Tác động của thể chế đến các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay
TCCS - Nhận thức được tiềm năng và xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa, thời gian qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực đổi mới thể chế nhằm hỗ trợ, khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa vươn lên thoát khỏi tình trạng manh mún để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên văn hóa thành một ngành kinh tế mạnh, đồng thời không ngừng bồi đắp “sức mạnh mềm” văn hóa góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
1- Thời gian qua, ở các cấp độ khác nhau, hệ thống chính sách trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta đã có nhiều đổi mới theo hướng đề xuất, xây dựng, bổ sung những nguyên tắc, quy định, từng bước hoàn thiện khung chính sách, môi trường thể chế, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, góp phần chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành "sức mạnh mềm" văn hóa.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” khẳng định vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước: “Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế - xã hội, pháp luật, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”(1). Ngày 6-5-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, trong đó khẳng định, công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới. Chiến lược đề xuất giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách và kinh tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thể hiện chủ trương gắn kết phát triển văn hóa và phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta. Nhằm thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục đề ra mục tiêu là xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam, trên cơ sở xác định các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật là loại hàng hóa đặc thù của thị trường hàng hóa - dịch vụ. Một trong 6 nhiệm vụ quan trọng của Nghị quyết là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Đại hội XII (năm 2016) tiếp tục đề ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa: “Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển; đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam; nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội”(2). Trước yêu cầu mới, Đại hội XIII xác định nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”(3).
Đặc biệt, ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Chiến lược khẳng định các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học - công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng; gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Như vậy, có thể khẳng định, chủ trương xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một bước tiến quan trọng trong nhận thức, hành động của Đảng và Nhà nước ta, là kết quả của một quá trình đổi mới tư duy về văn hóa gắn với đổi mới tư duy kinh tế. Trên cơ sở đó, các ngành, các địa phương đã xây dựng các chương trình hành động riêng nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, gia tăng sức sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Cùng với các chủ trương, chính sách trên, hệ thống các văn bản luật đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, như Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Du lịch,… tạo hành lang pháp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống văn hóa của người dân.
Việc đổi mới thể chế đã tạo nên sự thay đổi tích cực trong nhận thức xã hội về công nghiệp văn hóa. Theo kết quả khảo sát năm 2018, tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa được nhiều người biết đến, nhất là truyền hình - phát thanh và điện ảnh (chiếm 85% số người được hỏi)(4), tiếp đến là ngành quảng cáo; kiến trúc; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; thủ công mỹ nghệ; xuất bản; thiết kế; thời trang. Đổi mới thể chế cũng giúp tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Việt Nam hiện đang có hợp tác quốc tế chặt chẽ với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hội đồng Anh, Viện Gớt, các đại sứ quán Đan Mạch, Thụy Điển… Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành công nghiệp văn hóa; gắn kết sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế sáng tạo, kinh tế số trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
2- Những thay đổi tích cực về thể chế, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, khuyến khích sự tham gia của nhiều thành phần sở hữu trong xã hội, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, mang lại những đóng góp nhất định vào tăng trưởng GDP của cả nước. Theo thống kê, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,42% GDP cả nước năm 2019(5). Sự thay đổi này cho thấy, công nghiệp văn hóa Việt Nam đang ngày càng có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước phát huy vai trò là kênh truyền dẫn hiệu quả trong gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam.
Đối với ngành điện ảnh: Thời gian qua, doanh thu của ngành điện ảnh Việt Nam liên tục gia tăng. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, năm 2016, doanh thu khu vực doanh nghiệp điện ảnh đạt 1.073 tỷ đồng; năm 2017 đạt 3.228 tỷ đồng (tương đương khoảng 140 triệu USD). Năm 2018, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.353 tỷ đồng (tương đương khoảng 145 triệu USD). Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thống kê từ hệ thống các rạp lớn trên cả nước cho thấy, tổng doanh thu điện ảnh Việt Nam năm 2019 đạt trên 4.100 tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2018); trong đó các phim điện ảnh Việt Nam chiếm 29% tổng doanh thu ngành điện ảnh, khoảng 1.150 tỷ đồng (tăng trưởng hơn 40% so với mốc 800 tỷ đồng của năm 2018). Năm 2020, đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu của ngành giảm hơn song đã xuất hiện một số phim đạt doanh thu cao, trong đó bộ phim “Bố già” đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử phòng vé với hơn 400 tỷ đồng.
Đối với ngành nghệ thuật biểu diễn: Loại hình nghệ thuật biểu diễn, giải trí như ca - múa - nhạc hiện đại, giao hưởng, ô-pê-ra, ba-lê, kịch hát dân ca,... cũng cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ với nhiều chương trình nghệ thuật mới. Một số sản phẩm, dịch vụ nổi bật đã được hình thành, tạo thương hiệu quốc tế, thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài nước, như “À Ố show”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Ký ức Hội An”, chương trình múa rối “Nhịp điệu quê hương”,... Cùng với sự phát triển về loại hình biểu diễn, doanh thu ngành cũng liên tục gia tăng. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2018, doanh thu ngành này đạt khoảng trên 104 tỷ đồng (doanh thu bán vé), với 2.118 buổi biểu diễn (gần gấp 1,5 lần so với năm trước). Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 42 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu hằng năm có những bước phát triển tương đối ổn định. Các đơn vị nghệ thuật địa phương tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn lưu động ở nhiều địa phương, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đối với ngành quảng cáo: Tốc độ phát triển trong những năm qua khá cao, khoảng 20% - 30%. Năm 2017, ngành quảng cáo có 2.963 doanh nghiệp. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu quảng cáo trên các phương tiện truyền hình là hơn 64 tỷ đồng(6).
Đối với ngành du lịch: Trong những năm gần đây, khách quốc tế đến thăm Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng không chỉ về quy mô du khách, mà còn cả về tốc độ tăng trưởng (đạt mức bình quân 23%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019). Năm 2019, ngành du lịch đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, từ hạng 67/136 lên hạng 63/140. Xếp hạng của du lịch Việt Nam tăng đáng kể so với các nước trong khu vực. Những số liệu này cho thấy, du lịch đã trở thành một ngành công nghiệp văn hóa khai thác, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa.
Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như xuất bản, mỹ thuật, thủ công, mỹ nghệ... cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận. Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2019, doanh thu ngành xuất bản đạt trên 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 230 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2018). Tổng doanh thu hằng năm của ngành mỹ thuật nước ta đạt khoảng 60 triệu USD. Thủ công, mỹ nghệ là ngành nằm trong số 11 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta, góp phần tạo lợi nhuận kinh tế và cơ hội việc làm lớn, giảm chênh lệch kinh tế giữa nông thôn và thành thị, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
3- Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế về nguồn tài nguyên văn hóa để tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo; hoạt động sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa đạt được hiệu quả cao, chưa thu hút được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam có thị trường nội địa rất nhiều tiềm năng. Song thực tế cho thấy, đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa, người Việt vẫn còn tâm lý ưa chuộng “hàng ngoại” hơn “hàng nội”. Một trong những nguyên nhân là các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam còn thiếu sự độc đáo, sáng tạo cũng như chưa thể hiện được đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, các sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao và phong phú của người dân. Khoảng trống này càng tạo điều kiện cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… lấn át thị trường trong nước.
Dù có kết cấu hạ tầng phong phú giàu bản sắc và hơn 140 không gian sáng tạo đa dạng được phân bổ trên toàn quốc, nhưng thực tế vẫn còn một số rào cản thể chế, nhất là cơ chế hợp tác công - tư, do đó việc khai thác, phát huy lợi thế kết cấu hạ tầng và các không gian sáng tạo văn hóa chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp liên ngành trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả. Thời gian qua, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn là một chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia. Nguyên nhân là do năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi luật pháp còn yếu… Năng lực dự báo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Hệ thống quản lý phân tách chưa phát huy hiệu quả sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, điện ảnh, bản quyền tác giả, du lịch văn hóa; Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý công nghệ, khoa học, tài sản trí tuệ; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản; Bộ Xây dựng quản lý kiến trúc; Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý giáo dục và đào tạo liên ngành... Cùng với đó, những rào cản về thể chế cũng làm chậm quá trình đưa văn hóa thành một lĩnh vực đầu tư, mở rộng cửa cho khu vực tư nhân và tạo điều kiện cho giải phóng sức sáng tạo.
Xuất phát từ thực tiễn trên, thời gian tới, nhằm phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, từ góc độ thể chế, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Một là, đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa mới chú trọng nhiều tới sự đầu tư của Chính phủ, mà chưa thực sự chú trọng vấn đề thu hút vốn. Là nước có tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng vốn đầu tư trong lĩnh vực văn hóa lại tương đối eo hẹp và chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, cần đổi mới cơ chế đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, tháo gỡ những “nút thắt”, những “điểm nghẽn” nhằm khơi thông các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính; có cơ chế khuyến khích và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy quá trình điều chỉnh cơ cấu sở hữu và kết cấu ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc “tăng lượng” thu hút vốn trong đầu tư. Việc này đồng thời giải quyết được nguồn vốn tồn đọng của Nhà nước, tối ưu hóa cơ cấu vốn trong các doanh nghiệp văn hóa nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí nhân lực thông qua nguồn vốn văn hóa, giải quyết mối quan hệ hữu cơ giữa hai yếu tố của sản xuất là nguồn vốn và nhân lực trong quá trình phát triển sự nghiệp văn hóa.
Hai là, tăng cường cơ chế hợp tác công - tư trong quá trình đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các đối tượng thụ hưởng khác nhau.
Việt Nam cần có những thay đổi mang tính chiến lược về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tạo môi trường thể chế thuận lợi cho việc hợp tác công - tư dựa trên hiệu quả thị trường; phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vừa có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng trong nước, vừa hướng tới việc thu hút ngày càng mạnh mẽ hơn thị trường du lịch quốc tế; qua đó tăng cường quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế quốc gia.
Ba là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các ngành công nghiệp văn hóa.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, để đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở ứng dụng công nghệ số là yêu cầu được đặt ra hiện nay. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia phát triển đều phát triển các ngành điện ảnh, âm nhạc, trò chơi trực tuyến… dựa trên nền tảng truyền thông số. Sự phát triển của các hệ thống này bảo đảm chất lượng truyền tải, kênh tiếp cận và đánh giá nhu cầu thị trường để có những chiến lược phát triển hiệu quả, mang lại sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp văn hóa trong nước. Vì vậy, việc phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại sẽ giúp phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến các đối tượng khách hàng (công chúng), mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Bốn là, sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đẳng cấp quốc tế, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với thị hiếu, xu hướng tiêu dùng sản phẩm văn hóa mới, hiện đại của thế giới.
Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay đang ngày càng hướng đến việc tạo dựng bản sắc quốc gia trên cơ sở sự gắn kết giữa việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, sáng tạo, đổi mới để thích ứng với một thế giới đa văn hóa. Hiện nay, chúng ta chưa có nhiều sản phẩm văn hóa đẳng cấp quốc tế, có sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu một phần là do chưa có sự đầu tư tương xứng trên cơ sở khai thác, phát huy nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống gắn kết với các giá trị văn hóa của nhân loại và các xu hướng tiêu dùng sản phẩm văn hóa mới, hiện đại của thế giới.
Bên cạnh đó, vấn đề tạo ra không gian sáng tạo, môi trường sáng tạo, bồi dưỡng năng lực sáng tạo cho những tài năng văn hóa cũng rất cần thiết để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay./.
-----------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp quốc gia: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, Mã số KX.01.16/16-20, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 55|
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 120
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 145
(4) Khảo sát của tác giả và nhóm nghiên cứu năm 2017, 2018
(5) Số liệu chưa đầy đủ do nhóm chuyên gia phân tích số liệu VIEAS (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) thực hiện
(6) Số liệu do nhóm chuyên gia phân tích số liệu VIEAS (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) thực hiện
Quan điểm của Đảng về đổi mới sáng tạo qua các kỳ đại hội  (28/11/2021)
Toàn cầu hóa văn hóa và mô hình phát triển văn hóa Việt Nam đương đại  (11/11/2021)
Tổ chức thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Vấn đề và giải pháp  (11/11/2021)
Thành phố Hà Nội: Xây dựng con người văn hóa, văn minh, thanh lịch  (29/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm