Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 20 đến 26-8-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
22:38, ngày 27-08-2018
TCCSĐT - Hội nghị chuyên đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ; Đề xuất mới về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Đã tinh giản 39.823 biên chế từ năm 2015 đến nay; Đà Nẵng công bố kết quả thi tuyển và bổ nhiệm 2 Phó Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư; Bình Dương nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính; là những tin nổi bật tuần qua.

Hội nghị chuyên đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ

Ngày 21-8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị chuyên đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành.

Theo Bộ Nội vụ, để bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và quy định của các luật và văn pháp quy phạm pháp luật, Bộ Nội vụ kiến nghị cấp có thẩm quyền cần sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 cho phù hợp với các quy định của Đảng hiện nay như Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) về công tác cán bộ, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng và hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các quy định, kết luận của Bộ Chính trị về công tác quản lý, xử lý cán bộ, công chức hiện nay.

Ngoài những đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm; xây dựng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị làm căn cứ xây dựng bảng lương mới; nghiên cứu xây dựng quy định tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính; thống nhất khái niệm “cán bộ”, “biên chế” trong các quy định của Đảng và quy định của pháp luật; đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trong đó có số liệu về tiền lương…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Nội vụ đối với các vấn đề được thảo luận tại cuộc họp này. Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án, chuẩn bị chu đáo các dự luật cần sửa đổi về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, bổ sung trình cấp có thẩm quyền theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.

Đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng đã phân cấp thì phải phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm theo các nghị quyết của Đảng, để bảo đảm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đi kèm với đó là chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung.

Phó Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất thành lập cơ quan liên vùng, liên huyện không phụ thuộc vào địa giới hành chính như cơ quan thuế, hải quan, thị trường, cơ quan tư pháp.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, bảo đảm đồng bộ với Luật về Hội trong công tác cán bộ, công chức tại các hội. Nghiên cứu, luật hóa cụ thể bảo đảm tương ứng với quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu. Nghiên cứu chế độ chuyên gia, các chức danh trợ lý, thư ký cho phù hợp thực tiễn.

Đề xuất mới về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

Bộ Nội vụ cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện, Nghị định số 36 đã bộc lộ những bất cập và hạn chế cần thiết phải xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 36/2013/NĐ-CP. Những nội dung mới của dự thảo:

Về vị trí việc làm và phân loại vị trí việc làm: Dự thảo bổ sung quy định về vị trí việc làm được phân loại theo khối lượng công việc và tính chất, nội dung công việc. Theo đó, dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 3 như sau:

“Vị trí việc làm được phân loại như sau:

a. Phân loại theo khối lượng công việc: Vị trí việc làm do một người đảm nhận; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; vị trí việc làm kiêm nhiệm.

b. Phân loại theo tính chất, nội dung công việc: Vị trí việc làm lãnh đạo, quan lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ”.

Về thẩm quyền phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, dự thảo đề nghị sửa đổi quy định về thẩm quyền và quyết định phê duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức trong các cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương quản lý từ Bộ Nội vụ để phân cấp và giao người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thực hiện. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định vị trí việc làm, việc tổ chức xây dựng và quyết định phê duyệt Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện do các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Do vậy, dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 9; Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4 Điều 10; Khoản 3 Điều 11; Khoản 2 Điều 13 và Khoản 2 Điều 14; đồng thời, bổ sung 03 khoản tại Điều 13, 02 khoản tại Điều 14 và bỏ nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 15...

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Đề xuất mới về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức để thay thế Nghị định 56/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 88/2017/NĐ-CP.

Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy trình, thủ tục chặt chẽ với các tiêu chí và mức đánh giá, phân loại tương đối cụ thể, chi tiết, các bước đánh giá và các cấp độ đánh giá được chia thành các mức độ khác nhau như bản thân tự đánh giá, đánh giá của tập thể nơi công tác, cơ quan tổ chức theo dõi CBCCVC…

Mặc dù có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp đánh giá theo vị trí việc làm nhưng công tác đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể, chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc được giao CBCCVC dẫn tới những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phản ánh không đúng thực trạng mức độ hoàn thành công việc của CBCCVC.

Vì vậy, việc sửa đổi quy định về công tác đánh giá CBCCVC để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng là cần thiết.

Một số nội dung mới của dự thảo Nghị định:

Về mức đánh giá cán bộ, công chức: Trên cơ sở quy định của Luật Cán bộ, công chức, Nghị định số 56 quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.

Thể chế hóa Quy định số 89-QĐ/TW, dự thảo Nghị định quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong đó có mức Hoàn thành nhiệm vụ thay cho mức Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đã đảm bảo thống nhất giữa quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).

Về tiêu chí đánh giá: Để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý CBCCVC lãnh đạo, quản lý, Quy định số 89-QĐ/TW đã quy định cụ thể các tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống. Về tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Quy định 89-QĐ/TW đã bổ sung một số nội dung như xây dựng và thực hiện chương trình hành động, thực hiện công tác cải cách hành chính, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và CBCCVC thuộc quyền quản lý… Trên cơ sở đó, dự thảo đã quy định cụ thể các tiêu chí liên quan đến đánh giá, phân loại đối với CBCCVC.

Về việc liên thông trong đánh giá CBCCVC, dự thảo Nghị định bổ sung nguyên tắc “Kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn”. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phối hợp với cấp ủy, công đoàn cùng cấp thống nhất việc liên thông sử dụng kết quả đánh giá CBCCVC trong đánh giá đảng viên, đoàn viên công đoàn.

Đã tinh giản 39.823 biên chế

Theo Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, từ năm 2015 đến tháng 8-2018, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được Bộ Nội vụ thẩm tra là 39.823 người. Trong đó, năm 2015 tinh giản 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người và 7 tháng đầu năm 2018 là 9.462 người.

Trong số này, 34.515 người (86,67%) hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 5.234 người (13,14%) hưởng chính sách thôi việc ngay, 29 người (0,07%) hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học và số người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước là 40 người, chiếm 0,10%.

Tính theo cơ quan, đơn vị, số người tinh giản thuộc các cơ quan đảng, đoàn thể là 1.646 người (4,13%); các cơ quan hành chính là 4.726 người (11,87%); các đơn vị sự nghiệp công lập là 27.102 người (68,08%); cán bộ công chức cấp xã là 6.141 người (15,42%); doanh nghiệp nhà nước là 192 người (0,48%) và tổ chức hội là 16 người (0,4%).

Các bộ, ngành khối Trung ương đã thực hiện việc tách, nhập, điều chỉnh các cục, vụ, viện phù hợp với tổ chức của bộ đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế. Tại địa phương, chính quyền cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành, các trung tâm, các quyết định thành lập mới, giải thể, chia, tách, sáp nhập các cơ quan đơn vị thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế theo tinh thần của các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.

Ông Vũ Đăng Minh cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Nội vụ là một trong những đơn vị đi đầu trong sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ đã giảm từ 6 đơn vị thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng xuống còn 2 đơn vị là Học viện Hành chính quốc gia và Trường Đại học Nội vụ. Học viện Hành chính Quốc gia đã sắp xếp lại các đơn vị bên trong, giảm từ 24 xuống còn 17 đơn vị. Các vụ trong Bộ không còn cấp phòng. Văn phòng Bộ giảm từ 8 đầu mối xuống còn 7 đầu mối. Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước đã sắp xếp các cơ quan bên trong, các trung tâm, cơ cấu lại theo hướng tinh giản, gọn nhẹ.

Đà Nẵng công bố kết quả thi tuyển và bổ nhiệm 2 Phó Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư

Chiều 22-8, Đà Nẵng đã thông tin kết quả thi tuyển và công bố quyết định bổ nhiệm 2 vị trí Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư của thành phố.

Theo đó, ông Nguyễn Đình Tuấn (sinh năm 1972, Trưởng phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân) và bà Lê Thị Kim Phượng (sinh năm 1977, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại) đã được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký quyết định bổ nhiệm vào chức vụ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng.

Tại buổi công bố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, việc bổ sung cán bộ lãnh đạo, sẽ giúp Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường chức năng tham mưu cho UBND thành phố trong quá trình phát triển kinh tế.

Trước đó, ngày 15-6-2018, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở này. Các ứng viên trải qua hai vòng thi gồm thi viết và thi trình bày đề án. Phần thi viết nhằm đánh giá kiến thức chung của ứng viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực Kế hoạch - Đầu tư; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý và các nội dung có liên quan đến chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở. Phần thi đề án bao gồm xây dựng đề án, thuyết trình bảo vệ đề án và trả lời vấn đáp trước Hội đồng thi tuyển.

Thông qua phần thi trình bày đề án, cơ quan chức năng đánh giá ứng viên về khả năng phát hiện những ưu điểm, hạn chế của ngành, lĩnh vực quản lý, qua đó phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp, trình bày được trách nhiệm của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trong tham mưu, giúp Giám đốc Sở và UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này trên địa bàn thành phố.

Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính

Ngày 22-8, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được báo cáo viên giới thiệu các nội dung như: Tổng quan về cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; những điểm mới trong quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính; hướng dẫn công bố, công khai thủ tục hành chính; hướng dẫn việc rà soát, đánh giá tác động của thủ tục hành chính; báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát sự phù hợp của thủ tục hành chính với yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

Sau khi nghe báo cáo viên trình bày các nội dung, học viên sẽ thực hành bài tập thực tế liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính. Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia thảo luận để cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính.

Các nội dung được giới thiệu tại lớp tập huấn sẽ giúp đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính từ tỉnh đến cơ sở nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, đáp ứng sự hài lòng người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh./.