Đề án phân loại “ong”

Đức Tâm
16:37, ngày 14-07-2022

Trên điện thoại, ông K thông báo tin sốt dẻo là đã làm xong đề tài mới và mời tôi đến thẩm định, đánh giá, cho ý kiến. Tôi từ chối vì không biết nội dung đề tài là gì, có đúng chuyên ngành hay không thì K động viên bảo, yên tâm, nó nằm trong tầm của tôi.

Sáng ngày nghỉ, đúng hẹn, tôi có mặt ở nhà K. Sau ấm trà mạn đặc sản Thái Nguyên trứ danh với lời quảng cáo có cánh rằng “sạch” tới 100%, K vào đề:

- Đề tài của tôi tập trung đề xuất các biện pháp phân loại để diệt ong.

- Ông bị ấm đầu từ khi nào vậy? Ong là loài côn trùng có ích, hút mật hoa, cho đời mật ngọt, là phương thuốc quý giúp người chữa bệnh; giúp hoa thụ phấn cho trái cây thơm ngon. Sao ông lại diệt nó?

- Ông chưa hiểu hết ý tôi rồi!

- Thế ông giải thích đi. Sốt hết cả ruột.

- Ông thấy đấy, ong là côn trùng có đặc tính thấy hoa nở là đến. Chúng vây quanh hoa, cần mẫn hút nhụy làm mật. Nhưng khi hoa tàn nhị héo, nhụy hết hương thì chúng bỏ đi và tìm loài hoa khác. Tôi lấy hiện tượng ấy cho đề tài nghiên cứu của mình.

- Ơ, ông học ngành côn trùng bao giờ mà lại nghiên cứu về ong. Nếu tôi không nhầm thì ông nghiên cứu về tổ chức cán bộ cơ mà?

- Đấy, ông bắt đầu tiếp cận vấn đề rồi đấy. Hiện nay, ở các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn có một số cán bộ, công chức, viên chức mang trong mình đặc tính của loài ong. Họ triệt để tận dụng phương châm “thần thiêng nhờ bộ hạ” để “nhiều cùng” (cùng ăn, cùng uống, cùng ngủ, cùng chơi, cùng làm, cùng xem.....) với lãnh đạo.

- Ông thấy đấy, ngày nay, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng bận cả. Thôi thì đủ các thứ việc. Nào là họp cơ quan, gặp mặt, kỷ niệm, họp xây dựng đề án; rồi là họp với cấp trên, họp phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ..., bận như thế thì làm gì có thời gian mà làm các công việc khác.

Thế là trong lúc thủ trưởng, cấp trên cô đơn, bận mải, các “ong” kiếm cơ hội để gần. Họ không chỉ chuyện trò, giúp đỡ việc vặt mà còn cho “sếp” lên mây xanh. Họ thông tin cho thủ trưởng đủ các thứ chuyện, nào là anh B thế này; cậu C ở bộ phận kia thế khác; anh T không làm được việc, bảo thủ...

Qua lăng kính của họ, người họ ưa thì lung linh sắc màu và được thủ trưởng đặt niềm tin. Cũng qua miệng lưỡi của họ, những người ngay thẳng, trung thực, thật thà, dám đấu tranh lại bị chụp cho cái mũ xấu khiến “sếp” ghét, đì cho te tua, hói trán.

- Ôi giời, chuyện ấy thì ở đâu chẳng có. Nó nhan nhản và dầy như gieo mạ. Ông lo cho mệt người.

- Còn nữa ông ơi, những “con ong” ấy được “sếp” nâng đỡ và trở thành những cán bộ phòng này, ban khác cho dù chuyên môn chẳng có gì hơn người khác. Rồi đến lúc những “con ong” ấy tham mưu cho “sếp” việc này, việc khác như ký dự án này dự án kia. Lợi ích sếp được hưởng và những “con ong” cũng được hưởng.

Tuy nhiên, khi những vụ việc tiêu cực, đi đêm không đúng quy trình, quy định của pháp luật bị phanh phui thì thủ trưởng bị cơ quan chức năng sờ gáy, phải tra tay vào còng, phải đi “bóc lịch” dài dài thì những “con ong” kia chẳng hề hấn gì.

Với bản tính lấy “nhất thân nhì quen” để tiến thân, để làm chỗ dựa cho tìm kiếm lợi ích, những “con ong” ấy lại đi tìm “loài hoa mới” và thông qua những “miếng kẹo ngọt” vô hình và hữu hình chúng lại có chỗ đứng trong tâm trí của thủ trưởng mới.

- Thế ông phân loại những đối tượng ấy để làm gì?

- Ơ, tôi phân loại để cho những ai nằm “trong quy hoạch” sắp được lên chức, sắp được nắm quyền có cơ sở lý luận và thực tiễn để mà tránh, để cảnh giác và không bị những “con ong” vo ve xung quanh, hướng lái ký sai, ký láo, rồi đi vào nhà đá lúc nào không biết.

- Ôi giời, giờ thì tôi hiểu ý thâm sâu của ông. Nhưng tôi cũng nhắc ông rằng, Nhà nước đã có quy định cấm các hành vi “nịnh” nơi công sở nhé. Hằng năm, các tổ chức đảng cũng có đánh giá chất lượng đảng viên, chất lượng cán bộ. Thế nên, ông đừng tưởng các cán bộ lãnh đạo lơ mơ, ăn phải bả của các “ong” như ông nói. Họ tinh tường lắm.

- Không đâu ông ạ. Hiện nay, nhiều “sếp” không coi trọng việc đánh giá đâu. Họ có quyền chọn người. Mà người nào thân, người nào quen, người tin tưởng thì họ mới chọn. Thế nên mới có hiện tượng, chỉ một nhiệm vụ, một công văn ký sai, gây hậu quả do các “ong” tham mưu là thủ trưởng bị kỷ luật và thậm chí là về vườn, đi bóc lịch, còn các ‘ong” thì yên trí, tại vì trách nhiệm trước pháp luật là người ký, người lãnh đạo, chỉ đạo. Thế nên, hãy cảnh giác với “ong”. Muốn thế thì phải phân loại “ong” mà sử dụng nếu muốn là cán bộ được tín nhiệm, được muôn đời sau nhắc đến. Đấy là thông điệp của tôi rút ra. Ông hiểu chưa?

Tôi miễn cưỡng “Ừ” cho dù biết lão K bạn tôi chỉ kiếm câu chuyện làm quà, châm bị thóc, chọc bị gạo. Tuy nhiên, xem ra lão K cũng có lý khi đưa ra vấn đề này. Tôi phục cái trí tưởng tượng rất phong phú và thực tế của lão ta. Phải đau đáu với công tác thì hắn mới nghĩ ra cái đề tài hóc búa như thế này./.