Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ô-xtrây-li-a
45 năm quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn Đại biểu cấp cao Hạ viện Ô-xtrây-li-a do Ngài Tony Smith, Chủ tịch Hạ viện dẫn đầu sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 25-7-2018.
Ngày 26-02-1973, Việt Nam và Ô-xtrây-li-a thiết lập quan hệ ngoại giao. 45 năm qua, quan hệ hai nước đã có nhiều phát triển, từ quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao và giao lưu nhân dân. Năm nay, ở cả hai nước triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm Ô-xtrây-li-a của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (9-2009), hai bên nhất trí nâng quan hệ lên Đối tác Toàn diện. Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam với Ô-xtrây-li-a tiếp tục phát triển thuận lợi trên hầu hết các lĩnh vực. Năm 2013, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 15-3-2018, hai Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtrây-li-a.
Về chính trị, hai bên tiếp tục duy trì các trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì thường xuyên. Về an ninh, quốc phòng: Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh,quốc phòng thông qua việc trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh... Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thăm viếng lẫn nhau.
Về giáo dục-đào tạo, Ô-xtrây-li-a đã cung cấp cho Việt Nam hàng nghìn học bổng các loại. Việt Nam đứng thứ 7 trong số các nước nhận học bổng về kinh tế của Ô-xtrây-li-a. Hiện có hàng chục nghìn sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Ô-xtrây-li-a. Nhiều trường Đại học của Việt Nam có những chương trình liên kết đào tạo ở bậc đại học và sau đại học với các trường của Ô-xtrây-li-a. Hai nước đã ký Thoả thuận Hợp tác Giáo dục giai đoạn 2013-2018 (tháng 6-2013) và thành lập Nhóm Công tác chung Việt Nam - Ô-xtrây-li-a về giáo dục (2011).
Hai nước còn hợp tác trên các lĩnh vực khác như lao động, nông nghiệp, du lịch, giao lưu nhân dân.
Hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, EAS, APEC, Liên hợp quốc.
Quan hệ kinh tế, thương mại phát triển mạnh
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1973 đến nay, cùng với sự phát triển trong lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a tiếp tục là một điểm sáng nổi bật trong quan hệ hợp tác và được thể hiện qua những con số hết sức ấn tượng.
Về đầu tư, Ô-xtrây-li-a có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam; các dự án FDI của Ô-xtrây-li-a triển khai hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, giáo dục, công nghiệp chế biến, nông lâm nghiệp, thủy sản... Việt Nam cũng có dự án đầu tư trực tiếp vào Ô-xtrây-li-a chủ yếu ở các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Về ODA, Ô-xtrây-li-a duy trì đều viện trợ ODA cho Việt Nam, đạt trên 130 triệu AUD/năm.
Về thương mại, thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a đã tăng hơn 200 lần trong gần ba thập kỷ qua, từ 32,3 triệu USD năm 1990 lên 6,46 tỷ USD năm 2017. Ô-xtrây-li-a là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ô-xtrây-li-a.
Riêng hai tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ô-xtrây-li-a đạt xấp xỉ 590 triệu USD, tăng mạnh gần 46,8% so với cùng kỳ 2017, tương đương con số khoảng 188 triệu USD.
Ngược lại, tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu đạt gần 443 triệu USD, tăng 16,8% so với hai tháng đầu năm ngoái. Theo đó, đến hết tháng Hai vừa qua, Việt Nam đang xuất siêu 147 triệu USD sang thị trường quan trọng này.
Theo các chuyên gia Bộ Công Thương, trong quan hệ thương mại với Ô-xtrây-li-a, Việt Nam luôn đạt được thặng dư nhưng con số xuất siêu đang có chiều hướng giảm dần. Nếu các năm 2013 và 2014, thặng dư của Việt Nam tương ứng là 1,76 tỷ USD và 1,84 tỷ USD, các năm 2015 và 2016 mức thặng dư giảm mạnh xuống chỉ còn lần lượt 816 triệu USD và 403 triệu USD. Đặc biệt, năm 2017 Việt Nam chỉ còn thặng dư 116 triệu USD trong trao đổi thương mại với Ô-xtrây-li-a, mức thấp nhất được ghi nhận trong năm năm qua.
Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là các nhóm hàng máy móc phụ tùng, thiết bị điện tử, điện thoại, linh kiện điện tử, dầu thô, giày dép, dệt may và thủy sản…. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Ô-xtrây-li-a trong năm 2017 gồm kim loại thường loại khác (theo phân nhóm), than đá, lúa mỳ, bông.
Các chuyên gia nhận định, đây là thông tin tốt cho ngành trái cây Việt Nam. Mặc dù Ô-xtrây-li-a là một nước nông nghiệp nhưng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là trái mùa nên có khả năng tiêu thụ với giá cao.
Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Ô-xtrây-li-a - New Zealand (AANZFTA), năm nay, Ô-xtrây-li-a sẽ cắt giảm 90% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN, New Zealand xuống 0% và năm 2020, 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0%. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ô-xtrây-li-a.
Có hiệu lực từ năm 2010 với cam kết cắt giảm thuế quan cao nhất lên đến 0%, Hiệp định AANZFTA được coi là động lực quan trọng, thúc đẩy thương mại đa phương giữa các quốc gia, đặc biệt, giữa Việt Nam với Ô-xtrây-li-a và New Zealand.
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định AANZFTA được ký ngày 27-02-2009, hiệu lực từ ngày 01-01-2010 có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Australia, New Zealand.
Cụ thể, các nước thống nhất cắt giảm từ 90-100% tổng số các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020.
Đối với Việt Nam, Ô-xtrây-li-a là những thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, càphê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép.... Đây cũng là các mặt hàng mà phần lớn thuế quan được cắt giảm về 0%.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, Hiệp định AANZFTA đang được triển khai và trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt, qua đây quan hệ thương mại Việt Nam - Ô-xtrây-li-a sẽ phát triển mạnh hơn nữa, tạo ra một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự vươn lên tầm cao mới của quan hệ giữa hai nước và hướng tới mục tiêu quan hệ thương mại song phương đạt 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Cụ thể hóa mục tiêu này, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Ô-xtrây-li-a tháng 3-2018, hai thủ tướng Việt Nam và Ô-xtrây-li-a nhất trí tạo điều kiện tối đa cho quan hệ kinh tế phát triển sâu rộng, toàn diện, tăng cường lợi ích kinh tế trong hợp tác song phương trên cơ sở phát huy tính bổ trợ lẫn nhau của nền kinh tế hai nước. Thủ tướng Turnbull khẳng định, Ô-xtrây-li-a luôn hoan nghênh và hỗ trợ các mặt hàng nông thủy sản tươi, hoa quả nhiệt đới của Việt Nam đạt đủ điều kiện tiếp cận thị trường Ô-xtrây-li-a, khuyến khích hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy nhanh các quy trình, thủ tục cấp phép nhập khẩu, trước mắt là với tôm tươi nguyên con, trái thanh long của Việt Nam và tiếp tục mở rộng sang các loại quả khác như nhãn tươi, chôm chôm, vú sữa...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính phủ Ô-xtrây-li-a khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam vào các ngành năng lượng, hạ tầng, viễn thông, kinh tế tri thức, khoa học-công nghệ, chuyển giao công nghệ-kỹ thuật tiên tiến cho Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ODA của Ô-xtrây-li-a đã hỗ trợ, đặc biệt đánh giá cao dự án cầu Cao Lãnh sẽ được hoàn tất và khánh thành trong năm 2018 nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ô-xtrây-li-a tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam, tập trung vào các dự án hạ tầng cơ sở, phát triển nông nghiệp, nông thôn, chống biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng chính phủ điện tử.
Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược
Sự phát triển mạnh mẽ và thực chất của quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với sự tin cậy chính trị và chia sẻ lợi ích chiến lược ngày càng gia tăng, tạo tiền đề vững chắc để nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.
Sáng 15-3-2018 tại Canberra, nhân chuyến thăm chính thức Ô-xtrây-li-a của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, hai bên đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.
Tuyên bố chung khẳng định, hai bên sẽ tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau nhằm làm sâu sắc quan hệ song phương, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực. Đặc biệt, hai bên cam kết cùng nỗ lực hợp tác nhằm duy trì một khu vực hòa bình, tự cường và bảo đảm các quy tắc, chuẩn mực đã tồn tại nhiều thập kỷ qua.
Để phát triển quan hệ trên mức độ mới, Tuyên bố chung vạch ra phương hướng hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị; kinh tế và phát triển; quốc phòng, pháp luật và tư pháp, tình báo và an ninh; giáo dục, khoa học và công nghệ, lao động, xã hội, văn hóa và giao lưu nhân dân; khu vực và quốc tế.
Việt Nam và Ô-xtrây-li-a khẳng định quan hệ chiến lược và các lợi ích chung ở khu vực của hai bên ngày càng gia tăng, đồng thời tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa về quốc phòng, pháp luật và tư pháp, tình báo và an ninh nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Hai bên tái khẳng định cam kết tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại ở cấp cao về các vấn đề quốc phòng trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng đã ký năm 2010. Đây là cơ hội tìm kiếm thêm các hình thức hợp tác quốc phòng, kể cả trong lĩnh vực đào tạo và huấn luyện, an ninh hàng hải và hàng không, đào tạo và hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, giải quyết hậu quả chiến tranh và các lĩnh vực khác.
Việt Nam và Ô-xtrây-li-a hoan nghênh hợp tác giữa cảnh sát, các cơ quan chức năng về quản lý biển và biên giới của hai nước, nhất trí cùng đẩy mạnh hợp tác về an ninh và thực thi pháp luật, kể cả thông qua Đối thoại an ninh thường niên cấp thứ trưởng, tăng cường trao đổi thông tin tình báo và hỗ trợ nâng cao năng lực. Hai bên cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác song phương và tham gia các nỗ lực khu vực nhằm giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm buôn bán người và đưa người di cư trái phép, buôn lậu ma túy, rửa tiền, khủng bố, tội phạm mạng, cũng như thu hồi tài sản thất thoát từ các tội phạm này.
Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì một trật tự khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, coi đây là nền tảng của hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Hai bên chia sẻ mục tiêu củng cố và phát triển các thể chế khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy các lợi ích chung về chính trị, kinh tế và an ninh. Việt Nam và Ô-xtrây-li-a ủng hộ ASEAN; tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Ô-xtrây-li-a và đánh giá cao Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Ô-xtrây-li-a mang tính lịch sử, với nhiều sáng kiến thực chất về tăng cường hợp tác. Hai bên nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và cam kết tăng cường hợp tác để củng cố các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, bao gồm tuân thủ và thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và thông qua các cơ chế thích hợp do ASEAN dẫn dắt. Theo đó, hai bên tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định tiếp tục phối hợp tích cực nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và ràng buộc giữa ASEAN và Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hai bên đánh giá cao hợp tác hiệu quả và thực chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thể hiện sự tin cậy ở tầm chiến lược, thông qua các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, đào tạo tiếng Anh, huấn luyện chung, chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các binh chủng, đặc biệt là hải quân và các chuyến thăm của tàu Hải quân Hoàng gia Ô-xtrây-li-a đến Việt Nam.
Thủ tướng Turnbull khẳng định, Ô-xtrây-li-a sẽ mở rộng đào tạo và hỗ trợ Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trước mắt là hỗ trợ trang thiết bị, hậu cần cho phái bộ Việt Nam tại Nam Sudan. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong đối phó với các thách thức an ninh chung, trong đó có chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người và đưa người di cư trái phép… nhằm bảo đảm an ninh ở mỗi nước, cũng như đóng góp chung vào hòa bình, ổn định ở khu vực.
Hai bên nhấn mạnh sự kết nối ngày càng sâu đậm giữa nhân dân hai nước thông qua hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa và phát triển du lịch là nền tảng vững chắc của Đối tác Chiến lược hiện nay và trong tương lai./.
Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí đặt mục tiêu hoàn thành sản lượng khai thác 4,06 triệu tấn quy dầu  (23/07/2018)
Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  (23/07/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 16 đến ngày 22-7-2018)  (22/07/2018)
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm việc tại Gia Lai  (22/07/2018)
Đoàn cán bộ cấp cao Quân đội Việt Nam thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  (22/07/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên