Dấu mốc mới, động lực mới
TCCSĐT - Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi (An Xi-xi), đầu tháng 9-2017, là một dấu mốc vô cùng quan trọng trong quan hệ hai nước. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao nhất của Ai Cập đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963.
Chuyến thăm không chỉ thể hiện mong muốn của Ai Cập phát triển và nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mà còn là động lực thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Ai Cập lên tầm cao mới, trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Việt Nam - Ai Cập: Đôi bên cần nhau
Việt Nam và Ai Cập có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong suốt chặng đường lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Ai Cập và Việt Nam đã duy trì quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Ai Cập là quốc gia Arab đầu tiên thiết lập mối quan hệ song phương với Việt Nam và để khẳng định sức mạnh của mối quan hệ này, Việt Nam đã mở văn phòng thương mại đầu tiên bên ngoài châu Á tại Ai Cập. Đây là minh chứng cho thấy hai bên đều coi trọng vai trò, tầm quan trọng của nhau trong chính sách đối ngoại của mỗi bên. Chính phủ và nhân dân Ai Cập đã ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc, cũng như trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam và Ai Cập có quan hệ hợp tác tốt trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Với hơn 90 triệu dân, Ai Cập là một thị trường lớn có thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.724 USD/năm (1). Sau sự kiện “Mùa xuân Arab”, dù còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Ai Cập đang dần phục hồi. Tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 4,3% (năm 2011 là 1,8%). Năm 2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã chấp thuận khoản vay trị giá 12 tỷ USD nhằm giúp Ai Cập thúc đẩy phát triển kinh tế (2). Trong chính sách đối ngoại, Ai Cập chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, đặc biệt thực hiện chính sách hướng Đông, coi trọng quan hệ với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đề cao vai trò của Việt Nam. Trên thực tế, Ai Cập đã có hiệp định thương mại tự do với các nước châu Phi, các nước vùng Vịnh, các nước châu Âu. Với lợi thế đó, Ai Cập có thể là cửa ngõ cho hàng hóa của Việt Nam xâm nhập thị trường châu Phi, cũng như thị trường các nước Arab.
Ai Cập có vị trí quan trọng tại khu vực Bắc Phi - Trung Đông, Việt Nam lại có vai trò và vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á. Nhân dân Ai Cập có tình cảm và thiện cảm rất sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam, ngưỡng mộ và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị hai nước. Chính giới Ai Cập luôn ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam, đánh giá cao sự nghiệp đổi mới, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Việt Nam vượt qua thách thức, ổn định và phát triển. Việt Nam, từ một quốc gia nghèo sau nhiều năm chiến tranh, đã nỗ lực vươn lên và đạt được những bước phát triển ấn tượng về kinh tế, hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng. Ai Cập là bạn bè truyền thống và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Phi, cùng chia sẻ và đồng cảm trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Vì vậy, Việt Nam mong muốn Ai Cập trở thành cầu nối tin cậy đối với Việt Nam để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với các nước ở khu vực châu Phi.
Trang sử mới trong quan hệ song phương
Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Ai Cập tới Việt Nam (trong hai ngày 06 và 07-9-2017), kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963, được đông đảo giới doanh nhân, nhà nghiên cứu, người dân Ai Cập quan tâm theo dõi. Điều này cho thấy, Ai Cập rất coi trọng Việt Nam và xem Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại hướng Đông của mình. Trên thực tế, Việt Nam và Ai Cập có nhiều điểm tương đồng. Hai nước có quy mô dân số và trình độ phát triển tương đương nhau. Trong suốt chặng đường lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mặc dù các nhà lãnh đạo hai nước chưa có chuyến thăm chính thức cấp cao, quan hệ kinh tế song phương vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, kết quả hợp tác thực tế trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư... thời gian qua còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai nước. Trong năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ai Cập mới chỉ đạt 316 triệu USD (3), chủ yếu là Việt Nam xuất siêu. Vì vậy, hai bên tin tưởng chuyến thăm của Tổng thống Al Sisi lần này sẽ mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều biến động, chuyến thăm đã khẳng định Việt Nam và Ai Cập luôn tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương, các thiết chế quốc tế, cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và lợi ích chung. Năm 2017 không chỉ là một năm quan trọng, là dấu mốc mới trong quan hệ song phương Việt Nam - Ai Cập. Năm 2017 còn là năm đánh dấu bước đi mới, sự trưởng thành, lớn mạnh của Việt Nam thông qua việc tổ chức các cuộc họp Năm APEC 2017. Là nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam có cơ hội tốt để thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong khu vực, đồng thời tăng cường vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế. Ai Cập ủng hộ quan điểm nhất quán của Việt Nam trong duy trì an ninh, hòa bình, ổn định ở khu vực; tăng cường lợi ích chung giữa các nước thành viên của Cộng đồng ASEAN với các nước trong khu vực và thỏa thuận liên kết ASEAN trong tăng cường hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên Biển Đông. Trên các diễn đàn đa phương, Ai Cập ủng hộ Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 -2016 và Ủy ban Luật pháp quốc tế giai đoạn 2017 - 2020. Ngược lại, Việt Nam ủng hộ Ai Cập tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), tháng 9-2016; đề nghị Ai Cập ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường thực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Trong chính sách hướng Đông, hai bên cho rằng, đây là cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy hợp tác đa dạng và hiệu quả hơn. Về kinh tế, thương mại, Việt Nam và Ai Cập quyết tâm nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều, nhất trí tăng gần gấp 3 lần giá trị thương mại (lên 1 tỷ USD), trong đó bao gồm các hợp đồng về đóng tàu và công nghệ thông tin; đẩy mạnh đầu tư và hợp tác về du lịch, đào tạo. Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã tổ chức hiệu quả kỳ họp thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ai Cập, ký 9 thỏa thuận hợp tác (4), trong đó chú trọng lĩnh vực vận tải, ngư nghiệp và đầu tư. Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của Ai Cập. Việt Nam khuyến khích hợp tác không chỉ giữa các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp với chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế. Việt Nam đề nghị Ai Cập sớm thông qua hiệp định tránh đánh thuế song trùng đã ký với Việt Nam; tiếp tục tạo điều kiện để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tìm kiếm cơ hội đầu tư dầu khí và tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến dầu khí tại Ai Cập.
Về phía Ai Cập, Ai Cập có kế hoạch thu hút 30 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Khu kinh tế Kênh đào Suez (SCZone) trong 5 năm tới (5), đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, giới thiệu công nghệ mới. Ngoài ra, Ai Cập cũng đang tiến hành các cải cách trên tất cả các lĩnh vực chính trị, lập pháp và kinh tế. Những cải cách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư từ Việt Nam tới Ai Cập kinh doanh. Từ Ai Cập có thể tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường châu Phi, châu Âu và Trung Đông. Luật Đầu tư mới của Ai Cập đã được Quốc hội và Chính phủ Ai Cập thông qua, được soạn thảo dựa trên sự tham vấn của lĩnh vực tư nhân, cũng như kết quả nghiên cứu các mô hình thành công ở những nước khác. Luật Đầu tư mới không chỉ tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh và minh bạch cho khu vực tư nhân, mà còn không phân biệt đối xử với các doanh ngiệp nội địa và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa Ai Cập và các nước trên thế giới. Luật này cũng chú trọng phát triển và trao quyền cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây thực sự là khía cạnh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Việt Nam. Ngoài ra, Ai Cập còn đề nghị hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo chuyên gia cho Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn Halal về hàng hóa, ủng hộ sáng kiến của Việt Nam để thúc đẩy hợp tác ba bên giữa Việt Nam, các nước Trung Đông - châu Phi và các bên thứ ba.
Tương lai gần, Việt Nam và Ai Cập sẽ thúc đẩy hợp tác để tìm giải pháp tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa, trao đổi các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như chè, thủy sản, gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, dệt may, cao su... và sản phẩm thế mạnh của Ai Cập như hóa dầu, hóa chất, bông, thực phẩm chế biến... Hai nước sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên như hành lang pháp lý, hệ thống thanh toán… Thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước, các hiệp hội doanh nhân hai nước, đặc biệt là hiệp hội doanh nhân ở những thành phố lớn, doanh nghiệp hai bên có cơ hội trao đổi và mở rộng hợp tác.
Năm 2018, hai nước Việt Nam và Ai Cập sẽ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hy vọng rằng, những thành quả tốt đẹp sau chuyến thăm này sẽ trở thành nền tảng, thành động lực mới để hai nước tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt và nâng quan hệ Việt Nam - Ai Cập lên tầm cao mới./.
Thái Nguyên: Điểm đến của cơ hội, tiềm năng đầu tư và phát triển  (05/10/2017)
Thái Nguyên: Điểm đến của cơ hội, tiềm năng đầu tư và phát triển  (05/10/2017)
Một số chính sách mới của Chính phủ, có hiệu lực từ tháng 10-2017  (05/10/2017)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay