Tự học là cách thích ứng với mọi đổi thay
TCCSĐT - Vừa qua, nổi lên tâm thế hoang mang, xáo trộn của hơn một triệu giáo viên trên cả nước khi có thông tin về chủ trương thí điểm xóa bỏ biên chế. “Cần câu cơm” của biết bao gia đình “giáo khố” đang có nguy cơ lung lay, cũng như hàng vạn em sinh viên và học sinh đang và sẽ vào các trường sư phạm cảm thấy bất an. Nhưng liệu rồi, xôn xao thế phỏng có ích lợi gì khi chúng ta không biết tận dụng thời gian, thời cơ tự bổ sung kiến thức.
Muốn phát triển cần có những cuộc cách mạng, cách mạng về tư tưởng, đạo đức, hành vi và nhất là cách mạng trong nhận thức trên lĩnh vực giáo dục. Bất cứ thời đại nào, trọng người tài là vấn đề sinh tử để tri thức, giống nòi tồn vong. Lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, sao bảo là không hợp lý, nếu như tiến hành nó một cách đúng quy trình, nghiêm túc và thật sự dân chủ, công khai và đặc biệt phải thật sự công bằng.
“Sắp xếp lại nguồn lực giáo dục, không phải vì giảm biên chế hay tiết kiệm tiền”, nghĩa là nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo viên. Nếu nói mới, đây không phải là chủ trương mới mà là chủ trương khác. Không mới vì nâng cao chất lượng giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của một nền giáo dục từ khi nó được ra đời. “Không thầy đố mày làm nên”, vì vậy, thầy không “hồng”, không “chuyên” thì làm sao đất nước ta có bề dày về truyền thống hiếu học.
Nói nó khác vì từ lâu, trong nhận thức của người dân ta: “Nghề giáo viên nghèo nhưng ổn định, chắc chắn”. Với quan niệm yên phận ấy, không ít gia đình định hướng cho con em mình vào sư phạm để rồi thấy hài lòng vì “cái nghề ít đụng chạm” tới ai, đã vào biên chế rồi thì khỏi lo thất nghiệp. Do vậy, chủ trương thí điểm “bỏ biên chế” khởi thảo, đã tác động tới một “thành trì kiên cố” trong nhận thức lâu nay.
“Mới” hay “khác” nằm ở sự nhận thức của người khởi xướng, tâm thế đón nhận của công chúng, nhân dân và nhất là đội ngũ giáo viên. Với những người giáo viên có tài năng, tâm huyết, đam mê với nghề, thì dù bất cứ đâu, môi trường nào, họ vẫn tồn tại được. Và sẽ phát triển hơn khi ở đó thực sự biết trân quý người tài.
Yếu tố cạnh tranh lành mạnh được coi là động lực thúc đẩy sự phát triển dân trí, nhất là khi thầy cô cùng thi đua, trường - trường cùng thi đua. Điều mà chắc hẳn thầy cô nào cũng biết dù không nói ra: một giờ thao giảng chất lượng dạy sẽ khác một giờ dạy bình thường. Bởi ở đó, có sự tham gia đánh giá của nhiều đồng nghiệp... Vì vậy, nhất thiết đòi hỏi người đứng lớp phải đầu tư, tìm hiểu kiến thức hơn những tiết học hằng ngày.
Vấn đề đặt ra, vậy tại sao, thầy cô không chăm chút tiết dạy bình thường như một giờ thao giảng, dự giờ hay thi giáo viên giỏi? Câu trả lời sẽ là: Có! Đã từng có! Đang có! Sẽ có! Nhưng thường xuyên có thì không nhiều.
“Xóa bỏ biên chế” đồng nghĩa chấm hết cho thái độ bàng quan, tâm lý không thích phấn đấu, nâng cao chuyên môn ở một bộ phận giáo viên thỏa mãn với cụm từ “giáo viên chính thức”. Để từ đây họ sẽ phải thi đua, phấn đấu. Xét về góc độ xã hội học, thực sự đây là cuộc đua. Người giỏi, nhiệt huyết sẽ là người đi sâu vào chặng đường phía trước, ai yếu kém sẽ bị đào thải. Người có lợi ích nhất chính là học sinh vì các em được coi là trung tâm của một nền giáo dục.
Tự trang bị cho mình những yếu tố cần sẽ tốt hơn khi chúng ta hoang mang, bất an. Tin tưởng vào một khởi thảo lấy chất lượng dạy thật, học thật hơn là làm ngơ cho một tư duy chạy theo hình thức. Nhưng thiết nghĩ, muốn làm nên làm từ gốc, thay vì đào tạo ồ ạt ở các trường cao đẳng, đại học với đầu vào chỉ 14, 15 điểm (tức là ở ngưỡng học lực trung bình); thay vì xét tuyển mà phải thi tuyển công bằng; thay vì đổi mới chương trình liên tục khiến không chỉ thầy cô mà cả phụ huynh, học sinh như “cá nằm trên thớt”.
Và thay vì chú trọng tới đời sống giáo viên, cho họ thoát khỏi cảnh phải đấu trí giữa “lương tháng” và “lương tâm”. Muốn yêu nghề, dành thời gian nghiên cứu sách vở, nhưng chưa hết tháng đã hết lương, thì làm sao thầy cô thật sự chuyên tâm công tác.
Tiền lương không phải là yếu tố quyết định nhưng nó quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ tới sự chuyên tâm của những người được vinh danh là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Nâng lương ư? Sắp có! Nhưng đáng là bao với sự trượt giá của giá cả thị trường? Khi nào người giáo viên thực sự sống được với nghề, lúc đó không chỉ bộ, ngành mà cả xã hội hãy kỳ vọng ở họ cao hơn.
Tuy nhiên, đã chọn nghề nào thì dù có được vinh danh hay thầm lặng, lương thấp hay cao, vẫn cứ phải làm đúng trọng trách của mình. Chừng nào người thầy còn đứng trên bục giảng thì chừng đó phải không ngừng tu dưỡng bản thân, từ cách ăn mặc đến lời ăn tiếng nói và nhất là kiến thức phải thật sự vững vàng. Bởi đó là cách để tạo dấu ấn trong lòng học sinh và tự khẳng định năng lực thực sự của bản thân mình. Và đó cũng là giải pháp duy nhất để có thể thích ứng với mọi sự đổi thay dù muốn hay không muốn./.
“Sống…” cùng VietinBank  (14/07/2017)
"TPP 12-1" tìm kiếm một khuôn khổ mới để đưa TPP vào hiệu lực  (13/07/2017)
Việt Nam tăng 12 vị trí về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017  (13/07/2017)
Thủ tướng Đức Angela Merkel mong muốn đẩy mạnh quan hệ với Pháp  (13/07/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên