Huyện ủy Nho Quan chủ trương phát huy nguồn lực văn hóa, con người, khai thác bền vững văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng nông thôn mới
TCCS - Huyện ủy Nho Quan luôn quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh và là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội”. Vì vậy, trong những năm qua việc nhận diện, phát huy nguồn lực văn hóa, con người, khai thác bền vững văn hóa truyền thống dân tộc luôn là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nho Quan.
Huyện Nho Quan đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy(1), bên cạnh việc phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất của người dân, các cấp ủy, chính quyền huyện Nho Quan luôn quan tâm làm tốt công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nho Quan, khai thác bền vững giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 27 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội học tập, quán triệt và triển khai các nghị quyết, kết luận trên địa bàn huyện bảo đảm nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả. Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện ban hành các nghị quyết chuyên đề về chủ trương quy hoạch, sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ bản các dự án phục vụ phát triển văn hóa, thể dục thể thao. Ủy ban nhân dân (UBND) huyện ban hành hơn 60 văn bản (gồm các chương trình, kế hoạch, đề án…) để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc phát huy nguồn lực văn hóa, con người, khai thác giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trên địa bàn huyện Nho Quan đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, các cấp, các ngành đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm giúp đồng bào hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Gắn bảo tồn di sản văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của từng địa phương, đơn vị; đặc biệt là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được phát động rộng khắp ở các khu dân cư và đã đạt được kết quả thiết thực(2). Qua phong trào, các tầng lớp nhân dân trong huyện đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện tốt hương ước, quy ước, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín trong đời sống, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn mới lành mạnh, văn minh, tiến bộ.
Hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện ngày càng được phát huy, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia, đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội cho xây dựng phát triển văn hóa, đặc biệt là phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp có tác động thiết thực và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên hơn(3); công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nhất là việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, tu bổ di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, cơ sở tín ngưỡng dân gian thu được nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường...
Các hoạt động thể thao quần chúng gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mở rộng tới hầu hết các đối tượng, địa bàn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện. Các câu lạc bộ thể dục thể thao, hoạt động giáo dục thể chất tại các trường học phát triển cả về số lượng và chất lượng; các giải thể thao phong trào, các cuộc thi đấu giao lưu thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức ở nhiều quy mô khác nhau, góp phần xây dựng con người Nho Quan phát triển toàn diện.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa luôn được quan tâm. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức tổng kiểm kê, phân loại di sản văn hóa của địa phương; đồng thời, duy trì xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa hằng năm(4). Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được quan tâm thực hiện, tạo được sự đồng thuận và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Hàng trăm lượt di tích được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo trên cơ sở giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; nhiều di vật, cổ vật đã được thu thập, đăng ký, bảo quản theo quy định. Việc thực hiện phân cấp quản lý toàn diện di tích đã từng bước nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện xã hội hóa trong công tác quản lý và bảo vệ di tích. Bên cạnh việc phát huy tính tự giác của cộng đồng, còn phát huy được sự tự nguyện, thành tâm của các tầng lớp nhân dân đóng góp công sức, tiền của vào việc tu bổ, tôn tạo; qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích.
Công tác bảo tồn, bảo tàng đã thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhà bảo tàng cách mạng Quỳnh Lưu được đầu tư xây dựng, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trưng bày, giới thiệu các hiện vật minh chứng cho quá trình đấu tranh anh dũng, hy sinh giành độc lập của người Quỳnh Lưu nói riêng, người Nho Quan nói chung.
Công tác bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương trong xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm thực hiện, như: Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Chèo tại các xã Sơn Lai, Gia Thủy, Đồng Phong, Văn Phú, Sơn Thành; hát Chầu văn tại Phủ đồi Ngang, đền Cô Đôi, phủ Quèn Thạch; đưa các trò chơi dân gian và các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trong giờ sinh hoạt ngoại khóa; duy trì việc mặc trang phục dân tộc trong Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Ninh Bình vào thứ 2 hằng tuần và các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn...
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa được coi là những tiêu chí khó thực hiện. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, huyện Nho Quan đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở, nhất là các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Từ năm 2020 đến nay, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, ngân sách của địa phương và sự huy động từ các nguồn lực xã hội hóa, huyện Nho Quan đã đầu tư xây mới 47 nhà văn hóa (1 nhà văn hóa xã và 46 nhà văn hóa thôn, xóm, bản, tổ dân phố) với tổng mức đầu tư xây dựng mỗi nhà văn hóa thôn từ 500 - 700 triệu đồng; trong đó, 6 nhà văn hóa thôn, bản được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022 huyện Nho Quan khởi công dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh, quảng trường, nhà văn hóa trung tâm huyện với diện tích trên 3.800m2, mức đầu tư trên 145 tỷ đồng, thiết kế công năng hiện đại với quy mô 640 chỗ ngồi; đến nay, dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh việc chú trọng phát huy nguồn lực văn hóa, khai thác bền vững giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền huyện Nho Quan còn đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng và phát huy nguồn lực con người, với mục tiêu hướng tới nâng cao trình độ, phát triển con người toàn diện, lan tỏa giá trị nhân văn, nhân đạo của mỗi cá nhân, góp phần hình thành giá trị chuẩn mực đạo đức của toàn xã hội. Huyện ủy, UBND huyện đã coi trọng công tác chính trị, tư tưởng; thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, phản động, tư tưởng lệch lạc, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Huyện đặc biệt chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Huyện không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó chú trọng việc giảng dạy và học tập đạo đức, giáo dục công dân trong trường học.
Tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, con người Nho Quan trong xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy nguồn lực văn hóa, con người, khai thác bền vững văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Nho Quan còn những tồn tại, hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa dù đã được quan tâm đầu tư, song còn hạn chế; hiệu quả hoạt động ở một số thiết chế văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân. Ngân sách nhà nước đầu tư cho sự nghiệp văn hóa hằng năm còn ít, chưa bảo đảm để thực hiện công tác tuyên truyền cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho nhân dân. Kinh phí cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa còn chưa tương xứng.
Công tác giáo dục đạo đức lối sống, lý tưởng, giáo dục thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Hiện tượng vi phạm pháp luật, ứng xử thiếu văn hóa, mê tín dị đoan, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa cao, chưa được quan tâm đúng mức và chất lượng chưa đồng đều giữa các đơn vị. Một số địa phương, đơn vị tập trung phát triển văn hóa, nhưng chưa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động kinh tế chưa chú ý đến yếu tố văn hóa…
Môi trường văn hóa ở một số thời điểm, một số lĩnh vực còn thiếu lành mạnh, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp; nhiều giá trị chuẩn mực truyền thống chưa được coi trọng.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, con người trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương, huyện Nho Quan xác định một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; đồng thời, đẩy mạnh quán triệt, triển khai quan điểm chỉ đạo của tỉnh về các mục tiêu tầm nhìn phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, 2035 trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về xây dựng và phát huy nguồn lực văn hóa, con người trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị phải xác định xây dựng, phát triển văn hóa, con người Nho Quan đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời kỳ mới là mục tiêu, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. Văn hóa, con người là nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của huyện. Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư để phát triển.
Thứ hai, rà soát, đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, con người trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương và của tỉnh vào văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị; chỉ đạo xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể và các giải pháp huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện thắng lợi, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng các chỉ tiêu hướng tới phát triển kinh tế với mũi nhọn là du lịch, huyện Nho Quan trở thành trục kinh tế tăng trưởng mạnh phía tây tỉnh Ninh Bình. Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các mô hình văn hóa; qua đó, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hiệu quả. Chính quyền các cấp tiếp tục đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn hóa, tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên một số lĩnh vực văn hóa truyền thống cần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người; thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị di sản văn hóa của dân tộc, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương Nho Quan. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và các hoạt động văn hóa; ưu tiên thực hiện số hóa hệ thống di sản văn hóa, khu du lịch, bảo tàng... Khuyến khích phát triển sâu rộng các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng; nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác văn học - nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ cho nhân dân theo tiêu chí số 6 trong Bộ Tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 16 để góp phần hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Quan tâm chỉ đạo quy hoạch, bố trí xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm khoa học, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Xây dựng và phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong cộng đồng dân cư; nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm văn hóa, văn nghệ truyền thống, trong đó chú trọng hoạt động bảo tồn, truyền dạy, duy trì hoạt động nghệ thuật truyền thống, như hát chèo, hát văn và các loại hình diễn xướng, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn huyện.
Thứ tư, tập trung xây dựng con người Nho Quan phát triển toàn diện. Thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, dòng họ, địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp; phát triển văn hóa trong chính trị và kinh tế, văn hóa nơi công cộng. Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học theo hướng xây dựng con người có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Tạo môi trường lành mạnh để giáo dục, rèn luyện con người Nho Quan phát triển toàn diện về các mặt “đức - trí - thể - mỹ”, dựa trên cốt lõi của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thứ năm, đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” một cách đồng bộ, thực chất; trong đó, chú trọng việc xây dựng, công nhận các danh hiệu văn hóa, như gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã, thị trấn tiêu biểu; xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, tiến bộ và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của gia đình, dòng họ, địa phương. Xây dựng nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh đô thị và nông thôn, nhất là trong việc cưới, việc tang và các hoạt động của cộng đồng. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch của huyện thông qua các diễn đàn, sự kiện, hội chợ trong tỉnh, trong nước.
Thứ sáu, tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9-5-2024, của Bộ Chính trị, “Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”; mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa” theo tiêu chí các chuẩn mực để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng. Thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ./.
---------------------
(1) Cụ thể là: Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 10/NQ-TU, ngày 26-6-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 90-KL/TU, ngày 12-10-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”.
(2) Tính đến tháng 12-2023, toàn huyện có 39.325/45.565 (đạt 86,1%) hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 278/286 (đạt 97,2%) thôn, xóm, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, trong đó có 44 khu dân cư được UBND huyện tặng Giấy khen; 5 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được Liên đoàn Lao động tỉnh công nhận đạt chuẩn văn hóa.
(3) Hằng năm, các địa phương trong huyện tổ chức trên 600 chương trình giao lưu văn nghệ tại các thôn, bản, tổ dân phố. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã quan tâm bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để tổ chức, từng bước nâng tầm quy mô “Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan”. Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho đồng bào các dân tộc trong huyện; trong đó, chú trọng bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Mường, thu hút đông đảo du khách ở trong nước và nước ngoài tham gia, tạo tiền đề cho du lịch Nho Quan phát triển.
(4) Toàn huyện hiện có 317 di tích được kiểm kê, phân loại và được UBND tỉnh phê duyệt trong danh mục kiểm kê; trong đó, 62 di tích được xếp hạng (7 di tích cấp quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh); nhiều di tích đã phát huy được vai trò là những địa chỉ du lịch văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh hấp dẫn, tiêu biểu như: Di tích khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, phủ Đồi Ngang, đình Mỹ Hạ, đền Thượng - đền Hạ (xã Sơn Lai)...; 110 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu thuộc 7 loại hình, trong đó di sản Mo Mường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Vai trò các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn  (28/10/2024)
Công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan, giai đoạn 2020 - 2025  (20/10/2024)
Kinh nghiệm thế giới trong xây dựng không gian xanh và một số kiến nghị chính sách cho Ninh Bình  (16/10/2024)
Huyện Phú Giáo chuyển địch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực  (08/10/2024)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”