Hà Nội cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, hiệu quả, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư
TCCS - Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực phía Bắc và cả nước, nhu cầu đầu tư công để phát triển tại đây là rất lớn, vì đầu tư công có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công theo hướng tập trung, hiệu quả, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, phát huy vai trò “vốn mồi” của đầu tư công để kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố vốn vừa chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Vai trò của đầu tư công đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2016 - 2020, danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của thành phố Hà Nội bao gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường; các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; các dự án lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; các dự án xã hội hóa hạ tầng xã hội. Trong đó, các dự án công trình trọng điểm là 52 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 503.374 tỷ đồng. Phân chia theo nguồn vốn, vốn đầu tư công gồm 29 dự án (tổng mức đầu tư khoảng 319.188 tỷ đồng), vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP gồm 22 dự án (tổng mức đầu tư 160.186 tỷ đồng) và vốn đầu tư trực tiếp theo hình thức xã hội hóa là 1 dự án (tổng mức đầu tư dự kiến 24.000 tỷ đồng).
Đầu tư công có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế Hà Nội liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP của thành phố ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đầu tư công có tác động tích cực, tạo nên môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Từ vai trò nguồn “vốn mồi” của đầu tư công, môi trường kinh doanh của Hà Nội có nhiều cải thiện, khởi sắc. Trong 5 năm 2016 – 2020 trên địa bàn thành phố có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 – 2015; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp khoảng 14,2 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Lũy kế đến hết năm 2020, trên địa bàn Hà Nội ước tính có trên 306 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng giúp thành phố đạt được sự phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn vừa qua và cũng là tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Phân tích số liệu về đầu tư công của Hà Nội cho thấy, đầu tư công chủ yếu dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế (kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông, điện, nước, thủy lợi,...). Đầu tư công cho kết cấu hạ tầng xã hội (giáo dục, đào tạo, y tế, nghệ thuật và vui chơi giải trí) chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Hiệu quả đầu tư công của Hà Nội còn thấp, thể hiện qua việc chỉ số ICOR vẫn tiếp tục tăng và ở mức cao. Ngoài ra, hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao. Một số dự án sử dụng vốn vay điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn, kéo dài thời gian thi công, chưa đưa vào khai thác, vận hành, làm giảm hiệu quả đầu tư công và gây dư luận xấu trong xã hội. Mặc dù quy mô đầu tư công tại Hà Nội là rất lớn so với các tỉnh, thành phố lân cận và so với quy mô đầu tư tư nhân, nhưng theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư công tại Hà Nội trong những năm qua chỉ đáp ứng một phần nhu cầu về vốn đầu tư, nhiều nhu cầu đầu tư cấp bách chậm được giải quyết. Mặc dù tỷ lệ đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong đầu tư công lớn, nhưng hạ tầng giao thông vẫn là “nút thắt” lớn tại Hà Nội, khi tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, bất chấp những nỗ lực từ chính quyền địa phương. Tình trạng tắc đường, quả tải bệnh viện, ngập nước không chỉ gây bức xúc trong đời sống nhân dân mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế và làm xấu hình ảnh của Thủ đô văn minh, hiện đại. Những yếu kém về quản lý đầu tư công, những bất cập trong phân bổ dự án đầu tư công khiến cho đầu tư công không được phân bổ vào nơi hiệu quả nhất. Một số dự án giao thông có hiệu suất sử dụng thấp trong khi những nơi có nhu cầu cao lại không được phân bổ vốn. Việc phân bổ đầu tư công chưa tương xứng cho các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục làm hạn chế tác động tích cực của đầu tư công tới năng suất lao động và chất lượng sống của người dân.
Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, hiệu quả, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư
Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công. Trên cơ sở cân đối ngân sách thành phố, dự kiến tổng mức vốn trung hạn khoảng 304.779,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố là 218.962,7 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
Thành phố tập trung thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo 38 nhiệm vụ trọng tâm mà 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Hội đồng nhân dân thành phố đã đề ra. Cụ thể là Chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình số 05-Ctr/TU của Thành ủy về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với biến đối khí hậu.
Hà Nội tập trung quyết liệt thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị lên khoảng 12% - 15% diện tích đất đô thị; cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông là hơn 83.337 tỷ đồng để thực hiện 255 dự án. Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Lĩnh vực thoát nước, chống úng ngập, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, ngân sách thành phố bố trí hơn 13.704 tỷ đồng đầu tư 24 dự án. Bên cạnh đó, thành phố bố trí 6.200 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề, thành phố phấn đấu hết năm 2025 tất cả các trường công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Để thực hiện mục tiêu đó, ngân sách thành phố cân đối 2.286 tỷ đồng để thực hiện 48 dự án thuộc nhiệm vụ chi của thành phố; hỗ trợ cấp huyện, thị xã đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thuộc quản lý đầu tư cấp huyện để đến năm 2025 hoàn thành 100% chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư 11 dự án về đào tạo nghề, trong đó phân bổ chi tiết 644,2 tỷ đồng cho 6 dự án. Trong lĩnh vực y tế, cùng với vốn xã hội hóa, ngân sách thành phố cân đối 3.001 tỷ đồng để thực hiện 16 dự án để hoàn thành chỉ tiêu 30 - 35 giường bệnh/1 vạn dân. Lĩnh vực văn hóa thông tin và thể dục, thể thao, ngân sách cân đối bố trí hơn 2.650 tỷ đồng để thực hiện 26 dự án về phát triển văn hóa, thể thao trong đó có 11 dự án văn hóa được bố trí vốn 2.199 tỷ đồng.
Hà Nội cũng bố trí nguồn vốn cho các dự án lớn, trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế của dự án đối với 34 dự án và các dự án lớn tại các đề án huyện thành lập quận giai đoạn 5 năm là 36.000 tỷ đồng.
Một số giải pháp phát huy tối đa tác động tích cực của đầu tư công
Từ tác động tích cực của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế của Hà Nội cho thấy cần thiết phải tái cấu trúc đầu tư công hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Để phát huy tối đa tác động tích cực của đầu tư công tới phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cần thực hiện hệ thống những giải pháp đồng bộ, bao gồm: Cải thiện công tác quản lý đầu tư công; hợp lý hóa công tác phân bổ vốn đầu tư công theo ngành và vùng; và tăng cường nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư công.
- Trước hết, cần cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, hiệu quả, tạo tác động lan tỏa, để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, qua đó, kích thích tính tích cực, năng động trong sản xuất, kinh doanh của khu vực tư nhân và xã hội. Như thế, tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm dần nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại tăng lên, qua đó, tạo nên sự tăng trưởng, phát triển cũng như nâng cao thu nhập, mức sống của người dân.
- Thay đổi từng bước cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm bớt đầu tư để sản xuất kinh doanh mà tập trung ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như những nền tảng khác cho sự phát triển bền vững, như đầu tư cho giáo dục, đào tạo, y tế và phúc lợi xã hội để phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao; nâng cao năng lực quản lý và hiện đại hóa quản lý nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội.
- Các công trình, dự án đầu tư công cần hướng đến mục tiêu tạo điều kiện, khuyến khích khu vực tư, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đầu tư, tạo tác động lan tỏa của đầu tư công. Qua đó, để khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Bên cạnh việc chuyển giao các lĩnh vực đầu tư cho khu vực tư, cần đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư (PPP) trong việc thực hiện đầu tư bên cạnh các hình thức truyền thống như hiện nay.
- Quản lý chặt chẽ việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư công (bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước) trong điều kiện khi nguồn lực huy động là có giới hạn và ngày càng khó khăn. Đây phải được coi là nhiệm vụ quan trọng, quyết định trong chính sách quản lý để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Để đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án lớn của thành phố, cần điều hành linh hoạt, sử dụng các nguồn vốn còn dư, chưa sử dụng, vay vốn nhàn rỗi của Kho bạc nhà nước, nguồn vốn từ quỹ dự trữ tài chính, khi chưa huy động kịp thời từ các nguồn khác cho các công trình, dự án đang triển khai để bảo đảm tiến độ.
- Tăng cường công khai minh bạch trong quản lý hoạt động đầu tư công từ các khâu lập quy hoạch, kế hoạch đến phân bổ vốn, tăng cường giám sát của cộng đồng, của các tổ chức khoa học và các cơ quan hữu quan, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm toán đầu tư công, qua đó giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho ổn định kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Từng bước hoàn thiện việc phân công, phân cấp trong quản lý và phân bổ vốn đầu tư công, giảm dần tình trạng phân chia bình quân, cào bằng, tăng tính chủ động cho ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng. Hoàn thiện công tác xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn, bảo đảm chi đầu tư công được giới hạn trong khả năng nguồn lực và thống nhất với các ưu tiên chính sách của Chính phủ, hướng vào các mục tiêu kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn, tăng cường tính dự báo trước, tính chủ động, tính hệ thống trong phân bổ nguồn lực đầu tư công./.
Lễ trao giải và tôn vinh 22 sáng kiến vì cộng đồng lần thứ IV năm 2022  (30/11/2022)
Thành ủy Hà Nội quyết tâm lãnh đạo xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe và đời sống nhân dân  (26/11/2022)
Xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"  (26/11/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm