chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” _Ảnh: TASS

Năm 2012, ông V. Pu-tin tái đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ ba. Ngày 7-5-2012, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống V. Pu-tin đã ký ban hành một loạt sắc lệnh chiến lược, trong đó có Sắc lệnh số 605 “Về các biện pháp thực thi chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, Sắc lệnh đưa ra một loạt biện pháp xử lý các vấn đề toàn cầu cũng như đối với các khu vực, các tổ chức và các quốc gia có tầm quan trọng ở các tầm mức khác nhau đối với lợi ích quốc gia của Nga. Về những biện pháp liên quan đến giải quyết các cuộc xung đột, khủng hoảng tại Trung Đông, Sắc lệnh nhấn mạnh: “Tiếp tục đấu tranh để thực hiện chủ trương giải quyết các xung đột khu vực bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao trên cơ sở hành động tập thể của cộng đồng quốc tế thông qua việc thu hút tất cả các bên có liên quan vào các cuộc đàm phán”. Sắc lệnh nêu rõ cần phải “chấm dứt bạo lực xuất phát từ bất cứ bên nào, tiến hành đối thoại ở cấp độ quốc gia mà không cần điều kiện tiên quyết, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia”(4). Đặc biệt, lần đầu tiên Nga nêu quan điểm “ủng hộ việc thiết lập ở Trung Đông các khu vực không có vũ khí sát thương hàng loạt và phương tiện mang loại vũ khí đó”, nghĩa là không ủng hộ chương trình làm giàu u-ra-ni-um của I-ran. Nhưng Sắc lệnh nêu rõ, phải “nỗ lực giải quyết tình hình liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran bằng các phương tiện chính trị và ngoại giao, thông qua đối thoại, trên cơ sở từng bước và có thể chấp nhận đối với các bên”. Sắc lệnh cũng nêu rõ quan điểm “thúc đẩy quá trình dàn xếp toàn diện cho cuộc xung đột giữa các nước A-rập với I-xra-en trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được công nhận”(5).

Trong bối cảnh cuộc chiến tại I-rắc là nguyên nhân tạo nên cái gọi là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Xy-ri cũng như cuộc chiến ở Xy-ri bắt đầu từ năm 2011 kéo theo sự dính líu, can dự của các nước, trong đó có Nga và Mỹ, Nga công bố bản “Học thuyết chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” mới, được phê duyệt theo Sắc lệnh số 640 của Tổng thống Nga ngày 30-11-2016 (sau đây gọi tắt là Học thuyết năm 2016). Có thể nói, tính đến thời điểm này, đây là văn bản đối ngoại rõ ràng, cụ thể, hoàn chỉnh nhất của Nga. Vẫn với 5 mục lớn như trong Học thuyết năm 2000, nhưng Học thuyết năm 2016 trình bày chi tiết và rõ ràng các khía cạnh khác nhau của chính sách đối ngoại Nga trong tình hình mới. Cũng như trong Học thuyết năm 2000, Học thuyết năm 2016 nêu rõ cơ sở pháp lý của Học thuyết, đề ra các nguyên tắc cơ bản, các định hướng ưu tiên, các mục tiêu và nhiệm vụ trong chính sách đối ngoại, cũng như các cơ quan, các tổ chức có nghĩa vụ thực thi chính sách đối ngoại của Nga.

Liên quan đến chính sách Trung Đông, Học thuyết năm 2016 dành đến 5 mục (từ mục 92 tới mục 96) để trình bày quan điểm cũng như cụ thể hóa chính sách của Nga đối với khu vực này. Nếu các mục 92, 95 và 96 nêu rõ các quan điểm, chính sách của Nga trong giải quyết những vấn đề nổi cộm của Trung Đông, như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đề ra phương hướng tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các tổ chức và các quốc gia trong khu vực, thì mục 93 nêu rõ quan điểm “ủng hộ giải quyết bằng chính trị cuộc nội chiến ở Xy-ri, dựa trên kết quả các hội nghị quốc tế về Xy-ri và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. Mục 93 cũng nêu rõ: “Nga ủng hộ sự thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri như một quốc gia thế tục, dân chủ, đa nguyên, những người đại diện của tất cả các nhóm dân tộc và tôn giáo của quốc gia này sẽ sống trong hòa bình, an ninh, được hưởng các quyền và cơ hội bình đẳng”. Đối với I-ran, mục 94 tuyên bố “Nga theo đuổi đường lối phát triển hợp tác toàn diện với nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran, cũng như tìm kiếm giải pháp thực hiện nhất quán thỏa thuận toàn diện về giải quyết tình hình xung quanh chương trình hạt nhân của I-ran...”(6).

Qua những văn bản đối ngoại nêu trên, có thể thấy quan điểm, chính sách Trung Đông của Nga rõ ràng hơn, vừa thể hiện rõ vai trò của một cường quốc “có trách nhiệm” trong xử lý các vấn đề quốc tế, vừa tuân thủ tính thực dụng của chính sách đối ngoại Nga (được hiểu là coi trọng các lợi ích quốc gia). Cũng có thể thấy mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại mang tính nhất quán và xuyên suốt của nước Nga từ năm 2000 đến nay là duy trì, củng cố và phát triển lợi ích nhiều mặt (chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại và an ninh) của Nga tại Trung Đông. Để thực hiện được mục tiêu này, Nga chủ trương duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước, các lực lượng chính trị ở Trung Đông (ngoại trừ chủ nghĩa khủng bố), cho dù họ rất khác nhau trong đường hướng, chính sách đối ngoại. Quan điểm nhất quán của Nga khi giải quyết các vấn đề Trung Đông là phản đối sử dụng vũ lực, nhấn mạnh biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua đàm phán, đối thoại, có tính đến lợi ích hợp pháp của tất cả các bên, cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước tại Trung Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Nga X. La-vrốp trong một bài viết mới đây đã dẫn lời cố Bộ trưởng Ngoại giao rất nổi tiếng thời Liên Xô A. Grô-mư-cô: “Thà đàm phán 10 năm còn hơn tiến hành chiến tranh 1 ngày” để nhấn mạnh các giải pháp phi bạo lực khi giải quyết xung đột ở Trung Đông nói riêng, trên thế giới nói chung(7).

Những thành công trong chính sách đối với Trung Đông của Nga

Trên cơ sở chính sách được vạch ra trong các văn bản đối ngoại nêu trên, chính sách đối với Trung Đông được Nga triển khai tích cực, năng động, mà tâm điểm là tháng 9-2015, theo yêu cầu của Chính phủ Xy-ri, Nga đã can thiệp quân sự vào cuộc chiến ở Xy-ri. Xy-ri vốn là đồng minh thân cận của Liên Xô trước đây và quan hệ giữa Xy-ri và Nga tiếp tục được duy trì trong nhiều thập niên qua. Nga còn coi Xy-ri là “chìa khóa mở đường” để Nga mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. Chính vì vậy, khi cuộc chiến ở Xy-ri gây ra nhiều hậu quả tiêu cực không chỉ đối với người dân Xy-ri, mà còn đe dọa bùng phát bạo lực cũng như sự trỗi dậy của lực lượng khủng bố khắp khu vực Trung Đông, nhất là khi chính quyền của Tổng thống Ba-sa An Át-xát bị đẩy tới bờ vực của sự sụp đổ, Nga đã triển khai các hoạt động quân sự nói riêng, sự can dự nói chung tại đất nước này. Dựa trên Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Liên Xô - Xy-ri (ký năm 1980) mà Nga kế thừa, cũng như đề nghị chính thức của Chính phủ Xy-ri và với khẩu hiệu đập tan chủ nghĩa khủng bố, Nga đã lập Liên minh quốc tế chống khủng bố vào cuối tháng 9-2015, gồm các nước Nga, I-rắc, I-ran, Xy-ri và lực lượng Héc-bô-la (ở Li-băng). Liên minh này độc lập với Liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu cũng như Liên minh chống khủng bố do A-rập Xê-út lập ra trước đó. Kết quả là, Nga đã góp phần quan trọng trong việc làm tan rã IS, giúp chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát dần tái kiểm soát được phần lớn lãnh thổ quốc gia. Nga cũng là nhân tố chủ chốt xây dựng chương trình nghị sự nhằm tái lập sự ổn định chính trị cho Xy-ri thông qua sáng kiến cùng I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cho tiến trình hòa bình Xy-ri với hơn 10 vòng đàm phán đã diễn ra tại A-xta-na (Ca-dắc-xtan) và Xô-chi (Nga). Với sự bảo trợ của Nga, vị thế của Chính phủ của Tổng thống B. An Át-xát được cải thiện trong thế giới Hồi giáo, khi nhiều nước Hồi giáo Trung Đông - vừa là đồng minh của Mỹ, vừa là đối thủ của Xy-ri - quay lại thừa nhận Chính phủ Xy-ri, nhất là việc đại đa số các nước thành viên Liên đoàn A-rập đồng ý Xy-ri khôi phục tư cách thành viên của Liên đoàn. Mới đây, Nga cũng đã giúp đẩy lùi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào phía Bắc lãnh thổ Xy-ri thông qua Bị vong lục được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký ngày 22-10-2019, vừa chấm dứt cuộc tấn công, vừa giúp Chính phủ Xy-ri chiếm lại một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc đất nước từ tay các lực lượng đối lập.

Có thể nói, những thành công của Nga trong việc can dự vào cuộc chiến Xy-ri đã “mở đường” cho Nga tăng cường, cải thiện, nâng cao quan hệ với các nước Trung Đông, như Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, A-rập Xê-út, Ca-ta và cả I-xra-en. Trên thực tế, chính sách “làm bạn với tất cả” của Nga ở Trung Đông đã có từ lâu trước khi cuộc chiến ở Xy-ri diễn ra, song chính những hành động quân sự quyết đoán và hoạt động chính trị - ngoại giao tích cực của Nga ở Xy-ri đã khiến vai trò, vị thế của Nga được nâng cao trên trường quốc tế nói chung, ở Trung Đông nói riêng. Nga nổi lên với hình ảnh một cường quốc “có trách nhiệm”, một nhà trung gian hòa giải các xung đột và kiến tạo hòa bình. Và hơn hết, Nga xác lập chỗ đứng ở Trung Đông như là một trong những nhân tố chủ chốt, cho dù Mỹ đã và đang muốn đẩy Nga ra khỏi khu vực này. Ngoài ra, các quốc gia Trung Đông cũng nhận thấy có lợi ích khi tăng cường hợp tác với Nga. Điều đáng lưu ý là, các quốc gia Trung Đông thường có quan điểm và đường hướng chính sách đối ngoại rất khác nhau, thậm chí đối đầu nhau cả trong quan hệ song phương lẫn trong quan hệ với Mỹ. Nhưng chính sách ngoại giao linh hoạt và thực dụng của Nga đã làm cho những lợi ích dù khác biệt giữa các nước Trung Đông với nhau và giữa các nước Trung Đông với Nga vẫn được bảo tồn. Quan hệ I-ran - Nga - A-rập Xê-út là một ví dụ điển hình. I-ran và A-rập Xê-út, mỗi nước có đa số tín đồ đi theo hai dòng Hồi giáo xung khắc với nhau là Xăn-ni và Si-ai. I-ran là một trong số ít các quốc gia ở Trung Đông nằm dưới sự cầm quyền của những người theo đạo Hồi dòng Si-ai, còn A-rập Xê-út theo dòng Hồi giáo Xăn-ni. Về đối ngoại, nếu A-rập Xê-út giống như phần đông các nước A-rập khác là nước thân Mỹ và các nước tư bản phát triển phương Tây, thì I-ran kể từ sau Cách mạng Hồi giáo I-ran (năm 1979), với sự ra đời của nền chính trị thần quyền Si-ai, đã chủ trương xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây tại Trung Đông. Nhưng trong khi I-ran gần như là đồng minh của Nga, từ lâu đã có quan hệ hợp tác toàn diện với Nga cả song phương và trong các vấn đề khu vực, thì A-rập Xê-út cũng đã xúc tiến quan hệ nhiều mặt với Nga, và chuyến thăm chính thức vào giữa tháng 10-2019 của Tổng thống V. Pu-tin đến A-rập Xê-út và UAE là một minh chứng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 8-1-2020_Ảnh: AP

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, Nga - I-xra-en, hai nước đồng minh của Mỹ, cũng là một trong những ví dụ cho sự thành công của Nga trong chính sách “làm bạn với tất cả”. Nhìn chung các quốc gia Trung Đông, bất kể là thân Mỹ hay chống Mỹ, đều dành cho Nga sự tôn trọng và không bỏ qua quan hệ với Nga. Thành công gần đây là không một nước đồng minh truyền thống nào của Mỹ ở Trung Đông tham gia áp đặt và thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ chủ xướng đối với Nga. Nga cũng được mời tham gia nhiều dự án kinh tế lớn ở nhiều nước Trung Đông, như khai thác dầu, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng như thực hiện các hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD... Quan hệ khá suôn sẻ giữa Nga và nhiều nước Trung Đông đã làm gia tăng đáng kể các lợi ích kinh tế đối với Nga. Chẳng hạn, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ được cải thiện đã giúp Nga thực hiện nhiều dự án, hợp đồng kinh tế - thương mại, đầu tư, mua bán vũ khí. Trong chuyến công du ngày 15-10-2019 tới UAE của Tổng thống V. Pu-tin, hai nước đã ký các thỏa thuận thương mại trị giá 1,4 tỷ USD trên các lĩnh vực năng lượng, giao thông, văn hóa, công nghệ cao, y tế... Năm 2018, thương mại Nga - UAE cũng đạt tới 1,7 tỷ USD(8). Còn trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống V. Pu-tin tới A-rập Xê-út, các nhà lãnh đạo hai nước cũng bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến việc tìm giải pháp bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định ở Trung Đông. Hai nước cũng đã ký khoảng 20 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hàng không vũ trụ, xuất, nhập khẩu lương thực, nông sản, khoa học - kỹ thuật, y tế... A-rập Xê-út trước đó cũng đã chia sẻ lợi nhuận và quyền lực với Nga bằng cách chuyển Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thành OPEC+ để Nga trở thành thành viên.

Tuy nhiên, đối với một khu vực quá phức tạp như Trung Đông, những thành công của Nga tại đây là có hạn và chưa vững chắc. Hiện tại, mức độ ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này vẫn rất lớn. Cho dù “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” mới được Tổng thống Mỹ Đ. Trăm công bố (ngày 29-1-2020) còn gây nhiều tranh cãi, song chính sách đối với Trung Đông sẽ được Mỹ triển khai mạnh mẽ hơn, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Nga trong việc duy trì vị thế của mình. Xung đột leo thang giữa Mỹ và I-ran cũng đang thách thức vai trò “kiến tạo hòa bình” của Nga ở khu vực này. Hơn nữa, các mối quan hệ của Nga với các quốc gia Trung Đông chủ chốt, như Thổ Nhĩ Kỳ, A-rập Xê-út, UAE và ngay cả với I-ran cũng chưa có nền tảng vững chắc để vượt qua những khó khăn, trở ngại cũng như để tạo dựng những mối quan hệ hợp tác lâu dài. Nga có những chủ trương và chính sách về Trung Đông đúng đắn, mang tính tích cực, nhưng khách quan mà nói, trong tình hình hiện tại, Nga thiếu nguồn lực để hiện thực hóa những chủ trương này. Ngoài ra, Nga cũng đứng trước sức ép cạnh tranh từ các nước lớn khác, không chỉ Mỹ, mà cả các nước châu Á và châu Âu khác. Các chuyên gia quốc tế kỳ vọng rằng, Nga và các nước trong cộng đồng quốc tế sẽ tăng cường hợp tác hơn, còn các nước Trung Đông sẽ nhận thức sâu sắc hơn hệ quả của tình trạng xung đột, chiến tranh, chia rẽ, từ đó nỗ lực tìm giải pháp chính trị mang lại một môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển cho Trung Đông./.

------------------------------
(1) “Học thuyết chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”, Tạp chí Đời sống quốc tế, số 8 và số 9-2000, tr. 13 (bản tiếng Nga)
(2), (3)  Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam: Những định hướng cơ bản chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, tr. 12
(4), (5) Lê Thùy Dương: “Sắc lệnh về chính sách đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ mới của Tân Tổng thống V. Putin”, http://dulieu.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2012/16065/Sac-lenh-ve-Chinh-sach-doi-ngoai-cua-Nga-trong-nhiem-ky.aspx
(6) Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam: Khái niệm về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, tr. 15
(7) S.Lavrov: “Thế giới trước ngã ba đường và hệ thống quan hệ quốc tế tương lai”, Tạp chí Nước Nga trong chính sách toàn cầu, 20-9-2019, tài liệu của Đại sứ quán Nga tại Việt Nam
(8) UAE và Nga ký các thỏa thuận hợp tác trị giá 1,4 tỷ USD, http://dangcongsan.vn/preview/pid/0/newid/539542