Thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững
Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần thứ 2 từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021. Chuyến thăm nhằm tiếp tục khẳng định quyết tâm của cả hai bên thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam-Lào mãi mai xanh tươi, đời đời bền vững.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế, quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Quan hệ Việt Nam-Lào không ngừng được củng cố, phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các tuyên bố chung Việt Nam-Lào, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; các hiệp định, nội dung tại Kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ và các chương trình, kế hoạch hợp tác giữa hai bên.
Quan hệ chính trị được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng gắn bó, tin cậy. Hai bên đã phối hợp tổ chức các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao và các cấp của hai Đảng, hai nước; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hai Đảng, hai nước.
Hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quản lý kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; phối hợp tổ chức tốt các lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề và mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ quản lý, nghiệp vụ các cấp của Lào.
Hai bên tổ chức thành công cuộc hội thảo về lý luận lần thứ 5 giữa hai Đảng về phát triển nhanh và bền vững; chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nợ công, kinh nghiệm thực hiện chức năng quyết định và giám sát về đất đai của Hội đồng Nhân dân, vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội; về 55 năm quan hệ Việt Nam-Lào và các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề khác.
Hai bên phối hợp tuyên truyền sâu rộng về lịch sử, truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào và những thành tựu đổi mới của mỗi nước, tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về quan hệ Việt Nam-Lào; tổ chức kỷ niệm các ngày lễ quan trọng của hai 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Quốc hội Việt Nam, Công trình Nhà Quốc hội Lào đã được khởi công xây dựng và sẽ là nơi lưu dấu tình hữu nghị, quan hệ mật thiết, gắn bó giữa các đại biểu Quốc hội và nhân dân hai nước.
Bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập bằng tiếng Lào được đã xuất bản, góp phần để nhân dân các dân tộc Lào hiểu biết nhiều hơn về vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào anh em cũng luôn tôn kính.
Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực. Hai bên phối hợp chặt chẽ giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi nước; phối hợp thực hiện tốt Nghị định thư về quốc phòng và an ninh; hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định và phát triển bền vững. Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào (đã tôn tạo, cắm mới 905 vị trí, tương đương 1.002 cột mốc và cọc dấu, trong đó cắm bổ sung 168 cọc dấu); hoàn thành các thủ tục pháp lý về Nghị định thư về đường biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.
Hai bên đã gia hạn tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn ngoài giá thú trong khu vực biên giới hai nước; phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn và phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm buôn lậu ma túy xuyên biên giới; tiếp tục tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.
Hai bên đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tham vấn cấp Trưởng ban Đối ngoại Trung ương và Bộ trưởng Ngoại giao; thường xuyên chia sẻ thông tin về các vấn đề quốc tế, khu vực; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác đa phương.
Thúc đẩy hợp tác sâu rộng và hiệu quả
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên được quan tâm thúc đẩy. Hai bên đã chủ động, tích cực triển khai các Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và những Thỏa thuận tại Kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ hai nước; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, trao đổi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hợp tác sâu rộng và hiệu quả.
Hai bên đã ký Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavanh. Kim ngạch thương mại hai chiều đến hết tháng 10-2017 đạt 720,4 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất sang Lào đạt 426, 2 triệu USD, tăng 12,4%, Lào xuất khẩu sang Việt Nam 294,2 triệu USD, tăng 3,8%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay có hơn 409 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Lào với tổng vốn 3,6 tỷ USD, trong đó đã thực hiện được 1,5 tỷ USD, phủ kín 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp 100% có 287 dự án, trị giá 3 tỷ USD, liên doanh có 122 dự án, trị giá 622 triệu USD; trong 10 tháng đầu năm 2017 có hai dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 12,816 triệu USD. Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đã phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm và làm tốt công tác an sinh xã hội tại Lào. Hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa hai nước đến năm 2030.
Bộ Giao thông Vận tải hai nước đã ký Thỏa thuận về đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientiane và Thỏa thuận về Kế hoạch 5 năm (2016-2020) thực hiện Bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải Việt Nam-Lào; tiến hành nghiên cứu khả thi một số dự án kết nối giao thông như tuyến đường sắt Vientiane-Thakhec-Mụ Giạ-Tân Ấp-Vũng Áng; thúc đẩy các thủ tục cần thiết để mở tuyến vận tải hành khách từ Hà Tĩnh đi Khammouane, Lào đến Nakhon Phanom, Thái Lan và ngược lại để phát triển du lịch... Hai Bộ Giao thông đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển cảng Vũng Áng.
Hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các trường học và các cơ quan của Lào. Năm 2017, Việt Nam dành 1.246 học bổng cho lưu học sinh Lào đi học đại học và bồi dưỡng ngắn hạn tại Việt Nam. Đến nay, số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là 14.209 người, lưu học sinh Việt Nam đang học tại Lào là 290 người.
Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, xã hội, nông nghiệp, thông tin truyền thông, lao động, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, bảo tàng... được hai bên quan tâm thực hiện. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, ủy ban của Quốc hội, mặt trận, đoàn thể, các địa phương tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả, thiết thực. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới, tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhằm tăng cường sự gắn bó, tin cậy chính trị giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Về phía Việt Nam, tiếp tục khẳng định tình đoàn kết gắn bó, tin cậy, thủy chung, trong sáng trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào, góp phần hỗ trợ bạn thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ VIII.
Những công trình tô điểm thêm quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào
Ngày 13-12 tại thị xã Paksan, tỉnh Bolykhamxay của Lào, đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng Trường Phổ thông trung học Sithanaxay, quà tặng của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm chính thức hữu nghị nước CHDCND Lào tháng 11-2016.
Công trình Trường Phổ thông trung học Sithanaxay là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, đồng thời là sự quan tâm của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của đất nước Lào nói chung và tỉnh Bolikhamxay nói riêng.
Món quà tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa sâu sắc, gửi gắm niềm tin và hy vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thế hệ trẻ của Lào trong việc tiếp nối truyền thống cha anh, không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Đây là một trong những công trình trọng điểm trong Năm Đoàn kết - hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2017 nhằm thiết thực kỷ niệm 55 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Bolykhamxay Bounma Bouchaleuan nhấn mạnh Lễ động thổ xây dựng Trường Phổ thông trung học Sithanaxay diễn ra trong bối cảnh hết sức quan trọng khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hai nước Lào và Việt Nam anh em đang nô nức tổ chức các sự kiện kỷ niệm Năm Đoàn kết - hữu nghị Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào 2017, đặc biệt buổi lễ càng trở nên có ý nghĩa khi diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm 97 năm ngày sinh của Chủ tịch Kaysone Phomvihane, người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Suphanouvong kính yêu và các đồng chí tiền bối, lão thành cách mạng, các anh hùng liệt sĩ của hai dân tộc Việt - Lào anh em đã trọn đời hy sinh vì nền độc lập, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước và xây đắp nên tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
Đồng chí Bounma Bouchaleuan cho biết việc xây dựng Trường Phổ thông trung học Sithanaxa sẽ giúp tỉnh có thêm cơ sở hạ tầng giáo dục chất lượng cao, tạo thuận lợi cho việc đào tạo nguồn nhân lực kế tục có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Bolykhamxay nói riêng và của Lào nói chung, đồng thời góp phần vào việc gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; cam kết sẽ sử dụng ngôi trường một cách bền vững và hiệu quả nhất, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Dự án Trường Phổ thông trung học Sithanaxa có tổng vốn đầu tư là 30 tỷ đồng, có diện tích sàn xây dựng là 2.126m, gồm 1 tòa nhà 4 tầng với 8 phòng học, hai phòng thí nghiệm, 1 phòng hội trường, 8 phòng giám hiệu, giáo viên và các trang thiết bị kèm theo. Công trình sử dụng hệ kết cấu khung bê tông cốt thép, 3 cầu thang bộ. Giảng đường được trang bị đầy đủ bàn ghế, tủ đựng tài liệu cho các phòng học, phòng giáo viên, hội trường, cùng các thiết bị phục vụ cho công tác thí nghiệm học tập và giảng dạy. Công trình được lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, vệ sinh đồng bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy đúng quy định… Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và bàn giao trước đầu năm học mới 2018-2019 của Lào, tức là vào khoảng cuối tháng 8-2018.
Sáng ngày 06-12 tại Cung Văn hóa quốc gia Lào ở thủ đô Viêng Chăn, Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Lào đã long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm ảnh “Quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”, đây là sự kiện do hai hãng thông tấn hai nước đồng tổ chức nhằm thiết thực kỷ niệm Năm Hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2017.
Triển lãm trưng bày trên 100 bức ảnh tư liệu quý đen trắng và màu do các phóng viên TTXVN ghi lại, trong đó có những bức ảnh vô giá như bức chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi, luận đàm cùng Chủ tịch Suphanouvong giữa chiến khu Việt Bắc, bên Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane ở Hà Nội năm 1966… phản ánh sinh động và sâu sắc hơn nửa thế kỷ gắn bó, kề vai sát cánh bên nhau của Đảng và nhân dân hai dân tộc Việt Nam - Lào trong các cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc của mỗi nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Sau khi triển lãm kết thúc, toàn bộ số ảnh trưng bày sẽ được TTXVN trao tặng cho Thông tấn xã Lào để làm tư liệu sử dụng cho công tác quảng bá, tuyên truyền về quan hệ đặc biệt giữa hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam Lào. Triển lãm kéo dài đến ngày 09-12. /.
Hoạt động của các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam  (17/12/2017)
Người dân Anh không còn thiết tha rời khỏi EU  (17/12/2017)
Thủ tướng Lào đánh giá cao hoạt động của hai ủy ban hợp tác Lào-Việt  (17/12/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại Khánh Hòa  (17/12/2017)
Chủ động công tác phòng, chống thiên tai ảnh hưởng bão Kai-tak gây ra  (17/12/2017)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay