Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 10 đến ngày 16-9-2018)

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn)
21:48, ngày 19-09-2018
TCCSĐT - Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được tổ chức tại Hà Nội đã kết thúc và được đánh giá là hội nghị khu vực thành công không chỉ về mặt nội dung mà còn cả công tác tổ chức. Hội nghị đã quy tụ 9 nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hungary

Nhận lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Hungary từ ngày 08 đến ngày 11-9-2018. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Thủ tướng Viktor Orbán; hội kiến Tổng thống János Áder; Phó Chủ tịch Quốc hội Hende Csaba; dự Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học Hungary - Việt Nam và thăm thành phố Szentendre.

Qua các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên nhất trí đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế nhằm tạo nhiều cơ hội hợp tác hơn; nhất trí thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội trao đổi, tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Hungary có thế mạnh, nhất là về dược phẩm, năng lượng tái tạo, công nghiệp quốc phòng, xử lý môi trường... Hai bên quyết tâm thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên toàn diện các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch…, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong quá trình phát triển.

Hai bên thống nhất tăng cường tham vấn về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm; hợp tác hiệu quả tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và Hợp tác Mekong - Danube. Việt Nam ủng hộ Hungary mở rộng hợp tác với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và Hungary cam kết cam kết góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary và ký kết 7 văn kiện hợp tác, tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Ý nghĩa chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Chuyến thăm của Tổng Bí thư đã tạo một dấu mốc rất quan trọng với việc xác lập và nâng cấp khuôn khổ quan hệ Việt Nam - Hungary lên quan hệ “đối tác toàn diện”, vừa thể hiện cao độ tầm quan trọng của quan hệ hai nước, vừa khẳng định quyết tâm của cả hai bên mở rộng hợp tác toàn diện và hiệu quả, nhất là các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác quốc phòng, y tế, tư pháp, giáo dục - đào tạo, môi trường..., trong đó một số lĩnh vực đã được cụ thể hóa thông qua việc ký kết 7 văn kiện hợp tác trong chuyến thăm. Việc nâng cấp quan hệ “đối tác toàn diện” với Hungary cũng giúp Việt Nam củng cố và mở rộng dư địa hợp tác trong quan hệ với Liên minh châu Âu...

Chuyến thăm không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến một nước thuộc khu vực Trung - Đông Âu sau gần 30 năm, khẳng định chủ trương của Việt Nam coi Hungary là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Trung - Đông Âu. Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm này với Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Hungary sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước.

Tổng thống Cộng hòa Indonesia và Phu nhân thăm cấp Nhà nước Việt Nam


Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo và Phu nhân thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 11 đến ngày 12-9-2018. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Joko Widodo hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Indonesia về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược. Nhân dịp này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên bày tỏ hài lòng quan hệ Đối tác chiến lược hai nước đang phát triển tốt đẹp và ngày càng trở nên sâu sắc hơn với sự tin cậy mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội và giao lưu nhân dân. Hai bên nhất trí duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và tạo thêm nhiều cơ hội để trao đổi quan điểm, ý tưởng, sáng kiến đối với các vấn đề chiến lược thông qua các cơ chế và tham vấn song phương, trong đó có Ủy ban Hợp tác Song phương (JCBC); tăng cường hợp tác tương trợ tư pháp, đặc biệt là trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ về Hợp tác Tư pháp và Pháp luật ký năm 2017, trong đó bao gồm việc trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, cải cách hành chính, chống tham nhũng... Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như buôn bán ma túy bất hợp pháp, buôn bán người, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, rửa tiền. Hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của mỗi nước.

Về kinh tế, hai bên nhất trí triển khai nhiều biện pháp mạnh hơn để tăng cường thương mại song phương; thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của hai nước, nhất là trong thăm dò, sản xuất và dịch vụ dầu khí, công nghiệp lọc dầu. Hai bên nhất trí tăng cường kết nối hàng không và hàng hải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa và con người… Chia sẻ nhiều quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu và khu vực, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, thiên tai, thách thức an ninh liên lĩnh vực lương thực-nước-năng lượng. Hai bên tái khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh hợp tác đang tiến triển giữa ASEAN và Trung Quốc và vui mừng trước những tiến triển thực chất trong việc đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF ASEAN 2018: Củng cố đoàn kết, hợp tác, phát triển và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN

Từ ngày 11 đến ngày 13-9-2018, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Sự kiện này được xác định là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương. Hội nghị đã có sự góp mặt của 9 vị lãnh đạo cao cấp của các nước ASEAN cũng như ngoài khu vực đến tham dự, trên 1.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, thành viên của WEF đến dự. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam và khu vực ASEAN. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử WEF, lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đến tham dự phiên khai mạc, cùng với các vị lãnh đạo của Việt Nam.

Với gần 60 phiên thảo luận sôi nổi và thực chất, Hội nghị đã thực sự là ngày hội giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), trong đó có nhiều nhận thức mới, kinh nghiệm thực tiễn tốt, cũng như các ý tưởng, chính sách về khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Hội nghị cũng đã đưa ra nhiều ý tưởng khuyến nghị về các hướng trang bị cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số để làm chủ công nghệ mới và đáp ứng các yêu cầu của việc làm mới. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào giáo dục thông minh ở các nước ASEAN.

ASEAN là khu vực đang thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển, nhưng sự cạnh tranh từ những thị trường mới nổi cũng có tác động rõ rệt đòi hỏi ASEAN cần sớm có sự thích nghi để "chống chọi" tốt hơn với thách thức. Sự biến chuyển nhanh chóng của thế giới tạo ra những cơ hội to lớn cho ASEAN trong hiện thực hóa tầm nhìn cộng đồng ASEAN năm 2025. Diễn đàn lần này đã tạo cơ hội cho các cuộc tiếp xúc, trao đổi giá trị, tập hợp được nhiều ý kiến, quan điểm, tiếng nói khác nhau để cùng bàn thảo hướng tới một tương lai lạc quan hơn cho ASEAN. Những điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường thương mại sẽ xuất hiện nhiều hơn, do đó để hạn chế rào cản thương mại, các quốc gia ASEAN cần tiếp tục theo đuổi và duy trì các thỏa thuận thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Những hoạt động bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018

Bên lề Hội nghị WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, GS. Klaus Schwab, người sáng lập - Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thủ tướng Sri Lanka, Ngài Ranil Wickremesinghe, gặp song phương Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo, tiếp Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, ông Gilbert Kaplan, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Timor - Leste Dionisio Babo Soares, tiếp Chủ tịch Điều hành châu Á - Thái Bình Dương của Google, ông Karim Temsamani và Phó Chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Facebook, ông Simon Milner.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn GE Global, ông Alex Dimitrief, tiếp ông Cees 't Hart, Tổng Giám đốc Tập đoàn Carlsberg, một hãng đồ uống nổi tiếng của Đan Mạch, và có buổi gặp gỡ, đối thoại với khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia sang Việt Nam tham dự hội nghị. Cùng với đó, các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã dành thời gian tiếp, đối thoại với lãnh đạo của 40 tập đoàn tài chính, công nghệ toàn cầu và 5 doanh nghiệp trong nước tham dự Diễn đàn, nhằm lắng nghe các trao đổi, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nền kinh tế số, đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Đồng chí Salvado Valdés Mesa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba, Trưởng đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Cu-ba thăm Việt Nam

Ngày 13-9-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi tiếp thân mật đồng chí Salvado Valdés Mesa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba, Trưởng đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Cu-ba đang ở thăm Việt Nam, dự các hoạt động kỷ niệm 45 năm chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro tới vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 9-1973 - tháng 9-2018).

Tại các buổi tiếp, đồng chí Salvado Valdés Mesa nêu bật ý nghĩa to lớn của chuyến thăm Quảng Trị của Tổng Tư lệnh Fidel Castro, khẳng định chuyến thăm đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Cuba - Việt Nam. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba, đồng chí Salvado Valdés Mesa khẳng định mong muốn và quyết tâm thực hiện những di huấn của hai lãnh tụ lịch sử - Tổng Tư lệnh Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh - trong việc tăng cường, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Cuba - Việt Nam. Đồng chí cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tích cực, chủ động hợp tác với Cuba trong phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư…; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực với Cu-ba; phối hợp cùng Cuba trong các hoạt động hợp tác, hữu nghị nhằm tăng cường, củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội nước ta nhiệt liệt chào mừng đồng chí Salvado Valdés Mesa dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Cu-ba sang thăm Việt Nam, dự kỷ niệm 45 năm chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro tới vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, sự kiện đã đi vào lịch sử quan hệ giữa hai đảng, hai nước Việt Nam - Cuba; nhấn mạnh kỷ niệm 45 năm là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam bày tỏ sự tri ân đối với Lãnh tụ Phi-đen, với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em; đồng thời là dịp để hai nước cùng tôn vinh mối quan hệ anh em mẫu mực, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, đoàn kết thủy chung giữa Việt Nam - Cuba. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao nước ta khẳng định mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba do Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Fidel Castro đặt nền móng là tài sản vô giá mà Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước cần ra sức giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền lại cho các thế hệ mai sau, vì lợi ích của nhân dân hai nước và sự nghiệp cách mạng của hai Đảng.

Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo song phương Việt Nam-Trung Quốc

Ngày 16-9-2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Ngoài phiên họp toàn thể, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị đã có cuộc họp hẹp và cuộc gặp trao đổi thân tình, xây dựng và thẳng thắn về quan hệ hai nước và các vấn đề cùng quan tâm.

Hai bên nhất trí cho rằng, kể từ sau Phiên họp lần thứ 10 (tháng 4-2017) đến nay, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì gặp gỡ và tiếp xúc thường xuyên; giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh, hợp tác trên các lĩnh vực đạt được những tiến triển đáng khích lệ, giao lưu nhân dân diễn ra sôi động. Bên cạnh đó, trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề tồn tại, như nhập siêu thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn còn lớn; một số dự án doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng cần khẩn trương thúc đẩy tiến độ thi công; thực hiện các khoản viện trợ không hoàn lại cần đẩy nhanh hơn…Hai bên nhất trí tiếp tục áp dụng các biện pháp hiệu quả thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển ổn định, bền vững, cân bằng, lành mạnh; ủng hộ doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản...

Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; tiếp tục tinh thần hợp tác, xây dựng và tích cực cùng các nước ASEAN trao đổi các nội dung cụ thể, thực chất của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Kết thúc Phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị đã chứng kiến lễ ký “Biên bản Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc”./.