Xây dựng vị thế quốc gia tầm trung: Kinh nghiệm của Australia và gợi mở đối với Việt Nam
TCCS - Australia được biết đến là một quốc gia tầm trung truyền thống điển hình trên thế giới. Từ lâu, trụ cột trong chính sách đối ngoại của Australia đã là ngoại giao quốc gia tầm trung. Chính vì vậy, trong nhiều thập niên qua, vị thế quốc gia tầm trung của Australia được đánh giá, ghi nhận và khẳng định, nhất là về năng lực, uy tín quốc gia, cũng như vai trò kết nối, hòa giải, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của khu vực và toàn cầu.
Khẳng định nội lực quốc gia
Nhìn lại lịch sử ngoại giao Australia qua các thời kỳ có thể thấy, các chính quyền Australia đều định hình chính sách an ninh và đối ngoại của nước này trên cơ sở nhận thức về ngoại giao quốc gia tầm trung(1). Ngay trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Australia là một trong những quốc gia đã có ý thức tự tìm kiếm phương cách nhằm định vị vị thế quốc gia trong hệ thống quan hệ quốc tế. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Tổ chức quốc tế năm 1945 tại San Francisco (Mỹ), H. V. Evatt - Ngoại trưởng Australia - là một trong những người đầu tiên đề cập đến cách tiếp cận quyền lực tầm trung trong chính sách đối ngoại, đó là theo đuổi chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa tích cực(2). Trên cơ sở đó, Australia tham gia thành lập Ủy ban Nam Thái Bình Dương (năm 1947) nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy phúc lợi kinh tế - xã hội cho các dân tộc thuộc các lãnh thổ không tự quản ở Nam Thái Bình Dương. Tiếp đến, Australia đã thành công trong vai trò dàn xếp quá trình đàm phán giành độc lập của Indonesia từ chế độ thực dân Hà Lan thông qua Liên hợp quốc trong giai đoạn 1947 - 1949.
Dưới thời kỳ Thủ tướng Robert Menzies (1950 - 1966), Chính phủ Australia đề cao vai trò trung gian hòa giải, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng đối thoại hòa bình và giữ cân bằng trong quan hệ với các nước trên thế giới. Đến thời kỳ của các Thủ tướng Gough Whitlam (1972 - 1975), Thủ tướng Malcolm Fraser (1975 - 1983), mức độ độc lập của Australia được tăng lên do bối cảnh phi thực dân hóa và hòa hoãn giữa hai khối Đông - Tây. Giai đoạn này, Australia nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thực thi chính sách quốc gia tầm trung thông qua một số lĩnh vực, như phản đối chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi... Tại Cuộc họp của những người đứng đầu Khối thịnh vượng chung (CHOGM) năm 1981, Australia nhấn mạnh những đóng góp vào cuộc tranh luận Bắc - Nam - một trong những minh chứng về trách nhiệm của quốc gia tầm trung.
Trong giai đoạn 1983 - 1988 dưới thời kỳ Thủ tướng Bob Hawke, vai trò kết nối của Australia được ghi nhận khi đưa ra Sáng kiến giải trừ quân bị (tháng 11-1984) với nỗ lực đưa Mỹ và Liên Xô ngồi lại với nhau trong các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Năm 1988, Chính phủ Australia nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên kết đa phương với các quốc gia có cùng chí hướng. Theo đó, vị thế quốc gia tầm trung của Australia đã đạt đến tầm mức cao vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Đến năm 1996, chính quyền Thủ tướng Australia John Howard (1996 - 2007) lấy ngoại giao song phương làm nền tảng, nhất là sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Sau thời kỳ này, Australia đã thay đổi nhiều chính quyền, từ Thủ tướng Kevin Rudd đến Thủ tướng Julia Gillard, Thủ tướng Kevin Rudd, Thủ tướng Tony Abbott, Thủ tướng Malcolm Turnbull, Thủ tướng Scott Morrison. Mỗi thời kỳ chính quyền đều có những ưu tiên chính sách khác nhau nhưng đều ít nhiều tiếp tục đường lối ngoại giao quốc gia tầm trung trong việc thực thi chính sách đối ngoại.
Đến thời điểm hiện nay, trong bối cảnh Australia phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu và khu vực, như: hệ quả của đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc…, song chính quyền Thủ tướng Anthony Albanese định hướng chương trình nghị sự trên cơ sở cân bằng giữa ngoại giao song phương và đa phương, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mục tiêu tiếp tục khẳng định là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy, một “công dân toàn cầu tốt”, bảo đảm vai trò của quốc gia tầm trung trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trên nền tảng nhận thức xuyên suốt qua các thời kỳ, Australia đã không ngừng củng cố sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó bao gồm “sức mạnh cứng”, “sức mạnh mềm” thể hiện qua lợi thế về địa lý, kinh tế, an ninh, quân sự, văn hóa... nhằm khẳng định vị thế quốc gia tầm trung. Nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bao gồm châu Đại dương, đảo Tasmania và các đảo nhỏ hơn, Australia là quốc gia lớn thứ 6 trên thế giới về diện tích (7.688.287 km2 (3)). Hiện nay, dân số của nước này là 26.268.359 người(4) với Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức 0,951 điểm, xếp thứ 5/191 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (năm 2022(5).
Về kinh tế, Australia có tiềm lực về phát triển cũng như sức cạnh tranh lớn trên thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này luôn giữ mức tăng trưởng đều: năm 2017 đạt 1.326 tỷ USD, năm 2018 đạt 1.432 tỷ USD, năm 2019 là 1.396 tỷ USD. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song GDP của Australia vẫn đạt 1.326 tỷ USD, năm 2021 là 1.552 tỷ USD(6). Năm 2022, con số này là 1.701 tỷ USD(7). Không chỉ vậy, Australia có nền kinh tế công, nông nghiệp phát triển nổi tiếng với trữ lượng khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên phong phú, là một trong những nước xuất khẩu nhiều nhất về năng lượng, các sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản, nhất là xuất khẩu than đá (chiếm 29% tổng sản lượng xuất khẩu than đá trên thế giới).
Về năng lực quốc phòng, Australia duy trì mức chi tiêu quốc phòng ổn định. Giai đoạn 2020 - 2021, chi tiêu quốc phòng của nước này chiếm 2% GDP, trong đó, năm 2020 là khoảng 27,5 tỷ USD, năm 2021 là 31,8 tỷ USD(8); năm 2022 là 32,3 tỷ USD, xếp thứ 13 trên thế giới về chi tiêu quốc phòng(9).
Hệ thống giáo dục cũng là một trong những thế mạnh quốc gia của Australia. Ngân sách chính phủ dành cho ngành giáo dục chiếm 7,3% GDP (các năm 2021, 2022)(10). Hiện nay, Australia có số lượng lao động kỹ năng cao và số lượng chuyên gia về công nghệ thông tin, tài chính và cơ khí thuộc những nước đứng đầu thế giới. Về văn hóa, Australia là một trong những quốc gia đa văn hóa, với hơn 270 dân tộc, nói hơn 260 ngôn ngữ và có sự đa dạng về tôn giáo. Vì vậy, Chính phủ Australia luôn thúc đẩy sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau.
Vươn tầm quốc tế
Trên thực tế, những chính sách ngoại giao quốc gia tầm trung của Australia trong nhiều năm qua được thể hiện ở từng phương diện điển hình, vươn tầm quốc tế. Cụ thể là:
Đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy xây dựng thể chế quốc tế
Trong giai đoạn trước năm 1945, Australia chưa thực sự ủng hộ chủ nghĩa đa phương, nhất là trong các vấn đề an ninh quốc tế khi thế giới liên tiếp xảy ra các cuộc chiến tranh và chưa có tổ chức đa phương nào (kể cả Hội Quốc liên) hoạt động thực sự hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh của các nước. Tuy nhiên kể từ năm 1945 khi Liên hợp quốc - một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện hợp tác quốc tế - ra đời, Australia đã thay đổi cách nhìn nhận. Tham gia Liên hợp quốc, Australia đã đưa ra cam kết về hợp tác toàn cầu hiệu quả. Theo đó, hợp tác đa phương trở thành trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Australia. Năm 1946, Australia giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; cung cấp các quan sát viên quân sự đầu tiên dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc năm 1947. Australia cũng tham gia tích cực trong việc soạn thảo các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc liên quan đến Hội đồng Bảo an. Hiện nay, Australia ủng hộ việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để có những cách thức tiếp cận toàn diện hơn đối với các thành viên của Liên hợp quốc, nhất là các nước vừa và nhỏ, nhằm ngăn chặn hiệu quả xung đột và xây dựng hòa bình bền vững.
Australia tham gia tích cực các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng và khôi phục hòa bình trên thế giới, như đóng vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, là quốc gia đi đầu trong đàm phán Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT), Công ước vũ khí hóa học (CWC). Bên cạnh đó, Australia là thành viên tích cực trong việc thúc đẩy thành lập Nhóm các nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20, năm 1999), đồng thời nỗ lực sử dụng cơ chế này để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.
Thúc đẩy ngoại giao chuyên biệt(11)
Đây là khái niệm được Ngoại trưởng Australia G. Evans đưa ra khi định nghĩa ngoại giao chuyên biệt là “tập trung nguồn lực trong những lĩnh vực cụ thể để có thể thu được kết quả tốt nhất đáng có, hơn là tìm cách phủ bóng lên mọi lĩnh vực”(12). Do vậy, Ngoại trưởng Australia G. Evans xác định vai trò quốc gia tầm trung của Australia được thể hiện ở những lĩnh vực chuyên sâu trên cơ sở bảo đảm đủ những nguồn lực vật chất và tri thức cần thiết để đạt được thành công. Các vấn đề chủ chốt trong chương trình nghị sự quốc tế bao gồm nhân quyền, môi trường và thúc đẩy một hệ thống thương mại mở và công bằng, đều thuộc lĩnh vực chuyên biệt của Australia.
Trên thực tế, trong vấn đề nhân quyền, là một trong những quốc gia soạn thảo Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, đồng thời là nước tiên phong trong việc thực hiện nhất quán và toàn diện, Australia thực thi một cam kết lâu dài đối với vấn đề nhân quyền quốc tế và là một bên tích cực của các hiệp ước nhân quyền thế giới (như Công ước về quyền trẻ em (CRC), Nghị định thư về Công ước về quyền trẻ em đối với sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang (OPAC),…). Bên cạnh đó, Chính phủ Australia cam kết theo đuổi những mục tiêu bình đẳng giới trong chương trình nghị sự quốc tế.
Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, Australia đóng vai trò mang tính xây dựng trong thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đặt mục tiêu giảm 26% - 28% lượng khí phát thải dưới mức năm 2005 vào năm 2030; tích cực hỗ trợ các nỗ lực hành động quốc tế về biến đổi khí hậu thông qua các chương trình viện trợ và đóng góp cho các quỹ đa phương, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Australia thông qua Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai giai đoạn 2015 - 2030.
Đối với việc thúc đẩy một hệ thống thương mại mở và công bằng, năm 2018, Australia tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đồng thời tính đến năm 2020, Australia đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), đóng góp vào việc xóa bỏ những rào cản đối với thương mại và đầu tư quốc tế(13). Với mục tiêu củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, bảo đảm tự do hàng không, hàng hải, kết nối khu vực và thương mại mở, Australia tham gia chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cùng với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Tham gia quản trị toàn cầu, xây dựng hình ảnh “công dân toàn cầu tốt”
Tham gia quản trị toàn cầu, một trong những mục tiêu được Australia triển khai là thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải và kiến tạo hòa bình. Từ năm 1945 đến nay, các hoạt động trung gian hòa giải trong nhiều cuộc xung đột đều có sự tham gia của Australia. Không chỉ vậy, vai trò trong các nỗ lực duy trì và gìn giữ hòa bình của Australia đã để lại dấu ấn tích cực với việc tham gia các hoạt động hòa bình và an ninh đa phương của Liên hợp quốc và các hoạt động khác, như: Ủy ban Chuyển tiếp của Liên hợp quốc ở Campuchia (UNTAC), Lực lượng quốc tế cho Đông Timor (INTERFET), Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cyprus (UNFICYP), Cơ quan Giám sát đình chiến của Liên hợp quốc tại Trung Đông (UNTSO), Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS)…
Vai trò trung gian hòa giải của Australia còn được đề cao đối với nhiều điểm nóng căng thẳng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như căng thẳng ở Biển Đông, bất ổn ở Thái Lan... Trong đó, Australia có sự quan tâm đối với vấn đề Biển Đông không chỉ bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà còn nằm trong tầm nhìn gắn kết nhu cầu an ninh và phát triển của Australia với khu vực châu Á, đồng thời góp phần mang lại sự thừa nhận của quốc tế cho Australia với tư cách là quốc gia tầm trung. Đối với vấn đề này, Australia đã có động thái nhằm khẳng định sự độc lập tự chủ, cân bằng các mối quan hệ của Australia với những nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, đồng thời thực thi vai trò ủng hộ luật pháp quốc tế. Ngày 23-7-2020, Australia đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc nhằm bác bỏ toàn bộ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông bởi hành động này không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong xây dựng hình ảnh “công dân toàn cầu tốt”, Australia cam kết phát triển, duy trì trật tự quốc tế và khu vực dựa trên pháp quyền, đồng thời hướng đến sự ổn định, công bằng, bình đẳng và chủ nghĩa đa phương. Theo đó, Australia thúc đẩy các thể chế quản trị toàn cầu; vai trò quốc tế của Australia được nhìn nhận như là “tiếng nói của các nước vừa và nhỏ”, ủng hộ thế giới thứ ba trong tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng không có quyền lực và bị gạt ra ngoài rìa trong các chương trình nghị sự toàn cầu của nhóm các nước lớn. Bên cạnh đó, Australia là một trong những nước đi đầu trong các vấn đề toàn cầu, như chống khủng bố quốc tế thông qua tăng cường hợp tác, đồng phối hợp các nỗ lực xây dựng năng lực trên toàn thế giới trên cơ sở khuôn khổ những diễn đàn đa phương như ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Chống khủng bố toàn cầu (GCTF) và Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân.
Một số gợi mở đối với Việt Nam trong xây dựng vị thế, thực lực quốc gia tầm trung
Một là, thống nhất cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia tầm trung.
Bối cảnh thế giới và khu vực trong những năm tiếp theo được dự báo tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, những biến động địa - chính trị, địa - kinh tế khó lường, những vấn đề an ninh phi truyền thống, điểm nóng xung đột ngày càng khó kiểm soát…, trong khi luật pháp quốc tế và các thể chế quốc tế bị thách thức nghiêm trọng, chủ nghĩa đa phương bị thu hẹp bởi lợi ích vị kỷ của các quốc gia. Đây là môi trường tạo ra những mặt nghịch, nhưng đồng thời tạo ra những mặt thuận nhất định để các quốc gia tầm trung phát huy được vai trò “trung gian hòa giải”, “kết nối”, “thúc đẩy và dẫn dắt” trong các vấn đề quốc tế, do vậy, Việt Nam cần nắm bắt thời cuộc. Bởi, khi trở thành quốc gia tầm trung sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam có vai trò ngày càng lớn hơn trong các chương trình nghị sự toàn cầu, là nhân tố quan trọng trong bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Trên thực tế, cùng với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng trong suốt hơn ba thập niên qua, Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm, tích cực trong đóng góp đối với các tổ chức đa phương, các thể chế quốc tế. Đồng thời, thể hiện năng lực quốc gia, vai trò dẫn đầu, kết nối trong các vấn đề khu vực, toàn cầu, nhất là đối với ASEAN. Sự tham gia của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thế và lực của Việt Nam được nâng cao chưa từng có. Đây là những điều kiện cần và đủ để Việt Nam vươn tới vị thế quốc gia tầm trung trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, cần đạt được sự thống nhất nhận thức về tầm quan trọng trong việc xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam muốn ghi danh vào hàng ngũ những quốc gia tiên tiến và được định vị cao trên bản đồ chính trị, kinh tế thế giới.
Hai là, tăng cường thực lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Sau hơn 36 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ðất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Chính trị ổn định, kinh tế phát triển, xã hội đồng thuận, dân tộc đoàn kết. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(14). Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nền kinh tế Việt Nam phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao, quy mô GDP không ngừng được mở rộng (năm 2020 đạt 346,6 tỷ USD, năm 2021 đạt 366,1 tỷ USD, năm 2022 đạt 408,8 tỷ USD)(15). Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tham gia hơn 500 FTA với 65 nền kinh tế. Về phát triển xã hội, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân 3.694 USD/người (năm 2021). Năm 2021, chỉ số HDI của Việt Nam đạt 0,703 điểm (tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117 năm 2019 lên 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ)(16).
Trong dài hạn, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao(17). Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, đặc biệt là nâng cao “sức mạnh cứng”, “sức mạnh mềm”, như: Khả năng về quân sự, chất lượng của nền kinh tế, kết cấu hạ tầng hiện đại; ưu tiên năng lực về khoa học - công nghệ, quản trị quốc gia và chất lượng chính sách. Đây là chìa khóa thành công đối với Việt Nam, nhất là khi Đông Nam Á nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nước lớn và cộng đồng quốc tế. Khi đó, Việt Nam đạt được vai trò quốc gia tầm trung sẽ ngày càng khẳng định được vị thế, vươn tầm quốc tế.
Ba là, kiên trì, kiên định đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.
Từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới, trong đó có 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện, có toàn bộ các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước ASEAN. Không chỉ vậy, Việt Nam tham gia có trách nhiệm trong hầu hết các tổ chức quốc tế. Những kết quả này cần tiếp tục phát huy nhằm góp phần làm rõ nét hơn, làm phong phú thêm bản sắc đối ngoại, “thương hiệu quốc gia” của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là “công dân toàn cầu tốt” được dư luận và bạn bè quốc tế ủng hộ. Cụ thể, tiếp tục có sự thống nhất về tư duy, về tư tưởng chỉ đạo, có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, phối hợp nhuần nhuyễn đối ngoại đảng với ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân. Cần cách tiếp cận bảo đảm nhu cầu chủ quan lẫn khách quan nhằm đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đóng góp vào việc nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực và thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác, gắn kết thực chất hơn nữa với các quốc gia tầm trung, tức là hợp tác theo “chiều ngang”, gắn với bản sắc chung của các nước “tương đồng” về năng lực và hành vi nhằm giảm thiểu tác động không thuận từ bối cảnh quốc tế, tận dụng những lợi ích chiến lược quan trọng thông qua chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.
Bốn là, nâng tầm quan hệ đối ngoại đa phương, thúc đẩy những sáng kiến trong các thể chế quốc tế, chủ động nắm bắt vai trò đi đầu, thể hiện tầm nhìn trong quản trị toàn cầu, góp phần xây dựng, củng cố trật tự quốc tế dựa trên chuẩn mực, luật pháp quốc tế.
Trong những năm tới, bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Chính vì vậy, việc tiếp tục tham gia tích cực các cơ chế đa phương giúp Việt Nam tăng khả năng tham gia sâu hơn quá trình quản trị các vấn đề toàn cầu. Trên thực tế, thời gian qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách đẩy mạnh đối ngoại đa phương, tích cực thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt tại Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), đối ngoại đa phương được nhấn mạnh, trong đó khẳng định cần “chủ động tham gia và phát triển vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể”(18), “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế”(19).
Do vậy, trong thời gian tới, ngoại giao cần luôn đi trước một bước, với vai trò và hiệu quả phải được đề cao hơn nữa. Cụ thể, trong hoạt động ngoại giao, cần tạo các yếu tố bền vững, trong đó quan trọng là đan xen chặt chẽ về lợi ích, giá trị trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của nhau; xây dựng, củng cố khuôn khổ lâu dài cho các mối quan hệ và tăng cường khả năng điều chỉnh, thích ứng trước những thay đổi. Về ngoại giao đa phương, Việt Nam cần xây dựng vai trò điều phối, khả năng khởi xướng, đề xuất sáng kiến, sẵn sàng dẫn dắt, cải thiện năng lực ứng phó nhanh, quản trị khủng hoảng, điều hòa lợi ích kể cả khi có sự khác biệt. Việt Nam cần tiếp tục đặc biệt ưu tiên ASEAN (với tư cách là một thực thể tầm trung), gắn một phần với bản sắc ASEAN. Theo đó, Việt Nam không chỉ tham gia các diễn đàn, các tổ chức đa phương, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, mà còn có những sáng kiến, những đóng góp cụ thể, khả thi, thậm chí đi đầu trong một số lĩnh vực, một số vấn đề mà Việt Nam có khả năng tham gia và có thế mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tích cực tham gia quản trị toàn cầu, góp phần định hình luật chơi của hệ thống quốc tế, giữ vai trò trung gian, hòa giải trong các xung đột khu vực, thế giới với tinh thần bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; chú trọng hội nhập quốc tế trong tình hình mới(20).
Tựu trung, từ giá trị tham khảo của Australia, có thể thấy đối với Việt Nam, việc xây dựng vị thế, thực lực quốc gia tầm trung sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng về sự công nhận, ngày càng khẳng định vị thế quốc gia trong thời điểm những “người khổng lồ” đang trỗi dậy. Đồng thời với đó, triển khai chính sách ngoại giao quốc gia tầm trung thể hiện tính tích cực, chủ động, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm, luôn đóng góp vì sự phát triển, vì hòa bình và ổn định trên thế giới./.
-----------------------
(1) Xem: Carl Ungerer: “Spit and polish for middle power” (Tạm dịch: Đánh bóng quyền lực tầm trung), The Sydney Morning Herald, ngày 28-3-2008, http://www.smh.com.au/news/opinion/spit-and-polish-for-middle-power/2008/03/27/1206207302302.html
(2) Chủ nghĩa tích cực được hiểu là xu hướng thúc đẩy hợp tác đa phương giữa các quốc gia có cùng chí hướng
(3) “National, state and territory population” (Tạm dịch: Dân số quốc gia, tiểu bang và lãnh thổ), Australian Bureau of Statistics, tháng 9-2022, https://www.abs.gov.au/statistics/people/population/national-state-and-territory-population/sep-2022
(4) “National, state and territory population” (Tạm dịch: Dân số quốc gia, tiểu bang và lãnh thổ), Australian Bureau of Statistics, tháng 12-2022, https://www.abs.gov.au/statistics/people/population/national-state-and-territory-population/dec-2022
(5) “Human Development Index (HDI) by Country 2023” (Tạm dịch: Chỉ số phát triển con người (HDI) theo quốc gia 2023), 2023, https://worldpopulationreview.com/country-rankings/hdi-by-country
(6) “Australia GDP” (Tạm dịch: Tổng sản phẩm quốc nội của Australia), Trading Economics, 2022, https://tradingeconomics.com/australia/gdp
(7) “Australia: Gross domestic product (GDP) in current prices from 1987 to 2028” (Tạm dịch: Australia: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo giá hiện hành từ năm 1987 đến năm 2028), Statista, 2023, https://www.statista.com/statistics/263573/gross-domestic-product-gdp-of-australia/
(8) “Countries with the highest military spending worldwide in 2021” (Tạm dịch: Các quốc gia có chi tiêu quân sự cao nhất thế giới năm 2021), Statista, 2021, https://www.statista.com/statistics/262742/countries-with-the-highest-military-spending/
(9) “Countries with the highest military spending worldwide in 2022” (Tạm dịch: Các quốc gia có chi tiêu quân sự cao nhất thế giới năm 2022), Statista, 2023, https://www.statista.com/statistics/262742/countries-with-the-highest-military-spending/
(10) Hazel Ferguson và Marilyn Harrington: “Education and training” (Tạm dịch: Giáo dục và đào tạo), Parliament of Australia, 2022, https://www.aph.gov.au/About_Parliament/Parliamentary_Departments/Parliamentary_Library/pubs/rp/BudgetReview201920/EducationTraining#:~:text= Key%20figures,)%20(Table%203%20below).
(11) Xem thêm: Vũ Lê Thái Hoàng: Ngoại giao chuyên biệt: Hướng đi, ưu tiên mới của ngoại giao Việt Nam đến năm 2030, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020
(12) Gareth Evans and Bruce Grant: “Australia’s foreign relations in the world of the 1990s” (Tạm dịch: Đề xuất của Australia về một “Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương”: Các vấn đề và triển vọng quan hệ đối ngoại của Australia trong những năm 1990 ), Melbourne University Press, 1991, tr. 323
(13) “Australia's free trade agreements (FTAs)” (Tạm dịch: Hiệp định thương mại tự do của Australia), Australia Gornement, Department of Foreign Affaires and Trade, 2022, https://www.dfat.gov.au/trade/agreements/trade-agreements#:~ :text=Australia%20negotiates%20FTAs%20to%20benefit,to%20international%20trade%20and%20investment.,
(14) “Vững tin thực hiện khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc”, Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 18-2-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher /s5L7xhQiJeKe/content/vung-tin-thuc-hien-khat-vong-phat-trien-dat-nuoc-cuong-thinh-phon-vinh-hanh-phuc
(15) “Tăng trưởng GDP: Kết quả 2022, kỳ vọng 2023”, Tạp chí Điện tử VnEconomy, ngày 25-2-2023, https://vneconomy.vn/tang-truong-gdp-ket-qua-2022-ky-vong-2023.htm#:~:text=(1)%20N%E1%BA%BFu%20t%C3%Adnh %20theo%20t%E1%BB%B7,t%E1%BB%91c%20%C4%91%E1%BB%99%20t%C4%83ng%20kh%C3%A1%20cao.
(16) “Chỉ số phát triển con người Việt Nam tăng hai bậc”, Báo Điện tử Nhân dân, ngày 10-9-2022, https://nhandan.vn/chi-so-phat-trien-con-nguoi-viet-nam-tang-hai-bac-post714578.html
(17) Phạm Minh Chính: “Việt Nam nỗ lực, quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tầm nhìn, mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước”, Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 31-10-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/ web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/viet-nam-no-luc-quyet-tam-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thuc-hien-tam-nhin-muc-tieu-va-khat-vong-phat-trien-dat-nuoc
(18), (19), (20) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 162, 163, 164, 101
Xây dựng vị thế, thực lực quốc gia tầm trung: Trường hợp của Hàn Quốc  (11/02/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác  (28/10/2021)
Quốc gia tầm trung với định hướng ngoại giao chuyên biệt: Một số gợi ý cho Việt Nam đến năm 2030  (25/06/2021)
Chiến lược của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  (15/03/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm