TCCSĐT - Ngày 27-8, tại Hà Nội, phiên khai mạc Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba đã diễn ra với chủ đề “Hướng tới xây dựng cấu trúc an ninh khu vực” do Quỹ Ấn Độ (India Foundation) phối hợp với Học viện Ngoại giao của Việt Nam tổ chức.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 27 và 28-8 với sự tham dự của gần 300 đại biểu, bao gồm các đoàn cấp Thủ tướng, Bộ trưởng và các quan chức cấp cao từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; 60 đại biểu từ gần 30 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; gần 100 quan chức, học giả Việt Nam và 70 phóng viên thuộc nhiều hãng tin trong và ngoài nước.

Xây dựng một cấu trúc khu vực mang tính bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, với vai trò trung tâm của ASEAN

Hội thảo bao gồm các phiên trao đổi giữa cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao các nước và thảo luận kênh học giả. Hội thảo hướng tới việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển cũng như tính kết nối của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á-Thái Bình Dương thông qua thảo luận các vấn đề kinh tế, thương mại, an ninh trong cấu trúc khu vực đang định hình từ đó đề xuất các nội dung hợp tác giữa các nước liên quan về xây dựng lòng tin, tôn trọng các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, quản trị biển và xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và Dân số Nepal Upendra Yadav; Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đều chia sẻ ý kiến về tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc khu vực mang tính bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, với vai trò trung tâm của ASEAN, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, tạo điều kiện xây dựng lòng tin và thúc đẩy các bên cùng có lợi.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung, Ấn Độ với ASEAN và Việt Nam nói riêng không chỉ là kết nối trên biển mà còn là sự chia sẻ về tầm nhìn, mong muốn về một cơ chế khu vực tạo điều kiện giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, hướng tới việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, hợp tác, phát triển cho các quốc gia. Theo hướng đó, Hà Nội là một địa điểm phù hợp cho việc tổ chức Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba.

Chia sẻ ý kiến này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: “Hai đại dương được gắn kết không chỉ về mặt địa lý, mà còn qua sự tương tác thường xuyên với nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, mối quan hệ giữa hai đại dương này đang ngày càng lớn mạnh”.

Phó Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mong muốn về một khu vực hoà bình, ổn định và thịnh vượng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Tiếp nối ý kiến này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân số Nepal cho rằng dù hội tụ những nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất, nhưng đây lại là một trong những khu vực phức tạp nhất thế giới với nhiều thách thức, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, thách thức về an ninh, an toàn hàng hải, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Ngoại trưởng Singapore cho rằng khu vực vẫn còn nhiều tiềm năng có thể khai thác, trong đó thương mại trên biển vẫn là một ưu thế vượt trội đối với các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, Ấn Độ Dương cũng có vị trí quan trọng trên tuyến đường hàng hải quốc tế.

Kết thúc phiên khai mạc, Thủ tướng Sri Lanka nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương là định mệnh của thế kỷ 21, đồng thời, đây chính là thời điểm quan trọng để khu vực hướng đến biển và là cơ hội để châu Á thúc đẩy mô hình của mình; cho rằng trật tự hàng hải khu vực cần mang tính bao trùm với nền tảng là chủ nghĩa đa phương cùng với sự tham gia của tất cả các nước trong khu vực.
Trước phiên khai mạc đã diễn ra ba phiên thảo luận khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia và học giả uy tín. Tại phiên về cấu trúc an ninh khu vực, các đại biểu chia sẻ nhiều ý tưởng đa dạng song đều thống nhất rằng luật pháp quốc tế, tính mở và bao trùm là nền tảng cho việc hợp tác giữa các quốc gia và xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực bền vững, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm. Tại phiên về cấu trúc quản trị, nhiều ý kiến cho rằng khu vực đang đối mặt với hàng loạt thách thức lẫn cơ hội đến từ các thay đổi đáng kể trên mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là cạnh tranh Mỹ-Trung đang ngày một rõ rệt.

Đồng thời, nhiều đại biểu đánh giá việc xây dựng một cấu trúc quản trị tại khu vực Ấn Độ Dương - châu Á-Thái Bình Dương là tương đối khó khăn nhưng sẽ mang lại nhiều cơ hội và thuận lợi cho phát triển bền vững, ổn định và thịnh vượng tại khu vực. Tại phiên về thương mại và ổn định khu vực, các đại biểu nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, đóng góp tới 68% tổng thương mại toàn cầu.

Để duy trì phát triển thương mại và bền vững tại khu vực, các đại biểu đề xuất các quốc gia cần duy trì ổn định an ninh để phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bền vững và tăng cường hợp tác khu vực.

Việc đối tác Ấn Độ chọn mời Việt Nam tham gia tổ chức hội thảo không chỉ thể hiện ưu tiên của Ấn Độ trong quan hệ với Việt Nam mà còn phản ánh năng lực kết nối của Việt Nam trong khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, việc tổ chức hội thảo lần này sẽ góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ; tăng cường hình ảnh Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, có trách nhiệm trong việc xây dựng cấu trúc khu vực và có lợi cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội kiến Thủ tướng Sri Lanka

Ngày 27-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội kiến với Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, nhân dịp sang Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị Ấn Độ Dương (IOC).

Tại cuộc hội kiến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đều khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển tốt đẹp trong những năm gần đây. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước thời gian qua đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước và nhất trí sớm tổ chức họp Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp lần thứ 2 tại Việt Nam để kiểm điểm và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đưa kim ngạch thương mại hai nước vượt mức 1 tỷ USD vào 2020.

Hai bên nhất trí tổ chức kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 4 giữa hai nước trong năm 2019 và sớm ký Bản ghi nhớ về hợp tác ngư nghiệp giai đoạn 3 năm tới; dành ưu tiên và tạo thuận lợi mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng khác như giáo dục-đào tạo, viễn thông, thông tin và kỹ thuật số, dầu khí, kết nối hàng không, vận tải hàng hải, chế biến và phân phối nông sản và thủy sản, trao đổi văn hóa, nghệ thuật, Phật giáo, thể thao, giao lưu thanh niên…

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ca ngợi những thành tựu vượt bậc mà Việt Nam đã giành được trong phát triển kinh tế-xã hội những năm qua, khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Sri Lanka; cảm ơn Sri Lanka đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và đề nghị Sri Lanka có tiếng nói tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông, cụ thể là ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN, nhất là trong các nội dung có tính nguyên tắc như tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình./.