Hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý tài sản công là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
TCCS - Hiện nay, việc xử lý tài sản công là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, quy trình để xử lý tài sản công bị tịch thu là tang vật vi phạm hành chính rất phức tạp, có nhiều vướng mắc bởi các quy định pháp luật, do vậy, trong thời gian tới, cần sửa đổi các quy định pháp luật về xử lý tài sản công bị tịch thu là tang vật vi phạm hành chính theo hướng đơn giản hơn, thuận tiện trong thực thi.
1. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 21-6-2017, với 10 chương, 134 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12, ngày 3-6-2008. Luật ban hành tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các hành vi xâm phạm tài sản công; khai thác, sử dụng tài sản công hợp lý, hiệu quả; chuẩn hóa công tác quản lý tài sản công.
Tuy nhiên, quy trình để xử lý tài sản công bị tịch thu là tang vật vi phạm hành chính rất phức tạp: Từ việc xác định thẩm quyền người phê duyệt phương án xử lý, trình tự thủ tục phê duyệt phương án, phải lấy ý kiến trước khi trình người có thẩm quyền phê duyệt… Thực tiễn xử lý tài sản vẫn còn rất nhiều vướng mắc, cụ thể là:
Thứ nhất, việc xử lý tài sản phải thực hiện nhiều thủ tục, trình tự, ảnh hưởng tới việc bảo đảm thời hạn về xử lý tài sản.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền phải xử lý (chuyển cho cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc tổ chức bán đấu giá hoặc tiêu hủy theo quy định). Quá thời hạn này mà không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để thuận lợi cho công tác xử lý tài sản, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 268/QĐ-BTC, ngày 19-2-2019, về việc “Phân cấp thẩm quyền sở hữu toàn dân về tài sản và phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quyết định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, ngày 5-3-2018, của Chính phủ”, theo đó, giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền quyết định hoặc quy định việc phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 42 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng đến thời hạn xử lý tài sản:
Một là, thủ tục lấy ý kiến trước khi phê duyệt. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư số 57/2018/TT-BTC, ngày 5-7-2018, của Bộ Tài chính, về “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, ngày 5-3-2018, của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập sở hữu toàn dân”, đơn vị chủ trì quản lý tài sản lập phương án xử lý “lấy ý kiến của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công thuộc bộ, cơ quan Trung ương”.
Qua rà soát, một mặt, Luật Quản lý tài sản công không yêu cầu phải lấy ý kiến trước khi phê duyệt. Quy định việc lấy ý kiến như trên chưa hợp lý, bởi người có thẩm quyền phê duyệt phương án lại phải lấy ý kiến của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công trước khi phê duyệt (Tổng cục Hải quan lấy ý kiến của Cục Kế hoạch và Tài chính; ủy ban nhân dân tỉnh phải lấy ý kiến của sở tài chính,…). Mặt khác, quy định pháp luật chưa quy định cụ thể thời hạn trả lời đơn vị lấy ý kiến dẫn đến trên thực tế việc chậm, kéo dài thời gian trả lời.
Hai là, các trình tự, thủ tục như đăng tải trên website về tài sản công, thành lập hội đồng định lại giá để xác định giá khởi điểm, thời hạn thực hiện các thủ tục khi bán, gây mất nhiều thời gian dẫn đến không bảo đảm thời hạn xử lý tài sản theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hoặc, trường hợp khi tổ chức bán đấu giá 2 lần không thành thì lựa chọn hình thức bán tài sản khác: Trình tự lại phải thực hiện lại từ đầu để trình người có thẩm quyền ban hành quyết định hủy quyết định xử lý tài sản theo hình thức bán đấu giá, để ra quyết định bán tài sản theo hình thức niêm yết hoặc chỉ định.
Trước khi có Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, thủ tục xử lý tài sản công là tang vật phương tiện, vi phạm hành chính bị tịch thu đơn giản hơn và pháp luật trao thẩm quyền rất rộng cho đơn vị ra quyết định tịch thu và chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình trong việc xử lý tài sản.
Thứ hai, việc xác định giá khởi điểm để bán đấu giá tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu có nhiều vướng mắc.
Theo quy định tại khoản 7 mục II hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 - Quy trình thẩm định giá, ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC, ngày 6-3-2015, của Bộ Tài chính, quy định: “Thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 6 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực”. Như vậy, việc Thông tư số 57/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thời gian có hiệu lực là 60 ngày, dẫn đến làm mất thời gian cho công tác xử lý vì phải thành lập hội đồng, họp hội đồng. Trong khi đó, giá của tài sản chứng thư thẩm định giá mà cơ quan hải quan căn cứ vẫn còn giá trị 4 tháng.
Thứ ba, vướng mắc trong việc xác định giá bán niêm yết đối với tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu.
Thông tư số 57/2018/TT-BTC quy định việc xác định giá bán niêm yết, chỉ định. Tuy nhiên, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26-12-2017, của Chính phủ, về “Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”, lại xác định giá bán niêm yết, chỉ định là giá trị định giá lại. Việc đánh giá lại giá tài sản thực hiện theo quy định về việc xác định giá trị tài sản quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP - tức là phải thành lập hội đồng hoặc thuê tổ chức thẩm định giá. Điều này gây mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc xử lý hàng hóa. Ngoài ra, các quy định pháp luật hiện hành chỉ quy định việc thành lập hội đồng xác định lại giá trong trường hợp bán theo hình thức bán đấu giá mà chưa quy định rõ trong trường hợp nào phải đánh giá lại giá khi bán theo hình thức niêm yết, chỉ định.
Thứ tư, vướng mắc trong việc xử lý tài sản công trong trường hợp bán đấu giá không thành.
Tại khoản 6 Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, quy định: “Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản”. Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, quy định việc xử lý tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành thì tổ chức đấu giá lại trong trường hợp đấu giá lần đầu không thành; hoặc qua 2 lần tổ chức đấu giá không thành thì cơ quan được giao tiếp tục thực hiện đấu giá lại hoặc quyết định bán tài sản theo hình thức xử lý khác theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định tại Nghị định này.
Liên quan đến nội dung này, phát sinh hai vướng mắc: Một là, chưa có quy định về việc giảm giá trong trường hợp đấu giá lại. Hiện nay, việc giảm giá khi bán lại chỉ áp dụng đối với trường hợp bán niêm yết theo khoản 8 Điều 26 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP: “Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này xem xét, quyết định giảm giá bán tài sản để tổ chức bán lại theo nguyên tắc mỗi lần giảm không quá 10% giá niêm yết của lần trước liền kề” mà không quy định việc giảm giá đối với trường hợp đấu giá lại. Do vậy, nếu vẫn giữ nguyên giá khởi điểm cao như ban đầu thì nguy cơ dẫn đến việc đấu giá lại không thành là rất cao.
Do pháp luật không quy định nên cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc có giảm giá tài sản để đấu giá tiếp hay không và thủ tục thực hiện việc giảm giá tài sản công cần thực hiện như thế nào?
Hai là, chưa có hướng dẫn về việc lựa chọn hình thức xử lý tài sản khi đã 2 lần đấu giá không thành. Theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, trường hợp sau 2 lần tổ chức đấu giá không thành, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản tiếp tục trình người có thẩm quyền đã ra quyết định bán tài sản để xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản công để bán theo hình thức xử lý khác theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định tại Nghị định này.
Tuy nhiên, chưa hướng dẫn cụ thể hình thức xử lý khác ở đây là hình thức nào? (bán niêm yết/bán chỉ định), trình tự, thủ tục đối với trường hợp này như thế nào, giá khởi điểm có được giảm hay vẫn giữ nguyên giá cũ?...
2. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chính phủ, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật:
Thứ nhất, đối với Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, của Chính phủ, cần bổ sung quy định cho phép người được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản có quyền xem xét, quyết định giảm giá trong trường hợp đấu giá không thành và theo nguyên tắc mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Đồng thời, sửa đổi khoản 3 Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, của Chính phủ: Đối với trường hợp sau 2 lần tổ chức đấu giá không thành, người giao nhiệm vụ tổ chức bán đấu giá được quyền chuyển sang hình thức bán niêm yết hoặc bán chỉ định.
Thứ hai, đối với Thông tư số 57/2018/TT-BTC, của Bộ Tài chính, cần hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm để chuyển bán đấu giá thực hiện thống nhất theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (giống hình thức bán niêm yết theo hướng dẫn tại công văn số 72/QLCS-VP). Theo đó, giao cho người có nhiệm vụ tổ chức bán tài sản được quyền lựa chọn thuê tổ chức thẩm định giá hoặc thành lập hội đồng.
Thứ ba, đối với Quyết định số 268/QĐ-BTC, của Bộ Tài chính: Cần bỏ bước lấy ý kiến trước khi trình người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản. Bởi trước khi người có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm về phương án xử lý tài sản, cơ quan được giao quản lý tài sản đã phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, xây dựng phương án xử lý đối với từng loại tài sản cụ thể. Việc lấy ý kiến về phương án xử lý tài sản là không cần thiết, làm kéo dài thời gian, phát sinh các chi phí lưu kho bãi, bảo quản tài sản./.
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm