Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 9: Tham vọng và hiện thực
22:04, ngày 13-09-2017
TCCSĐT - Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Hạ Môn (Trung Quốc) với chủ đề “Tăng cường đối tác vì một tương lai tươi sáng” đã kết thúc trong 3 ngày làm việc. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ nhà Trung Quốc Tập Cận Bình đã điểm lại lịch trình 10 năm của Nhóm BRICS nhằm tổng kết kinh nghiệm hợp tác và nhìn về tương lai phát triển của Nhóm.
Kết quả của Hội nghị được thể hiện trong Tuyên bố Hạ Môn của các nhà lãnh đạo, được giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.
Từ nhận thức chung…
Hội nghị có sự tham dự của người đứng đầu Nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) gồm Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ nhà Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau các phiên thảo luận, Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Hạ Môn”, nhấn mạnh sẽ cùng nỗ lực làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược giữa các nước trong Nhóm BRICS, mở ra “10 năm vàng son” thứ hai cho sự hợp tác của Nhóm.
Trải qua 10 năm phát triển, tỷ lệ đóng góp của BRICS vào nền kinh tế toàn cầu đạt hơn 50%, trở thành “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế và là lực lượng quan trọng trên trường quốc tế. Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 9 diễn ra vào giai đoạn then chốt vừa kế thừa những kinh nghiệm trong thập kỷ vừa qua, vừa mở ra cơ hội mới của sự hợp tác nội và ngoại khối.
Phản ánh hệ thống nhận thức chung của các nhà lãnh đạo 5 nước trong Hội nghị lần này. Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Vương Nghị cho biết, sau khi dày công chuẩn bị trong một năm, các nước trong Nhóm BRICS đã giành được nhiều tiến triển mới trong thúc đẩy giao lưu và hợp tác ở các lĩnh vực kinh tế, an ninh chính trị, giao lưu nhân văn.
Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, thành quả Hội nghị đáng được các bên mong đợi và sẽ đặt cơ sở vững chắc để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác BRICS. “Vấn đề chính của Hội nghị trong phạm vi hẹp bao gồm tình hình kinh tế thế giới, quản trị kinh tế toàn cầu, vấn đề điểm nóng quốc tế và khu vực, an ninh quốc gia và phát triển. Còn trong phạm vi rộng Hội nghị thảo luận trọng điểm vấn đề làm sâu sắc hợp tác BRICS, triển khai giao lưu nhân dân, thúc đẩy xây dựng cơ chế...” Bộ trưởng Vương Nghị phát biểu.
Sự ra đời của cơ chế hợp tác BRICS cũng như việc phát triển của cơ chế hợp tác BRICS, sự không ngừng nâng cao vị thế và vai trò của thị trường mới nổi và các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu là kết quả tất yếu của diễn biến bố cục và so sánh lực lượng trên thế giới. Qua 10 năm phát triển, các nước BRICS đã trở thành lực lượng then chốt thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng, thúc đẩy thay đổi trật tự toàn cầu, giữ gìn hòa bình và ổn định quốc tế.
Theo lãnh đạo nước chủ nhà Trung Quốc thì “Nhóm BRICS đã giành được sự phát triển nhanh và điều then chốt là tìm được con đường phát triển đúng đắn. Theo đó, sự tôn trọng và tương trợ lẫn nhau, siết chặt tay đi trên con đường phát triển phù hợp với tình hình thực tế mỗi nước cũng như thể theo tinh thần mở cửa, bao dung, hợp tác cùng thắng, thúc đẩy bền bỉ hợp tác kinh tế, chính trị, nhân văn; đề xướng công bằng, công chính quốc tế, chung lưng đấu cật với các nước thị trường mới nổi và các nước đang phát triển khác, cùng tạo ra môi trường bên ngoài tốt đẹp”.
Trong bối cảnh mới, nhất là xu thế chống toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch gia tăng, thì các bên càng cần quan tâm nhiều hơn đến tiếng nói của mỗi nước trong Nhóm BRISC. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra kiến nghị cụ thể về việc tăng cường hợp tác thiết thực, điều phối công việc quốc tế của các nước BRICS trong tương lai, bao gồm cả thúc đẩy hợp tác thiết thực về kinh tế, tăng cường phát triển liên kết chiến lược, thúc đẩy trật tự toàn cầu phát triển theo hướng hợp lý, công bằng hơn và thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Theo đó, sự hợp tác thiết thực là nền tảng của Nhóm BRICS. Thực tế là Nhóm BRICS đã có được những thành tích rõ rệt, cho dù tiềm năng hợp tác của Nhóm còn chưa được khai thác đầy đủ. Theo thống kê, đầu tư ra nước ngoài của các nước BRICS trong năm 2016 đạt 197 tỉ USD, chỉ có 5,7% diễn ra trong nội khối. Điều này chứng tỏ, 5 nước trong Nhóm vẫn còn có không gian hợp tác rộng lớn và 5 nước sẽ phải xoay quanh dòng chính hợp tác thiết thực về kinh tế này, mở rộng điểm hội tụ lợi ích trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính tiền tệ, liên kết, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và hợp tác công nghiệp.
Đến gia tăng hợp tác…
Các thành quả được Nhóm BRICS ghi nhận tại Hạ Môn bao gồm: (1) Nhóm đã hợp lực phát triển lớn mạnh hơn; (2) Tiếng nói của Nhóm mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế; (3) Xây dựng nền tảng xã hội vững chắc hơn; (4) Tạo dựng được quan hệ đối tác rộng rãi hơn; Và (5) hình thành một cơ chế mạnh mẽ hơn. Hội nghị BRICS cũng đã truyền đi thông điệp tích cực về việc tăng cường hợp tác thiết thực kinh tế, hoàn thiện quản trị kinh tế toàn cầu, giữ gìn hòa bình, ổn định thế giới, sâu sắc giao lưu nhân dân.
Hội nghị đã tổ chức Đối thoại giữa các nước mới nổi với các nước đang phát triển, Nhóm BRICS đã cùng lãnh đạo các nước khác như: Ai Cập, Mexio, Tajikistan, Guinea và Thái Lan được mời trong phạm vi thảo luận về các vấn đề “thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững” và “tạo dựng quan hệ đối tác phát triển rộng rãi”.
Được biết, trước đó hồi tháng 3-2017, Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng về Nhóm BRICS mở rộng (BRICS+) để tăng số lượng thành viên của khối này, bao gồm một số nước thuộc Nhóm G20, nhất là với các nước đang phát triển. Cũng trong Hội nghị này, các nước trong Nhóm BRICS đã xem xét ý tưởng. Các chuyên gia Ecuador cho rằng việc tăng số lượng thành viên của Nhóm BRICS có thể có lợi cho nền kinh tế thế giới.
Trong Hội nghị này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc sẽ dành 500 triệu Nhân dân tệ cho Chương trình giao lưu hợp tác kinh tế và công nghệ giữa các nước trong Nhóm BRICS và bơm thêm 4 triệu USD cho Quỹ chuẩn bị dự án của “Ngân hàng Phát triển Mới” (NDB), nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh và phát triển lâu dài của Ngân hàng này.
Trong những năm qua, Nhóm BRICS còn chú trọng tạo dựng thành quả hợp tác nhân văn, khiến giao lưu nhân dân trở thành trụ cột thứ 3 của sự hợp tác Nhóm, đưa Nhóm BRICS từ cơ chế hai trụ cột hợp tác (kinh tế, an ninh chính trị truyền thông) nay chuyển sang giai đoạn mới với cơ chế dựa trên ba trụ cột (kinh tế, an ninh chính trị truyền thông, và giao lưu nhân dân).
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 10 năm vừa qua chỉ là sự mở đầu trong tiến trình lịch sử hợp tác Nhóm BRICS. Về tương lai, phía Bắc Kinh tin rằng sự hợp tác của Nhóm tất yếu sẽ giành được sự phát triển lớn hơn trong vai trò nội khối và công việc quốc tế.
Và những bất cập cần tháo gỡ…
Cạnh tranh nội khối. Theo giới quan sát, Hội nghị thượng đỉnh BRICS cũng bị phân tâm bởi quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, mặc dù hai cường quốc châu Á này đã kịp tháo ngòi nổ của một cuộc chiến biên giới sau hơn 2 tháng căng thẳng.
Nội tình của 3 thành viên khác. Nhiều dấu hỏi đang được đặt ra đối với thực trạng kinh tế, chính trị của Brazil, Nam Phi và Nga trong bối cảnh bị phương Tây gia tăng trừng phạt. Theo giới quan sát, tuy không có các cạnh tranh chiến lược trực tiếp như bộ ba Nga-Trung-Ấn nhưng với hai thành viên còn lại của BRICS là Brazil và Nam Phi, một loạt các vấn đề khác cũng đang đặt ra. Cả hai nước này đều đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị ở mức độ nguy cơ cao.
Tăng trưởng của Nam Phi chỉ ở mức 0,6%, còn Brazil sau 3 năm liền suy thoái, gần đây mới có dấu hiệu tạm thoát ra vòng xoáy khủng hoảng với mức tăng trưởng 0,2%. Thành tích kinh tế nghèo nàn, cộng với các bất ổn chính trị - xã hội thường trực và một vị trí địa lý bất lợi, khiến câu hỏi Brazil và Nam Phi lấy gì để đặt nền móng cho tham vọng góp mặt vào Nhóm nước sẽ thay đổi trật tự kinh tế thế giới?...
Khác với cách đây 10 năm, Nhóm BRICS giờ đây đang ở vào thời khắc của sự thật và phải đối mặt với câu hỏi rằng, liệu BRICS có thực sự trở thành một đối trọng mới với phương Tây trong trật tự kinh tế thế giới hay không, hay chỉ đơn giản tồn tại như là một Nhóm tượng trưng?
Sự tương thích giữa các thành viên. Sự khác biệt về quy mô ở mức khó tương thích. 5 quốc gia BRICS chiếm đến 22,5% tổng GDP của kinh tế toàn cầu (2016), nhưng vấn đề đáng bàn là trong 22,5%, riêng nền kinh tế Trung Quốc đã chiếm tới 15% (gấp 5 lần Ấn Độ), cả 2 nước Brazil và Nam Phi chiếm hơn 2,8%, trong khi Nga chỉ chiếm 1,7% (thấp hơn kinh tế của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Vậy Trung Quốc hay Nga thực sự là “nhà lãnh đạo tinh thần”của BRICS là câu hỏi lớn.
Đại dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc liệu có khiến sự băn khoăn hay thiếu mặn mà của Ấn Độ và Nga? Sự bất tương thích về lợi ích địa chính trị này, nếu bị đẩy lên đỉnh điểm, có thể bùng phát thành các xung đột “nóng” như những gì vừa diễn ra trên biên giới Ấn - Trung, còn ở mức độ thấp hơn, có thể cản trở các dự án hợp tác cụ thể mà BRICS đưa ra.
Sự cạnh tranh toàn cầu. Dự án của “Ngân hàng Phát triển Mới” (NDB) mà BRICS thành lập từ mùa hè 2015 với tham vọng lớn là trở thành đối trọng với các thiết chế tài chính như: WB, IMF, hay ADB, nhưng nay ngân hàng này chỉ tồn tại trên danh nghĩa và hoàn toàn lu mờ trước một thiết chế khác do Trung Quốc lập ra là Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).
Có thể thấy rằng, trong tuyên bố chung khi kết thúc, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRICS lần thứ 9 đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về tình hình quốc tế, quản trị toàn cầu, hợp tác BRICS; tái khẳng định sự cởi mở, toàn diện, hợp tác cùng thắng, gia tăng quan hệ đối tác nội khối và làm sâu sắc thêm sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Trong khuôn khổ diễn đàn về Thị trường mới nổi với các nước đang phát triển, các nước đối tác cùng Nhóm BRICS đã nhất trí củng cố quan hệ đối tác sâu rộng và thúc đẩy việc thực thi Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030; làm sâu sắc thêm hợp tác Nam - Nam, củng cố mô hình “BRICS +” và nhất trí quy tắc hóa và thể chế hóa giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, nhằm làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau.
Như vậy, với sự tồn tại và phát triển, BRICS đã từng được thế giới ghi nhận những thành tựu. Tuy nhiên, những tác động không thuận lợi trong bối cảnh địa - chính trị thế giới phức tạp; các nước nội khối nẩy sinh những bất đồng bởi lợi ích chiến lược và sự không tương thích nhau về nhiều mặt, nhất là giữa hai nước lớn đã làm cho mục tiêu đầy tham vọng của khối trở nên xa vời hơn.
Vì thế, giới chuyên gia nghiên cứu và dư luận cho rằng, tuy có những lợi thế và những thành tựu nhất định trong cuộc đấu tranh cho một thế giới “đa cực”, “đa trung tâm”, nhưng mục tiêu hướng tới sự phát triển để trở thành đối trọng với phương Tây hiện vẫn còn đang ở phía trước./.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp các doanh nghiệp hàng đầu Thụy Sĩ  (13/09/2017)
Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Azerbaijan  (13/09/2017)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự khánh thành cầu Bắc Luân 2 nối Việt Nam - Trung Quốc  (13/09/2017)
Thủ tướng chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó bão số 10  (13/09/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi Thư chúc mừng AIPA-38  (13/09/2017)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển