Những điểm sáng trong giảm nghèo bền vững ở thành phố mang tên Bác
TCCSĐT - Với việc xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang triển khai nhiều giải pháp đúng đắn, thiết thực. Giờ đây, khi nói về công tác giảm nghèo, thì thành phố mang tên Bác là điểm sáng trong cả nước, với nhiều cách làm sáng tạo. Đó là nguồn cổ vũ động viên, là động lực trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể
Là một trong những đô thị lớn đông dân nhất nước, có tốc độ phát triển kinh tế cao, trong quá trình xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng với cả nước ra sức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi dậy và tạo được những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề xã hội bức xúc, nhất là tình trạng đói nghèo và phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư. Đồng thời, mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân thành phố, đòi hỏi phải có những chính sách, giải pháp cụ thể để giữ khoảng cách chênh lệch hợp lý, bảo đảm công bằng xã hội. Trước tình hình đó, Đảng bộ và chính quyền Thành phố đã mạnh dạn đưa ra một chủ trương sáng tạo nhưng cũng không kém phần táo bạo và quyết liệt, đó là mở cuộc vận động nhanh chóng xóa hộ đói, từng bước giảm hộ nghèo. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên được sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia tích cực của tất cả các tầng lớp nhân dân. Chương trình đã nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, không chỉ giới hạn trong phạm vi Thành phố (là địa phương khởi xướng đầu tiên) mà ngày càng lan rộng ra trên cả nước, phát huy mọi nguồn lực Nhà nước và nhân dân, trong nước và nước ngoài cho sự nghiệp chống đói nghèo đầy khó khăn và thử thách.
Bước vào giai đoạn xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đưa ra mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, thông tin) nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố, bảo đảm giảm nghèo bền vững. Theo đó, mục tiêu cụ thể là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới của Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm. Thu nhập bình quân của hộ nghèo Thành phố vào năm 2020 tăng lên 3,5 lần so với năm 2011 (theo Nghị quyết số 15/NQ-TW, ngày 01-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020).
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra, Thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về giảm nghèo (theo phương pháp đa chiều) trong giai đoạn mới cho các ngành, các cấp và nhân dân, nhất là người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo để các chính sách giảm nghèo thật sự đi vào cuộc sống. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Thành phố chủ động đổi tên “Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá” thành “Chương trình Giảm nghèo bền vững” của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều (thu nhập) sang đa chiều theo đúng tinh thần Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24-6-2014, của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Thành phố tập trung rà soát, bổ sung hoàn thiện các nhóm chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo hướng giảm nghèo bền vững; mở rộng chính sách hỗ trợ theo từng chiều thiếu hụt của người nghèo, có chính sách ưu tiên đối với nhóm hộ nghèo theo diện ưu tiên từ 1 đến 3; bảo đảm chính sách giảm nghèo ban hành đi đôi với việc cân đối, bố trí nguồn lực của Thành phố để tổ chức thực hiện.
Những kết quả đáng ghi nhận
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững Thành phố, đầu giai đoạn 2016 - 2020, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, toàn Thành phố có 77.090 hộ, chiếm 3,36% tổng số hộ dân. Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện, toàn Thành phố chỉ còn 21,8 nghìn hộ nghèo theo chuẩn Thành phố (thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống, gấp gần hai lần so với chuẩn nghèo quốc gia), chiếm 1,1% tổng số hộ dân trên địa bàn. Và, mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2018 sẽ có thêm 8 quận không còn hộ nghèo, đồng thời kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 0,3%, tức về đích trước hai năm so với kế hoạch đề ra cho toàn giai đoạn.
Ðiểm khác biệt trong Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 so với các giai đoạn trước là Thành phố không chỉ chú trọng vào giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập, mà còn có thêm năm “chiều” nghèo về các mặt: giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Chính vì lẽ đó, trong giai đoạn này, phương pháp tiếp cận cũng phải đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Ngoài ra, Thành phố cũng được chọn làm điểm để thực hiện Chương trình giảm nghèo đa chiều, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước, nên quá trình triển khai đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong thành quả chung ấy, nổi bật là các quận 6, 3, 5 và quận Phú Nhuận hiện đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, trở thành điểm sáng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của Thành phố.
Để hoàn thành mục tiêu, trong năm 2017, tại quận 6 đã tập trung giải quyết các chế độ và trợ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo như trợ vốn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ về nhà ở, miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, kéo giảm 5 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản… cùng sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng xã hội đã từng bước giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống. Tính đến nay, quận 6 đã có thêm 660 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo, hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn; gần 1.400 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo và 5 chỉ số xã hội còn bị thiếu hụt cơ bản hoàn thành. Đáng chú ý là, quận 6 rất chú trọng tính bền vững trong công tác giảm nghèo bằng cách chăm lo học bổng, học nghề cho thành viên hộ nghèo, thời gian qua, quận đã trao gần 5.200 suất học bổng với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng; cùng với đó, 116 em thuộc thành viên hộ nghèo, cận nghèo được học nghề.
Để cán đích việc giảm nghèo đa chiều trước 3 năm, quận 5 thường xuyên cập nhật số lao động nghèo, cận nghèo chưa có việc làm, hoặc việc làm không ổn định nhằm liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh kịp thời giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm ổn định, việc làm tăng thêm thu nhập. Do đó, chỉ tính đến hết năm 2017, thu nhập bình quân hộ nghèo, cận nghèo đều được nâng lên hơn 25 triệu đồng/người/năm, vượt chuẩn nghèo của Thành phố (21 triệu đồng/người/năm). Song song đó, quận cũng đã khảo sát tình hình nhà ở và trong 2 năm qua đã xây dựng, sửa chữa 42 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, quỹ xóa đói, giảm nghèo của quận 5 đã hỗ trợ vốn cho 224 hộ, với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng; quỹ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định và giải ngân 315 dự án từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho 300 hộ, với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 418 lao động.
Với việc nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm về an sinh xã hội, Ủy ban Nhân dân quận 3 đã tập trung giải quyết các chế độ và hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống như: cho 231 hộ vay vốn với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng; tặng gần 3.000 thẻ bảo hiểm y tế; bố trí sắp xếp tạm cho 59 hộ buôn bán hàng rong trên các tuyến đường vào các khu vực có hẻm rộng hoặc tại các chợ; hỗ trợ các phương tiện xe đạp, xe gắn máy, phương tiện sinh kế, giới thiệu việc làm, giới thiệu học nghề để các hộ vươn lên thoát nghèo.
Còn tại quận Phú Nhuận, từ việc xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo, người cận nghèo là giải pháp giảm nghèo căn cơ, bền vững, hằng năm, 15 phường của quận Phú Nhuận thực hiện khảo sát, cập nhật trình độ tay nghề, học vấn, nhu cầu việc làm của từng thành viên hộ nghèo, cận nghèo. Trên cơ sở đó, quận Phú Nhuận đã kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ trong và ngoài quận để giới thiệu việc làm; vận động các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề hoặc hoạt động dịch vụ tổ chức dạy nghề miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nghề cho 65 người nghèo. Bên cạnh đó, quận Phú Nhuận còn xây dựng được nhiều mô hình thiết thực: một tổ chức đoàn thể gắn với hộ nghèo; mỗi đại lý gạo trên địa bàn chăm lo gạo cho 1 hộ nghèo đặc biệt khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo và vận động hộ dân dành một phần diện tích nhà cho 1 hộ nghèo bán hàng ăn… Vừa qua, Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá Thành phố vừa phúc tra và xác định quận Phú Nhuận không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm.
Điểm sáng tạo của Thành phố là đã đặt vấn đề giảm nghèo của một bộ phận nhân dân trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Trong đó, không dừng lại ở việc trợ vốn, học nghề, giải quyết việc làm, mà còn gắn kết với chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nhà ở, chính sách học phí, viện phí; tăng điều kiện tiếp cận cơ hội học tập, chữa bệnh của người nghèo, hộ nghèo nội thành, vùng ven và nông thôn Thành phố. Với việc đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, đúng đắn, kịp thời, Thành phố đã phát huy mạnh mẽ vai trò của toàn hệ thống chính trị, nhất là khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của chính người dân đối với việc thoát nghèo; phát huy mạnh mẽ tình tương thân, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào rất tốt đẹp, đặc trưng văn hóa, truyền thống nhân văn của dân tộc ta, của Thành phố.
Để giảm nghèo bền vững theo tiêu chí mới
Dự kiến đến tháng 12-2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ trình Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua với những tiêu chí chuẩn nghèo mới của Thành phố sẽ được nâng lên. Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2020, Thành phố dự kiến nâng mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo (dự kiến tiêu chí thu nhập hộ nghèo bình quân đầu người 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và mức chuẩn hộ cận nghèo có thu nhập trên 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm) và tiếp tục giữ nguyên 5 chiều với 11 chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp với thực trạng đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Nếu tính toán theo tiêu chí mới, Ủy ban Nhân dân Thành phố dự báo tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo thu nhập vào đầu năm 2019 là khoảng 5,0% tổng hộ dân Thành phố, tương đương khoảng 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo lộ trình, đến năm 2019, Thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện giảm bình quân 0,8%/năm tỷ lệ hộ nghèo và giảm bình quân 1% tỷ lệ hộ cận nghèo. Và đến cuối năm 2020, Thành phố hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giai đoạn 2019 - 2020 (tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%) và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2011.
Để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2019 - 2020, Thành phố đang tập trung nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện giải pháp kéo giảm các chiều (chỉ số) thiếu hụt còn tỷ lệ cao như: hỗ trợ đào tạo nghề, trình độ giáo dục người lớn, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động nghèo và cận nghèo; tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh; thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ hỏa táng phí; trợ cấp khó khăn đặc biệt, góp phần hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên vượt chuẩn nghèo, cận nghèo một cách bền vững. Đồng thời, thực hiện hoạch định chính sách, lập kế hoạch, phân bổ ngân sách và tổ chức quản lý tiến hành thực hiện, theo dõi giám sát nghèo đa chiều theo hướng lồng ghép, phối hợp các chính sách giảm nghèo đa chiều vào các chính sách, kế hoạch phát triển chung và phân bổ ngân sách thường xuyên của thành phố, của các ngành và quận, huyện. Đẩy mạnh sự phối hợp giữa chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện, nhất là tham gia công tác kiểm tra, giám sát các nội dung hoạt động giảm nghèo ở các cấp. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững các cấp, tiếp tục xây dựng mạng lưới cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo, nhất là cấp phường, xã, thị trấn và lực lượng tổ trưởng tổ Tự quản giảm nghèo tại địa bàn dân cư để có thể quản lý, điều hành hoạt động chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố theo hướng đa chiều./.
Phát triển thực chất, bền vững quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga  (22/11/2018)
Yêu cầu báo cáo nội dung "doanh nghiệp bất động sản khốn khổ vì đất ở"  (21/11/2018)
Tiếp tục đưa nội dung giáo dục phòng, chống tham nhũng vào nhà trường  (21/11/2018)
Đoàn đại biểu Đảng Nur Otan, Cộng hòa Kazakhstan thăm Việt Nam  (21/11/2018)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển