Quy định pháp lý về bảo vệ tài sản trí tuệ công nghiệp ở Nhật Bản và một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Đinh Mạnh Tuấn(*), Nguyễn Thị Phương Dung(**)
(*) TS, (**) ThS, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
06:02, ngày 05-07-2019
TCCS - Nhật Bản được biết đến là một trong những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Cùng với đó, hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước này được đánh giá là hiệu quả cao và đáng tin cậy. So sánh các quy định pháp lý về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam giúp đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.

Khuôn khổ pháp lý và thể chế liên quan đến tài sản trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam

Theo Luật Cơ bản về sở hữu trí tuệ của Nhật Bản ban hành năm 2002, khái niệm “tài sản trí tuệ” (IP) là các sáng chế, thiết bị, giống cây trồng mới, thiết kế, công trình và tài sản khác được tạo ra từ hoạt động sáng tạo của con người. Nhãn hiệu, tên thương mại và các dấu hiệu khác dùng để chỉ hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động kinh doanh, các thông tin kỹ thuật, kinh doanh khác có ích cho hoạt động kinh doanh cũng được xếp vào tài sản trí tuệ. Theo đó, “quyền sở hữu trí tuệ” (IP right) là quyền bằng sáng chế, quyền mô hình tiện ích, quyền của nhà tạo giống, quyền thiết kế, bản quyền, quyền nhãn hiệu, quyền được quy định bởi luật pháp và các quy định sở hữu trí tuệ khác, hoặc quyền liên quan đến việc được bảo vệ quyền lợi(1).

Những luật đầu tiên liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản ra đời vào năm 1959, chú trọng đến những tài sản trí tuệ thuộc lĩnh vực công nghiệp, như nhãn mác, bằng sáng chế, thiết kế. Các bộ luật này lần lượt được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhằm hoàn thiện hơn về nội dung.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng lần lượt ban hành các luật về cạnh tranh (Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, Luật riêng về vi mạch), cùng nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung, văn bản hướng dẫn đi kèm với các luật khác để hoàn thiện khung khổ pháp lý và thể chế liên quan đến tài sản trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Tại Việt Nam, quyền về sở hữu trí tuệ được chú trọng trong bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946), khi Nhà nước ghi nhận những quyền cơ bản của công dân liên quan đến quyền tác giả, quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Đến năm 1995, Bộ luật Dân sự đầu tiên được ban hành, quy định rõ về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, đánh dấu một bước tiến quan trọng về hoạt động lập pháp trong lĩnh vực này.

Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam được ban hành năm 2005, đánh dấu mốc đưa hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên sôi động với tất cả các loại hình tài sản trí tuệ được bảo hộ, bao gồm: bản quyền tác giả và các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng mới. Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hội nhập quốc tế, khắc phục các hạn chế, bất cập, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức Việt Nam bình đẳng với công dân và pháp nhân của các quốc gia, thúc đẩy các hoạt động thực thi tại Việt Nam(2).

Nhìn chung, hệ thống pháp luật quốc gia của Việt Nam về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ được quy định tương đối đầy đủ trong các văn bản pháp luật hiện hành, như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghệ Thông tin... và các văn bản hướng dẫn các luật trên.

IPDay, một trong những sự kiện thu hút đông đảo giới trẻ, cổ vũ đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ_Nguồn: khoinghiep.org.vn

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam hiện nay cho thấy, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thường được biểu hiện dưới hai dạng phổ biến: Tranh chấp trong quá trình xác lập quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp (chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ); tranh chấp trong quá trình sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp trên thị trường bởi các bên thứ ba không có quyền và lợi ích hợp pháp (xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Điều này cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hơn nữa cơ chế bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp liên quan nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan.

Những điểm tương đồng và khác biệt

Trong các quy định về sở hữu trí tuệ của Nhật Bản, một điểm rất đáng chú ý là để tránh sự chồng chéo trong việc cấp bằng sáng chế cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ, nhiệm vụ này được giao cho Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO). Có thể nói, JPO là cơ quan cấp bằng sáng chế duy nhất tại Nhật Bản. Các bằng sáng chế được cấp bởi cơ quan khác sẽ không được coi là hợp lệ bảo đảm quyền sở hữu về mặt pháp lý cho người nhận.

Trong khi đó tại Việt Nam, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa và Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, cũng như về quyền sở hữu công nghiệp. Trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và bảo đảm các hoạt động sự nghiệp chuyên ngành về sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Văn hóa và Thông tin trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

Trong lĩnh vực cấp chứng nhận về sở hữu công nghiệp, mặc dù Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp nhưng lại không trực tiếp thẩm định tên thương mại, cấp chứng nhận tên thương mại, hoạt động này chủ yếu thuộc về sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh hoặc ủy ban nhân dân cấp huyện và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, do chưa có sự liên thông tra cứu đầy đủ khi xem xét công nhận tên riêng của tên thương mại của doanh nghiệp dẫn tới tình trạng tên riêng trong tên thương mại của doanh nghiệp đăng ký sau có thể trùng với tên riêng được sử dụng làm nhãn hiệu đang được bảo hộ của doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực và/hoặc khu vực kinh doanh. Một số trường hợp như vậy đã dẫn tới tranh chấp.

Theo Luật về bằng sáng chế của Nhật Bản, JPO có thẩm quyền cấp hoặc làm mất hiệu lực văn bằng bảo hộ, nhưng các tòa án khu vực có thể từ chối thực thi bằng sáng chế nếu có cơ sở để hủy bỏ. Nếu một trong hai bên không đồng ý với quyết định của JPO hoặc tòa án khu vực, có thể kháng cáo lên Tòa án Tối cao về Quyền sở hữu trí tuệ (IPHCJ) xem xét(3). IPHCJ là cơ quan quyền lực tối cao có nhiệm vụ đưa ra phán quyết cuối cùng cho tất cả các tranh chấp, bất đồng giữa các doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước liên quan đến các tài sản trí tuệ nói chung.

Tại Việt Nam, theo quy định về việc chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan được giao thực hiện chức năng quản lý và bảo đảm các hoạt động sự nghiệp chuyên ngành về sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước. Cục Sở hữu trí tuệ cũng là cơ quan được giao giải quyết khiếu nại của các bên liên quan đến chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Còn về xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và tùy theo sự lựa chọn của chủ thể quyền, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam có thể bị xử lý tại tòa án (biện pháp tư pháp) hoặc thông qua một hệ thống các cơ quan hành chính có chức năng quản lý từng ngành, lĩnh vực tương ứng (biện pháp hành chính).

Mặc dù có một số lựa chọn và trải qua nhiều cấp giải quyết tranh chấp, nhưng Việt Nam lại thiếu một cơ chế hiệu quả để giải quyết các vụ, việc phức tạp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại Nhật Bản, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản sử dụng cơ chế hội đồng (gồm các xét nghiệm viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan) để xem xét và giải quyết tranh chấp. Tuy đây là phương án được ưu tiên để giải quyết những tranh chấp về sở hữu trí tuệ một nhanh chóng và hiệu quả tại Nhật Bản nhưng Việt Nam lại không áp dụng cơ chế này(4).

Tại Việt Nam, sau khi Luật Khiếu nại được ban hành năm 2011, cơ chế Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại lần đầu tiên được đề cập, theo đó, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại, trong trường hợp xử lý tranh chấp về sở hữu trí tuệ là trách nhiệm của Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây được xem là một bước tiến bộ để giải quyết các vụ, việc phức tạp. Tuy nhiên, đây không phải là cơ chế thường xuyên được áp dụng giải quyết mọi vụ khiếu nại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc trưng tập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại là công việc mất thời gian và chi phí tốn kém, trong khi đó, Luật Khiếu nại lại không có quy định các bên có liên quan phải trả chi phí cho hoạt động của Hội đồng này(5).

Bên cạnh hai cơ quan JPO và IPHCJ, Hải quan Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, Hải quan Nhật Bản chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu và trong trường hợp phát hiện sản phẩm và dịch vụ vi phạm sở hữu trí tuệ đã được đăng ký, sẽ có quyền thực hiện xử lý vi phạm theo Luật Hải quan và các quy định khác liên quan(6). Điều này cũng tương đồng với Việt Nam, vì theo quy định của Luật Hải quan và Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 216 và Điều 217), cơ quan hải quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi biện pháp biên giới, Hải quan Nhật Bản còn có quyền hành động mặc nhiên, tức là không cần có đơn yêu cầu của chủ thể quyền vẫn được phép tiến hành tạm dừng thủ tục hải quan trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù Hải quan Việt Nam cũng có quyền hành động mặc nhiên, nhưng các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này hiện nay còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho công chức trong việc thực hiện quyền hành động mặc nhiên(7).

Một điểm lưu ý khác là trong trường hợp cần thiết, cơ quan Hải quan Nhật Bản có thể trưng cầu ý kiến của các ban tư vấn về kỹ thuật nhằm bảo đảm tính minh bạch của quyết định chấp nhận hay từ chối đơn yêu cầu của chủ thể quyền. Đây là điểm khác biệt của pháp luật Nhật Bản so với Việt Nam. Hải quan Việt Nam có thể tự đưa ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối đơn yêu cầu bảo hộ mà không cần tham khảo ý kiến tư vấn của các cơ quan khác(8).

Một số hàm ý đối với Việt Nam

Thông qua việc nghiên cứu những quy định pháp lý về bảo vệ tài sản trí tuệ công nghiệp của Nhật Bản, so sánh những điểm tương đồng và hạn chế trong các quy định của Việt Nam, có thể nêu một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, cần có một khung pháp lý về bảo tồn và phát triển các tài sản trí tuệ bảo đảm tính chính xác, rõ ràng; những cải cách về hệ thống các biện pháp bảo tồn và phát triển các tài sản trí tuệ theo hướng có sự phân quyền rõ ràng, đối với các loại hình tài sản trí tuệ khác nhau được quản lý bởi các cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, việc xét xử các vụ tranh chấp và vi phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nên tập trung vào một tòa án duy nhất - tòa án về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiện toàn và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thực thi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới mà trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện pháp luật hải quan, trong đó quy định cơ quan hải quan có quyền đương nhiên trong việc ra quyết định tạm dừng hàng hóa xuất, nhập khẩu nếu hàng hóa đó vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, cần có các biện pháp chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động phòng, chống hàng giả, hàng nhái với sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan của Chính phủ, của các trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng người dân. Theo đó, Nhà nước đưa ra những chính sách thích hợp để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các bên liên quan tham gia các chương trình, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, việc bảo tồn và phát triển các tài sản trí tuệ, đặc biệt là các tài sản trí tuệ công nghiệp, cần có sự phối hợp của các bên liên quan ngoài chính phủ, như các trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng người dân. Do đó, cần những chính sách thích hợp để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các bên liên quan tham gia các chương trình, hoạt động bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ. Có thể xem xét việc thành lập một mạng lưới liên kết tập hợp sức mạnh của nhiều chuyên gia từ cả khu vực công và lẫn khu vực tư để phối hợp hiệu quả hơn trong công tác bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ./.

----------------------------------------

(1) Điều 2, Luật Cơ bản về Sở hữu trí tuệ, “Intellectual Property Basic Act (Act No. 122 of December 4, 2002, as last amended by Act No.119 of July 16, 2003)”, 2002
(2) Cục Bản quyền tác giả: “Giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”, http://www.cov.gov.vn/cbq/index.php?option=com_content&view=article&id=871&catid=51&Itemid=107
(3) Phạm Văn Toàn: “Thực thi quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam - Pháp luật và thực tiễn”, https://www.most.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/5/239/thuc-thi-quyen-so-huu-cong-nghiep-o-viet-nam--phap-luat-va-thuc-tien.aspx
(4) Phạm Văn Toàn: “Thực thi quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam - Pháp luật và thực tiễn”, Tlđd

(5) MOST, “Giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản và một số gợi mở đối với Việt Nam”, https://www.most.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/7/204/giai-quyet-tranh-chap-quyen-so-huu-tri-tue-tai-nhat-ban-va-mot-so-goi-mo-doi-voi-viet-nam.aspx
(6) Customs and Tariff Bureau, “IPR Border Enforcement by Japan Customs”, http://www.customs.go.jp/ mizugiwa/chiteki/pages/a_003_e.htm

(7), (8) Hằng Nguyễn: “Một số quy định của pháp luật Nhật Bản về vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới của Hải quan  - So sánh với Việt Nam”, http://truonghaiquan.edu.vn/1393/print-article.html