Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
TCCS - Những năm qua, các nhà trường, đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam đạt thành tựu quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những thời cơ, thách thức mới, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quân đội, nhằm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (big data). Cuộc Cách mạng này đã và đang tác động mạnh mẽ, tạo ra sự biến đổi to lớn, toàn diện trong xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế, khoa học và quân sự, quốc phòng. Việt Nam đã chủ động triển khai hàng loạt các chủ trương, biện pháp nhằm tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, “Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52- NQ/TW, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Những chủ trương, chính sách trên là cơ sở cho hoạt động của cả hệ thống chính trị thích ứng với những đòi hỏi mới của thực tiễn.
Trong lĩnh vực quân sự, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động mạnh mẽ, toàn diện, mang đến những bước phát triển cao hơn cùng những thách thức lớn hơn. Nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được đưa vào ứng dụng rộng rãi; tạo ra các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, như vũ khí năng lượng, gen sinh học, rô-bốt tác chiến,... với những tính năng vượt trội, có sự nhảy vọt về chất. Song, sự phát triển các loại vũ khí công nghệ cao với sức hủy diệt lớn, vừa tạo ưu thế tác chiến, vừa gây tâm lý hoang mang, lo sợ, xuất hiện tư tưởng “vũ khí luận”, coi trọng vũ khí và xem nhẹ vai trò của con người trong chiến đấu. Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng làm xuất hiện các hình thái chiến tranh và phương thức tác chiến mới, đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần đặc biệt quan tâm. Từ đó, việc tăng cường các tiềm lực và sức mạnh quân sự đã được các quốc gia đề cao, nhất là năng lực toàn diện của sĩ quan trong quá trình tác chiến với các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại.
Nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã nghiêm túc quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về vấn đề này. Cụ thể, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Kết luận số 16-KL/TW, ngày 7-7-2017, của Bộ Chính trị khóa XII, về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và những năm tiếp theo; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2523/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhất là Quyết định số 737/QĐ-BQP, ngày 13-3-2018, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng; quyết định và kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo.
Trong những năm qua, các nhà trường và cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã đẩy mạnh xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện, từng bước thích ứng và nâng cao năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tích cực triển khai mô hình “Nhà trường thông minh”, đổi mới đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được kiện toàn về cơ cấu, số lượng; nâng cao về phẩm chất, năng lực, nhất là trình độ tin học, ngoại ngữ. Hiện có 98,07% nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các nhà trường quân đội có trình độ đại học, trong đó có 8,9% là tiến sĩ, 40,51% là thạc sĩ; nhiều đồng chí đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, giảng viên giỏi cấp quốc gia và cấp Bộ Quốc phòng(1).
Các đơn vị trong toàn quân cũng tăng cường công tác huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Công tác bồi dưỡng, tập huấn đã tập trung vào việc nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp phân đội nhằm phát huy cao nhất khả năng tác chiến, ứng phó với mọi tình huống, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, “các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 765- NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo. Chỉ đạo tổ chức tốt các cuộc diễn tập, luyện tập ở các cấp và tổ chức bắn kiểm tra các loại vũ khí trang bị, hỏa lực, đặc biệt là các cuộc diễn tập quy mô lớn với nhiều nội dung, phương pháp mới. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện, diễn tập ở các cấp; chỉ đạo các cuộc hội thi, hội thao, nhất là tham gia hội thao quân sự quốc tế đạt thành tích tốt, được đánh giá cao”(2).
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội thời gian qua vẫn còn tồn tại những bất cập. Một số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế về trình độ tin học, ngoại ngữ, năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc xây dựng “Nhà trường thông minh” còn gặp khó khăn về năng lực quản lý, vận hành hệ thống các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Năng lực làm chủ vũ khí trang bị hiện đại và quản lý, chỉ huy bộ đội của một số cán bộ trẻ, cán bộ mới ra trường còn hạn chế. “Chất lượng công tác huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị mới, huấn luyện đêm, huấn luyện ứng phó với an ninh phi truyền thống có nội dung hạn chế; một số nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo ở nhà trường chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị; chất lượng dạy, học ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế; khả năng khai thác, làm chủ và nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí mới, vũ khí công nghệ cao còn nhiều hạn chế, nhất là làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi; chậm cụ thể hóa và triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng”(3).
Một số giải pháp trong thời gian tới
Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quân đội nhằm thích ứng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để tận dụng thời cơ, hạn chế tác động tiêu cực của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các cơ quan, nhà trường và đơn vị trong toàn quân cần tích cực thực hiện các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho toàn quân về mục tiêu, yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội chất lượng cao.
Đây là giải pháp rất quan trọng bởi con người là nhân tố quyết định trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ. Yêu cầu về chất lượng nguồn cán bộ quân sự thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng cao, trong đó, quan trọng nhất là phát huy được tính sáng tạo và khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến của vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự. Quân đội ta sở hữu số lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự tiên tiến, hiện đại, do đó cần xây dựng đội ngũ sĩ quan chất lượng cao mới đủ sức làm chủ và phát huy được sức mạnh của vũ khí, trang bị kỹ thuật trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tác chiến.
Để đáp ứng yêu cầu đó, cần nâng cao nhận thức cho các tổ chức, lực lượng trong nhà trường quân đội về vị trí, vai trò của nhiệm vụ đào tạo cán bộ chất lượng cao. Quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về các chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Chỉ thị số 16/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Các nhà trường quân đội cần quán triệt và thực hiện quan điểm đổi mới trong giáo dục và đào tạo, thực sự coi người học là trung tâm. Tập trung đào tạo, huấn luyện học viên sĩ quan về tin học, ngoại ngữ; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng mở, người thầy đóng vai là “người dẫn dắt”, “huấn luyện viên”. Khác với giáo dục truyền thống, giảng viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người hướng dẫn, bồi dưỡng tư duy, óc sáng tạo, giúp người học tự định hướng học tập. Vai trò của giảng viên thay đổi từ người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện, khơi dậy sự sáng tạo cho người học và xây dựng môi trường học tập thông minh. Vì thế, giảng viên phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng mới để có thể áp dụng “giảng dạy thông minh” (Smart Teaching) trong môi trường giáo dục hiện đại. Trong đó, kỹ năng tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông là quan trọng, tạo sự cộng tác, kết nối hiệu quả, dễ dàng chia sẻ tài nguyên học tập và giảng dạy.
Hai là, nâng cao năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường.
Lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị và nhà trường trong toàn quân là chủ thể trong bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội. Nếu họ có nhận thức tốt, có năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Do đó, cần tăng cường các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ cho đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Khuyến khích tự học mọi lúc, mọi nơi, học ở mọi người. Duy trì nghiêm chế độ tự học ngoại ngữ ở các cơ quan, nhà trường và đơn vị. Đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp phải nêu gương, trở thành tấm gương tự học và sáng tạo; đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng học tập theo đúng tinh thần “Trên nêu gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”. Đưa tiêu chí về trình độ tin học, ngoại ngữ vào đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, xét thăng quân hàm, nâng lương, nâng ngạch, nâng bậc.
Trong công tác cán bộ, lựa chọn những cán bộ trẻ, có năng lực, được đào tạo bài bản, đủ phẩm chất và năng lực để đề bạt, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Chú trọng tiêu chí về trình độ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, khả năng nghiên cứu khoa học, làm chủ phương tiện, trang thiết bị vũ khí kỹ thuật quân sự hiện đại. Qua đó, tạo động lực cho đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy tích cực nâng cao trình độ tiếp cận và làm chủ khoa học - kỹ thuật, thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như những yêu cầu mới trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng hiện nay.
Ba là, gắn chặt huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng với nghiên cứu phát triển khoa học quân sự.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu đào tạo phải gắn với nghiên cứu phát triển khoa học quân sự nhằm tạo nên đội ngũ sĩ quan có trình độ cao, đáp ứng nhiệm vụ trong điều kiện mới. Bởi, một mặt, đặc trưng của cuộc cách mạng này là rút ngắn khoảng cách thời gian giữa nghiên cứu và ứng dụng; mặt khác, sự kết hợp giữa huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng với nghiên cứu phát triển khoa học quân sự giúp cho phát huy tốt nhất năng lực đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung nghiên cứu lý luận nghệ thuật quân sự cần tập trung vào đặc điểm của chiến tranh công nghệ cao; phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân đối phó với các hình thái chiến tranh xâm lược mới; hình thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến. Do đó, cần “đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bổ sung, hoàn thiện tư duy lý luận về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghiên cứu, đề xuất ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại trong giai đoạn mới”(4). Hiện tại, cần chú trọng nghiên cứu lý luận tổ chức, xây dựng lực lượng tác chiến, nhất là về cơ cấu, tổ chức các đơn vị thích ứng với điều kiện đất nước và trang bị vũ khí, phương tiện mới cho các lực lượng này. Tiến hành nghiên cứu làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, tiệm cận trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện, đào tạo theo phương thức đưa ngay các sản phẩm khoa học vào ứng dụng trong thực tiễn huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Quá trình đổi mới giáo dục - đào tạo cần gắn chặt với nghiên cứu khoa học và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của chiến tranh hiện đại, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Gắn chặt sự phối hợp, kết hợp giữa nhà trường với đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Coi trọng thực tiễn quân sự, luân phiên cử cán bộ, giảng viên ở nhà trường và các cơ quan công tác thực tế ở các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Bốn là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo hướng tiếp cận và ứng dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Toàn quân quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, thực hiện “đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với từng đối tượng, cấp học; chú trọng rèn luyện bản lĩnh, phương pháp, tác phong chỉ huy, quản lý đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo cho học viên. Tập trung đầu tư xây dựng một số học viện, nhà trường theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác bảo đảm huấn luyện đáp ứng yêu cầu “Khoa học - Hiệu quả - Kịp thời” phù hợp với tổ chức biên chế, vũ khí trang bị và cách đánh, sát thực tế chiến đấu”(5).
Nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết nối giữa thế giới thật và ảo thông qua phần mềm công nghệ thông tin, kỹ thuật số và kết nối mạng. Do vậy, kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin và kỹ thuật số có vai trò quan trọng đối với các nhà trường quân đội cũng như người học. Các nhà trường quân đội phải tích cực trang bị cho học viên kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng sử dụng phần mềm trên các thiết bị trinh sát, đo đạc hiện đại để nâng cao khả năng quan sát, xác định chính xác mục tiêu, tăng khả năng tiêu diệt địch. Vũ khí hiện đại hầu hết nhập khẩu từ các nước tiên tiến, do đó, cần tập trung đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sĩ quan để nắm chắc tính năng, tác dụng kỹ - chiến thuật của vũ khí, trang thiết bị; làm chủ vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật trong mọi tình huống.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến khái niệm “Học” (Learning) được thay thế bằng “Học tập suốt đời” (Lifelong learning). Do đó, các đơn vị cần thường xuyên tạo điều kiện để cán bộ gặp mặt, trao đổi và thảo luận trau dồi kiến thức, học hỏi các mô hình hay, những sáng kiến tốt. Trong giảng dạy cần tăng cường các nội dung tạo ra tình huống có vấn đề để người học, người được huấn luyện dân chủ tranh luận, mở rộng hiểu biết, lĩnh hội kiến thức khoa học quân sự mới. Coi kiến thức trang bị ở nhà trường là nền tảng, là tiền đề để đội ngũ cán bộ tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng trong hoạt động thực tiễn sau khi tốt nghiệp.
Môi trường sư phạm quân sự rất quan trọng cho quá trình nhận thức nên việc thiết kế và bố trí các không gian huấn luyện quân sự đặc thù giúp người học hình thành phong cách tư duy quân sự. Do đó, không gian học tập cần đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống, thì người học cần trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác trong điều kiện như thật thông qua các phần mềm và hệ thống mạng. Các kịch bản huấn luyện mô phỏng cần linh hoạt, từ các dữ liệu thu thập được trên hệ thống, giảng viên liên tục đưa ra những tình huống huấn luyện sát với thực tế, phù hợp với năng lực của sĩ quan, tính năng của từng vũ khí, trang thiết bị, giúp nâng cao hiệu quả huấn luyện chiến đấu.
Năm là, tích cực huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất huấn luyện.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là yếu tố quan trọng, cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị dạy học, quản lý đào tạo trong các nhà trường quân đội, như: Hệ thống quản lý, điều hành, phần mềm quản lý giáo dục, các trung tâm mô phỏng huấn luyện, đào tạo, hệ thống giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, dữ liệu thông tin, tài liệu... Đây là những cơ sở nền tảng ban đầu để các nhà trường quân đội tiếp cận, ứng dụng triển khai xây dựng mô hình nhà trường thông minh.
Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong tình hình mới, Quân đội cần tiếp tục ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và đổi mới trang thiết bị phục vụ dạy học, nhằm tạo sự đột phá về vấn đề này; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2045. Các nhà trường quân đội cần chủ động khảo sát kỹ, đánh giá đúng thực trạng, xây dựng phương án, dự án, kế hoạch đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đầu tư phải thiết thực, hiệu quả, bảo đảm tính kế thừa, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế hoạch tổng thể của từng trường và các nhà trường trong toàn quân, phù hợp với khả năng kinh phí, tiếp cận công nghệ mới, tránh đầu tư dàn trải kém hiệu quả, thất thoát.
Trước những thay đổi mới của thực tiễn, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học, đổi mới giáo dục - đào tạo sĩ quan và ứng dụng các thành tựu khoa học vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, kịp thời ban hành các nghị quyết nhằm lãnh đạo hệ thống chính trị chủ động tham gia và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, đổi mới tư duy, tiến hành đồng bộ các nội dung, giải pháp nêu trên là phương cách để các nhà trường quân đội tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại”(6), làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước trong tình hình mới./.
----------------------
(1) Bộ Quốc phòng: Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, tr. 8
(2), (3), (4), (5), (6): Quân ủy Trung ương: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo  (28/03/2021)
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay  (14/01/2021)
Hợp tác Vietcombank - FWD: Dịch vụ bancassurance thời đại 4.0  (11/01/2021)
Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử  (09/01/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam