Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024
TCCS - Với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh”, tối ngày 4-11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Hội đồng Thương hiệu quốc gia tổ chức Lễ công bố và trao Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024 cho 190 doanh nghiệp, với 359 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự, chỉ đạo và trao chứng nhận cho các sản phẩm.
Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam…; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương và đại diện 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng sự nỗ lực cũng như đóng góp không ngừng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Chương trình vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam; vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ “Việt Nam” trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng thương hiệu quốc gia.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để “vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh”.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung, cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong; tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như doanh nghiệp cần không ngừng khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh; tận dụng lợi thế uy tín thương hiệu quốc gia, đồng thời kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với thương hiệu quốc gia Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, cấu trúc lại doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu, tạo niềm tin vững chắc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với người tiêu dùng…
Cũng theo Thủ tướng, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; áp dụng công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia để tiên phong và tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục đề xuất, tham mưu kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới nổi…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố, thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển xanh, sáng tạo và hùng mạnh trên bản đồ thế giới, đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố mong muốn, đội ngũ doanh nhân Việt Nam, mà nòng cốt là doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia cần tiếp tục chung sức, đồng lòng, ra sức thi đua hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra…
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ, được triển khai thực hiện từ năm 2003, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có nền sản xuất phát triển, có nhiều hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước, trở thành bệ phóng vững chắc, giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, kiến tạo những giá trị và sức mạnh mới cho đất nước. Thông qua Chương trình, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu - được xem như là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu; từ đó, chú trọng hơn cho xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, việc xét chọn, công nhận và tổ chức lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được thực hiện thường kỳ 2 năm một lần, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị trụ cột của Chương trình; đồng thời, ghi nhận, vinh danh những doanh nghiệp, sản phẩm có uy tín, chất lượng hàng đầu quốc gia.
Quá trình xét chọn được thực hiện chặt chẽ, khách quan, minh bạch theo đúng quy trình, quy định đã được phê duyệt. Sau 9 tháng rà soát, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ của trên 1.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia năm 2024, Hội đồng Thương hiệu quốc gia thống nhất lựa chọn và công nhận 190 doanh nghiệp, với 359 sản phẩm có đủ điều kiện đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Như vậy, so với năm 2022, năm 2024, cả nước có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam. Trong đó, ghi nhận 17 doanh nghiệp có sản phẩm được xét chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 9 kỳ liên tiếp. Trong số các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp, chế biến, chế tạo; chế biến thực phẩm; thương mại và dịch vụ... cao hơn, xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa.
Bên lề sự kiện lễ công bố và trao chứng nhận cho các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng tổ chức trưng bày các sản phẩm được công nhận để các đại biểu tham quan và trải nghiệm./.
Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức UAE  (29/10/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm, hội kiến với lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng năm 2024  (25/10/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng  (25/10/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm