Một số kinh nghiệm từ quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới của lực lượng vũ trang các quân khu
TCCS - Tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn các quân khu đã đúc rút được những kinh nghiệm quý giá, phục vụ thiết thực quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung, hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới nói riêng, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Mặc dù là cấp thấp nhất trong tổ chức của hệ thống chính trị các cấp, song hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp rất quan trọng, vì trực tiếp giải quyết các công việc của người dân, gần dân, sát dân nhất. Trên địa bàn biên giới, hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức và vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở các địa phương.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới, thực hiện chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, những năm qua, lực lượng vũ trang các quân khu luôn chủ động trong tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là đòi hỏi khách quan, cấp thiết của sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững địa bàn biên giới.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đảng ủy, bộ tư lệnh các quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới. Hằng năm, trên cơ sở nghị quyết của cấp ủy các cấp địa phương về công tác quốc phòng - quân sự, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang các quân khu căn cứ vào đặc điểm địa bàn, chức năng, nhiệm vụ của mình để tham mưu, xây dựng kế hoạch, trong đó xác định nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng thời, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp công tác trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo, phát huy dân chủ, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh,...
Các đơn vị lực lượng vũ trang chú trọng tổ chức các tổ, đội công tác thường xuyên bám, nắm cơ sở trên địa bàn biên giới; cử cán bộ tham gia sinh hoạt cùng các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia tiếp xúc cử tri để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý các tình huống phát sinh từ cơ sở. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, trao đổi, tọa đàm, giúp các cán bộ, chiến sĩ nâng cao hiểu biết về truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, những năm qua, đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn biên giới luôn ổn định, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, từng bước ổn định cuộc sống; tình trạng di dịch cư tự do, khiếu kiện đông người và điểm nóng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội từng bước giảm đi đáng kể.
Trong quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới của lực lượng vũ trang các quân khu, xuất hiện nhiều cách làm mới, mô hình hay, như phong trào “Đồn là nhà, đồng bào dân tộc như là anh em” của các đồn biên phòng; các phong trào “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào các dân tộc thiểu số ở cơ sở), “Mỗi ngày một lần xuống bản” để thường xuyên nắm chắc tình hình, tham gia thiết thực trong xây dựng hệ thống chính trị ở các xã, phường, thị trấn, thôn, bản biên giới.
Gắn bó và trực tiếp tham gia với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các tổ, đội công tác, đoàn kinh tế - quốc phòng có nhiều giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, như chú trọng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số và cán bộ thôn, bản; tổ chức làm điểm, làm mẫu về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, hướng dẫn người dân trồng ngô lai cao sản, thảo quả, trồng chuối, nuôi ong, nuôi dê...; tham gia phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho hơn một vạn con em đồng bào các dân tộc thiểu số; khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt đồng bào trên địa bàn biên giới... Các cán bộ, chiến sĩ của tổ, đội công tác được tăng cường về hoạt động ở các xã trên địa bàn biên giới, với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin” và thực hiện “4 cùng”, đã không ngừng tô thắm hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ”, được nhân dân tin yêu, ủng hộ.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới của lực lượng vũ trang các quân khu còn có những khó khăn, hạn chế. Có lúc, có nơi, nội dung tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở còn chồng chéo, chậm được đổi mới; việc sử dụng nội dung, cách thức tham gia chưa thật sự linh hoạt, còn máy móc hoặc mang tính hình thức, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Việc bám, nắm các cơ sở trên địa bàn biên giới, tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các già làng, trưởng thôn, trưởng bản và những người có uy tín tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cán bộ, chiến sĩ chưa thật sự am hiểu về phong tục, tập quán, hạn chế trong nghe, nói tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số, dẫn đến thiếu chủ động trong tham mưu, chỉ đạo tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Ở một số cơ quan, đơn vị, công tác phối hợp trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn đạt hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở chưa được chú trọng đúng mức...
Từ quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới thời gian qua của lực lượng vũ trang các quân khu, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang cần nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới.
Thực tiễn chỉ ra rằng, khi nào và ở đâu, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; quan tâm, sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thì các nội dung tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn này được tổ chức triển khai thường xuyên và đạt kết quả cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Ngược lại, ở những cơ quan, đơn vị mà cấp ủy, chỉ huy chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng, cũng như nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, thì việc triển khai thực hiện thường mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả.
Theo đó, trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung, vai trò của lực lượng vũ trang trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới nói riêng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang phải là những người tiên phong trong đổi mới nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới, chú trọng đến kết quả thực chất và khắc phục việc tổ chức thực hiện một cách xơ cứng hoặc đối phó. Nghiêm túc, thẳng thắn trong đánh giá, rút kinh nghiệm về những hạn chế của cơ quan, đơn vị mình phụ trách trong quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, từ đó xác định phương hướng và có kế hoạch cụ thể để khắc phục những hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị về nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới; chủ động tổ chức quán triệt nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch của cơ quan, đơn vị về tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ để bảo đảm sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, giữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Thứ hai, việc triển khai các nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới cần bám sát đặc điểm, tình hình thực tế của các địa phương, của hệ thống chính trị ở cơ sở trên từng địa bàn và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang.
Để việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới đạt hiệu quả, chất lượng, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác này, cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, năng lực của mình và bám sát thực tiễn ở các cơ sở, nắm chắc đặc điểm, tình hình của hệ thống chính trị trên từng địa bàn để triển khai các nội dung, cách thức tham gia một cách sáng tạo, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Điều này đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt tình hình mọi mặt, kịp thời phát hiện các yếu tố phát sinh, như sự thay đổi của các đối tượng tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, những khâu yếu, mặt yếu, bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất, năng lực trong tham gia công tác này... để tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ, khắc phục.
Trong thời gian tới, tình hình trên các tuyến biên giới của Tổ quốc sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn các quân khu phải không ngừng đổi mới nội dung và cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới, tập trung thực hiện mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường và củng cố quốc phòng - an ninh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Việc đổi mới nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn này, một mặt, phải được triển khai một cách toàn diện; mặt khác, phải có sự kế thừa, lựa chọn và phát triển hợp lý những kinh nghiệm qua tổng kết thực tiễn ở cơ sở, không dập khuôn, máy móc hoặc chủ quan, tùy tiện.
Thứ ba, trong quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang và có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới là một nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều lực lượng, như các đơn vị bộ đội chủ lực, các tổ, đội công tác, các đoàn kinh tế - quốc phòng trực thuộc các quân khu, các cơ quan quân sự và lực lượng dân quân tự vệ địa phương, các lực lượng làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu biên giới quốc gia, quốc tế... Do đó, để làm tốt công tác này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, đồng thời vận dụng tốt cơ chế lãnh đạo, phối hợp, hiệp đồng công tác giữa các lực lượng với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của các địa phương.
Để phát huy vai trò của ban chỉ huy quân sự và lực lượng dân quân tự vệ ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn biên giới trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh cần tham mưu đúng, trúng, kịp thời và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các huyện, xã để nắm chắc tình hình mọi mặt của các lực lượng trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của công tác này. Đặc biệt, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của đảng ủy, bộ tư lệnh các quân khu và bộ đội địa phương các tỉnh trong việc phối hợp với hệ thống chính trị các cấp, nhằm tham gia có hiệu quả vào xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới. Nội dung phối hợp cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu, như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị ở các xã, phường, thị trấn biên giới; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên; theo dõi, kiểm tra kết quả đổi mới nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn của các lực lượng thuộc quyền...
Thứ tư, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới.
Phẩm chất, năng lực của cán bộ, chiến sĩ là nhân tố tác động trực tiếp đến hiệu quả triển khai các nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới. Theo đó, cần có những yêu cầu nhất định về phẩm chất và năng lực đối với các cán bộ, chiến sĩ trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới, như có kiến thức toàn diện, nhất là kiến thức về xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, về dân tộc, tôn giáo, pháp luật, quản lý...; có cách thức phù hợp trong xây dựng các điểm sáng kinh tế, văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số và trong công tác vận động nhân dân; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; có ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm cao; kiên trì trong công việc, gắn bó với nhân dân, bám sát địa bàn, không ngừng khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ...
Năng lực công tác và phẩm chất đạo đức của cán bộ, chiến sĩ là hai yếu tố có mối quan hệ mật thiết, là điều kiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ này trong tham gia xây dựng đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Nếu phẩm chất và năng lực không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thì cán bộ, chiến sĩ không thể đảm đương tốt các cương vị, chức trách được phân công, không đủ uy tín để vận động nhân dân và phối hợp với các lực lượng trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới. Do đó, muốn đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn này, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ là rất quan trọng, cấp thiết.
Thứ năm, bảo đảm các điều kiện vật chất, cơ chế, chính sách cho lực lượng vũ trang trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới.
Việc bảo đảm các điều kiện vật chất, cơ chế, chính sách để cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt, nó thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện và ghi nhận của cấp ủy, chỉ huy, các cấp, các ngành đối với những đóng góp của lực lượng vũ trang; mặt khác, nó là nguồn động lực, cổ vũ, động viên đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác này yên tâm công tác, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những năm qua, cùng với nguồn kinh phí được cấp, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang có nhiều cố gắng để tạo nguồn kinh phí phục vụ việc triển khai các nội dung tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới. Tuy nhiên, việc trang bị các phương tiện cần thiết phục vụ công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo trong khai thác và sử dụng các nguồn cơ sở vật chất, phương tiện hiện có, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của các cấp trên cơ sở, đặc biệt là tạo điều kiện về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, như chính sách phụ cấp đặc biệt; chính sách học tập, đào tạo, phát triển cán bộ lâu dài; chính sách sử dụng và luân chuyển cán bộ; chính sách hậu phương quân đội...
Nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới của lực lượng vũ trang các quân khu là nội dung cơ bản, quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, đặc biệt là trong xây dựng “thế trận lòng dân”. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những hạn chế, chưa theo kịp tình hình, hiệu quả chưa cao. Theo đó, những kinh nghiệm được rút ra từ quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn biên giới thời gian qua cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cụ thể vào đổi mới nội dung, cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở của lực lượng vũ trang các quân khu trong thời gian tới./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 11 đến ngày 17-03-2019)  (19/03/2019)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp các vị khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam  (19/03/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 11 đến ngày 17-3-2019)  (19/03/2019)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên